Phương Tây lại chia rẽ vì Ukraina

Thứ Tư, 04/02/2015, 17:25
Cục diện chiến trường Ukraina đang tác động trực tiếp tới thái độ của Mỹ và châu Âu. Trước sự yếu thế của quân đội Chính phủ Ukraina, Mỹ đang cân nhắc sẽ cung cấp vũ khí sát thương trong khi châu Âu cự tuyệt điều này và muốn tìm một giải pháp ngoại giao toàn diện.

Thành phố Debaltsevo ở miền Đông Ukraina đang trở thành tâm điểm xung đột mới giữa phe ly khai và quân đội Kiev. Từ vài ngày qua, giao tranh ác liệt tại đây đã khiến hàng chục người chết. Chỉ trong mấy ngày qua, đã có khoảng 1.000 cư dân Debaltsevo được sơ tán khỏi thành phố.

Debaltsevo hiện do chính quyền Kiev kiểm soát, nằm lọt thỏm giữa các lãnh thổ của phe ly khai, là cản trở duy nhất nối liền Donetsk và Lugansk. Ngày 26/1, người đứng đầu nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DPR), ông Alexandr Zakharchenko tuyên bố, các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk (LPR) đang liên kết lực lượng của mình và “nắn thẳng lại vạch tiếp giáp giữa các bên”.

DPR và LPR nằm ở miền Đông Ukraina nhưng không tiếp giáp với nhau về biên giới mà còn cách nhau gần 100km. Nằm trên tuyến đường nối liền Donetsk và Lugansk là thành phố Debaltsevo. Để thực hiện chiến lược liên thủ và mở một hành lang thông với nhau, DPR và LPR không còn cách nào khác là phải chiếm cho bằng được cứ điểm quan trọng này.

Tính đến ngày 2/2, lực lượng ly khai đã bao vây gần như toàn bộ thành phố Debaltsevo. Hiện có nhiều thông tin trái chiều về chuyện 8.000 lính Ukraina bị phe ly khai bao vây tại đây. Kênh truyền hình 112 Ukraina ngày 30-1 dẫn lời người phát ngôn Trung tâm Báo chí chiến dịch chống khủng bố (ATO) ở miền Đông Ukraina, ông Leonid Matyukhin, cho hay hiện các tay súng ly khai vẫn chưa thể khép vòng vây quanh Debaltsevo.

Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Donetsk, ông Ilya Kiva, cùng ngày cũng đưa ra thông tin tương tự khi ông bác tin các tay súng ly khai đã khép chặt vòng vây quanh Debaltsevo.

“Quân đội Ukraina vẫn trụ ở Debaltsevo”- ông Ilya Kiva viết trên trang facebook cá nhân. Thứ trưởng Quốc phòng DPR, ông Eduard Basurin cho hay, chỉ trong ngày 31/1 có 19 binh sĩ, trong đó có 2 sĩ quan, ở khu vực Uglegorsk, ngoại ô Debaltsevo, ra hàng quân ly khai. Mọi nỗ lực của binh sĩ Ukraina nhằm phản công hay phá vây đều bị đẩy lui. Về phía Ukraina, nghị sĩ Viktor Balogha dẫn thông báo từ Lữ đoàn Bộ binh sơn cước Mukachevo số 128 trên thực địa thừa nhận binh sĩ Ukraina ở Debaltsevo đang có nguy cơ bị bao vây thực sự.

Theo Hãng thông tấn RIA, Alexandre Zakhartchenko của Nga, lãnh đạo DPR ngày 2/2 cho biết đã ban hành lệnh tổng động viên. Kế hoạch đầu tiên, tiến hành trong 10 ngày tới đây, sẽ tăng thêm 10.000 quân cho phe nổi dậy. Phe ly khai ở miền Đông Ukraina dự tính, liên quân Donetsk và Lugansk hợp lại sẽ lên đến 100.000 người.

Người dân Debaltsevo sơ tán khỏi vùng chiến sự.

Trước đó, ngày 31/1, các cuộc hòa đàm kéo dài 4 giờ đồng hồ nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn giữa lực lượng ly khai và Chính phủ Ukraina đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Theo các đại diện của chính quyền Kiev tham gia cuộc đàm phán tại Minsk (Belarus), trong đó có cựu Tổng thống Ukraina Leonid Kuchma, cuộc họp đã “đổ vỡ và thất bại” sau khi các thủ lĩnh cấp cao của lực lượng nổi dậy vẫn giữ khoảng cách và các nhà thương thuyết của họ từ chối thảo luận về một kế hoạch ngừng bắn ngay lập tức và rút các vũ khí hạng nặng.

Trước tình hình này, ngày 2/2 báo chí Mỹ đưa tin, Washington đang nghiên cứu giải pháp viện trợ vũ khí cho quân đội Ukraina khoảng 3 tỉ USD. Tờ New York Times cho biết, một bản báo cáo của 8 nhân vật từng đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong Bộ Quốc phòng Mỹ đã được công bố hôm 2/2, yêu cầu chính phủ viện trợ cho Ukraina 3 tỉ USD vũ khí. Tư lệnh liên minh NATO, tướng Philip Breedlove cũng đã đồng ý cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraina.

Theo Reuters, Cố vấn an ninh Tổng thống Mỹ, Susan Rice, dường như cũng thay đổi lập trường do dự không muốn cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina. Từ khi tình hình Đông Ukraina căng thẳng dẫn đến xung đột vũ trang, Mỹ chỉ cung cấp áo giáp chống đạn, quân phục mùa đông, radar chống tên lửa và máy bay trinh sát không người lái cho Kiev.

