Mỹ - Triều Tiên có thực sự muốn gặp nhau lần ba?
- Tương lai thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3: Hòn bấc ném đi...
- Tiết lộ tài liệu gây đổ vỡ Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Hà Nội
Mặc dù vẫn có những hoạt động tương tác từ xa nhưng hai bên liên tục phát đi tín hiệu phức tạp. Liệu tiến trình đàm phán có bị tác động từ những tín hiệu này.
Về phía Mỹ, vẫn áp dụng các biện pháp “vừa cứng vừa mềm”. Một mặt, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công khai thể hiện kỳ vọng đối với “cuộc gặp Trump-Kim” lần thứ ba, thậm chí đề xuất mong muốn có thể thực hiện trong “vài tháng tới”; trong cuộc gặp gần đây nhất với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, lần đầu tiên ông Donald Trump bóng gió nói rằng có thể sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận phi hạt nhân hóa “từng bước”.
Song mặt khác, Mỹ không nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế, không từ bỏ đe dọa quân sự, ngược lại còn có hướng gia tăng sức ép: tháng trước, 14 máy bay quân sự của Mỹ đến bán đảo để thực hiện đợt tập trận đặc biệt; Lầu Năm Góc vẫn tăng cường quân bị vào thời điểm nhạy cảm, lặng lẽ chuyển giao cho quân đội Hàn Quốc 2 máy bay chiến đấu F-35A đầu tiên.
Phía quân đội Hàn Quốc cho biết bắt đầu từ tháng 4-2019, dường như mỗi tháng đều nhận 2 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A từ Mỹ, năm nay tổng cộng sẽ bố trí hơn 10 máy bay chiến lược loại này.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đặc biệt chú ý đến những động thái nhỏ của Triều Tiên như việc các tổ chức nghiên cứu của Mỹ tiết lộ hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động của các cơ sở hạt nhân chủ yếu của Triều Tiên có thể liên quan đến việc tái gia công chất phóng xạ thành nhiên liệu hạt nhân.
Giới truyền thông Mỹ cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã vạch ra “kỳ hạn” cho đàm phán phi hạt nhân, hy vọng Mỹ đưa ra kiến nghị cụ thể nới lỏng các lệnh trừng phạt vào trước cuối năm nay; điều này giống như bóng gió cảnh cáo: sau kỳ hạn cuối cùng, Triều Tiên có thể phục hồi thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Đồng thời, ông cũng đề cập đến việc nếu điều kiện chín muồi, sẵn sàng tổ chức “cuộc gặp Trump-Kim” lần thứ ba.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27-2. |
Hơn nữa, Triều Tiên vừa trải qua một sự kiện lớn của đời sống chính trị trong nước, đó là tổ chức Hội nghị Nhân dân tối cao, bầu ra đội ngũ lãnh đạo khóa mới, theo đó ông Kim Jong-un một lần nữa được bầu làm nhà lãnh đạo tối cao - Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ. Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Kim Jong-un đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục đặt trọng điểm vào phát triển kinh tế.
Tuy vậy, ông Kim Jong-un vẫn dành thời lượng tương đối dài đề cập đến vấn đề phi hạt nhân hóa, bày tỏ thái độ hoài nghi rằng liệu Mỹ có thực sự muốn cải thiện quan hệ Mỹ-Triều hay không. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, nếu Mỹ áp dụng “thái độ chính xác, phương pháp chính xác”, Triều Tiên sẽ sẵn sàng trải nghiệm “cuộc gặp Trump-Kim” thêm một lần nữa.
Trong bối cảnh phức tạp nhạy cảm như hiện nay, việc Triều Tiên tuyên bố thử vũ khí dẫn đường chiến thuật thế hệ mới ngày 17-4 vừa qua nhanh chóng trở thành tiêu điểm quan tâm của truyền thông toàn cầu, với những lý giải mang nhiều hàm ý khác nhau.
Phái hoài nghi cho rằng sở dĩ Triều Tiên làm như vậy là do Chủ tịch Kim Jong-un muốn trút bỏ sự không hài lòng. Giám đốc nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ Harry Kazianis cho rằng, ông Kim Jong-un muốn chứng tỏ tiềm lực quân sự ngày càng mạnh của mình, thể hiện sự thất vọng đối với việc Wasington không thể áp dụng lập trường linh hoạt trong đàm phán.
Phái trung dung cho rằng rõ ràng ông Kim Jong-un không còn kiên nhẫn đối với Washington nhưng vẫn thận trọng điều chỉnh cách thức thể hiện. Xét từ sự giằng co liên tục của hai bên, động thái của Triều Tiên cho thấy nước này sẽ tiếp tục tích lũy vũ khí mới nhưng vẫn kiềm chế ở trong phạm vi không vi phạm thỏa thuận, vẫn mang hy vọng duy trì đối thoại.
Phái tin tưởng cho rằng điều này cho thấy sau khi trải qua Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, Triều Tiên “mọi thứ vẫn như bình thường”. Nhà phân tích Jin Duzhen đến từ Trung tâm nghiên cứu Mỹ mới của Viện Chính sách Washington nhấn mạnh cuộc thử nghiệm không hoàn toàn có liên quan tới Mỹ, ít nhất cũng giống với tín hiệu ở trong nước của Triều Tiên, là đảm bảo với nhân dân và giới tinh hoa quân sự Triều Tiên rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ không ảnh hưởng đến quốc phòng và thực lực của họ.
Một số quan điểm khác cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không nên lấy vấn đề này để cho rằng Bình Nhưỡng có ý làm cho tình hình căng thẳng trầm trọng hoặc là tín hiệu đóng cánh cửa đàm phán.
Trong khi đó, các quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un rất thận trọng trong lần thử nghiệm vũ khí này, không có động thái “vượt qua giới hạn”. Điều này cho thấy một tư thế của phía CHDCND Triều Tiên: duy trì việc sẵn sàng đối thoại, đồng thời thực hiện tốt việc “chuẩn bị cả hai biện pháp”.
Theo giới phân tích, “Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội không đạt được thỏa thuận, ngoại giao nguyên thủ với nền tảng là đồng thuận phi hạt nhân hóa đang đứng giữa ngã tư đường”. Một con đường có thể phát triển theo hướng tích cực - hòa bình thực hiện phi hạt nhân hóa, mở ra cục diện mới cho tình hình bán đảo và quan hệ Mỹ-Triều; một con đường khác có thể đồng nghĩa với việc rơi trở lại vào chu kỳ “đối thoại - hòa dịu - đạt được kết quả - rơi vào khủng hoảng - đối đầu”.
Thời báo kinh tế Seoul đã bình luận rằng: “Từ động thái mở gần đây của nhà lãnh đạo Triều Tiên đối với cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba có thể thấy, tiếp xúc bí mật không bị Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội làm gián đoạn”. Nếu hai bên đạt được thống nhất về điều kiện hội đàm, không ngoại trừ khả năng sẽ có một cuộc gặp bất ngờ trước hoặc sau thời điểm tròn một năm diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở Singapore vào ngày 12-6-2018.