Hội nghị An ninh Munich 2015:

Trắc trở con đường đến hòa bình với Ukraine

Thứ Năm, 12/02/2015, 17:25
Hội nghị An ninh Munich được coi là hội nghị an ninh quan trọng nhất của châu Âu. Hội nghị năm nay thu hút sự tham dự của hơn 400 quan chức, trong đó có khoảng 20 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng khoảng 60 Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng các nước.

Diễn ra trong ba ngày (từ ngày 6 đến 8/2) tại thành phố Munich (Đức), Hội nghị An ninh Munich lần thứ 51 đã tập trung vào nhiều vấn đề nóng trên thế giới như vấn đề Syria, Iraq, Iran, Libya, chủ nghĩa khủng bố, vấn đề an ninh mạng… Trong đó, nổi bật là cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang đe dọa hòa bình châu Âu.

Đức “quay lưng” với Mỹ

Trong bối cảnh một giải pháp chính trị cho xung đột Ukraine vẫn còn khá xa vời, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, ý định cung cấp vũ khí cho Ukraine không những rất nguy hiểm mà còn phản tác dụng. Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Ursula Von der Leyen nhấn mạnh: “Tôi tin rằng việc cung cấp vũ khí sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa và sẽ khiến chúng ta càng cách xa một giải pháp hòa bình”.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái), Thủ tướng Đức Angela Merkel và Phó Tổng thống Mỹ Joe Binden tại Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: Excelsior.

Trước lập luận của các chính khách Đức, nhiều chính trị gia Mỹ đã lập tức chỉ trích Đức “quay lưng” với đồng minh trong thời điểm khó khăn. Phát biểu tại Hội nghị, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ John McCain đã chỉ trích đường lối ôn hòa của chính phủ Đức trong vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Merkel cần nhìn thẳng vào thực tế bạo lực leo thang đang diễn ra tại miền Đông Ukraine và phải có những hành động mạnh mẽ hơn, nhằm ngăn ngừa nguy cơ một cuộc chiến toàn diện ở nước này.

Đồng quan điểm, Thủ tướng Áo Werner Faymann, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cùng khẳng định sự phản đối đối với việc cung cấp vũ khí cho Kiev trong cuộc xung đột với lực lượng đòi hòa bình ở miền Đông. Các nước này sẽ chỉ cung cấp các thiết bị quân sự phi sát thương cho Chính phủ Ukraine.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc thảo luận về kế hoạch hòa bình cho Ukraine tại Điện Kremlin ngày 6/2/2015.

Ngoại trưởng Steinmeier cũng khẳng định an ninh bền vững cho châu Âu chỉ có thể đạt được khi có Nga thay vì chống Nga và ngược lại, một tương lai tốt đẹp của Nga chỉ có được nếu có sự hợp tác với châu Âu. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thì khẳng định, NATO ủng hộ một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine, và cho rằng, trong tình hình căng thẳng hiện nay, Nga nên có sự điều chỉnh chính sách trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng cho biết NATO và Nga đã nhất trí tiếp tục duy trì các kênh tiếp xúc chính trị mở và kênh liên lạc quân sự với Nga.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, việc NATO ủng hộ hành động quân sự của chính quyền Kiev tại khu vực Đông Nam Ukraine không giúp cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Trước đó, phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định, Nga muốn có quan hệ bình thường với Mỹ và NATO, nhưng chính các đối tác phương Tây đã phá vỡ các kênh đối thoại và kêu gọi các nước khác không hợp tác với Nga.

Ông Lavrov chỉ trích NATO không tuân thủ các thỏa thuận đạt được sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời cảnh báo việc cắt giảm sự hiện diện các nhà ngoại giao Nga tại NATO như hiện nay sẽ làm xuất hiện nhiều vấn đề trong quan hệ giữa hai bên. Ông cho biết, Nga sẵn sàng tái thiết lập các cơ chế hợp tác với NATO.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga khẳng định, việc tháo gỡ xung đột nhằm mục đích gây áp lực đối với Nga bằng các lệnh trừng phạt là hoàn toàn không có triển vọng. Ông Lavrov nêu rõ, Nga sẽ không từ bỏ lợi ích quốc gia và lập trường nguyên tắc về các vấn đề cơ bản, đồng thời kêu gọi các đối tác phương Tây từ bỏ “tiêu chuẩn kép” trong quan hệ với Nga.

