Hy Lạp: Một chiến thắng cay đắng

Thứ Tư, 22/07/2015, 11:35
Ngày 12/7, Hy Lạp đồng ý các điều kiện ngặt nghèo của chủ nợ để có tiền. Ngày 16/7, Quốc hội Athens đã thông qua những điều kiện ấy. Đó toàn là những chiến thắng nhằm tránh cho Hy Lạp bị vỡ nợ và ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nhưng dư vị cay đắng của những chiến công đó là gì?

Nội bộ Hy Lạp lục đục

Ngày 15/7, những người biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp đã ném hàng chục quả bom xăng vào lực lượng cảnh sát bên ngoài trụ sở Quốc hội, vài giờ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu quan trọng về thỏa thuận cứu trợ mới.

Đây là một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 2 năm qua ở quốc gia này. Cảnh sát đã đáp trả bằng đạn hơi cay khiến hàng trăm người bỏ chạy tại Quảng trường trung tâm Syntagma.

Trước đó, hàng nghìn người đã xuống đường tại Athens tham gia những cuộc tuần hành hòa bình để phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng, trên tay mang  những tấm băng rôn bày tỏ sự bất đồng với những biện pháp đề xuất của chương trình viện trợ cho Hy Lạp. "Không cần chính sách của EU, ECB và IMF!".

Rạng sáng ngày 16/7 theo giờ địa phương, với 229 phiếu thuận, 64 phiếu chống và 6 đại biểu vắng mặt, Quốc hội Hy Lạp thông qua một loạt các biện pháp khắc khổ do các chủ nợ áp đặt để đổi lại được cấp thêm khoảng từ 82 đến 85 tỉ euro trong 5 năm.

Cuộc bỏ phiếu này đã cho thấy nội bộ chính trị tại Hy Lạp đang chia rẽ. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang đối mặt với một cuộc nổi dậy của những thành viên trong đảng Syriza của ông về kế hoạch thắt lưng buộc bụng. Có 38 nghị sĩ thuộc Syriza bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống, trong đó có cả Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis, cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis. Ông Tsipras gọi những biện pháp tiết kiệm mới là "phi lý" và thừa nhận những biện pháp này mâu thuẫn với cam kết bầu cử của ông chỉ vài tháng trước kêu gọi chấm dứt tình trạng khắc khổ ở Hy Lạp.

Nhưng nhà lãnh đạo Hy Lạp cho biết ông phải đồng ý để tránh một sự sụp đổ tài chính ở Hy Lạp. Ông Tspiras đã bác bỏ khả năng ông sẽ từ chức, và tuyên bố: "Tôi sẽ không chối bỏ trách nhiệm của mình".

Xem ra cuộc đối đầu giữa Chính phủ Hy Lạp với các chủ nợ nay đã chuyển thành cuộc đối đầu giữa người dân và chính quyền Athens. Thỏa thuận cứu Hy Lạp khỏi bị phá sản nhưng sẽ áp đặt thêm các biện pháp khắc khổ đối với đất nước vốn đã lún sâu vào khủng hoảng này.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (đứng) phát biểu trước Quốc hội, ngày 15/7/2015.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, gói cứu trợ thứ ba dành cho Hy Lạp mới đạt được ngày 13/7 nhằm tránh cho quốc gia này khỏi nguy cơ rời khỏi Eurozone, có thể mang lại hiệu ứng ngược.

Để có được khoản hỗ trợ từ 82-86 tỉ euro trong vòng 3 năm tới từ các chủ nợ, Hy Lạp sẽ phải bắt đầu bằng việc chứng minh thiện chí của mình qua việc thắt chặt thêm chi tiêu. Christian Odendahl và John Springford thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu (CER) tính toán, theo thỏa thuận, Hy Lạp phải đạt được cân bằng ngân sách, ngoài việc thanh toán nợ để bắt đầu thảo luận với các chủ nợ về việc quy hoạch nợ công hiện tương đương gần 180% GDP.

