Libya trước giờ G
Việc nối lại các cuộc đàm phán sẽ khởi đầu ngừng bắn trên thực địa và một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo để mang lại cơ hội đạt được thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng ở Libya. Các cuộc đàm phán này được kỳ vọng sẽ giúp các bên hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn cùng một số cam kết khác dựa trên đề xuất đã được Liên Hợp quốc (LHQ) đưa ra ngày 23-2 vừa qua.
Vòng đàm phán mới sẽ được thực hiện trực tuyến. Trong khi đó, phái bộ LHQ tại Libya (Unsmil) ngày 3-6 kêu gọi các bên tham chiến tại nước này giảm leo thang căng thẳng và chấm dứt giao tranh, để tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động nhân đạo, xây dựng niềm tin cũng như mở đường cho các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Xe quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ điều đến Libya. |
Cùng ngày, đặc phái viên tạm quyền của LHQ tại Libya Stephanie Williams đã có buổi hội đàm trực tuyến với 5 thành viên của Quân đội miền Đông (LNA) và dự kiến sẽ có cuộc họp tương tự với phái đoàn của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong vài ngày tới. Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric đã bày tỏ hoan nghênh hướng đi này, coi đây là bước tiến tích cực đầu tiên để các bên có thể tiến tới một giải pháp chính trị chấm dứt xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.
Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng ngay lập tức ủng hộ đề ngừng bắn tại Libya. Trong một cuộc họp khác với Phó Thủ tướng của Chính phủ GNA Ahmed Maiteeq và Ngoại trưởng GNA Mohamed Siala, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi các bên Libya ngừng bắn, thiết lập kênh đối thoại.
Nhưng, trước khi cuộc đàm phán chính thức diễn ra, các lực lượng ủng hộ Chính phủ GNA ngày 4-6 tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát sân bay quốc tế Tripoli sau đợt giao tranh ác liệt với các tay súng lực lượng miền Đông của tướng Khalifa Haftar. Sân bay này bị đóng của từ năm 2014 và bị lực lượng LNA kiểm soát từ năm ngoái.
Trong khi đó, một nguồn tin quân sự có quan hệ với LNA, hoạt động chính ở thành phố miền Đông Benghazi, cho biết lực lượng này đã bị đánh bật ra khỏi tất cả các vùng ngoại ô của thủ đô Tripoli. Cách đây 2 tuần, lực lượng GNA được Thổ Nhĩ Kỳ trợ giúp đã giành được một số thắng lợi trong cuộc chiến chống lại lực lượng LNA. Chiến thắng quan trọng nhất là chiếm được căn cứ không quân chiến lược Al-Watiya ở ngoại ô thủ đô Tripoli.
Trên mặt trận truyền thông, theo Arab News, trong mấy tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hàng nghìn lính đánh thuê từ Syria đến Libya cũng như đưa nhiều máy bay không người lái và xe bọc thép tới quốc gia này, qua đó vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Libya. Trong khi đó, Nga ủng hộ tướng Haftar thông qua hình thức các nhà thầu quân sự.
Tuần trước, truyền thông Mỹ đưa tin Moscow đã điều 14 máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-24 tới căn cứ không quân Jufra của LNA ở miền Trung Libya. Việc GNA muốn đàm phán có lẽ xuất phát từ thực tế này. Theo Avia-pro, GNA được Thổ Nhĩ Kỳ “chỉ điểm” đã bất ngờ đề nghị đàm phán với quân đội LNA của tướng Haftar. Trước khi có sự hỗ trợ và can thiệp trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm nay, GNA dường như đứng trước bờ vực thất bại trong bối cảnh lực lượng của tướng Haftar đã phá vỡ phòng tuyến quận phía Nam thủ đô Tripoli.
Về phần mình, Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc Nga triển khai máy bay chiến đấu tới Libya, trong khi dường như chấp nhận vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay. Tuần trước, tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Tripoli khẳng định: “Mỹ ủng hộ hợp tác với một chính phủ hợp pháp, được LHQ công nhận”.
Phát biểu này chứng tỏ lập trường của Mỹ đã ngầm củng cố sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya. Theo Arab News, Washington ủng hộ Ankara là một cách bù đắp ảnh hưởng đang gia tăng của Nga ở miền Đông Libya.
Chưa hết, Mỹ còn đang tuyên truyền hạ thấp vai trò của Nga tại Libya. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30-5 cho biết Chính phủ Malta vừa tịch thu một lô tiền Libya trị giá 1,1 tỷ USD, bao gồm các đồng dinar do doanh nghiệp nhà nước Goznak của Nga in ấn. Bộ này tuyên bố lô tiền Libya bị tịch thu là giả và do một tổ chức song song bất hợp pháp đặt hàng.
Đặc phái viên tạm quyền của Liên Hợp quốc tại Libya Stephanie Williams kêu gọi các bên ở Libya nối lại đàm phán ngừng bắn. |
Trên thực tế, cáo buộc của Mỹ mang tính hậm hực vì sự lấn lướt của Nga ở Trung Đông cũng như Libya nói riêng. Nga chính thức in tiền cho các quốc gia khác theo yêu cầu từ ngân hàng trung ương các nước này. Với Libya, tiền giấy được in từ năm 2016 do chính quyền LNA đặt hàng. Ngay cả chính phủ GNA cũng không tuyên bố các đồng tiền này là giả.
Tuần trước, một báo cáo của LHQ xác nhận có khoảng 1.200 lính đánh thuê người Nga và 2.000 lính đánh thuê Syria đang chiến đấu cho lực lượng ông Haftar. Nga đã bác thông tin này và cho rằng báo cáo trên không đáng tin cậy. Vào cuối tháng 5 vừa qua, thiếu tướng Gregory Hadfield, Phó Giám đốc Ban tình báo của Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi (AFRICOM) cho biết quân đội Mỹ tin việc Nga đưa máy bay chiến đấu sang Libya có thể không tạo ra thế cân bằng trong cuộc nội chiến bế tắc ở Libya nhưng cuối cùng có thể giúp Moscow đảm bảo một thành trì địa chiến lược ở Bắc Phi.
Mối lo ngại lớn của Mỹ sẽ là khả năng Moscow sử dụng một địa điểm như vậy để bố trí tên lửa. “Nếu Nga đảm bảo được một chỗ đứng lâu dài ở Libya và tệ hơn nữa là triển khai hệ thống tên lửa tầm xa thì điều đó sẽ thay đổi cuộc chơi cho châu Âu, NATO và nhiều quốc gia phương Tây”, ông Hadfield nhấn mạnh.
Với vai trò nổi bật của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, giới phân tích khu vực cho rằng kịch bản “Syria hóa” trong cuộc khủng hoảng Libya không còn quá xa vời. Tháng 12-2019, GNA và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết 2 biên bản ghi nhớ về quốc phòng và khai thác khí đốt ở Địa Trung Hải. Kết quả là Ankara đưa vào Libya 15.000 tay súng đánh thuê Syria sát cánh cùng lực lượng dân quân bảo vệ cho GNA đóng ở Tripoli.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa 1.500 sĩ quan và chuyên gia quân sự của nước này để chỉ huy các chiến dịch của lực lượng dân quân ủng hộ GNA. Theo giới phân tích, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đụng độ trực tiếp ở Libya hiện rất khó xảy ra. Khả năng cao là kịch bản hai bên tìm cách áp đặt lệnh ngừng bắn, được sự ủng hộ của hầu hết tất cả thế lực trong khu vực và quốc tế, bằng cách kiểm soát lực lượng ủy nhiệm trong khi tìm kiếm sự đồng thuận để hồi sinh những nỗ lực chính trị.