Quan hệ Mỹ - Cuba: Liệu có trở về thời kỳ Chiến tranh lạnh?
Việc Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington có thể đóng cửa đại sứ quán tại Cuba sau một loạt vụ "tấn công sức khỏe" bí ẩn nhằm vào các nhân viên ngoại giao Mỹ đang làm việc tại La Habana đang khiến dư luận hết sức lo ngại và đặt ra nhiều câu hỏi về sự tồn tại của mối quan hệ giữa hai cựu thù này.
Tranh cãi nảy sinh sau khi 21 nhân viên ngoại giao Mỹ được xác nhận bị ảnh hưởng bởi vụ việc tại La Habana. Hôm 15-9, 5 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã viết một bức thư ngỏ yêu cầu Ngoại trưởng Tillerson phải nhắc nhở Cuba về trách nhiệm bảo vệ các nhà ngoại giao trong lãnh thổ của mình trong vụ việc được giả định là “tấn công sóng âm” nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ.
Mặc dù sự việc này bắt đầu được báo cáo từ năm 2016 và trong tháng 2 vừa qua phía Mỹ đã gửi những cảnh báo tới chính quyền Cuba cũng như lặng lẽ trục xuất 2 nhà ngoại giao Cuba làm việc tại Washington từ hồi tháng 5 để trả đũa cho sự việc này nhưng "sự cố" này được ghi nhận là vẫn tiếp tục xảy ra ngày 21-8 vừa qua.
Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Havana. |
Trong số những nhân viên ngoại giao Mỹ bị ảnh hưởng, một vài người đã được chuyển về Florida, số còn lại vẫn đang được điều trị tại Cuba. Trong khi mọi chuyện chưa sáng tỏ, nguyên nhân và thủ phạm vẫn chưa được xác định, ông Tillerson bất ngờ đưa ra tuyên bố Mỹ đang xem xét việc đóng cửa Đại sứ quán Cuba tại Washington trong bối cảnh La Habana vẫn khẳng định không tiến hành bất cứ hành động nào gây tổn thương thể chất tới các nhà ngoại giao nước ngoài và sẵn sàng hợp tác điều tra.
Hiện cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ ở La Habana vẫn hoạt động. Mặc dù không trực tiếp đưa ra lời buộc tội nào nhưng các quan chức ngoại giao Mỹ vẫn cảnh báo rằng chính quyền La Habana cần phải có trách nhiệm về sự an toàn của các nhân viên ngoại giao nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Cuba.
Trong khi số lượng nạn nhân là cán bộ ngoại giao ngày càng tăng và vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng nào cho cái mà chính quyền Washington gọi là "sự cố chưa có tiền lệ", một số nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi tái đóng cửa đại sứ quán nước này tại Cuba.
Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson, rằng Mỹ đang trong quá trình đánh giá sự việc vì đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng ảnh hưởng tới những cá nhân cụ thể, một số quan chức Mỹ lại tiết lộ với báo giới rằng một số thiết bị tạo sóng âm đã được sử dụng lén lút để tấn công các nhân viên ngoại giao nước này và các vấn đề về sức khỏe của họ đã bắt đầu được báo cáo về nước từ năm 2016. Phía Mỹ thậm chí còn cho biết 10 người đang điều trị đều được chẩn đoán là bị tổn thương não nhẹ và mất thính lực vĩnh viễn.
Giới phân tích cho rằng mặc dù quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba được cựu Tổng thống Barrack Obama và Chủ tịch Raul Castro nối lại từ năm 2015 sau nửa thập kỷ đóng băng. Song trên thực tế, quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng trở lại sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với nhiều lá phiếu ủng hộ đến từ cử tri người Mỹ gốc Cuba cùng lời hứa hẹn rằng Washington sẽ áp dụng trở lại những chính sách hà khắc với đảo quốc Caribe này.
Ngay từ tháng 6-2017, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã thắt chặt các quy định đối với người Mỹ sang Cuba du lịch, cấm mọi quan hệ với các công ty lữ hành của Cuba vốn do lực lượng quân đội điều hành, cũng như tái khẳng định hiệu lực của lệnh cấm vận thương mại nhằm vào La Habana. Thay thế cách tiếp cận của ông Obama, chuyển sang việc thúc đẩy các lợi ích và giá trị của Mỹ, trở lại áp dụng các yêu cầu trong Đạo luật Helms-Burton năm 1996 như là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán mới nào.
Mặc dù mới chỉ là những lời lẽ lớn tiếng bên ngoài nhưng bước thụt lùi ngoại giao này có tác động tiêu cực “vô hình” đối với đảo quốc Caribe ở thời điểm quan trọng. Nhiều người dân Cuba thậm chí cho rằng, chính sách mới của Mỹ đang đẩy mối quan hệ hai nước quay lại thời kì Chiến tranh lạnh. Rõ ràng đây là một bước thụt lùi trong quan hệ Mỹ - Cuba bởi lẽ ông Donald Trump đã xóa bỏ nhiều bước đi mà cựu Tổng thống Barack Obama đã thiết lập và là rào cản lớn trong mối quan hệ song phương suốt nhiều thập kỷ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump đang chọn đi theo “vết xe đổ” của nhiều người tiền nhiệm khác khi tỏ ra cứng rắn với Cuba. Đặc biệt những chính sách cấm vận trước đây của Mỹ, cụ thể là với Cuba đã không phát huy tác dụng trong nhiều thập kỷ và khó tạo ra bước đột biến trong tương lai. Động thái mới nhất vừa qua của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sau chặng đường gần 3 năm phát triển quan hệ song phương, càng cho thấy quan hệ Mỹ - Cuba đang ngày càng tụt lùi và có nguy cơ trở lại điểm xuất phát.
Mỹ đóng cửa đại sứ quán tại Cuba từ năm 1961 sau khi Washington và chính quyền cách mạng của cố Chủ tịch Fidel Castro cắt đứt quan hệ ngoại giao trong bối cảnh Chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn cao trào. Sau đó, vào năm 1977, Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter và Chủ tịch Cuba khi đó là Fidel Castro đã ký một thỏa thuận mở văn phòng "lợi ích đặc biệt" tại La Habana và một văn phòng tương tự của Cuba ở Washington.
Mặc dù các nhân viên ngoại giao Mỹ và Cuba tại Washington và La Habana đều thường xuyên phàn nàn về việc liên tục bị quấy rầy cũng như bị giám sát chặt chẽ nhưng chưa bao giờ bị tấn công bởi "sóng âm" và cũng chưa bao giờ bị đẩy lên cao trào như lần này.