Trục trặc liên minh UAE - Saudi Arabia: Có ảnh hưởng giá dầu?
- Saudi Arabia – Iran khởi động với khe mở hẹp
- Liên hợp quốc và Mỹ quan ngại chiến sự giữa Saudi Arabia và Houthi
Dấu chấm hết cho “mối tình lãng mạn”?
Tại cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4-7, thỏa thuận sẽ được nhất trí nếu Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) không ngoan cố như vậy. Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazrouei đã tố cáo sự thiếu công bằng của các thành viên OPEC, viện dẫn “tất cả những hy sinh” mà đất nước của ông đã thực hiện việc cắt giảm sản lượng trong đại dịch.
Hội nghị này quy định rằng các thành viên của OPEC+ chỉ được tăng sản lượng 400.000 thùng mỗi ngày cho đến tháng 4-2022. Điều này không thể chấp nhận được đối với Abu Dhabi. Kết quả là do tranh chấp này, cuộc họp dự kiến vào ngày 5-7 giữa các nước sản xuất dầu mỏ đã bị hủy bỏ. Thật vậy, để OPEC+ hoạt động được, cần phải có sự đồng thuận trong sản lượng.
Thái tử Arab Saudi Mohammed Ben Salman và Thái tử UAE Mohammed Ben Zayed. |
Pierre Berthelot, chuyên gia về Trung Đông và cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Tầm nhìn và An ninh châu Âu (IPSE), cho rằng quan điểm của UAE đơn thuần là về vấn đề năng lượng. “UAE muốn tăng sản lượng dầu mỏ của họ, chứ không phải mãi bị hạn chế hạn ngạch theo thỏa thuận của OPEC+. Họ khá phụ thuộc vào vàng đen, đặc biệt là Abu Dhabi, không giống như Dubai, nơi đã cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Do đó, sự phụ thuộc này phần nào giải thích cho mong muốn gia tăng sản lượng của UAE.
Nhưng, đây là điều Riyadh và các thành viên khác trong OPEC+ không chấp nhận. Saudi Arabia và UAE đã tiến hành đàm phán song phương để giải quyết mâu thuẫn này nhưng Abu Dhabi kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Là quốc gia lãnh đạo OPEC, Saudi Arabia không nuốt nổi cục tức này”.
Phản ứng của Saudi Arabia ngay tức thì. Sau tranh chấp dầu mỏ, Riyadh đã quyết định đình chỉ các chuyến bay đến UAE. Về mặt chính thức mà nói, quyết định này được đưa ra để ngăn chặn đại dịch COVID-19 nhưng trong thực tế các chuyến bay từ Riyadh đến Oman, Kuwait và Qatar vẫn được duy trì. Hơn nữa, theo một sắc lệnh cấp bộ, chính quyền Saudi Arabia vừa thay đổi các quy định đối với hàng nhập khẩu từ các nước khác của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh. Quy định này không áp dụng thuế ưu đãi cho các sản phẩm được sản xuất tại các vùng liên doanh và hàng hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào của Israel. Các biện pháp có thể tác động đến UAE, vốn đang ngày càng gần gũi hơn với Israel.
Đồng minh lâu đời
Tuy nhiên, “Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Saudi Arabia đã hình thành nên cốt lõi của một liên minh phản cách mạng lâu dài”, chuyên gia Berthelot cho biết. Ông nhận định rằng liên minh này đã được chứng minh là vững chắc trong việc chống lại các mối đe dọa khác nhau trong khu vực “đặc biệt là trong thời kỳ Trump”.
Từ đầu Mùa xuân Arab năm 2011, hai chế độ quân chủ này đã tăng cường quan hệ với Ai Cập để chống lại Tổ chức Anh em Hồi giáo. Họ cũng đã lần lượt tài trợ cho lực lượng dân quân Sunni ở Syria để lật đổ chính quyền Bashar al-Assad. Abu Dhabi và Riyadh thậm chí đã bắt tay vào leo thang căng thẳng với gã khổng lồ Iran. Một chính sách cuối cùng đã phản tác dụng đối với UAE. “Saudi Arabia đã kéo UAE vào căng thẳng với Iran. Tuy nhiên, cần biết rằng đằng sau các bài phát biểu về chiến tranh, một bộ phận thiểu số Iran sống ở UAE và các mối liên kết thương mại giữa hai nước vẫn được duy trì”, nhà nghiên cứu nói.
