Tổng thống Mỹ và lần đầu tiên đăng đàn “dậy sóng” Liên Hiệp Quốc
- Tổng Thư ký Liên hiệp quốc khích lệ nữ sinh tiếp tục học
- “Donald Trump” của Philippines nghênh chiến với Liên Hiệp Quốc
Khẩu khí của người “có gang có thép”
Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên đọc diễn văn trước các nguyên thủ quốc gia trong cuộc họp của Đại hội đồng LHQ vào ngày 19-9 (theo giờ Mỹ). Trong bài diễn văn dài 45 phút (quy định thời gian dành cho một nguyên thủ là 15 phút), Tổng thống Trump không ngại dùng những từ ngữ “nặng cân” nhất để đe dọa 3 quốc gia gồm Triều Tiên, Iran và Venezuela.
Với Triều Tiên, ông dùng khẩu khí vốn có khuyến cáo rằng, nếu buộc phải tự vệ và bảo vệ các đồng minh của mình khỏi một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, “Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ ngày 19-9. |
Ông Trump còn chế giễu Iran, gọi đây là quốc gia “côn đồ” và nói rằng, các nhà lãnh đạo nước này đã biến “một quốc gia giàu có thành một quốc gia bất trị suy tàn về kinh tế” làm suy yếu hòa bình ở Trung Đông với những cuộc phiêu lưu quân sự. Ông Trump gọi thỏa thuận năm 2015 của cựu Tổng thống Barack Obama và 5 cường quốc khác để kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Iran là “một nỗi xấu hổ đối với Mỹ”.
Ông mô tả chế độ của nhà lãnh đạo Venezuela Nicolas Maduro là “tham nhũng” và nói ông Maduro đã đưa quốc gia Nam Mỹ “đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn. Người dân đang đói khát và đất nước họ đang sụp đổ”...
Phần lớn bài diễn văn của ông Trump là để nói về 3 quốc gia trên. Phần còn lại Tổng thống Mỹ muốn duy trì hòa bình trên thế giới thông qua việc tôn trọng chủ quyền quốc gia. Ông nói: “Chúng tôi không chờ đợi những quốc gia khác nhau chia sẻ văn hóa, truyền thống và thậm chí hệ thống chính quyền của chúng tôi. Nhưng chúng tôi mong rằng mỗi nước cần hoàn thành hai nghĩa vụ: tôn trọng lợi ích của dân tộc mình và quyền của tất cả những quốc gia có chủ quyền khác”.
Bài phát biểu của ông Trump lập tức nhận được sự phản đối của cả nguyên thủ các quốc gia lẫn giới truyền thông trong và ngoài nước. Trong bài xã luận mang tên “Chừng mực”, nhật báo Libération của Pháp ra ngày 20-9 cho rằng, nhân dân Mỹ có nguy cơ sẽ nhanh chóng hối hận khi đưa một người “hừng hực như lửa” vào Nhà Trắng.
Các tuyên bố của Tổng thống Donald Trump trên diễn đàn LHQ cho thấy ngành ngoại giao thế giới đang trong một tình thế “không thể nhếch môi cười”. Libération nhắc lại: Ngày 11-4-1951, Tổng thống Harry Truman đã cho ngưng chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc đối với tướng Douglas MacArthur, người hùng trong Thế chiến II, vì sợ những chỉ thị của mình được thực hiện quá trớn, và nghi ngờ vị tướng nổi tiếng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công quân Triều Tiên.
Trong khi Tổng thống Truman chính là người đã ra lệnh thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki! “Triệt thoái” Tướng Douglas MacArthur, ông nêu lý lẽ rằng, không thể tái diễn viễn cảnh diệt chủng vì vũ khí nguyên tử. Ngày nay, ông Donald Trump lại thẳng thừng nêu ra “giải pháp tấn công” trước Triều Tiên.
Đã hẳn là Mỹ chỉ dự kiến trả đũa trong trường hợp lợi ích sống còn của Mỹ hoặc các đồng minh bị đe dọa, nhưng truyền thống xưa nay là thận trọng. Nguyên thủ các quốc gia có vũ khí nguyên tử luôn “uốn lưỡi” chọn lựa từ ngữ, tránh cho những phát ngôn của mình biến thành nguyên cớ cho việc leo thang quân sự nguy hiểm.
Cũng nhờ cân nhắc kỹ lời lẽ, mà Tổng thống John Kennedy đã giải tỏa được cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Trong khi ông Donald Trump, chỉ với một câu nói vang như sấm, dường như đã quẳng xuống sông xuống biển tất cả truyền thống kiềm chế về chiến lược lẫn nghệ thuật đăng đàn trước một cử tọa to lớn như Đại hội đồng LHQ.
Tổng thống Donald Trump tại hội nghị cải cách hoạt động của LHQ ngày 18-9. |
Truyền thống kiềm chế về chiến lược bị bỏ quên?
