Bầu cử Quốc hội Ukraina: Cuộc đổi thay không như kỳ vọng

Thứ Ba, 04/11/2014, 19:00

Những ai quan tâm đến kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Ukraina hôm 26/10, dù đến nay chỉ là kết quả sơ bộ, đều phải nhìn nhận rằng, nó phản ánh hiện thực phân hóa và chia rẽ tại đất nước này. Cuộc bầu cử này sẽ giải quyết được điều gì và quan hệ giữa Nga với Ukraina sẽ ra sao?

Những sai lầm của ông Poroshenko

Cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ở Ukraina diễn ra ngày 26/10 được dư luận Ukraina và thế giới đặc biệt quan tâm bởi nó diễn ra trong bối cảnh của một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc kéo dài suốt gần một năm qua. Trong bối cảnh nền kinh tế Ukraina sa sút, quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử đã tiêu tốn ngân sách vốn đã eo hẹp của Ukraina số tiền hơn 950 triệu grivna, tương đương 65 triệu USD.

Các lá phiếu bầu được in bằng tiếng Ukraina với công nghệ đặc biệt, các hòm phiếu được sơn bằng thứ sơn đặc biệt... Tất cả chỉ nhằm một mục đích tránh gian lận trong bầu cử và có thể tìm ra một cơ quan lập pháp hợp lòng dân nhất.

Kết quả của cuộc bầu cử này được xem là chỉ dấu tín nhiệm của người dân dành cho Tổng thống Poroshenko và là bước đệm hợp thức hóa quyền lực để ông có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng tương lai mới cho đất nước mình sau thời gian diễn ra cảnh xung đột tương tàn giữa một bên ngả theo phương Tây và bên kia một lòng hướng về Đông, rồi hàng loạt thất bại của quân đội Ukraina trước lực lượng ly khai ở miền Đông.

Được thừa hưởng “di sản” không ai mong muốn là một nền kinh tế kiệt quệ, bộ máy quan liêu trì trệ, tham nhũng tràn lan trong các cấp chính quyền, nếu muốn thực hiện chương trình cải cách sâu rộng, Tổng thống Poroshenko và đảng của ông sẽ phải có được sự ủng hộ trong Quốc hội để đảm bảo các chính sách do ông đưa ra được triển khai thực sự.

Một nửa trong tổng số 450 ghế của Quốc hội Ukraina được bầu theo danh sách các chính đảng và một nửa còn lại sẽ được bầu theo các khu vực. Do sự kiện Crimea tách khỏi Ukraina tái sáp nhập vào Liên bang Nga và giao tranh giữa quân đội chính phủ với lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina vẫn chưa thực sự chấm dứt sau thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ đầu tháng 9, nên thay vì 225 đại biểu được bầu theo danh sách các khu vực có thể sẽ chỉ bầu được 213 đại biểu (10 đại biểu của Crimea và 2 đại biểu của thành phố Sevastopol hiện chưa được bầu).

Nguyên nhân khiến Ukraina phải bầu cử Quốc hội trước thời hạn là do vào cuối tháng 7, liên minh đa số trong Quốc hội ủng hộ chính phủ sụp đổ. Theo quy định của Hiến pháp, nếu trong vòng một tháng mà liên minh mới không được thành lập thì Tổng thống sẽ phải giải tán Quốc hội. Còn nhớ vào ngày 25/8, trong tuyên bố chấm dứt quyền hạn của Quốc hội cũ, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko tự tin cho rằng, có tới "80% người dân ủng hộ bầu cử trước thời hạn".

Nhưng theo kết quả kiểm phiếu, đảng của Tổng thống Petro Poroshenko những ngày đầu kiểm phiếu dù so kè quyết liệt với đảng Mặt trận Dân tộc của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng là sẽ chiếm quá nửa số phiếu bầu. Ủy ban bầu cử Ukraina cho biết, có chưa đến một nửa số quận tại khu vực phía đông tham gia bầu cử do người dân lo ngại các xung đột đầy tính manh động giữa quân đội chính phủ và phe ly khai của Lugansk và Donetsk sẽ không chừa các điểm bỏ phiếu.

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko trong cuộc họp báo tại điểm bỏ phiếu Kiev ngày 26/10.

Bất chấp tuyên bố tẩy chay bầu cử của ban lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, rằng họ sẽ tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử vào ngày 2/11 để chọn các nhà lãnh đạo và Quốc hội của họ, Ủy ban bầu cử Trung ương Ukraina cho biết vẫn tổ chức các điểm bỏ phiếu tại 2/3 trong tổng số 32 huyện ở Donetsk và Lugansk. Trong khi đó, các cử tri mong muốn miền Đông sẽ có quyền tự trị thật sự chỉ có hai lựa chọn, một bên là Đảng Cộng sản đang yếu thế và một bên là phe đối lập - được thành lập một cách vội vàng, quy tụ một nhóm các nhà tài phiệt và chính trị gia từng ủng hộ Tổng thống bị phế truất Yanukovych.

