Saudi Arabia nỗ lực lôi kéo đồng minh
Hai hội nghị GCC và Liên đoàn Arab diễn ra vào tối và đêm 30-5, còn hội nghị OCI diễn ra vào cùng thời điểm của ngày 31-5 (theo giờ địa phương). Các hội nghị này đều diễn ra ở Mecca vào buổi tối và đêm do các nước Hồi giáo đang trong tháng ăn chay Ramadan vào ban ngày.
Điều mới là Qatar, mặc dù đang bị Riyadh tẩy chay, xác nhận vẫn nhận được lời mời. Theo AFP, ngày 29-5, Doha đã xác nhận Thủ tướng Abdallah ben Nasser Al-Thani sẽ tham dự các hội nghị trên ở Saudi Arabia. Mỹ, đồng minh của cả Riyadh và Doha, đã hoan nghênh thông báo của Qatar.
Dưới sự chủ trì của vua Salman, Hội nghị thượng đỉnh OIC lần thứ 14 sẽ tập trung "một quan điểm thống nhất về các vấn đề hiện tại". Trong số những vấn đề này có cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề Palestine và Hồi giáo ở phương Tây, theo thông báo của ban tổ chức.
Trước khi các hội nghị trên diễn ra, ngày 30-5, phát biểu tại cuộc họp của các ngoại trưởng OIC ở thành phố Jeddah, gần Mecca, Ngoại trưởng Arab Saudi Ibrahim al-Assaf tuyên bố: "Sự ủng hộ của Tehran đối với phiến quân Houthis ở Yemen là bằng chứng cho thấy sự can thiệp của Iran vào các vấn đề của những quốc gia khác và đây là điều các nước Hồi giáo nên từ chối". Đại diện của Iran trong cuộc họp của OIC, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif không có mặt. Iran là một phần của OIC (57 thành viên).
Vua Salman của Saudi Arabia. |
Tuyên bố của ông Assaf được đưa ra sau những cáo buộc mới đây của Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton rằng Tehran đứng sau các hành động phá hoại các tàu chở dầu của Saudi Arabia ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA).
Căng thẳng ở Vùng Vịnh đã trở nên trầm trọng hơn kể từ khi chính quyền ông Donald Trump siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran sau khi rời khỏi thỏa thuận hạt nhân. Đầu tháng 5-2019, Washington tuyên bố triển khai một tàu sân bay và máy bay ném bom B-52 ở Vùng Vịnh trước khi quyết định gửi thêm 1.500 binh sĩ tới Trung Đông. Các tướng lĩnh Iran đã đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nơi có đến 35% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển đi qua.
Riyadh, tìm cách thiết lập quyền lực của mình đối với thế giới Hồi giáo Arab, còn cáo buộc Iran gây bất ổn cho Bahrain, Iraq, Syria, Lebanon và Yemen thông qua việc cung cấp vũ khí cho nhiều nhóm khác nhau, bao gồm cả nhóm Houthis nhưng Tehran phủ nhận các cáo buộc trên.
Việc có được một mặt trận thống nhất chống lại Iran sẽ không dễ dàng. Trong khi UAE và Bahrain liên kết với Riyadh, các đối tác GCC khác như Qatar, Oman, Kuwait có mối quan hệ gần như bình thường với Iran. Doha đã sát lại gần hơn tới Iran kể từ Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào giữa năm 2017 với cáo buộc nước này ủng hộ "khủng bố".
Trong suốt hai năm qua, Washington đã cố gắng để hòa giải cuộc khủng hoảng này nhưng bất thành. Một chi tiết mới được báo chí Mỹ loan tin là việc quân đội Qatar và Mỹ vừa ký một thỏa thuận về phương thức hành động tiêu chuẩn cho lực lượng NATO tại Qatar.
Theo nhận định của truyền thông Mỹ, thỏa thuận trên là cơ sở để Mỹ mượn lãnh thổ của Qatar tấn công Iran. Căn cứ Al-Udeid tại Qatar là căn cứ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ tại Trung Đông. 13.000 binh sĩ được triển khai ở đó và những người này tham gia các hoạt động trên toàn khu vực. Tuy nhiên, theo nhà khoa học chính trị Iran Mosayeb Naimi, rất khó có khả năng Qatar, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực, cho Mỹ mượn lãnh thổ của mình để tấn công Iran vì không ai muốn bị kéo vào một cuộc chiến.
“Cả tình hình bên trong nước Mỹ lẫn ở Vùng Vịnh đều không cho phép Washington bắt đầu một cuộc chiến với Iran. Qatar đã nói với Tehran và Washington rằng sẽ không có chuyện sử dụng lãnh thổ của họ để chống lại Iran", ông Naimi nói. Các động thái mới nhất của Hoa Kỳ là một phần của quá trình tuyên truyền nhằm đưa Iran chống lại Qatar, theo chuyên gia Naimi.
"Bất kỳ quốc gia nào bị lôi kéo vào cuộc chiến chống Iran sẽ phải chịu những tổn thất to lớn. Không một quốc gia nào muốn điều đó, ngay cả các quốc gia trong liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, như Saudi Arabia và UEA. Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ đáp trả tức thì ngay khi bị tấn công", vị chuyên gia nói. Ông Naimi cũng nhận định rằng, nếu cuộc chiến xảy ra có thể phá vỡ sự cân bằng tình hình hiện tại trong khu vực, điều mà Qatar hoàn toàn nhận thức được.
"Hiện Qatar chưa đưa ra tuyên bố nào về khả năng hình thành liên minh với Mỹ chống Iran", chuyên gia Mosayeb Naimi cho biết”.
Về phần Oman, theo truyền thống, nước này có quan hệ tốt với Iran. Hai nước cùng kiểm soát eo biển Hormuz. Trong khi Kuwait lo ngại việc đóng cửa lối đi này, nơi tất cả các hoạt động xuất khẩu dầu của nước này đều đi qua nên ít có khả năng Koweit “trở mặt” với Tehran. Trong khi đó, Iran lại ủng hộ các phong trào chính trị mạnh mẽ ở Lebanon, Syria và Iraq, điều đó ngăn cản các quốc gia này đối đầu trực diện với Tehran như Riyadh mong muốn.
Theo Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG), việc nối lại các hoạt động hạt nhân của Iran và việc làm gián đoạn các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ trong Vùng Vịnh là "cách để cải thiện sức mạnh mặc cả" của Tehran. "Nhưng nếu đây là một đòn ngoại giao, thì thật nguy hiểm vì một bên có thể hiểu sai ý định của bên kia", ICG cảnh báo. Nguy cơ bất ngờ xảy ra chiến tranh ngày càng lớn, nếu mỗi bên tự đánh giá quá cao nước cờ của mình và coi thường đối thủ.
Trong khi đó, tuyên bố từ nguyên thủ Iran và Mỹ đều nói rằng họ không muốn xảy ra chiến tranh với bên kia và để ngỏ khả năng ngồi vào bàn đàm phán. Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 29-5 tuyên bố không loại trừ khả năng đàm phán với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nếu Tehran muốn đối thoại, Washington cũng sẽ làm như vậy, đồng thời nhấn mạnh Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở Iran.