Đức: Tương lai nào cho bà Merkel?

Thứ Năm, 23/11/2017, 20:32
Ý định lập liên minh ba đảng để thành lập chính phủ đa số đã không thành hiện thực sau khi đàm phán thất bại do đối tác quan trọng nhất của đảng CDU/CSU là đảng Dân chủ Tự do (FDP) đột ngột rút khỏi bàn đàm phán. Sự đổ vỡ này khiến cho tương lai nhiệm kỳ thứ tư của Thủ tướng Angela Merkel trở nên bấp bênh, thậm chí có nhà phân tích đưa ra kịch bản xấu nhất là tổ chức bầu cử lại.

Như kế hoạch đã định, ngày 20-11, Thủ tướng Merkel đã đến tham vấn Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier để chính thức thông báo rằng đàm phán thành lập liên minh cầm quyền đã thất bại. Mục đích của việc tham vấn này là để Tổng thống Steinmeier quyết định các bước đi kế tiếp theo hiến định để giải quyết tình hình chính trị bế tắc hiện nay.

Phát biểu với báo chí về việc này, bà Merkel cho rằng bà tôn trọng quyết định rút khỏi đàm phán của lãnh đạo FDP, nhưng cho rằng đây là một sự việc “đáng tiếc”, vì cho đến trước nửa đêm 19-11, ngay trước khi FDP tuyên bố rút khỏi đàm phán, các đảng phái tham gia đàm phán đã gần đạt được thỏa thuận chung. Bà Merkel để ngỏ khả năng các đảng phái có thể quay trở lại bàn đàm phán để tìm phương án nỗ lực vượt qua bất đồng để có sự thỏa hiệp chung. Tuy nhiên, ngay sau khi rút khỏi bàn đàm phán, lãnh đạo FDP Christian Lindner cho rằng “không có cơ sở tin tưởng” đối với cả CDU/CSU và Greens, vì thế khả năng tái đàm phán rất thấp. Tại sao lại có chuyện như vậy?

Tương lai chính trị của Thủ tướng Đức Angela Merkel bỗng trở nên bấp bênh sau khi đàm phán liên minh đổ vỡ.

Có vẻ như những vấn đề khúc mắc vốn đã được dự báo trước giữa FDP (đảng thân doanh nghiệp) với đảng Greens (bảo vệ môi trường) giờ đây đang trở nên khó giải quyết cho dù bà Merkel và đảng CDU/CSU của bà có nỗ lực đến đâu. Trong suốt một tháng đàm phán, bà Merkel luôn rơi vào thế bị động do các đại diện đàm phán của đảng CDU/CSU thường xuyên đối đầu căng thẳng với các đối tác xung quanh những vấn đề nổi cộm như dân nhập cư và vấn đề năng lượng kết hợp với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Dân nhập cư đang nổi lên là một vấn đề chính trị nhạy cảm tại Đức kể từ sau cuộc khủng hoảng di dân năm 2015, với 1,2 triệu người di cư đã tràn vào nước Đức trong hai năm 2015-2016. Một câu hỏi được đặt ra là bao nhiêu người nhập cư đã vào nước Đức trong giai đoạn này sẽ được phép đoàn tụ với gia đình mình trên đất Đức?

Sự đối đầu, tranh cãi xung quanh quyết định của bà Merkel cho mở cửa biên giới nước Đức đã dẫn đến kết quả xã hội phân hóa cao, đẩy một bộ phận cử tri không nhỏ đi theo đảng cực hữu Alternative fur Deutschland (AfD). Giúp đảng này từ một đảng địa phương tí hon lần đầu tiên bước vào Nghị viện liên bang Đức, với số lượng ghế đại biểu đáng kể.

Trong tiến trình đàm phán liên minh, đảng CDU/CSU và đảng FDP nhiều lúc tìm cách qua mặt nhau trong chính sách cứng rắn đối với vấn đề kiểm soát nhập cư. Trong khi đó, vào cuối tuần qua, đảng Greens lại cố gắng đưa ra giải pháp mang tính thỏa hiệp: đảng này chấp nhận hạn chế số lượng người nhập cư còn 200.000 người nếu các đảng kia (CDU và FDP) cũng chấp nhận nguyên tắc “bảo vệ người thân” đối với người nhập cư, theo đó cho phép họ đoàn tụ với gia đình mình.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, người có quyền quyết định một cuộc bầu cử mới.

