Người dân Colombia sẽ chọn hòa bình

Thứ Hai, 03/10/2016, 17:10
Đất nước Colombia đang đứng trước cơ hội lớn nhất để vĩnh viễn chấm dứt những năm tháng nội chiến tang thương. Ngày 2-10 tới, người dân nước này sẽ đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về Hiệp định hòa bình vừa được ký kết hôm 26-9. Đêm dài chiến tranh đã qua và nhiều người dân Colombia giờ đây chỉ mong muốn nó qua đi mãi mãi.

Hiệp định được ký kết tại La Habana, Cuba, trước sự chứng kiến của Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Cuba, Mexico, El Salvador và Ururguay. Hiệp định là kết quả của cả một tiến trình đàm phán kéo dài hơn 4 năm, được khởi xướng từ 6 năm trước, trải qua đôi ba lần trì hoãn vì những trục trặc kỹ thuật và sự cố bên ngoài bàn đàm phán.

Người đóng vai trò quan trọng giúp cho tiến trình đàm phán tiến triển từng bước quan trọng đầu tiên là cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã qua đời vì bệnh ung thư. Từ đó, những bước đi tiếp theo của tiến trình đàm phán hoàn toàn do Cuba làm trung gian.

Dưới sự trung gian hòa giải của Chủ tịch Cuba Raul Castro, hàng loạt thỏa thuận trong toàn bộ gói thỏa thuận hòa bình đã lần lượt được hai bên ký kết, mỗi lần ký kết như thế đều trở nên một sự kiện mang tính bước ngoặt trong tiến trình tìm kiếm hòa bình của FARC và Chính phủ Colombia.

Lãnh đạo FARC Rodrigo Londono Echeverri hân hoan thông báo việc ký kết Hiệp định hòa bình.

Có mặt tại lễ ký kết Hiệp định, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ cảm xúc của mình: “Hôm nay, người dân Colombia đang chào từ biệt hàng chục năm khói lửa chiến tranh, và thắp lên một tia hy vọng sáng lòa cả thế giới”.

Ngay sau khi Hiệp định được ký kết, các thành viên du kích Lực lượng Cách mạng Colombia (FARC) đã thể hiện thái độ mưu cầu hòa bình bằng việc bỏ phiếu 100% ủng hộ Hiệp định. Lãnh đạo FARC Rodeigo Londono Echeverri, tên thường dùng là Timochenko, ra tuyên bố sẽ duy trì trạng thái ngừng bắn theo thỏa thuận trước khi ký kết Hiệp định, để bảo đảm Hiệp định được nhân dân Colombia thông qua và thực thi. Hòa bình sẽ ngự trị mãi mãi trên đất nước Colombia, không tái diễn nội chiến, như lãnh đạo FARC tuyên bố.

Khi các nhà đàm phán FARC cùng Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đi đến thỏa thuận sau cùng để ký kết hiệp định, là lúc nhân dân Colombia bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hòa bình, kỷ nguyên của tình yêu thương và xây dựng lại đất nước.

Lực lượng ELN - nỗi lo còn lại.

Trong một động thái thể hiện quyết tâm từ bỏ bạo lực chiến tranh, theo đuổi con đường đấu tranh bằng chính trị, các lãnh đạo FARC đã tuyên bố thành lập đảng chính trị mới đại diện cho mình để tham gia chính trường Colombia. Để đi trên con đường chính trị, FARC trước hết sẽ phải thực hiện các cam kết trong Hiệp định hòa bình, tham gia xây dựng đất nước Colombia phồn thịnh. Đảng chính trị mới của FARC sẽ cùng với các đảng phái khác tích cực đẩy mạnh cải cách chính trị, xã hội.

Để thực hiện nhiệm vụ này, theo Hiệp định, đảng chính trị của FARC sẽ được “cấp” cho 10 ghế không cần thông qua bầu cử trong thời gian từ nay cho đến năm 2026 (10 năm). Cũng theo cam kết trong Hiệp định, các thành viên du kích quân FARC sẽ được ân xá hoặc ân giảm mức án tù nếu bị kết án, đổi lại lực lượng này sẽ tiến hành giải giáp theo thỏa thuận đã ký để tạo điều kiện bảo đảm hòa bình.

Phát biểu trước khi cuộc trưng cầu diễn ra, lãnh đạo FARC Timochenko nói: “Tất cả người dân Colombia đã trải qua đau thương - nỗi đau của người mẹ có con tham gia du kích cũng giống như nỗi đau của người mẹ có con phục vụ trong quân đội chính phủ. Chúng ta cùng chung tổ quốc, vì thế chúng ta không thể lợi dụng tiến trình (trưng cầu) này để xát muối vào vết thương của phía bên kia”.

Tổng thống Santos cảnh báo: “Nếu lá phiếu Không thắng thế, chúng ta sẽ quay trở lại tiến trình mà chính phủ này đã khởi xướng cách đây 6 năm. Đó sẽ là thảm họa cho đất nước chúng ta”.

Nỗi lo lắng đó của ông Santos chắc sẽ không xảy ra. Theo báo chí Colombia, các kết quả thăm dò dân chúng trước cuộc trưng cầu cho thấy đa số người dân Colombia ủng hộ kế hoạch hòa bình của chính phủ. Còn trong các khu rừng trước đây là căn cứ đóng quân của FARC, nhiều khu doanh trại giờ đã trống không, bị bỏ hoang vì các lực lượng du kích FARC đã rời bỏ căn cứ để về thành phố thực thi những điều kiện đã ghi trong Hiệp định.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một bộ phận cực đoan, theo đuổi quan điểm cứng rắn chống đối hiệp định hòa bình vì không muốn nhìn thấy FARC tham gia hoạt động chính trị. Lãnh đạo phong trào phản đối cực đoan này là cựu Tổng thống Alvaro Uribe, tuyên bố thẳng thắn không chấp nhận việc ân xá cho các thành viên FARC.

Thành viên FARC vui mừng nhảy múa sau khi Hiệp định hòa bình được ký kết.

Giới quan sát còn băn khoăn thêm rằng, bây giờ FARC đã “giã từ vũ khí”, tham gia tiến trình xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng, nhưng liệu như thế có đủ để người dân Colombia được bình yên thật sự hay không? Không còn lực lượng vũ trang FARC nữa thì liệu nạn sản xuất và buôn bán ma túy (cocaine) ở Colombia có thật sự chấm dứt hay chưa?

Colombia không chỉ có nhóm du kích cánh tả FARC chống chính phủ trong cuộc nội chiến kéo dài 52 năm qua. Colombia còn có các lực lượng du kích, phiến quân khác, đặc biệt là hiện nay lực lượng Quân đội Giải phóng Dân tộc (ELN) đang bắt đầu thay thế FARC trở thành lực lượng du kích chống chính phủ lớn nhất hiện nay.

Người ta lo ngại rằng, lực lượng này sẽ lợi dụng, trám chỗ vào những khoảng trống mà FARC để lại sau khi ký kết và thực thi Hiệp định hòa bình. ELN sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động chống chính phủ, gây bất ổn an ninh trong một thời gian trước khi Chính phủ Colombia có một giải pháp nào đó để dập tắt nó.

An Châu (tổng hợp)
.
.