Trước thềm cuộc bầu cử, Tổng thống Poroshenko đã lên tiếng khẳng định: "Bất cứ cuộc bầu cử nào do lực lượng đối lập tiến hành không tuân theo hiến pháp Ukraina, không có quan sát viên, vi phạm quyền bầu cử của công dân Ukraina đều không được Ukraina và toàn thế giới công nhận".

Tổng thống Poroshenko phát biểu rằng, kết quả bầu cử cho thấy cử tri Ukraina hoàn toàn ủng hộ đường hướng hội nhập châu Âu cũng như tán thành các giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền Đông nước này. Ông cũng cho biết, đảng của ông đã bắt đầu đàm phán xây dựng một liên minh mới trong Quốc hội từ ngày 27/10. Dù liên minh cầm quyền trong tương lai gồm những đảng phái nào thì chính phủ mới ở Ukraina cũng sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Trước tiên, Kiev cần đàm phán với Moskva và tìm nguồn tài chính nhằm để được tiếp tục mua nguồn khí đốt cho mùa đông, vực nền kinh tế đã kiệt quệ khỏi chìm sâu vào suy thoái và điều quan trọng là chấm dứt cuộc xung đột triền miên tại khu vực miền Đông. Điều quan trọng nhất với Ukraina vào thời điểm hiện nay là hòa bình và hòa hợp để vượt qua khó khăn. Liệu cuộc bầu cử Quốc hội lần này có thể tạo ra bước đột phá quan trọng, giúp xoay chuyển tình hình Ukraina vốn đang chìm sâu trong khủng hoảng hay không? Với thực trạng kinh tế suy kiệt, mâu thuẫn phe phái và xã hội sâu sắc hiện nay ở Ukraina, có thể thấy rõ một cuộc bầu cử là hoàn toàn chưa đủ để giúp Ukraina giải quyết các vấn đề của mình.

Điều bất ngờ lớn nhất trong cuộc bầu cử này là việc Khối Poroshenko của Tổng thống Poroshenko đã không về nhất như dự báo ban đầu. Theo kết quả kiểm hơn 70% số phiếu, đảng này chỉ giành được 21,63% phiếu bầu, đứng sau đảng Mặt trận Dân tộc của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk với 21,69% số phiếu.

Tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước đó đều dự báo đảng của ông Poroshenko sẽ về nhất với 30% phiếu bầu. Nếu đây là kết quả chung cuộc thì rõ ràng mọi kỳ vọng ban đầu của ông Poroshenko vào cuộc bầu cử này đã tiêu tan. Khi tiến hành giải tán Quốc hội để tiến hành một cuộc bầu cử trước thời hạn, ông Poroshenko hy vọng sẽ giành chiến thắng áp đảo để từ đó nắm quyền điều hành tuyệt đối cả về hành pháp lẫn lập pháp. Trước đây, mọi chính sách của ông Poroshenko trên tư cách tổng thống đều bị Quốc hội bác bỏ hoặc làm khó, khiến công tác điều hành đất nước của ông rất khó khăn.

Việc Khối Poroshenko chỉ về nhì sẽ khiến đảng này mất quyền đứng ra thành lập liên minh mà thay vào đó là đảng Mặt trận Dân tộc của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk. Điều này có nghĩa là ông Arseny Yatsenyuk sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng.

Theo các nhà phân tích, kết quả trên cho thấy các cử tri không muốn vai trò độc quyền của Tổng thống Poroshenko. Người dân Ukraina mong muốn các vấn đề chính trị được quyết định tại Quốc hội chứ không phải ở dinh Tổng thống. Họ bỏ phiếu cho cặp đôi Poroshenko-Arseny Yatsenyuk. Như thế, về hình thức, ông Poroshenko đã thắng, nhưng trên thực tế, ông đã thua trong vụ đặt cược vào việc giải tán Quốc hội để bầu cử lại.

Cử tri Ukraina cũng trừng phạt đảng Batkivchitchina của cựu Thủ tướng Yulia Tymoschenko, vốn là biểu tượng của cuộc “Cách mạng cam”. Với việc chỉ thu được có 5,8% số phiếu, đây là sự chấm hết của thời kỳ cá nhân hóa chính trị tại Ukraina, một tín hiệu báo động về việc đảng của bà Tymoschenko lạc lõng với thời cuộc.

Nếu như trước khi diễn ra bầu cử, ai cũng nghĩ là đảng Khối Đối lập của các đồng minh cựu Tổng thống Yanukovych sẽ không đạt được 5% số phiếu, mức tối thiểu để một đảng có đại diện trong Quốc hội. Các phân tích trước đó đều chỉ ra rằng cuộc bầu cử Quốc hội lần này sẽ chính thức khép lại thời kỳ Yanukovych. Trước thời điểm xảy ra cuộc đảo chính tại Ukraina, đảng Các Vùng của Yanukovych chiếm đa số tại Quốc hội.

Người dân Ukraina tại một điểm bỏ phiếu được bảo vệ nghiêm ngặt.

