Khủng hoảng nhập cư châu Âu: Mạnh ai nấy làm

Thứ Ba, 08/09/2015, 19:45
Hình ảnh cậu bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, người Syria nằm chết trên bãi biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ và thảm kịch hơn 70 người nhập cư chết trong chiếc xe đông lạnh tìm thấy ở Áo không chỉ làm rúng động châu Âu, mà nó là một lời cảnh báo đối với cả thế giới về cuộc khủng hoảng người di cư được đánh giá lớn nhất kể từ Thế chiến II.

Có thể nói, giờ đây châu Âu đang "tả xung hữu đột" khi một mặt kêu gọi tìm giải pháp chung để giải quyết vấn đề đang đẩy "lục địa già" vào cuộc khủng hoảng mới, một mặt vẫn "mạnh ai nấy làm" để lo cho bản thân mình.

Đức, quốc gia lớn nhất trong Liên minh châu Âu đã có bước đi mạnh mẽ điều chỉnh chính sách theo đó mở cửa hơn với người nhập cư. Có lẽ động thái được quan tâm nhiều nhất đó là tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel tuần trước, thời điểm vấn đề người di cư bùng nổ thành cuộc khủng hoảng lớn: "Sẵn sàng đón tiếp người dân Sirya tới Đức", khẳng định không trả những người Syria nhập cư bất hợp pháp trở về nơi xuất phát.

Dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, cánh hữu Đức đã nhìn nhận vấn đề nhập cư với con mắt tích cực hơn vì trên thực tế, Đức đang phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số, trong khi nền kinh tế tri thức, công nghệ cao đang hoạt động với cường độ lớn, nguy cơ thiếu nhân công trình độ cao là khó tránh khỏi. Hiện nay, giới chủ Đức đã có tiếng nói chung với những người muốn tiếp nhận và hỗ trợ hội nhập người nước ngoài càng nhanh càng tốt. Đây là những nhân tố quan trọng góp phần thay đổi cách tiếp cận của Berlin trên lĩnh vực này.

Trong khi đó, Italia, quốc gia nằm ở cửa ngõ châu Âu lại có cách giải quyết khác. Nhằm phát hiện và hỗ trợ các chuyến tàu chở người di cư bất hợp pháp gặp nguy cơ, Chính phủ Italia đã phải huy động nguồn lực rất lớn, với hàng chục tàu thuyền của lực lượng an ninh, bảo vệ bờ biển.

Mặc dù bị cả Đức và Pháp chỉ trích mạnh mẽ vì không thiết lập các trung tâm đăng ký đối với những trường hợp nhập cảnh lần đầu tiên (để phân biệt người xin tị nạn và các đối tượng khác), song với khoảng 95.000 người di cư được cứu sống trên biển Địa Trung Hải trong vòng 7 tháng qua, Roma khẳng định cần phải làm như vậy để cứu sống hàng chục nghìn sinh mạng cũng như đón tiếp người tị nạn đang bất chấp hiểm nguy vượt biển vào châu Âu.

Pháp cởi mở song lại phân biệt. Giới chức nước này tuyên bố chỉ sẵn sàng tiếp nhận 9.300 người nhập cư từ Trung Đông (một con số chỉ bằng 1/10 so với Đức) với điều kiện các nước EU phải thiết lập trung tâm tạm giữ tại Italia và Hy Lạp, những điểm đến đầu tiên trước khi vào châu Âu. Đối với cuộc khủng hoảng nhập cư hiện tại, cùng với Đức, Pháp chủ trương đưa ra một chính sách thống nhất toàn EU.

Cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài nhà ga đường sắt Keliti ở Budapest của Hungary ngày 2/9 khi nhà ga này đóng cửa ngăn dòng người nhập cư đi qua để tới Đức.

Thủ tướng Manuel Valls khẳng định: "Cần phải có phản ứng lâu dài, dựa trên các giá trị và nguyên tắc nhất quán: nhân đạo, trách nhiệm và cứng rắn". Thủ tướng Pháp tuyên bố cần phải giúp đỡ các nước nằm ở biên giới EU đối phó với khủng hoảng, thiết lập các trạm kiểm soát đường biên giới châu Âu, đồng thời phân biệt rõ người đủ điều kiện tị nạn có thể chấp nhận và những người ra đi chỉ vì mục đích kinh tế, đối tượng này sẽ bị từ chối.

Hy Lạp, có lẽ là quốc gia có đường biên giới lỏng lẻo nhất với người di cư. Cùng với Italia, Hy Lạp là một trong những nước chịu áp lực lớn nhất từ dòng người nhập cư. Từ đầu năm 2015, nước này đã trở thành đầu cầu lớn nhất với khoảng 160.000 trong tổng số 293.000 người xâm nhập vào EU qua Địa Trung Hải, trong đó có khoảng 2.450 người đã chết. Chỉ trong vòng một tuần, đã có gần 21.000 người di cư đổ bộ đến các đảo Hy Lạp, bằng số người đến trong 6 tháng năm 2014.

Tình hình ở một số đảo càng trở nên nghiêm trọng do cả chính phủ lẫn Cơ quan Kiểm soát biên giới khu vực Schengen không có đủ phương tiện như máy bay, tàu thuyền và đặc biệt là lực lượng tuần duyên để kiểm soát khi phần lớn những người di cư đến Hy Lạp đều có đủ điều kiện để được công nhận quy chế tị nạn, do luật pháp bắt buộc phải tiếp nhận người Afghanistan và Syria, những quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá. Hiện Cơ quan Kiểm soát biên giới Hy Lạp đang kêu gọi EU giúp đỡ để giải quyết và phân loại các nhóm đối tượng riêng di cư.

Serbia và Macedonia, hai quốc gia không thuộc EU, song được người di cư coi là "cầu nối" để vào các nước Tây Âu khác. Những tuần qua, các nước hành lang chuyển tiếp này đều quá tải khi mỗi ngày phải tiếp nhận tới hàng nghìn người di cư. Macedonia thậm chí đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới trong 3 ngày.

Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), những người nhập cư đi thành từng nhóm 300 đến 400 người, sau khi qua biên giới Macedonia sẽ lên tàu hỏa hoặc xe buýt tới Serbia.

Bulgaria lại tăng cường giám sát biên giới bằng cách triển khai nhiều xe bọc thép tại 4 cửa khẩu biên giới với Macedonia để hỗ trợ cảnh sát và biên phòng trong trường hợp dòng người tị nạn đổ vào quá đông. Ngoài việc dựng hàng rào trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ dài 30km, Bulgaria còn huy động 1.000 cảnh sát thường trực để ngăn chặn xâm nhập trái phép.

Tính từ đầu năm đến nay, Hungary đã tiếp nhận 100.000 người xin tị nạn, gấp đôi số lượng của cả năm 2014, trong khi dân số nước này chỉ chưa đầy 10 triệu. Hungary đã tung ra một chiến dịch rất cứng rắn chống lại tình trạng nhập cư khi chính quyền dựng lên một hàng rào dây thép gai để ngăn chặn dòng người di cư vượt qua Hungary vào EU. Ngoài ra, Budapest còn lên kế hoạch triển khai cả quân đội vào tuần tới để giải quyết tình trạng nhập cư này.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.