Rào cản cuối cùng trong quan hệ Việt - Mỹ được dỡ bỏ

Thứ Ba, 07/06/2016, 15:20
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa qua, người đứng đầu Nhà Trắng đã tuyên bố, Hoa Kỳ quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Để làm rõ ý nghĩa của quyết định lịch sử này, phóng viên Báo Công an nhân dân đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Lê Thế Mẫu, chuyên gia phân tích chính trị - quân sự quốc tế.

PV: Theo nhận định của ông, do đâu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào thời điểm này? Cá nhân ông có thấy bất ngờ không?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Qua theo dõi các động thái trên chính trường Hoa Kỳ trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, tôi nhận thấy trong dư luận cũng như chính giới ở quốc gia này có nhiều ý kiến cho rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ hoãn quyết định hoàn toàn dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong thời gian người đứng đầu Nhà Trắng tới Hà Nội.

Thậm chí, Thượng nghĩ sỹ John Cornyn còn đề nghị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Việt Nam. Bởi thế, nhiều người cảm thấy bất ngờ trước tuyên bố của Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau cuộc hội đàm tại Hà Nội.

Nhưng từ góc độ cá nhân, tôi lại thấy có nhiều cơ sở để không thấy bất ngờ trước quyết định này của ông Barack Obama.

Một là, nếu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama không đưa ra quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong chuyến thăm mà ông coi là “lịch sử” và có ý nghĩa tạo dựng cơ sở cho quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam trong nhiều thập kỷ thì sẽ chẳng có mấy ý nghĩa vì Hoa Kỳ vẫn chưa thật sự tin Việt Nam. Mà khi chưa tin nhau thì còn nói gì quan hệ “đối tác toàn diện” vốn rất cần sự tin cậy chính trị?

Về phía Việt Nam, sở dĩ chúng ta đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương là xuất phát từ yêu cầu hai bên cần thực tâm và thực sự muốn khép lại quá khứ hướng tới tương lai, chứ không phải là tuyên bố suông. 

Hai là, việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam không chỉ đáp ứng lợi ích của nước ta mà còn xuất phát từ lợi ích của Hoa Kỳ. Lợi ích đó là gì? Hoa Kỳ đang rất cần quan hệ đối tác với Việt Nam để thực hiện cho được mục đích đề ra trong chiến lược xoay trục tới châu Á.

Hơn ai hết, người Mỹ biết rất rõ, Việt Nam có vị thế địa-chính trị rất quan trọng trong chiến lược toàn cầu của nhiều nước lớn đang muốn phát triển ảnh hưởng ở Đông Nam Á, trước hết là Hoa Kỳ. Do đó, Hoa Kỳ không muốn chỉ vì chuyện chưa dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam mà để mất cơ hội thắt chặt quan hệ đối tác tin cậy với chúng ta.

Ba là, việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam tạo tiền đề và cơ sở tin cậy để hai bên chuẩn bị thực thi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo tôi, TPP không chỉ là lợi ích kinh tế mà quan trọng hơn nữa là lợi ích địa-chính trị. Tổng thống Barack Obama không cần úp mở tuyên bố rằng, “với TPP Mỹ sẽ “viết luật chơi” cho thế giới chứ không phải là Nga hay Trung Quốc”. Đó là lý do hai nước lớn này chưa được mời tham gia TPP.

Bốn là, vướng mắc duy nhất từ trước tới nay là Hoa Kỳ thường gắn việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam với vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Do đó, việc Tổng thống Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam chứng tỏ Hoa Kỳ đã không còn coi đó là cản trở việc hoàn toàn bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Đại tá Lê Thế Mẫu.

PV: Việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam có tác động gì tới chính sách quốc phòng nói chung cũng như chủ trương mua sắm vũ khí trang bị của Việt Nam?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Trước hết, cần nhận thấy rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam có nhiều ý nghĩa, trong đó có liên quan tới chuyện mua sắm vũ khí. Trước hết, đó là biểu tượng về việc hai nước quyết tâm khép lại quá khứ, tạo niềm tin chiến lược vào nhau, đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất và hiệu quả, trong đó có lĩnh vực quốc phòng.

Tuy nhiên quyết định này sẽ vẫn không làm thay đổi chính sách quốc phòng của Việt Nam. Đó là, Việt Nam hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ nhằm nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, vì hòa bình, chứ không nhằm chống lại nước thứ ba. Còn về chính sách mua sắm vũ khí trang bị, theo tôi, LB Nga vẫn là hướng ưu tiên và là nguồn nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam bởi hai lý do.

Lý do thứ nhất, giữa Việt Nam và Nga có sự tin cậy chính trị đặc biệt như đã từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong chuyến thăm Nga vừa qua. Theo tôi, sự tin cậy là yếu tố cực kỳ quan trọng khi đưa ra quyết định mua sắm vũ khí trang bị gì và mua của ai vì liên quan tới an ninh quốc gia. Chúng ta đã từng chứng kiến Iraq mua nhiều vũ khí của Phương Tây, nhưng khi xảy ra chiến tranh họ đem những vũ khí đó ra sử dụng thì hiệu quả sẽ thấp.

Lý do thứ hai, Nga không chỉ xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam mà còn chuyển giao công nghệ chế tạo - một yếu tố rất quan trọng khi chúng ta đang chủ trương xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng mạnh.

PV: Theo ông, sau quyết định của Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, chiều hướng hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ tiến triển ra sao?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Định hướng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được xác định rõ trong Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đó là: đặt ưu tiên vào lĩnh vực giải quyết hậu quả chiến tranh như cung cấp thông tin tìm kiếm đầy đủ nhất có thể về quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, tiếp tục hợp tác về rà phá vật liệu chưa nổ, triển khai giai đoạn cuối chương trình tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa; hợp tác để nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh biển; gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; chống tội phạm xuyên quốc gia; bảo đảm an ninh mạng;

Để nâng cao năng lực hàng hải, sắp tới một mặt Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho Việt Nam, mặt khác Việt Nam sẽ phải nghiên cứu lựa chọn để mua sắm một số vũ khí trang bị hàng hải của Mỹ. Dĩ nhiên, Việt Nam sẽ phải nghiên cứu để đồng bộ các loại trang bị mua của Mỹ, hoặc được Mỹ viện trợ, vào hệ thống trang bị của Việt Nam phần lớn nhập từ Nga. Nói tóm lại, từ chỗ Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, chúng ta cần đi tiếp những bước dài để hợp tác có hiệu quả với Hoa Kỳ trong lĩnh vực an ninh.

PV: Theo ông, việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam có tác động như thế nào tới quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Để thấy được tác động của việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam có tác động như thế nào tới quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, trước hết cần nhận thấy hiện nay, ngoài việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, trước đó nước ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện với Nga, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản và quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ.

Để nhận diện được bản chất quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia, cần dựa trên một số tiêu chí, trong đó tiêu chí hàng đầu là cả hai bên có những mục tiêu và mục đích quan trọng có ý nghĩa chiến lược quốc gia, thậm chí có ý nghĩa sống còn. Mà để đạt được những mục đích và mục tiêu đó cần phải có sự phối hợp nỗ lực trong một tiến trình dài hạn. Một trong những cơ sở có ý nghĩa sống còn đó là tôn trọng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nhau.

Trong khi đó, xét tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất của quan hệ đối tác chiến lược, thì Hoa Kỳ sau khi tuyên bố tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, hai nước hoàn toàn có cơ sở để nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện lên mức cao hơn, xứng tầm là quan hệ đối tác chiến lược.

Huyền Chi (thực hiện)
.
.