Bầu cử tổng thống Mỹ 2016:

Ngày “siêu thứ Ba” của Hillary Clinton và Donald Trump

Thứ Bảy, 30/04/2016, 12:00
Ngày "siêu thứ Ba" 26-4 vừa đánh dấu những chiến thắng quan trọng trên đường đua giành quyền ứng cử vào Nhà Trắng ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

"Trò chơi Vương quyền" trong đảng Cộng hòa

Theo các kết quả kiểm phiếu, ông Trump đã giành chiến thắng áp đảo hai đối thủ tại 5 bang Đông Bắc là Connecticut, Delaware, Maryland, Pennsylvania và Rhode Island. Tỉ lệ áp đảo chung là trong khoảng trên dưới 60% so với khoảng trên dưới 40% của cả hai đối thủ Cruz và Kasich cộng lại.

Phân tích số liệu này để thấy rằng, ông Trump đang trở lại với đà chiến thắng kể từ sau khi giành chiến thắng thuyết phục tại "bang nhà" New York hồi trung tuần tháng 4-2016. Sau các kết quả tại 5 bang Đông Bắc, ông Trump hiện đang có trong tay 991 phiếu đại biểu, tất cả đều cam kết sẽ bỏ phiếu cho ông tại đại hội. Còn lại, Cruz được 568 đại biểu (1 chưa hứa), và Kasich 154 đại biểu.

Cuộc đua trong đảng Cộng hòa có phần gay cấn và phức tạp hơn nhiều so với cuộc đấu tay đôi giữa cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders ở chỗ, ứng cử viên Trump - người đang gây lo ngại cho đảng Cộng hòa và đang bị chính đảng của mình tìm mọi cách để ngăn bước - lại là người giành được nhiều lá phiếu cử tri nhất, đang dẫn đầu cuộc đua giành quyền đại diện đảng ra ứng cử Tổng thống.

Và những động thái, "chiêu trò" trong hậu trường của đảng Cộng hòa đang biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay thành sân khấu kịch, được ví như phim ảnh Hollywood - phim "Trò chơi Vương quyền" (Game of Thrones).

Kể từ sau giai đoạn đầu cuộc đua, khi ông Trump bứt phá mạnh mẽ để vượt lên dẫn trước, các ứng cử viên còn lại và cả những thành viên chủ chốt trong đảng Cộng hòa đã bắt đầu manh nhà một kế hoạch nhằm ngăn cản bước tiến của ông Trump. 

Ứng cử viên Donald Trump có chiến thắng thuyết phục tại cả 5 bang Đông Bắc Mỹ.

Trước cuộc bầu cử New York, chiến dịch nêu trên xem ra có phần hiệu quả, khi ứng cử viên Trump có dấu hiệu trồi sụt tại một số bang miền Trung Tây. Từ đây, dư luận dấy lên những lời đồn đoán về việc lủng củng nội bộ, rối loạn hàng ngũ do cách chỉ huy chiến dịch của ông không theo bài bản truyền thống nào. Trong đó, người ta bắt đầu soi phong cách điều hành chiến dịch của Giám đốc chiến dịch Corey Lewandowski dựa vào bản thành tích đầy rẫy thất bại và tai tiếng của ông này.

Nói chung, cho đến trước cuộc bầu cử New York, Trump được gán cho đủ thứ biệt danh xấu, nào là "ứng viên hỗn loạn", nào là "tỉ phú bạo miệng",… Và nhiều người bên đảng Cộng hòa vẫn yên tâm với phương án làm xấu hình ảnh Trump.

Nhưng, kết quả cuộc bầu cử tại bang New York khiến bất cứ ai mơ tưởng chuyện cản bước ông Trump đều phải xem lại quan điểm của mình: Ứng cử viên Trump giành đến 60,4% phiếu, trong khi cả Cruz và Kasich cộng lại chỉ được 39,6%. Đây là một chiến thắng cực kỳ quan trọng, thậm chí là chiến thắng quyết định cuộc đua ở đảng Cộng hòa. Kể từ sau cuộc bầu cử New York, các ứng cử viên còn lại của đảng Cộng hòa bắt đầu tính đến nước cờ hợp sức chống Trump.

