Công nghệ chính trị Mỹ và cuộc làm ăn béo bở ở châu Âu

Thứ Năm, 28/01/2016, 11:35
Các hãng công nghệ chính trị Mỹ tìm được thị trường béo bở ở châu Âu nhờ tung ra mô hình vận động chính trị kiểu Obama ở các thành phố lớn như London, Paris và Berlin. Tuy nhiên, một tranh chấp xung quanh vấn đề quyền riêng tư cá nhân giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang đe dọa làm hỏng “miếng bánh” ngon này.


Vụ tranh chấp bắt đầu vào tháng 10-2015, khi Tòa án Công lý châu Âu tuyên hủy một thỏa thuận lâu nay giữa hai bờ Đại Tây Dương nhằm tạo cơ chế an toàn cho các hãng công nghệ chính trị Mỹ khi làm ăn ở châu Âu, hay hiểu một cách nôm na đó là cơ chế “nơi trú ẩn an toàn” cho các hãng công nghệ, nhằm giúp các hãng công nghệ Mỹ lách tránh các quy định luật pháp khắt khe của châu Âu về bảo vệ dữ liệu riêng tư của cá nhân.

Tòa án ra thời hạn chót là ngày 31-1-2016, Washington và Brussels sẽ phải hoàn tất việc đàm phán một thỏa thuận “nơi trú ẩn an toàn” mới để thay thế cái cũ sẽ hết hiệu lực vào ngày đó. Các hãng công nghệ Mỹ đang rất lo lắng vì mối làm ăn béo bở của họ có thể bị ảnh hưởng.

“Thật là rối” – Jim Gilliam, Tổng Giám đốc của NationBuilder, một nhóm chuyên về tổ chức các sự kiện chính trị trên mạng Internet, nhận xét. Ông Gilliam cho rằng tình hình hiện tại đang khiến cho NationBuilder gặp khó khăn khi ký hợp đồng với khách hàng mới.

Chủ tịch Công đảng Anh Ed Miliband đang sử dụng công nghệ chính trị Mỹ chuẩn bị cho cuộc vận động bầu cử sắp tới.

Kể từ năm 2000, cơ chế “nơi trú ẩn an toàn” đã trở thành lá bùa hộ mệnh để các công ty Mỹ đối phó với các quy định bảo vệ quyền riêng tư của EU. Theo thảo thuận này thì các công ty cam kết tuân thủ một loạt nguyên tắc trong việc xử lý thông tin cá nhân, và đổi lại các công ty không cần phải lo vấn đề các quy định pháp luật chồng chéo của từng quốc gia thành viên EU về vấn đề quyền riêng tư.

Đó là một cơ chế quan trọng đối với các hãng công nghệ chính trị Mỹ chuyên phân tích mọi thứ, từ các thói quen trên mạng xã hội cho đến lịch sử bầu cử của cá nhân, khi các công ty này mang sản phẩm có nguồn gốc dữ liệu cá nhân của mình đến bán cho các ứng cử viên và các đảng chính trị.

Điển hình cho loại hoạt động này ở châu Âu là Hãng NationBuilder. Hãng này ra đời cách đây 5 năm, hiện đang hoạt động tại Anh, cung cấp phần mềm cho đảng Dân chủ Tự do (LibDem), Độc lập (UKIP) và cả đảng Dân tộc Scotland. Ở Pháp, hãng này cũng từng có các khách hàng như cựu Thủ tướng Alain Juppé và 2 ứng cử viên tiềm năng tranh cử tổng thống Pháp đang chuẩn bị tung chiến dịch.

Công ty Blue State Digital ra đời từ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của ông Howard Dean năm 2004, đã gây tiếng vang với việc cung cấp chiến dịch vận động lần đầu tiên trên mạng Internet cho ông Barack Obama trong chiến dịch đầu tiên năm 2008. Hiện nay, công ty này đang cung cấp chiến dịch vận động trên mạng Internet cho Công đảng Anh. Ngoài ra, công ty này cũng đang làm việc với Tổng thống Pháp Francois Hollande, cũng như đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển.