Các chủ nợ tính toán thặng dư ngân sách hàng năm từ năm 2015 đến năm 2018 sẽ lần lượt là 1%, 2%, 3% và 3,5% GDP. Tuy nhiên, theo CER, Hy Lạp không có khoản thặng dư trong năm 2015, do đây là năm biến động chính trị.

Cristino Arroyo, giáo sư kinh tế quốc tế Trường đại học Johns Hopkins, nói rằng "phần thực sự khó là bên cạnh những cải cách được yêu cầu thực hiện, Hy Lạp còn phải tìm kiếm những con đường để tăng trưởng và đó chính là thách thức thực sự".

Ngay cả trong trường hợp Quốc hội Hy Lạp thông qua thỏa thuận, đây cũng là một việc làm vô cùng khó khăn đối với một nước vẫn còn phải cố gắng thoát ra khỏi cuộc suy thoái trầm trọng.

Theo nhà phân tích thị trường Mike Ingram của Công ty Tài chính BGC, cắt giảm thêm chi tiêu sẽ không mang lại tăng trưởng đủ để giảm bớt khoản nợ đang tăng nhanh của Hy Lạp. Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình Hy Lạp tối 14/7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khẳng định ông có trách nhiệm phải thúc đẩy thực hiện thỏa thuận này.

Ngoài ra, trong năm 2015, Hy Lạp cũng sẽ tiến hành đàm phán về việc tái cơ cấu "núi nợ" của đất nước cũng như hướng đến một chương trình đầu tư trị giá 35 tỉ euro, qua đó đặt nền móng để phục hồi tăng trưởng ở Hy Lạp.

Theo một cuộc thăm dò dư luận được báo To Vima của Hy Lạp công bố tối 14/7, có tới 70% số người dân Hy Lạp được hỏi mong muốn Quốc hội nước này thông qua chương trình cải cách và thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ. Trong khi đó, có gần 49% số ý kiến được hỏi cho rằng các đối tác Eurozone không thể hiện thiện chí chia sẻ với tình hình khó khăn hiện nay của Hy Lạp. Hy Lạp trong những ngày tới được dự báo đầy bất ổn.

Châu Âu thương tích đầy mình

Tờ Le Monde (Pháp) nhận xét, sau Hội nghị thượng đỉnh Eurozone tại Bruxelles ngày 12/7 để cứu vãn Hy Lạp khỏi phá sản, một cảm giác cay đắng ngự trị. Đã hẳn là Athens vẫn ở lại Eurozone, nhưng bằng cái giá nào?

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã phải chấp nhận các điều kiện tệ hại, là người thiệt thòi nhất. Nhưng châu Âu cũng không được lợi gì, càng chia rẽ và yếu ớt đi sau hội nghị.

Một bên là các nước nghèo hơn Hy Lạp, chẳng hạn các quốc gia vùng Baltic và Slovakia đã từng cố sức thắt lưng buộc bụng để ở lại Eurozone, họ tự hỏi vì sao người dân đóng thuế nước mình lại phải trả giá cho Hy Lạp. Bên kia, Đức kéo theo các nước mạnh hơn, đặt câu hỏi vì sao phải tặng quà cho Athens? Ở giữa là các quốc gia như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, muốn tránh nguy cơ "Grexit".

Nói đến kịch tính đối đầu giữa các nước EU xung quanh vấn đề Hy Lạp, tờ Le Monde viết rằng, kỳ thương lượng cuối tuần qua (đặc biệt là cuộc thương lượng ở cấp Bộ trưởng Tài chính Eurozone) bộc lộ sự phân hóa vô cùng sâu sắc trong nội bộ châu Âu. Một bên là phe ''diều hâu'', ủng hộ khả năng Hy Lạp ra đi, hoặc hạ nhục Thủ tướng Hy Lạp, thậm chí cả hai. Nhóm này gồm các nước Đức, 3 quốc gia Baltic, Phần Lan, Slovakia…

Nhóm còn lại ít hơn nhiều, muốn Hy Lạp bằng mọi giá ở lại Eurozone: chủ yếu là Pháp và Italia. Lời qua tiếng lại giữa hai nhóm được đánh giá là "vô cùng quyết liệt".

