Colombia: Vẫn chưa có hòa bình

Thứ Tư, 30/03/2016, 14:30
Việc ký kết một hiệp ước hòa bình toàn diện giữa Chính phủ Colombia với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC, dự kiến diễn ra vào ngày 23-3 vừa qua đã không thể thực hiện được bởi hai bên vẫn còn khá nhiều khác biệt chưa giải quyết xong, phải tiếp tục đàm phán.

Hội nghị thỏa thuận hòa bình, chấm dứt nội chiến Colombia diễn ra vào ngày 23-3 tại La Habana, Cuba, đã phải chậm đi vài giờ so với dự kiến. Tại Hội nghị La Habana, lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp gỡ các nhà đàm phán hòa bình Colombia, đặc biệt là lãnh đạo FARC, khi ông tháp tùng Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm chính thức Cuba trùng dịp với hội nghị. Cuộc gặp gỡ là biểu hiện cho sự quan tâm của Mỹ đối với tiến trình đàm phán và việc ký kết hiệp ước hòa bình toàn diện giữa Chính phủ Colombia và FARC.

Tuy nhiên, cuộc gặp của Ngoại trưởng Kerry dường như không có tác động gì đến nội dung cũng như kết quả của hội nghị. Hiệp ước hòa bình cuối cùng đã không thể đạt được, Chính phủ Colombia và FARC đã không thể đồng ý với nhau về bản tuyên bố chung và lộ trình đi đến hòa bình chung. Thay vào đó là mỗi bên đàm phán đưa ra thông cáo báo chí riêng.

Trong thông cáo báo chí của mình, FARC tuyên bố vẫn đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận tốt nhất, để đạt được hòa bình ngay trong năm 2016, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm. Tiến trình tái đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 4-4 tới.

Các thành viên phái đoàn đàm phán FARC tham gia dự khán trận đấu bóng chày giữa đội Tampa Bay Rays của Mỹ và đội tuyển quốc gia Cuba nhân chuyến thăm chính thức Cuba của Tổng thống Barack Obama.

Xung quanh hội nghị bất thành ngày 23-3 tại La Habana, ngay từ khi hội nghị chưa diễn ra đã có dư luận râm ran về khả năng không thể đạt được thỏa ước hòa bình vì một số bất đồng còn tồn tại giữa hai bên. Thứ nhất, FARC và Chính phủ Colombia còn bất đồng về địa điểm lập các “khu an toàn” để FARC thực hiện việc giải giáp vũ khí sau khi có lệnh ngừng bắn. Thứ hai, FARC lo ngại về an ninh cho các thành viên tổ chức này sau khi giải giáp vũ khí và trong giai đoạn chuyển tiếp sang hoạt động chính trị.

Lãnh đạo đàm phán của FARC Pablo Catatumbo cho rằng, Chính phủ cần giải quyết tốt vấn đề an ninh. Ông đưa ra dẫn chứng còn nhiều nhóm phiến quân vũ trang khác thời gian gần đây đã gây ra nhiều vụ giết chóc ở Colombia, và chính các nhóm này sẽ trở thành mối đe dọa nguy hiểm một khi FARC giải giáp vũ khí.

Mối lo ngại của FARC là hoàn toàn có cơ sở. Trong quá khứ, các cuộc đàm phán bất thành cũng xuất phát từ việc Chính phủ Colombia không thể bảo đảm an toàn cho thành viên FARC sau khi họ giải giáp hoàn toàn theo thỏa thuận. Thỏa thuận hòa bình năm 1985 thất bại chính là vì lý do này. Sau khi FARC nghiêm túc thực hiện điều khoản thỏa thuận, thành lập đảng chính trị và tham gia chính trường hợp pháp, thì hàng ngàn thành viên của tổ chức này đã bị ám sát bởi các nhóm phiến loạn vũ trang, trong đó đặc biệt nguy hiểm là tổ chức dân quân AUC khét tiếng tàn bạo.

Chính phủ Colombia khi đó đã không những không thể đảm bảo an toàn cho các thành viên FARC, mà ngược lại an ninh Colombia còn câu móc, lợi dụng AUC và các nhóm phiến quân khác tấn công nhằm tiêu diệt FARC hoàn toàn.

Trong tiến trình đàm phán lần này, FARC đã phải chấp nhận nhượng bộ rất nhiều với mong muốn chuyển sang hoạt động chính trị để tiếp tục cuộc cách mạng còn dở dang của mình, trong đó nhượng bộ lớn nhất chính là chấp nhận giải giáp vũ khí. Việc đảm bảo an toàn cho các thành viên FARC không những là điều kiện thỏa thuận, mà đó còn là một việc cần phải làm của Chính phủ Colombia.

Vì thế, nếu Chính phủ Colombia không thể giải tỏa điều quan ngại về an ninh của FARC và không đáp ứng được địa điểm tốt nhất để tổ chức này giao nộp vũ khí, thì Bogota sẽ phải chịu trách nhiệm nếu đàm phán hòa bình, chấm dứt nội chiến với FARC lại thất bại.

A.C. (tổng hợp)
.
.