Sở dĩ các hãng công nghệ chính trị Mỹ dễ dàng kiếm ăn ở châu Âu là vì người châu Âu có thói quen xem các công cụ chính trị Mỹ đã được mài sắc trong các chiến dịch tranh cử lâu đời và ngập trong tiền bạc của Mỹ, đặc biệt là các chiến dịch tranh cử của ông Obama vừa qua – nhận xét của ông Ben Rattray, Tổng giám đốc Công ty Change.org chuyên cung cấp dịch vụ vận động trên mạng Internet tại nhiều nước châu Âu. Châu Âu nhìn Mỹ như một chỉ dẫn về công nghệ chính trị, và họ muốn sử dụng những gì mà người Mỹ đã sử dụng trong các chiến dịch.

Vụ việc hiện nay phản ánh một quy mô rộng lớn các tranh chấp về dữ liệu cá nhân giữa Mỹ và EU. Không chỉ các công ty phổ biến như Google và Facebook bị ảnh hưởng, mà hàng loạt công ty công nghệ khác có quản lý dữ liệu cá nhân ở châu Âu cũng lâm vào cảnh tương tự, đặc biệt là các công ty chuyên về theo dõi và phân tích các quan điểm chính trị, chính kiến của cá nhân.

Bên trong văn phòng công ty Blue State Digital.

Phán quyết nói trên của Tòa án Công lý châu Âu xuất phát từ đơn kiện của Max Schrme, một nhà hoạt động vì quyền riêng tư người Áo, đối với việc trang mạng xã hội Facebook đã chuyển dữ liệu cá nhân từ châu Âu cho các cơ quan tình báo Mỹ gây phẫn nộ ở châu Âu trong mấy năm qua sau khi Edward Snowden tiết lộ các tài liệu mật về hoạt động nghe lén của NSA.

Nếu Mỹ và EU không đạt được thỏa thuận mới theo đúng kỳ hạn Tòa án đưa ra, thì các công ty công nghệ chính trị Mỹ sẽ phải tự “bơi” trong rừng pháp luật, quy định về quyền riêng tư vô cùng phức tạp của châu Âu. Một tương lai đầy khó khăn đang chờ trước mắt. Công ty Blue State Digital cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình huống xấu này bằng cách cắt cử một nhóm khoảng 10 nhân viên trực tiếp xử lý tình huống khó khăn phát sinh.

Công ty đang cân nhắc các lựa chọn cả về pháp lý lẫn kỹ thuật, từ việc đưa ngôn ngữ được châu Âu chấp thuận vào các hợp đồng kinh tế cho đến việc tính toán chi phí của việc chuyển các văn bản, dữ liệu hoạt động từ Mỹ vào các máy chủ đặt tại châu Âu. Còn công ty NationBuilder thì cho biết trong suốt 3 tháng vừa qua, lực lượng cố vấn pháp luật của công ty đã “vắt óc” để vạch ra phương án duy trì hoạt động tại châu Âu sao cho thuận tiện nhất trong khi vẫn tiếp tục chờ đợi sự thỏa thuận của Washington và Brussels.

Hiện tại, hai bờ Đại Tây Dương đang cùng nhau xử lý một số vấn đề cơ bản. Đó là cách thức làm sao để các dữ liệu cá nhân có thể được truyền qua lại hai bờ Đại Tây Dương mà không bị xem là phạm pháp. Giữa Mỹ và châu Âu vẫn còn khác biệt trong cách hiểu về bảo vệ dữ liệu cá nhân và mức độ phóng khoáng trong hoạt động Internet. Đối với các công ty công nghệ chính trị Mỹ, đây là mối làm ăn quá béo bở cho nên bất kỳ sự bất cập nào giữa hai bên cũng đều cần phải giải quyết mau chóng.

An Châu (tổng hợp)
.
.