Báo chí Mỹ cũng không kém phần “sốt sắng” chỉ trích. Theo tờ The Atlantic, bài phát biểu đầu tiên của ông Donald Trump lại là bài phát biểu kém hiệu quả nhất, yếu kém nhất và do dự nhất của một vị Tổng thống Mỹ tại diễn đàn LHQ. Tờ báo này đặc biệt chú ý đến 2 hồ sơ mà ông Trump nêu lên, đó là Iran và Triều Tiên.
Theo tờ báo này, Tổng thống Trump được cho là sẽ từ chối chứng nhận Iran tuân thủ hiệp định hạt nhân năm 2015, trái với lời khuyên từ nội các của ông. Lẽ ra trong bài phát biểu tại LHQ, Tổng thống Mỹ nên giải thích tại sao Iran bị xem là không tuân thủ hiệp định hạt nhân và Tehran cần phải làm gì để được chứng nhận. Lẽ ra, ông nên đề ra chiến lược rõ ràng trong trường hợp rút khỏi hiệp định hạt nhân với Iran.
Đằng này, ông Trump chỉ liệt kê những hành động “khiêu khích” và “xâm lấn” của Iran ở Trung Đông và tuyên bố hiệp định hạt nhân ký với Iran là “một trong những hiệp định tệ hại nhất mà Hoa Kỳ tham gia cho tới nay”.
Cũng theo The Atlantic, những tuyên bố của Tổng thống Trump về Triều Tiên thì còn tệ hại hơn. Lẽ ra, ông nên tranh thủ dịp này để giải thích cho cả thế giới tại sao chương trình tên lửa đạn đạo là một mối đe dọa cho hòa bình trên toàn cầu.
Theo The Atlantic, đáng ra Tổng thống Trump phải nói rằng, nếu Triều Tiên tấn công Mỹ hay các đồng minh của Mỹ, Washington sẽ tiêu diệt chính quyền Bình Nhưỡng. Đằng này, ông lại dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” cả đất nước và người dân Triều Tiên, một điều hoàn toàn trái với chủ thuyết của Mỹ từ bao thập niên qua.
Như vậy thì người ta chỉ có thể kết luận rằng, Tổng thống Trump chẳng biết phải đối phó như thế nào trước hiểm họa tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Rõ ràng ông vẫn ấm ức về chuyện quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khuyên ông không nên mở cuộc tấn công ngăn ngừa vào Triều Tiên.
Còn tờ Los Angeles Times thì đặt câu hỏi trong hàng tựa: “Liệu bài phát biểu về lãnh đạo Triều Tiên của Tổng thống Trump có dẫn chúng ta đến chiến tranh?”. Theo tờ báo này, vấn đề đối với lời đe dọa của ông Trump không chỉ là ngôn từ “quá hăng” mà ông sử dụng, hoặc là nó làm cho người ta không còn chú ý đến những nội dung còn lại trong bài phát biểu, mà là lời đe dọa đó rất có thể sẽ phản tác dụng.
Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Trump sai lầm khi dọa hủy diệt Triều Tiên. |
Tờ báo dẫn lời Richard Haass, thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng, cười nhạo lãnh đạo Kim Jong Un “rất có thể sẽ càng khiến Triều Tiên thêm quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa hơn là buộc họ hạn chế hoặc từ bỏ những vũ khí đó”.
Tờ báo nhắc lại trong thương lượng ngoại giao, muốn thành công thì bao giờ cũng phải dùng chính sách cây gậy và củ cà rốt. Trong khi đó, Trump lại không làm như vậy. Ông chỉ bảo rằng, con đường duy nhất để Triều Tiên giải tỏa khủng hoảng là từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân, nhưng lại không đưa ra một bảo đảm nào cho chế độ Bình Nhưỡng nếu họ chấp nhận giải pháp đó.
Theo Los Angeles Times, cách làm như thế thì có thể đạt kết quả trong chuyện buôn bán địa ốc ở New York, nhưng không thể nào thành công với một quốc gia có chủ quyền, đang nắm vũ khí hạt nhân trong tay, mà lại rất đa nghi.
Ngoài báo chí, nhiều lãnh đạo thế giới đã lên tiếng. Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đáp trả mạnh mẽ bài diễn văn của ông Trump, khẳng định rằng, Iran sẽ không dễ bị bắt nạt bởi “một người mới bước vào chính trường thế giới”.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh: Iran muốn duy trì hiệp định hạt nhân với 6 cường quốc thế giới mà trong đó Tehran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình trong khoảng thời gian ít nhất là 1 thập niên để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế vốn làm tê liệt nền kinh tế của họ.
Ngay cả đồng minh của Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói, chính quyền Berlin không đồng ý về cách giải quyết cuộc đối đầu với Triều Tiên và lên án lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump.