Có nên lạc quan về thỏa thuận hòa bình cho Ukraine?

Tại Hội nghị An ninh Munich lần này, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng, có lý do để lạc quan về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine, đồng thời khẳng định Nga sẵn sàng đảm bảo về một kế hoạch hòa bình mới dựa trên các thỏa thuận Minsk được ký hồi tháng 9/2014 nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt giao tranh.

Thủ tướng Merkel thuyết phục Tổng thống Obama không gửi vũ khí cho Ukraine.

Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Steinmeier cho biết, phải mất từ hai tới ba ngày nữa mới biết được số phận của đề xuất hòa bình cho khu vực miền Đông Ukraine do Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đưa ra trong cuộc gặp Tổng thống Nga ngày 6/2 tại Moscow . Theo một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, sáng kiến Pháp - Đức dựa trên thỏa thuận Minsk, song sẽ có nhiều chi tiết hơn về kế hoạch triển khai và thời hạn cho một thỏa thuận khác trong tương lai.

Về phía Ukraine, Tổng thống Petro Poroshenko cho biết, Ukraine đã sẵn sàng cho “một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện” vào bất cứ thời điểm nào. Tổng thống Poroshenko coi thỏa thuận Minsk là cơ sở trên con đường giải quyết hòa bình tình hình tại miền Đông nước này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bày tỏ hy vọng thiện chí tốt đẹp của các bên tham gia đàm phán sẽ gặt hái được kết quả. Trong khi Ngoại trưởng Đức cho rằng khủng hoảng Ukraine đã sát tới ngưỡng không thể quay trở lại, và sẽ là “vô trách nhiệm” nếu các bên để tuột mất cơ hội cuối cùng giải quyết xung đột này.

Trắc trở con đường đến hòa bình

Chưa bao giờ vấn đề tái lập hòa bình ở Ukraine lại được các bên liên quan đem ra bàn thảo một cách nghiêm túc như hiện nay. Cuộc hội đàm bốn bên ngày 11/2 tại Minsk, Belarus, được coi là cơ hội cuối cùng để vãn hồi hòa bình cho Ukraine.

Toàn cảnh Hội nghị An ninh Munich lần thứ 51.Ảnh: Euronews.

Tính nghiêm túc của các bên được thể hiện qua sự bí mật của nội dung đàm phán cũng như sự hăng hái của các chính khách hàng đầu. Ngày 6/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đích thân tới Nga để thảo luận vấn đề Ukraine với Tổng thống Putin. Trước khi đến Moscow , nguyên thủ hai quốc gia châu Âu đã ghé Kiev để tìm sự đồng thuận của chính quyền Ukraine cho kế hoạch hòa bình mới: lệnh ngừng bắn ngay lập tức và trao quyền tự trị rộng hơn cho lực lượng đòi độc lập trên một khu vực lãnh thổ lớn hơn diện tích theo thỏa thuận Minsk ký hồi tháng 9/2014 tại Belarus.

Trước đó, báo Wall Street Journal (Mỹ) ngày 6/2 dẫn lời một quan chức phương Tây giấu tên cho hay Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc trao cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine lãnh thổ rộng hơn. Theo tờ báo này, sau khi bác đề xuất của Nga, bà Merkel và ông Hollande tới Moscow để đưa ra đề xuất của mình. Đây được coi là sáng kiến hòa bình Pháp-Đức.

Chỉ một ngày sau, một cuộc điện đàm 4 bên gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine lại diễn ra nhưng cũng không có thông báo gì. Dự kiến trong ngày 11/2, lãnh đạo bốn quốc gia Đức, Pháp, Nga và Ukraine sẽ đến Minsk, thủ đô Belarus, để tìm cách hoàn tất kế hoạch hòa bình cho Ukraine.

Trước khi cuộc gặp quan trọng này diễn ra, phía Nga, châu Âu, Mỹ và Ukraine đều đã đưa ra quan điểm của mình. Ngày 9/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng cần phải làm tất cả để các bên xung đột ngồi vào bàn đàm phán. Hiện Moscow  đang nỗ lực thu xếp để có thể tổ chức các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa đại diện chính quyền Kiev và đại diện các nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk. Nga cũng đang tích cực ủng hộ việc tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ nhóm tiếp xúc.