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble (giữa) nói chuyện với các giới chức trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro về tình hình ở Hy Lạp tại Brussels, Bỉ, ngày 12/7.

Cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone căng thẳng đến mức, nhiều bộ trưởng phản ứng "bằng cảm xúc nhiều hơn lý trí". Khi Chủ tịch ECB người Italia, ông Mario Draghi, nhắc đi nhắc lại tính chất nghiêm trọng của tình hình, để nhấn mạnh định chế này không muốn bị quy trách nhiệm nếu Hy Lạp phá sản, Bộ trưởng Tài chính Đức Schauble (được coi là đại biểu của phái "diều hâu") ngắt lời thô bạo với câu hỏi: "Chẳng lẽ ông coi tôi là kẻ ngớ ngẩn?".

Trong khi đó, phóng sự "Trong 17 giờ đối đầu, Berlin và Athens nhiều lúc tưởng đoạn tuyệt nhau" của Le Figaro cho thấy tính quyết liệt của cuộc thượng đỉnh, với bốn phiên khoáng đại và ba phiên họp riêng giữa Thủ tướng Hy Lạp với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức tại Văn phòng của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Bên lề cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nguyên thủ Đức - Hy Lạp với sự môi giới của nguyên thủ Pháp (người quyết tâm triệt để cho một thỏa thuận), Le Figaro cũng chú ý tới nỗi giận dữ của Thủ tướng Italia Matteo Renzi nhắm vào đồng cấp Hà Lan và nhiều lãnh đạo châu Âu khác, đã bị lạc hướng trong một cuộc tranh luận sa vào chi tiết, trong khi châu Âu đang phải đối đầu với nhiều vấn đề lớn khác như Ukraine hay nguy cơ khủng bố.

Vẫn theo Le Figaro, Thủ tướng Hy Lạp bảo vệ các quan điểm của mình trong tình trạng "súng kề mang tai". Vào 6 giờ sáng 12/7, các trợ lý của Chủ tịch Hội đồng châu Âu bắt đầu chuẩn bị "phương án B" (Grexit - thất bại của thương thuyết dẫn đến việc Hy Lạp ra khỏi khối).

Trên thực tế, đây là lúc hai đồng cấp Đức - Hy Lạp đang đối đầu quyết liệt xung quanh vấn đề Quỹ tư nhân hóa các cổ phiếu của Nhà nước Hy Lạp, 50 tỉ euro, mà Berlin muốn dùng để bảo đảm Hy Lạp hoàn nợ.

Đòi hỏi cuối cùng Hy Lạp buộc phải chấp nhận, với một bác bỏ: Quỹ sẽ được đặt tại Athens, thay vì ở Luxembourg theo đề nghị ban đầu (từ phía Đức). "Không dưới 10 phiên bản khác về quỹ này đã được soạn thảo".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu yêu cầu lãnh đạo Hy Lạp, Đức và Pháp không rời văn phòng cho đến khi nào một thỏa hiệp được đưa ra: "Tiếng còi chung cuộc vang lên, ít phút trước 9 giờ sáng 12/7, giờ mở cửa các sàn chứng khoán châu Âu".

Tất cả vẽ ra bức tranh một khu vực đồng euro hoàn toàn không có khả năng giải quyết vấn đề nợ nần của một đất nước chỉ chiếm có 2% tổng sản phẩm nội địa của toàn khối. Không có ngân sách riêng, không có cơ chế giải quyết xung đột, dư vị còn lại cho châu Âu chỉ là nỗi đắng cay.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.