Hội nghị Vienna về Syria: Bước nhượng bộ mới của Nga

Chủ Nhật, 15/11/2015, 14:45
Hội nghị lần thứ hai về giải pháp hòa bình cho Syria tại Vienna sẽ khai mạc vào thứ Bảy ngày 14/11. Cái mới của Hội nghị Vienna lần này chính là việc nước Nga đã cho lưu hành bản dự thảo kế hoạch mang tên “Giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria”.

Hội nghị có tầm quan trọng là phải tìm cho ra giải pháp khả thi nhất nhằm sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài gần 5 năm qua. Nga đưa ra một đề xuất quan trọng, trong khi phía Mỹ và các đồng minh “án binh bất động”.

Cũng như mọi đề nghị khác của Nga, bản kế hoạch này không đề cập vấn đề Tổng thống Bashar al-Assad từ chức trong giai đoạn chuyển tiếp – vốn là yêu cầu quan trọng nhất (cũng là mục tiêu chiến tranh) của các nhóm đối lập Syria. Thay vì thế, bản kế hoạch chỉ xác định ông Assad sẽ không ngồi ghế chủ trì ban soạn thảo Hiến pháp mới. Đây đã là một bước nhượng bộ mới của Nga trong vấn đề vai trò của Assad như thế nào trong tương lai Syria.

Bản kế hoạch kêu gọi Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura triển khai một tiến trình đối thoại chính trị giữa Chính phủ Syria và “một phái đoàn hợp nhất” các nhóm đối lập. Cơ sở của việc này là thông cáo tháng 6/2012 đã được các cường quốc chủ chốt thông qua trong đó kêu gọi thành lập một cơ quan điều hành chuyển tiếp tại Syria trong thời gian chờ tổ chức cuộc bầu cử mới.

Hội nghị Vienna lần thứ nhất về Syria.

Trong các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria, bên cạnh chiến dịch quân sự nhằm củng cố vững chắc Chính phủ Syria, nước Nga cũng đã nỗ lực đối thoại với các nhóm đối lập nhằm tạo cơ hội tiến tới xây dựng kế hoạch hòa giải gữa ông Assad với phe đối lập. Đó là giải pháp vẹn toàn nhất mà nước Nga có thể làm được cho Syria trước sức ép “lật đổ” của phương Tây.

Theo bản kế hoạch của Nga, khi Chính phủ Assad và phe đối lập hợp nhất đối thoại dưới sự chủ trì của LHQ, hai bên phải nhất trí tiến trình đối thoại chính trị bao gồm mấy bước sau: Thứ nhất, triển khai tiến trình cải cách hiến pháp trong 18 tháng để bảo đảm “an ninh bền vững và sự cân bằng hợp lý giữa các quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tất cả các nhóm sắc tộc và các nhóm tôn giáo trong cấu trúc quyền lực và các định chế nhà nước”.

Thứ hai, hình thành một ủy ban soạn thảo hiến pháp trong đó “bao gồm tất cả các thành phần xã hội Syria, kể cả thành phần đối lập trong và ngoài nước”, người chủ trì do các bên thỏa thuận. Thứ ba, đưa bản dự thảo Hiến pháp mới ra trưng cầu dân ý và sau khi đã được dân chúng đồng ý thì bắt đầu tổ chức bầu cử. Bốn là, hoãn cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào đầu năm 2016 và ấn định lại cuộc bầu cử đó cùng lúc với cuộc bầu cử Tổng thống trên cơ sở Hiến pháp mới quy định.

Cuối cùng là các bên phải đồng ý Tổng thống được dân bầu sẽ là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và kiểm soát các lực lượng đặc vụ và chính sách đối ngoại.

Bên cạnh đó, Nga cũng đề xuất thành lập một Nhóm Hỗ trợ Syria (Syrian Support Group) nhằm giúp chuẩn bị cho cuộc gặp đối thoại giữa Chính phủ Syria và các nhóm đối lập và giúp các bên đối thoại đi đến sự nhất trí chung. Nga gợi ý, thành phần nhóm hỗ trợ sẽ bao gồm thành phần tương tự như thành phần tham gia hội nghị tại Vienna, thêm đặc phái viên LHQ, Liên đoàn Ảrập, Tổ chức Hợp tác và Hồi giáo và Liên minh châu Âu.

Một vấn đề được đặt ra là phải xác định rõ những nhóm nào ở Syria được xem là “khủng bố” và những nhóm nào là “đối lập hợp pháp” để tổ chức phái đoàn hợp nhất đối thoại với Tổng thống Assad. Bản kế hoạch của Nga kêu gọi Hội đồng Bảo an xem IS là một “tổ chức khủng bố”, đồng thời bổ sung thêm một số nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria vào danh sách khủng bố cùng với IS.

Thành phần đối lập Syria sẽ tham gia chia sẻ quyền lực với Tổng thống Assad?

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố hôm 9/11 tại Tehran rằng hội nghị sắp tới tại Vienna cần phải lập ra danh sách các nhóm “khủng bố” và “đối lập hợp pháp”. Đây là vấn đề khó khăn hàng đầu trong việc quyết định tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad, vốn là vấn đề có sự khác biệt rất lớn giữa Nga, Iran với các nước phương Tây. Nga và Iran muốn để ngỏ khả năng ông Assad tiếp tục tham gia ứng cử, trong khi Mỹ, Anh và các đồng minh ở Vịnh Persic thì kịch liệt phản đối ý tưởng này.

Trong một chuyến thăm Armenia hôm 9/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, thay vì lo chuyện “ai thay thế ông Assad”, hội nghị nên quan tâm vấn đề ai có thể làm đại diện cho phe đối lập và ai nên bị xem là Hồi giáo cực đoan. Tổng thống Assad nhất quyết coi tất cả các nhóm đối lập được vũ trang chống lại ông đều là “khủng bố”. Và việc Nga triển khai chiến dịch ném bom, phóng tên lửa nhằm vào IS cũng như tất cả các nhóm chống Assad ở Syria đã thể hiện sự ủng hộ quan điểm này của ông.

Tại Hội nghị Vienna lần thứ nhất về Syria ngày 30/10, Mỹ, Nga, Iran và hơn chục quốc gia có liên quan đã thống nhất sẽ cùng nhau phát động một nỗ lực mới nhằm tìm kiếm hòa bình cho Syria, sẽ bao gồm cả Chính phủ Syria và  các nhóm đối lập “ôn hòa” tham gia. Tuy nhiên, cũng như hội nghị lần trước, thành phần tham dự hội nghị lần hai này vẫn không thay đổi, vẫn chỉ là Nga, Mỹ chủ trì, với thành phần tham dự là Arập Xêút, Iran và các đối tác – đối thủ có lợi ích ở Syria; Chính phủ Syria và các nhóm đối lập nước này đều không được mời dự. Vì thế, hội nghị lần này vẫn chỉ mang tính chất chuẩn bị cho một hội nghị đối thoại chính trị giữa Chính phủ và các nhóm đối lập Syria, với sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.