Hồi tháng 2/2014, Yanukovych bị phế truất, bỏ chạy sang Nga, một số dân biểu của đảng này cũng tháo chạy hoặc chuyển sang phe thân phương Tây. Đảng Các Vùng tan rã và phân chia thành hai khối: Ukraina vững mạnh và Khối Đối lập. Đa số cử tri ủng hộ đảng Các Vùng trước đây là ở phía đông Ukraina, tập trung tại Crimea hoặc tại các vùng Donetsk, Lugansk mà khoảng một nửa cư dân hiện nay nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai. Họ đã không tham gia cuộc bầu cử hôm 26/10.

Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra khi Khối Đối lập về thứ tư với tỉ lệ phiếu bầu là 7,6%. Điều này cho thấy ước nguyện của người dân Ukraina không giống như những gì truyền thông phương Tây tuyên truyền về tình hình Ukraina.

Viễn cảnh quan hệ Nga – Ukraina sau bầu cử

Với 70% số đại biểu trong Quốc hội mới có xu hướng thân châu Âu, thử hỏi các chính sách của Ukraina với Nga sắp tới sẽ thế nào? Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử cho thấy, tương quan lực lượng trong Quốc hội mới bao gồm nhiều gương mặt trẻ, mới hơn. Lực lượng này chắc chắn sẽ cương quyết hơn trong việc lựa chọn đường hướng thân phương Tây, rời xa Nga.

Như thế, Ukraina sẽ ngày càng bị tách khỏi Nga về mặt kinh tế, mặc dù kinh tế của Ukraina hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào việc hợp tác làm ăn với Nga, trong khi trình độ phát triển của nước này còn chưa đủ để hội nhập châu Âu.

Điều bất ngờ lớn nhất trong cuộc bầu cử là việc đảng Samopomitch (Tự cứu) về thứ ba. Đảng này do ông Andrei Sadovei, Thị trưởng thành phố Lviv, lập ra. Đây là thành trì của phe dân tộc chủ nghĩa ở phía tây Ukraina. Giới quan sát nhấn mạnh: Cả hai chính đảng, Mặt trận Dân tộc của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk và đảng Samopomitch, đều chủ trương có đường lối cứng rắn với Nga và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina.

Trong danh sách ứng viên của đảng Mặt trận Dân tộc, có nữ nhà báo Tetiana Tchornovol, nổi tiếng với các bài viết chống tham nhũng dưới thời cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Hay ông Andrei Teterouk, người đã tham chiến ở miền Đông và tuyên bố sẵn sàng cầm súng quay lại mặt trận, “để tái lập trật tự”.

Nếu như Tổng thống Petro Poroshenko tìm cách đàm phán với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin về một kế hoạch hòa bình cho miền Đông Ukraina, thì Thủ tướng Yatsenyuk lại có lập trường được coi là diều hâu, ủng hộ trừng phạt kinh tế Nga và kêu gọi xây dựng một “bức tường” ở biên giới phía đông, để ngăn chặn ảnh hưởng của Nga.

Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia Nga phụ trách các vấn đề quốc tế Alexei Pushkov không chờ đợi sự thay đổi tính chất của mối quan hệ với Liên bang Nga từ cuộc bầu cử Quốc hội Ukraina hôm 26/10 và cho rằng những thay đổi có thể xảy ra trong lập trường của Kiev sẽ chỉ mang tính miễn cưỡng.

Tuyên bố hôm 27/10 với Hãng thông tấn Itar-Tass, ông Alexei Pushkov giải thích rằng, tính bất đắc dĩ có thể là do nguyên nhân, thí dụ như áp lực từ phía Liên minh châu Âu với Kiev về thỏa thuận khí đốt, về đảm bảo vận chuyển quá cảnh không gián đoạn. Theo ông Pushkov: “Chính phủ mà trên thực tế sẽ ở lại nắm quyền hiện nay không có nguồn lực dự trữ cho sự thay đổi trong nước, không có tiền”.

Ngoài ra, Ukraina “có những quan hệ cực kỳ phức tạp với Liên bang Nga, đất nước đáng ra có thể là nguồn cung cấp, nếu như không phải là hỗ trợ tài chính thì dù gì chăng nữa, cũng là nguồn hợp tác kinh tế - thương mại có lợi cho Ukraina”- ông bình luận.

Nhiều người dân Ukraina đang hoài nghi về những thay đổi mà cuộc bầu cử này mang lại. Một người dân Kiev nói: "Có thể có những xáo trộn trên chính trường, nhưng chắc chắn là mọi thứ vẫn như cũ”.

Cuộc khủng hoảng trầm trọng về chính trị, kinh tế đã để lại hậu quả là một Ukraina chia rẽ, nội chiến chưa chấm dứt ở các tỉnh miền Đông. Và việc người dân miền Đông không tham gia cuộc bầu cử này là một thất bại của chính quyền Kiev. Dù liên minh cầm quyền trong tương lai gồm những đảng phái nào thì chính phủ mới ở Ukraina cũng sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Với Ukraina hiện nay, điều tối quan trọng không phải là cuộc bầu cử, mà là mối quan hệ của vùng Donbass với Kiev, tức cuộc nội chiến giữa chính quyền Kiev với các tỉnh miền Đông và lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng khí đốt với Nga khi mùa đông lạnh lẽo đang đến rất gần

Sĩ - Thạch (tổng hợp)
.
.