Không thể đồng thuận về chuyện nhập cư, các đảng phái đã cố gắng tìm tiếng nói chung trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đảng Greens đã đưa ra lời kêu gọi giảm sản lượng sản xuất điện năng bằng nhiên liệu than khoảng 8 đến 10 gigawatt, còn các đối tác đàm phán lại bày tỏ lo ngại mất việc làm trong ngành năng lượng cũng như trong ngành sản xuất hàng hóa. Như vậy, cả hai vấn đề nổi cộm của đàm phán đều không thể có được tiếng nói chung giữa các đối tác đàm phán, do đó FDP quyết định rút lui để khỏi mất thêm thời gian.

Có mấy khả năng chọn lựa dành cho bà Merkel vào lúc này. Trong các kịch bản chọn lựa của bà Merkel có một lựa chọn thành lập chính phủ thiểu số. Do hai đảng Greens và FDP giờ đây đã không thể đứng chung liên minh nên bà Merkel chỉ có thể lựa chọn một trong hai đảng để lập liên minh.

Liên minh với FDP sẽ thiếu hụt 29 ghế để đạt đa số, trong khi liên minh với Greens sẽ thiếu hụt đến 42 ghế, tức thiểu số còn nhỏ hơn. Nhưng tính khả thi của lựa chọn thiểu số không cao, bởi trong thời buổi chính trị khó khăn hiện nay, việc bà Merkel phải cầu đến sự ủng hộ của các đảng phái đối lập để thông qua các chính sách cầm quyền là rất khó.

Lãnh đạo đảng FDP Christian Lindner.

Khi bà Merkel quyết định đến tham vấn Tổng thống Steinmeier là đã có hàm ý rằng bà không muốn chọn phương án chính phủ thiểu số, cho dù có phải tổ chức bầu cử lại. Đây là sự lựa chọn thứ hai của bà Merkel: để cho Tổng thống Steinmeier, người có quyền đề cử Thủ tướng đưa ra quyết định theo hiến định. Điều 63 của Luật Cơ bản (Hiến pháp Đức) quy định 3 trường hợp lập chính phủ mới theo đề xuất của tổng thống.

Thứ nhất, Tổng thống Steinmeier đề cử một người làm Thủ tướng mới. Người này sẽ chính thức trở thành thủ tướng chính phủ nếu giành được đa số quá bán trong cuộc bỏ phiếu tại Bundestag, gọi là “Thủ tướng đa số”. Nếu đề cử của tổng thống không nhận được đa số phiếu, sẽ bắt đầu giai đoạn bỏ phiếu thứ hai, khi đó nghị viện có 2 tuần để đạt một thỏa thuận đa số tuyệt đối về chức danh thủ tướng.

Không có giới hạn số phiếu bầu cũng như số người ứng cử. Nếu sau 2 tuần mà nghị viện vẫn không đạt được thỏa thuận về thủ tướng, thì vòng bỏ phiếu thứ ba sẽ bắt đầu. Trong vòng bỏ phiếu cuối cùng này, ứng viên chỉ cần đạt được “đa số tương đối”, nghĩa là chỉ cần đạt số phiếu nhiều nhất là trở thành thủ tướng. Đến đây thì tổng thống vẫn còn một việc phải làm là bổ nhiệm người thắng cử làm thủ tướng chính phủ thiểu số. Nhưng thủ tướng thiểu số này vẫn có quyền giải tán quốc hội. Và trong trường hợp này thì cuộc bầu cử lại sẽ được tiến hành trong vòng 60 ngày.

Thông tin về đàm phán đổ vỡ ở Đức ngay lập tức tác động xấu lên thị trường tài chính châu Âu. Tỉ giá hối đoái đồng euro đã tụt giảm ngay lập tức, giảm 0,6% so với đồng yên Nhật, 0,5% so với đồng USD và giảm 0,43% so với đồng bảng Anh.


An Châu (tổng hợp)
.
.