Ngày 24-4, hai ngày trước ngày "siêu thứ Ba", Cruz và Kasich tuyên bố liên minh tranh cử nhằm tranh thủ lá phiếu cử tri chung để đương đầu với Trump. Ngay lập tức, liên minh này đã bị chính ông Trump chê bai là trò chơi chính trị rẻ tiền và không có tác dụng. Thật vậy, dư luận chung đánh giá động thái của hai ông Cruz và Kasich đã quá trễ lại vừa quá yếu, không đủ sức để đương cự nổi Trump, nói gì đến quật ngã ông ấy. Và kết quả tại 5 bang Đông Bắc đã cho thấy rõ điều đó. 

Nhiều chuyên gia chính trị tại Wahisngton cho rằng, Cruz và Kasich không còn khả năng chống trả Trump nữa cho dù họ có liên thủ với nhau. Sự trở lại đà chiến thắng của ông Trump không phải đến một cách ngẫu nhiên mà đó là kết quả của những sự điều chỉnh rất quan trọng trong chiến lược và chiến thuật, cách xây dựng lại hình ảnh và phong cách phát ngôn trước công chúng.

Sau một chặng đường đua gây nhiều sóng gió, ứng cử viên Trump đã tự hoàn thiện mình, từng bước thích ứng với không khí chính trị truyền thống của nước Mỹ để không ai còn có thể bảo rằng Trump là thế này hay thế kia nữa. Và đó chính là vấn đề khó nhất cho đảng Cộng hòa nếu muốn dùng Đại hội sắp tới để chặn bước Trump.

Sanders lu mờ, Clinton nhìn về phía trước

Ở đảng Dân chủ, cuộc đua có vẻ khá dễ dàng cho bà Clinton, khi bà không mấy khó khăn để giành chiến thắng tại 4 bang, ngoại trừ bang Rhode Island nơi ông Sanders giành chiến thắng. Nhưng Rhode Island chỉ cung cấp 24 phiếu đại biểu, vì thế mà chiến thắng tại bang này không giúp ông Sanders cải thiện được thành tích trong cuộc đua, và do đó cũng không thể rút ngắn được khoảng cách về số phiếu đại biểu.

Theo thống kê của các cơ quan báo chí, sau ngày "siêu thứ Ba" vừa qua, bà Clinton đã tích lũy được tổng cộng 2.168 đại biểu, trong đó có 1.666 đại biểu cam kết, còn lại 502 đại biểu không cam kết. Ông Sanders cũng đạt được 1.401 đại biểu, trong dó có 1.359 đã hứa, 42 không hứa.

Nhìn vào các con số vừa nêu, xem ra con đường đến Philadelphia (nơi tổ chức Đại hội đảng Dân chủ) vào tháng 7 tới của ông Sanders giờ đây trở nên vô cùng mờ mịt. Nếu muốn rút ngắn khoảng cách về số đại biểu, chứ chưa nói đến san bằng, ông Sanders ít nhất phải giành chiến thắng toàn bộ 5 bang tiếp theo đang sắp diễn ra. Trong thời điểm hiện nay, điều này là còn khó hơn lên trời hái sao.

Bà Hillary cùng chồng là cựu Tổng thống Bill Clinton và con gái mừng chiến thắng.

Kể từ sau thất bại quyết định tại bang New York hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, Sanders đã có phần xuống sức do đã hết "bài" để đánh bà Clinton. Vẫn những câu khẩu hiệu không có nhiều điểm mới, và những lời lẽ công kích bà Clinton cũng không khiến cho bà suy giảm chút nào uy tín trước cử tri thì làm sao Sanders có thể xoay chuyển được tình thế vào lúc này?

Dù mờ nhạt và đang cạn dần hy vọng trong cuộc đua, nhưng ông Sanders vẫn tỏ rõ dũng khí của một ứng cử viên tổng thống. Ông đã tuyên bố với báo chí sẽ không rời bỏ cuộc đua sớm và sẽ chiến đấu cho đến những giây cuối cùng tại bang California - bang lớn nhất trong cuộc đua của đảng Dân chủ.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.