Đề cập định dạng thể chế hiến pháp của Ukraine, ông Putin nhấn mạnh: "Định dạng này cần phải hợp ý toàn bộ dân chúng Ukraine". Tổng thống Putin nói: “Rõ ràng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ còn kéo dài tới khi nào những người dân nước này có được tình đoàn kết, diệt trừ được chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân tộc và có được một xã hội đoàn kết phấn đấu vì những giá trị tích cực và những lợi ích thực sự của đất nước”.

Ông Putin khẳng định, cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra không phải do lỗi của Nga mà là hậu quả của việc Mỹ và đồng minh đã can thiệp trực tiếp vào nước này. Tổng thống Putin cho biết, Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và phương Tây về hậu quả việc can thiệp của họ vào công việc nội bộ của Ukraine và họ đã phớt lờ ý kiến của Nga.

Trong khi Đức và Pháp nỗ lực thúc đẩy đàm phán tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine, thì ở cấp độ Liên minh châu Âu, nhiều chi tiết còn gây tranh cãi giữa các nước thành viên. Chẳng hạn, có nên cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine không? Hai nước Anh và Ba Lan đề nghị thảo luận về khả năng chuyển giao vũ khí cho Ukraine, trong khi Đức và Pháp kiên quyết phản đối, cho rằng đây là vấn đề không đáng được đưa ra thảo luận.

Ngày 9/2, Thủ tướng Đức đã sang Mỹ để thuyết phục nước này không cung cấp vũ khí cho Ukraine. Berlin tin rằng sáng kiến ngoại giao Đức – Pháp sẽ thành công. Thất vọng và tức giận với ý định của Mỹ, song bà Merkel vẫn hành động rất cẩn trọng.

Hơn ai hết, bà Merkel là người hiểu rõ việc đưa vũ khí vào Ukraine có nguy cơ dẫn tới một kết cục bi thảm. Năm 2003, Thủ tướng Đức khi đó là Gerhard Schrder đã khước từ lời kêu gọi của Mỹ tham gia lực lượng đồng minh tấn công Iraq trong kế hoạch hạ bệ Tổng thống Saddam Hussein. Việc ông Schroeder từ chối tham chiến ở Iraq từng đẩy quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh vào tình trạng nguội lạnh.

Song lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn trong quyết định của vị cựu Thủ tướng Đức: Iraq đã trở thành thảm họa. Với đương kim Thủ tướng Merkel, những câu nói trước đây của cựu Thủ tướng Schroeder khá tương đồng với quan điểm hiện nay của bà Merkel trong vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức không muốn làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như không muốn có thêm những căng thẳng với Nga thông qua việc cung cấp vũ khí cho Kiev.

Trước đây, có tới 2/3 số người Đức được hỏi phản đối Berlin tham chiến ở Iraq thì giờ đây, tâm lý chống Washington lại đang nổi lên ở Đức liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine khi cũng có ngần ấy số người Đức phản đối nước này cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong bài phát biểu mới đây tại Hội nghị An ninh Munich, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Đức muốn tạo lập an ninh ở châu Âu cùng với Nga, chứ không phải chống lại Nga.

Việc nói "không" với cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng là cánh cửa mà nhà lãnh đạo Đức muốn dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, bởi lâu nay, Đức vẫn là kênh đối thoại quan trọng của Nga với phương Tây. Những nỗ lực ngoại giao con thoi của Thủ tướng Merkel trong thời gian qua đều đặt mục tiêu giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng biện pháp hòa bình.

Theo các nhà quan sát, kết quả cuộc gặp giữa bà Merkel với Tổng thống Obama ở Washington sẽ tác động cơ bản tới chiều hướng cuộc đàm phán 4 bên ở Minsk vào ngày 11/2. Giới chuyên gia cho rằng, Tổng thống Obama có thể chờ đợi kết quả cuộc gặp bốn bên sắp tới để đưa ra quyết định có nên cấp vũ khí cho Ukraine hay không.

Khổng Hà - Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.