Nỗ lực đối phó khủng hoảng nhập cư như… “bắt cóc bỏ đĩa”

Thứ Năm, 02/06/2016, 10:40
Bất chấp mọi nỗ lực của Liên minh châu Âu trong thời gian qua, dòng người di cư đổ về châu lục này vẫn tiếp tục gia tăng. Ngày 29-5, người phát ngôn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Carlotta Sami, cho biết căn cứ vào thông tin từ những người sống sót, cơ quan này ước tính có thể hơn 700 người di cư đã thiệt mạng trong 3 vụ đắm tàu riêng trong tuần qua.

Theo Tổ chức Di dân quốc tế, chỉ trong vài ngày gần đây đã có khoảng 6.000 người tị nạn trái phép vượt biển từ Libya sang Italia, sau khi tuyến đường qua Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng cửa.

Hải phận Italia là nơi “thắt cổ chai”

Các giới chức cho biết hầu hết những người trên các chiếc tàu bị chìm là đến từ các quốc gia châu Phi ở phía nam sa mạc Sahara. Những người sống sót cho biết những kẻ chuyển lậu người không hề làm điều gì để giúp cho những người vượt biên không bị chết đuối.

Bà Giovanna di Benedetto, thuộc tổ chức từ thiện Save the Children ở Sicily, nói: “Vào tối 25-5 có ít nhất hai chiếc tàu đánh cá và một chiếc thuyền cao su đã khởi hành từ duyên hải Libya. Một trong hai chiếc tàu đánh cá chở khoảng 500 người và kéo theo một chiếc tàu nhỏ hơn với khoảng 400 người trên đó. Đến sáng 26-5, chiếc tàu nhỏ hơn, là chiếc tàu không có máy và được kéo, bắt đầu bị nước tràn vào. Một số người nhảy xuống biển và bơi tới chiếc tàu lớn, và một số người khác bám vào chiếc dây dùng để kéo tàu. Sau đó người ta cắt dây và chiếc tàu nhỏ hơn đã bị chìm”.

Tổ chức Save the Children cho biết, trong số hàng trăm người thiệt mạng, có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Người phát ngôn của tổ chức này nhấn mạnh, số lượng người di cư thiệt mạng khi tìm cách vượt biển vào châu Âu đang ngày càng tồi tệ.

Một thuyền chở người tị nạn đang chìm ngay trước mặt tàu Hải quân Italia ngày 25-5.

Giới hữu trách Italia đã bắt 4 người mà họ nghi là những kẻ chuyển lậu người, trong đó có một người Sudan lái chiếc tàu lớn và bị tố cáo là đã ra lệnh cắt đứt chiếc dây kéo tàu. Trong cùng thời gian này lực lượng tuần duyên Italia đã cứu được hàng ngàn người.

Hôm 29-5, chiến hạm Vega của hải quân Italia chở hàng trăm người di dân mà họ cứu được trên biển đã cập cảng Reggio Calabria ở miền nam nước này. Tàu Vega cũng đưa lên bờ thi hài của 45 người bị chết đuối trong lúc tìm cách vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu.

Theo Tổ chức Di dân quốc tế, chỉ trong vài ngày gần đây đã có khoảng 6.000 người tị nạn trái phép vượt biển từ Libya sang Italia, sau khi tuyến đường qua Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng cửa. Các đối tượng buôn người tại Libya cũng lợi dụng tình hình chính trị bất ổn trong nước để thúc đẩy hoạt động vận chuyển người di cư trái phép.

Trước đó, các quan chức an ninh của thành phố Tripoli, Libya đã bắt giữ hơn 200 người di cư bất hợp pháp và một đối tượng buôn người.

Một năm trước, cũng vào khoảng thời gian này, giới hữu trách Italia phải đối phó với tình hình tồi tệ tương tự. Chỉ trong vòng 2 ngày 12 và 13-4-2015, lực lượng tuần tra bờ biển Italia đã ngăn chặn 42 tàu thuyền chở 6.500 người nhập cư vượt biển vào quốc gia Nam Âu này. Cùng với điều kiện biển lặng khi mùa xuân đến, thuận lợi cho việc vượt biển sang châu Âu, các cuộc xung đột và khủng hoảng tại châu Phi cũng được cho là nguyên nhân chính khiến làn sóng người tị nạn ngày càng gia tăng.

Chiến hạm Vega của Hải quân Italia chở hàng trăm di dân cứu được trên biển cập cảng Reggio Calabria, ngày 29-5.

Theo lời các nhân chứng, hôm 14-4, họ đã lên một chiếc thuyền cao su từ bờ biển Libya cùng 105 hành khách. Trong hành trình, những người nhập cư từ Nigeria và Ghana, được cho là theo đạo Cơ đốc, đã bị 15 hành khách khác trên thuyền đến từ Côte d’Ivoire, Senegal và Mali đe dọa bỏ lại trên biển. 15 nghi phạm này đã bị bắt giữ khi chiếc thuyền cập bờ biển Italia, bị cáo buộc phạm tội giết người ở nhiều mức độ và có yếu tố thù hằn tôn giáo trong vụ việc. Thông cáo này được đưa ra sau khi cảnh sát điều tra, thẩm vấn những người nhập cư đến từ Nigeria, Ghana được lực lượng chức năng Italia giải cứu và đưa tới Palermo.