“Tôi chống lại những lời đe dọa như vậy. Chúng tôi xem bất kỳ hình thức giải pháp quân sự nào là hoàn toàn không phù hợp và chúng tôi kiên quyết theo đuổi một giải pháp ngoại giao”, bà Angela Merkel nói với đài phát thanh truyền hình Deutsche Welle khi được hỏi về những phát biểu của ông Trump tại LHQ. Bà Merkel nêu ý kiến: các biện pháp chế tài và ngoại giao là cách duy nhất để đưa quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Bài nói chuyện của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - cũng là lần đầu tiên bước lên diễn đàn LHQ, 2 tiếng đồng hồ sau Tổng thống Mỹ - cổ vũ chủ nghĩa đa phương, đã nhận được nhiều tràng pháo tay kéo dài. Ngược với ông Trump, tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp phản đối mọi ý định leo thang, cho rằng nên đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.
Về cuộc chiến Syria, ông Macron coi đây là “một thất bại tập thể”, “chỉ có giải pháp chính trị” thông qua việc thành lập một nhóm tiếp xúc mới có hy vọng kết thúc, tất nhiên là không thể vượt qua lằn ranh đỏ vũ khí hóa học.
Phát biểu tại LHQ, Tổng thống Hassan Rouhani khẳng định rằng Iran sẽ không dễ bị bắt nạt bởi một người mới bước vào chính trường thế giới. |
Tổng thống Mỹ và Tổng Thư ký LHQ đồng thuận cải tổ sâu rộng
Trước khi có bài phát biểu đầy tính hiếu chiến tại Đại hội đồng LHQ, ngày 18-9, Tổng thống Trump đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban Cải cách LHQ. Tại đây, ông kêu gọi 193 quốc gia thành viên hãy cắt giảm chi phí và cải cách hoạt động. Ông Trump đã nhiều lần đe dọa cắt giảm phần đóng góp của Mỹ từ ngân sách hoạt động cho đến các chiến dịch duy trì hòa bình của LHQ.
Theo vị tổng thống tỷ phú này thì cơ quan quốc tế có 2 căn bệnh trầm kha: Một là quản lý kém và hai là bộ máy điều hành thiếu hiệu năng, tiền chi ra thì nhiều mà hiệu quả chẳng bao nhiêu.
Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho LHQ, cung cấp 22% trong số 5,4 tỉ USD ngân sách hằng năm và 28,5% trong số 7,3 tỉ USD ngân sách gìn giữ hòa bình của LHQ. Để không bị mất nguồn tài chính quan trọng này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ủng hộ dự án cải cách của Tổng thống Mỹ. Cuối cùng, 130 nước ký vào tuyên bố chính trị 10 điểm cam kết làm cho LHQ có hiệu năng cao và hiệu quả tốt.
Bản thân ông Guterres cũng là người từ lâu đã ủng hộ một cuộc cải cách sâu rộng nhiều định chế của LHQ, mà ông cho rằng cồng kềnh, thiếu hiệu quả, tốn kém. Trên thực tế, theo giới ngoại giao phương Tây, Mỹ thực tâm không muốn giảm nhiều phần đóng góp vì như thế sẽ giảm ảnh hưởng đối với Trung Quốc trong thế trận đa cực. Giải pháp tối ưu là thương lượng nâng cao mức trần đóng góp của tất cả 193 thành viên.
Phần thứ hai sau yêu cầu cắt giảm chi phí, ông Trump nói rằng: “Chúng tôi cũng yêu cầu tất cả sứ mệnh gìn giữ hòa bình nên xác định rõ các mục tiêu và các phương pháp được cân nhắc cho sự thành công. Chúng tôi khuyến khích Tổng thư ký LHQ sử dụng quyền hạn của mình để cắt giảm bộ máy quan liêu, cải cách các hệ thống lạc hậu và đưa ra các quyết định vững chắc để thúc đẩy sứ mệnh cốt lõi của LHQ.
Hơn nữa, chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên hãy nhìn vào cách chúng ta thể hiện quan điểm cứng rắn tại LHQ, chú tâm hướng đến thay đổi công việc thường lệ và không bị các phương thức không hiệu quả trong quá khứ cản trở”.
Nhận định về điểm này, báo Le Figaro trong bài xã luận ra ngày 19-8 tỏ ra hết sức nghi ngờ về khả năng ông Trump đưa được một tầm nhìn toàn cầu, bởi phong cách của ông vốn là phản ứng theo từng vụ việc. Donald Trump từng hứa “một xáo trộn lớn, nhưng điều đó đã không xảy ra...
Về hàng loạt chủ đề như NATO, Nga, Syria hay Trung Quốc, ông Trump thường đưa những tuyên bố vừa mạnh mẽ, vừa trái ngược. Và trên thực tế, rất ít hiệu quả. Chưa kể đến vấn đề Triều Tiên, sự bất lực của nước Mỹ là hiển hiện.