Cuộc họp cấp cao về Ukraina: Cơ hội chấm dứt đối đầu?

Thứ Tư, 21/01/2015, 14:45
Một cuộc họp cấp cao về hòa bình Ukraina giữa lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Nga và Ukraina dự kiến diễn ra tại Kazakhstan vào ngày 15/1/2015 đang mở ra một cơ hội tốt để các bên tìm kiếm một thỏa hiệp để chấm dứt đối đầu và thiết lập hòa bình lâu dài cho Ukraina. Kết quả thực tế còn tùy thuộc vào các bên có tận dụng được cơ hội này hay không.

Thông báo về cuộc họp ở Kazakhstan được dư luận đón nhận với thái độ khá thờ ơ do thế giới ngay đầu năm mới 2015 đã bị bao trùm bởi 2 sự kiện nóng là vụ tai nạn máy bay QZ8501 của Hãng AirAsia (Indonesia) và loạt tấn công khủng bố nhắm vào nước Pháp: vụ xả súng giết chết 12 người tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, vụ phục kích bắn chết cảnh sát và vụ bắt cóc con tin trong tiệm tạp hóa của người Do Thái ở Paris, và đặc biệt là cuộc tuần hành lịch sử tại nước Pháp và nhiều nơi trên thế giới chống khủng bố. Nhưng trên bàn cờ địa chính trị thế giới người ta vẫn quan tâm đến các động thái của châu Âu, Nga, và các bên liên quan trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraina.

Từ trái sang: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp tháng 6/2014.

Cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ Ukraina và phe ly khai ở miền Đông đã được duy trì tốt từ trung tuần tháng 12/2014 đến nay. Cuộc họp được đề xuất nhằm tạo cơ hội cho các bên tiếp tục thương thảo và đi đến các thỏa thuận lâu dài hơn. Hy vọng đã được thắp lên sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande, trong một phát biểu trước báo chí hôm 5/1, đã kêu gọi phương Tây chấm dứt cấm vận Nga. Ông Hollande yêu cầu các nước châu Âu và đồng minh không nên tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt, thay vì thế hãy nới lỏng các trừng phát đó nếu muốn có được tiến triển trong vấn đề Ukraina.

Tuy nhiên, giới bình luận đưa ra một số phân tích để lập luận rằng cuộc họp cấp cao tại Kazakhstan khó lòng đạt được kết quả mong muốn, thậm chí cho đến giờ này chưa biết cuộc họp có thật sự diễn ra hay không.

Yếu tố thứ nhất tác động đến cuộc họp là bạo lực tại miền Đông Ukraina đột nhiên tái diễn và leo thang trong những ngày gần đây. Theo các báo cáo, điểm mới trong cuộc xung đột bạo lực ở miền Đông Ukraina là không chỉ xảy ra giữa quân chính phủ với quân ly khai mà còn giữa các nhóm quân ly khai với nhau. Kết quả là đã có 2 binh sĩ Ukraina tử vong, 20 binh sĩ khác bị thương trong vụ đụng độ hôm 10-1, phía dân thường vùng Luhansk cũng có 1 người chết, còn quân ly khai thì chỉ huy Tiểu đoàn Batman bị phục kích giết chết.

Ukraina và Nga đang đổ lỗi cho nhau về việc gây ra các bất ổn ở miền Đông Ukraina. Kiev tố cáo Nga lợi dụng thỏa thuận ngừng bắn để củng cố lại lực lượng cho phe ly khai. Trước mắt, Chính phủ Ukraina đang triển khai kế hoạch ghi danh khoảng 200.000 thanh niên trẻ để gọi nhập ngũ trong năm 2015, trong đó đa số là để luân phiên cho số binh sĩ đang phục vụ tại miền Đông. Còn Moskva thì chưa có động tĩnh gì. Hôm 8/1/2015, một phóng viên của tờ The Guardian đã bắt gặp Igor Strelkov, một trong những lãnh đạo khét tiếng của quân ly khai, tại một buổi hòa nhạc ở ngoại ô Moskva, Nga. Tờ báo này cho biết, Strelkov đã bị Moskva ép phải rời khỏi miền Đông Ukraina do có hành động gây tranh cãi.

Xe tăng quân đội Ukraina luôn sẵn sàng chiến đấu dù có thỏa thuận ngừng bắn.

Những cam kết, thỏa thuận tại Hội nghị Minsk mà phía Ukraina la toáng lên trong tuần qua thật ra là những điều kiện mà phương Tây cố ép Nga chấp nhận nhưng Điện Kremlin không đồng ý. Trong chuyến thăm Berlin tuần trước, Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatseniuk đã "báo cáo" với Thủ tướng Đức Angela Merkel 3 vấn đề buộc Moskva cam kết trong cuộc họp tại Minsk vừa qua là để cho Ukraina kiểm soát đường biên giới 2 nước, ngừng cung cấp vũ khí cho phe ly khai và rút quân đội và gián điệp. Nga bác bỏ các luận điệu của Kiev và cho rằng, chính Ukraina đã không thực thi các cam kết Minsk.

Thực tế cho thấy rất khó để nói ai không thực thi các thỏa thuận Minsk để có hòa bình cho Ukraina. Nhiều người ở Ukraina vẫn muốn "đánh nhau"; ngay chính Thủ tướng Yatseniuk khi nói chuyện với Thủ tướng Đức Merkel cũng không thật sự hướng đến cách giải quyết "hoà bình" như đã cam kết; chưa kể Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko còn "hăng máu" hơn, dùng cả súng bắn chỉ thiên để kích động tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel, sau cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống Nga Putin hôm 11/1, đã tuyên bố bà "không sẵn sàng đi Kazakhstan" để dự cuộc họp dự kiến vào ngày 15/1.

Tổng thống Pháp Hollande đã nhắc lại điều mà lâu nay Moskva và dư luận chung thế giới đã khẳng định, rằng nước Nga và Tổng thống Putin không có ý định thôn tính miền Đông Ukraina, cho dù phe ly khai tại đây rất muốn Nga làm điều đó.

Điều Nga thật sự muốn là Ukraina không gia nhập NATO, là Nga vẫn duy trì không gian ảnh hưởng trong khu vực giáp ranh NATO, không muốn có quân đội và khí tài quân sự "bày binh bố trận" ngay sát đường biên giới, đe dọa các lợi ích an ninh của mình. Mong muốn đó chính là sự cân bằng về địa chính trị giữa Đông và Tây tại khu vực nhạy cảm trong đó Ukraina nằm kẹp giữa hai phía. Bất kỳ hành động nào của Ukraina nghiêng về "phía Tây" đều dễ dàng gây ra xung đột, bất ổn cho khu vực.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.