Trong một thảm kịch khác, Tổ chức Di dân Quốc tế cho biết có đến 41 người mất tích và nhiều khả năng đã thiệt mạng trong vụ chiếc thuyền chở 45 người đến từ Nigeria, Ghana và Niger bị đắm ngày 16-4-2015 khi đang trên hành trình vượt Địa Trung Hải tới Italia. Vụ việc này xảy ra chỉ một vài ngày sau khi con tàu chở khoảng 500-550 người nhập cư trái phép lật úp ở vùng biển ngoài khơi Libya. Hơn 400 người nhập cư được cho là thiệt mạng trong vụ này.

Xác định, bắt giữ, phá hủy tàu thuyền buôn người không dễ

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trên Địa Trung Hải, giới chức lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 5-2015 đã nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc đối với việc áp dụng hành động quân sự nhằm bắt giữ và phá hủy những tàu thuyền được sử dụng để chở người di cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải từ Libya.

Trao đổi với báo giới ngày 6-5, một quan chức ngoại giao giấu tên của Liên Hiệp Quốc cho biết, các nước thành viên EU thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - gồm Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Litva  nỗ lực hợp tác với Italia để soạn thảo một dự thảo nghị quyết, trong đó cho phép EU can thiệp trong lãnh hải và trên đất liền của Libya, bắt giữ các tàu thuyền “nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu và di cư bất hợp pháp tại khu vực Địa Trung Hải”.

Dự thảo nghị quyết này được soạn thảo dựa trên sự thống nhất về cách thức giải quyết vấn nạn nhập cư mà giới chức lãnh đạo EU đạt được hồi tháng 4-2015, theo đó sẽ “xác định, bắt giữ và phá hủy” các tàu thuyền được dùng để chở người nhập cư trái phép qua Địa Trung Hải. Văn kiện được soạn thảo theo Chương 7 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc - cho phép sử dụng vũ lực - này sẽ trao quyền cho lực lượng hải quân EU được hành động trong vùng lãnh hải của Libya, nếu có sự đồng thuận của nhà cầm quyền nước này.

Lúc đó, Nga - quốc gia có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an - bày tỏ sự ủng hộ đối với dự thảo nghị quyết trên, song phản đối việc cho phép EU có hành động phá hủy các tàu thuyền được sử dụng để chở những người di cư. Đại diện thường trực của Nga tại EU đã bày tỏ mối quan ngại về giải pháp vũ lực trên, cho rằng chỉ nên kiểm tra và bắt giữ các tàu thuyền được sử dụng với mục đích vận chuyển người nhập cư trái phép.

Trong khi đó, Chủ tịch hội Chữ thập Đỏ của Italia Francesco Rocca lên tiếng phản đối đề xuất sử dụng vũ lực của EU, cho rằng cần tạo thêm cơ hội để những người di cư đang mong muốn tìm kiếm nơi trú ẩn có thể đến châu Âu an toàn.

Ngày 22-6-2015, Hải quân châu Âu bắt đầu khởi động chiến dịch chống buôn người qua đường biển.

Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, ông Rocca nêu rõ việc phá hủy các tàu thuyền không phải là một biện pháp hiệu quả và nhấn mạnh sự cần thiết có một kế hoạch toàn diện hơn chứ không phải chỉ hạn chế trong việc phá hỏng cơ hội làm ăn của bọn buôn người. Ông còn cho rằng cần ưu tiên việc tìm kiếm một giải pháp chính trị nhằm vãn hồi tình hình bất ổn ở Libya - nơi tình trạng vô luật pháp sau khi nhà độc tài Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011 đang tạo điều kiện cho các băng nhóm buôn lậu hoành hành.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng chỉ trích giải pháp phá hủy tàu thuyền mà EU đề xuất, cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến kế sinh nhai của ngư dân địa phương - những người có thể bị buộc phải bắt tay với những kẻ buôn người.

Ngày 22-6-2015, châu Âu chính thức khởi động lực lượng EU Navfor Med, tên rút ngắn của lực lượng hải thuyền Liên minh châu Âu tại Địa Trung Hải. Đây không phải là một chiến dịch nhân đạo mà là một cuộc hành quân lâu dài với những phương tiện lớn với tàu chiến, tàu ngầm, máy bay trinh sát nhằm ngăn chặn những chiếc thuyền chở người nhập cư trái phép vào châu Âu.

Italia đã nỗ lực vận động giải pháp này nên quyền chỉ huy được trao cho một viên tướng hải quân nước này, Enrico Credenlino, thông thạo tiếng Anh, Pháp, và Bộ Tư lệnh EU Navfor Med đặt tại Roma. Các nước Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha cung cấp tàu chiến, Tây Ban Nha và Slovenia cùng các thành viên khác gửi máy bay và trực thăng. Một lực lượng quân sự dồi dào có nhiệm vụ trấn áp những kẻ buôn người.