Theo Hãng tin TASS của Nga, Tổng thống Mỹ Obama vẫn chưa đưa ra quyết định về việc cung cấp vũ khí sát thương (cho Ukraina). Tuy nhiên, sau một loạt thất bại nghiêm trọng của lực lượng Ukraina trong những tuần gần đây, chính quyền của Tổng thống Obama đang xem xét một đợt viện trợ quân sự mới.

Cùng ngày, Hãng tin Reuters đưa tin: Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước này sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraina, đồng thời khẳng định ủng hộ các cuộc đàm phán và một giải pháp ngoại giao đối với cuộc xung đột giữa chính quyền Kiev và phe ly khai ở miền Đông Ukraina. Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Hungaria Viktor Orban tại thủ đô Budapest, bà Merkel khuyến cáo phải khẩn trương khôi phục một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraina, theo những điều khoản của kế hoạch hòa bình Minsk. Bà tuyên bố: "Đức sẽ không ủng hộ Ukraina bằng vũ khí. Cuộc xung đột ở Ukraina không thể giải quyết được bằng quân sự".

Cho đến nay, các nước phương Tây hy vọng, các đợt trừng phạt gây hậu quả lớn đối với kinh tế Nga sẽ khiến chính quyền Moskva phải xét lại chính sách của mình đối với Ukraina. Tuy nhiên, các biện pháp này hiện vẫn không thể làm thay đổi thái độ của ông chủ Điện Kremlin. Tuần trước, một số chuyên gia và lãnh đạo phương Tây cùng nhấn mạnh đến việc Nga cần đóng một vai trò quan trọng trong thế giới đa cực hiện nay. Mỹ cần để ngỏ cho Nga khả năng tìm thấy được vị trí của mình “xét về dài hạn”  trong cộng đồng quốc tế, mà “Mokva được kêu gọi đóng một vai trò căn bản” là nhận định của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

Binh sĩ Ukraina tấn công quân ly khai ở một khu vực thuộc Lugansk.

Ngày 30/1, Miroslave Lajcak, Phó thủ tướng Slovakia, đặc biệt lưu ý về giai đoạn hiện nay, khi căng thẳng phương Tây và Nga gia tăng đến mức một số người cho rằng đang khởi đầu một thời kỳ Chiến tranh lạnh mới. Vẫn theo Phó thủ tướng Slovakia, cần phải đặt câu hỏi về “một kỷ nguyên mới, về vị trí của nước Nga và vị trí của chúng ta trong kỷ nguyên này, và đặc biệt là những cái mà chúng ta phải làm để đi đến đích”.

Thời kỳ Chiến tranh lạnh mới, có thể dẫn đến “xung đột vũ trang”, cũng là cảnh báo của cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev, hôm 29/1, khi trả lời Hãng thông tấn Interfax. Ông Gorbachev lo ngại: “Tôi sợ rằng họ (Mỹ) đang mạo hiểm như vậy”. Về chủ đề này, Fiona Hill, Giám đốc Trung tâm về Mỹ và châu Âu, thuộc Viện Tư vấn độc lập Brookings Institution, cho rằng, phương Tây sẽ bị lạc hướng, nếu như chờ đợi các trừng phạt đối với Nga sẽ mang lại kết quả. Trả lời AFP, bà Hill cho rằng phương Tây hiện phải đương đầu với “một tình thế lưỡng nan, vừa phải tìm cách để chấm dứt xung đột tại Ukraina, vừa phải tránh sa lầy vào một quan hệ ngày càng xung đột hơn với nước Nga”, trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin “sẽ không lùi bước”, như bà dự đoán.

Theo AFP, trong một tài liệu đang trong quá trình soạn thảo bị “lọt ra” ngoài, cách nay khoảng hai tuần, đại diện Ngoại giao châu Âu Federica Mogherini giải thích cần phải gác lại vấn đề Nga sáp nhập bán đảo Crimea sang một bên, để mở đường cho những phương thức đối thoại mới với Moskva. Trong chuyến công du Mỹ cuối tháng 1/2015, lãnh đạo Ngoại giao châu Âu nhấn mạnh: “Nước Nga là láng giềng của chúng ta, chúng ta không thể làm gì để thay đổi thực tế địa lý này. Vấn đề là cần phải xác định đối xử như thế nào với nước Nga trong bối cảnh có một xung đột trong hiện tại, và triển vọng quan hệ với Nga trong 2 năm, 5 năm hay 10 năm nữa”.

Ngày 5/2 này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thăm Kiev để gặp Tổng thống Petro Poroshenko và giới chức Ukraina. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ sẽ nêu bật sự ủng hộ kiên định của Mỹ đối với Ukraina.

Trong cuộc phỏng vấn của CNN ngày 2/2, Tổng thống Barack Obama bày tỏ quan điểm rằng, xung đột quân sự thực sự giữa Mỹ và Nga sẽ không phải là quyết định khôn ngoan, tuy nhiên, ông đe dọa sẽ "áp dụng các hành động quân sự để bảo vệ đồng minh. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói những lời hùng biện hiếu chiến của Tổng thống Obama càng chứng tỏ rằng Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ vô điều kiện cho Kiev đi theo giải pháp quân sự. Và điều này sẽ không bao giờ đem lại hòa bình thực sự cho Ukraina.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.