Cuối cùng, liên minh Saudi Arabia - UAE có vẻ kém vững chắc hơn so với những gì thể hiện. Sự bất đồng trong OPEC+ đã bộc lộ sự khác biệt giữa hai quốc gia này.
Arab Saudi cấm nhập khẩu hàng hóa có yếu tố Israel. |
Bất hòa dầu mỏ, giọt nước tràn ly
“Cuộc cãi vã này hơn bao giờ hết bộc lộ sự cạnh tranh giữa hai quốc gia”, ông Berthelot nhận định. Từ nhiều tháng qua, Riyadh và Abu Dhabi không còn có chung tầm nhìn chính trị về nhiều vấn đề. UAE đã bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv vào tháng 9 năm ngoái trong Hiệp định Abrahamic. Yair Lapid, Bộ trưởng Ngoại giao Israel, thậm chí đã đến UAE vào ngày 29-6 vừa qua để mở đại sứ quán ở đó. Quá trình bình thường hóa này quan hệ này vẫn chưa được Saudi Arabia chấp thuận. Ngay cả khi Thái tử Mohammed Ben Salman ủng hộ bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái nhưng đây là điều khó chấp nhận với cha của ông và xã hội Arab, vốn gắn liền với công cuộc giải phóng của người Palestine.
Một chủ đề gây tranh cãi khác và không kém phần quan trọng, là Yemen. “Đây là điểm nhạy cảm nhất của liên minh giữa hai nước, họ đã không thành công trong việc đè bẹp phiến quân Houthis, tệ hơn nữa là họ đã thất bại”, Pierre Berthelot nhắc lại. Lo sợ sẽ sa lầy hơn nữa ở Yemen, UAE đã rút khỏi liên minh vào năm 2019, để lại Saudi Arabia một mình đối mặt với quân nổi dậy Yemen. Nhưng, điều này có thể được giải thích một phần bởi lợi ích đôi khi khác nhau của hai nước.
“Đối với Saudi Arabia, Yemen là một ưu tiên. Đây là một quốc gia láng giềng không thể bất ổn vô thời hạn. Vì vậy, Riyadh giúp chính quyền trung ương trong khi UAE có liên kết với phe ly khai ở miền Nam Yemen và chính quyền đảo Socotra vì lý do giao thương hàng hải qua Biển Đỏ”, nhà nghiên cứu IPSE cho biết.
Cuối cùng, những lĩnh vực bất đồng giữa hai nước không thiếu. Riyadh và Abu Dhabi không có cùng chính sách đối với Syria, UAE đã mở lại đại sứ quán tại Damas vào tháng 12-2018. Sự ấm lên ngoại giao giữa Riyadh và Qatar cũng là vấn đề đối với quan hệ với UAE. “Việc phong tỏa Doha trên hết là mong muốn của UAE, trong khi Saudi Arabia quyết định quay lại với họ, điều đó đã được thực hiện khiến UAE tức giận”, chuyên gia về Trung Đông nhấn mạnh.
Liệu một sự rạn nứt giữa hai nước sẽ không thể tránh khỏi? Mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa lãnh đạo hai nước là Mohammed Ben Salman và Mohammed Ben Zayed sẽ làm cho giả thuyết này trở nên vô lý. “Đó là cái cớ để cho thấy sự khác biệt giữa hai quốc gia, điều mà cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Sự quan trọng của liên minh hai nước vẫn chiếm ưu thế. Có những căng thẳng là một cách thể hiện rằng UAE không phụ thuộc hoàn toàn vào Riyadh, họ có chính sách riêng và lợi ích riêng”, ông Berthelot kết luận.