Một giới chức ngoại giao cao cấp của EU cho hay có 5 tàu mặt nước hải quân, do hàng không mẫu hạm Cavour của Italia chỉ huy, sẽ cùng với 2 tàu ngầm, 3 máy bay trinh sát biển, 2 máy bay không người lái và 2 trực thăng tham gia vào chiến dịch. Chiến dịch này sẽ xác định, bắt giữ và phá hủy tàu thuyền trước khi nó được các đường dây buôn người sử dụng. Lúc đó, các phương tiện của EU sẽ hoạt động trong hải phận và không phận quốc tế cho tới khi khối này có được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như của Chính phủ Libya để tiến sâu hơn vào lãnh hải của các quốc gia này.

Các nhà chiến lược cho rằng, để đạt được hiệu quả, lực lượng tuần tra Địa Trung Hải của EU phải xâm nhập vào vùng duyên hải của Libya. Vấn đề là do không có ủy nhiệm của LHQ, lực lượng chống buôn người không thể can thiệp đến tận lãnh hải Libya.

Cuối năm 2015, cuộc họp thượng đỉnh Âu-Phi tại Malta đã thống nhất thành lập một quỹ 1,8 tỉ euro để tài trợ các dự án phát triển và quản lý làn sóng di dân của các nước châu Phi. Đối với các quốc gia châu Phi cận sa mạc Sahara, việc viện trợ có mục tiêu từ EU sẽ tạo ra việc làm cho người dân địa phương và giảm dòng chảy dân nhập cư tới châu Âu vì lý do kinh tế. Tuy nhiên, nhiều người tị nạn chạy trốn khỏi các quốc gia có sự xung đột sâu sắc như Nigeria, Sudan, Somalia và Cộng hòa Dân chủ Congo đòi hỏi EU phải phối hợp để có các chính sách đối ngoại về chính trị và kinh tế phù hợp.

Một thách thức lớn đối với EU là thành lập các trung tâm ở châu Phi và Trung Đông để xử lý yêu cầu tị nạn. Việc này sẽ giúp ngăn chặn bi kịch của nhiều người di cư khi vượt biên qua Địa Trung Hải. Trong nỗ lực hạn chế nạn buôn người từ Tây Phi, EU sẽ thành lập một trung tâm thí điểm tại Niger nhằm tuyên truyền thông tin về các quy định nhập cư của châu Âu và nêu lựa chọn cho những người có ý định di cư.

Rất nhiều giải pháp được đề xuất nhưng…

Châu Âu đã phải vất vả đối chọi với cuộc khủng hoảng di dân từ gần hai năm qua. Rất nhiều các biện pháp đã được đề ra từ đó đến nay. Sau khi phân bổ cho các nước thành viên số người nhập cư phải nhận vào, cuối tháng 2-2016, EU yêu cầu Europol thành lập một đơn vị chuyên trách có trụ sở tại La Haye, Hà Lan. Đơn vị này sẽ giúp tăng cường thông tin giữa các thành viên EU trong việc chống hoạt động buôn người và nhập cư bất hợp pháp. Hiện theo ước tính có tới 90% người nhập cư vào châu Âu thông qua mạng lưới buôn người.

 Chính phủ Anh là một trong những quốc gia nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngăn chặn dòng chảy người di cư ngay tại nơi khởi nguồn để giảm các cuộc hành trình nguy hiểm của họ sang châu Âu. Trong khi đó, cuộc chiến tại Syria kết thúc sẽ tạo sự khác biệt rất lớn nhưng đó là một chặng đường dài.

Syria là quốc gia có số lượng người di cư nhiều nhất tới châu Âu. Hơn 4 triệu người tị nạn Syria đổ xô tới Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và các quốc gia láng giềng khác. Trong khi đó, các nước Arab ở vùng Vịnh giàu có tiếp nhận ít người tị nạn Syria.

Giới chỉ trích đang thúc giục họ hành động nhiều hơn nữa để giúp những con người khốn khổ. Gần đây, EU còn lọc người nhập cư qua chương trình Thẻ Xanh dành cho các chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao làm việc tại châu Âu. Những người còn lại sẽ bị trục xuất về nước. Tuy nhiên, số lượng người tị nạn bị trục xuất khỏi các nước EU ít hơn một nửa số người xin giấy phép không thành công.

Những kẻ buôn người biết và tận dụng điều này để thu lời trái phép. Chúng thường thu tới hàng nghìn bảng Anh khi đưa một người di cư tới châu Âu. Trong năm 2014, chỉ 45% đơn tị nạn được chấp thuận. Tại một số quốc gia, giới chức từ chối gần như mọi yêu cầu xin tị nạn.

Hiện tại EU còn đang triển khai chương trình chặn đứng người di cư tại các cửa ngõ của châu lục này bằng cách cho tiền và tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để họ ngăn không cho người nhập cư tràn sâu vào châu Âu. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên của châu Âu vẫn không ngăn được dòng người di cư đổ về. Tình trạng di cư hiện nay rất phức tạp và đòi hỏi nỗ lực hỗ trợ dài hạn từ phía EU.

M.T. - Đ.L. (tổng hợp)
.
.