Nhìn từ FTA giữa Nhật Bản và EU:

Tự do thương mại “quyết chiến” chủ nghĩa bảo hộ

Thứ Tư, 25/07/2018, 14:53
Sau 5 năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã ký thỏa thuận thương mại tự do (FTA), vào ngày 17-7, tại thủ đô Tokyo. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố thỏa thuận thương mại tự do này là một thông điệp rõ ràng chống chủ nghĩa bảo hộ. Tuyên bố nhằm trực diện vào đồng minh Mỹ khi nước này đưa cả EU và Nhật Bản vào danh sách áp thuế mới.

Không có sự bảo hộ trong chủ nghĩa bảo hộ

Lễ ký diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Shinzo Abe, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Theo các nội dung trong thỏa thuận, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế đối với 94% các mặt hàng nhập khẩu từ EU, bao gồm 82% các sản phẩm nông, ngư nghiệp. Điều này sẽ giúp pho-mát, rượu vang và thịt lợn của EU có giá rẻ hơn trên thị trường Nhật.

Về phần mình, EU sẽ xóa bỏ thuế đối với 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. EU cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm chủ lực của Nhật Bản như ôtô là sau 8 năm và tivi là sau 6 năm kể từ khi thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực.

FTA giữa Nhật Bản - EU sẽ tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu với khoảng 600 triệu dân. Chính vì vậy, sau khi ký kết, Nhật Bản và EU sẽ thuyết phục để cơ quan lập pháp hai bên phê chuẩn với mục tiêu thỏa thuận này có hiệu lực vào cuối tháng 3-2019 - thời điểm dự kiến Anh sẽ chính thức rời EU.

Điều quan trọng không kém, như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố, FTA này là một thông điệp rõ ràng chống chủ nghĩa bảo hộ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Chúng tôi gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi cùng phản đối chủ nghĩa bảo hộ".

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker cho rằng với việc ký thỏa thuận này, EU và Nhật Bản đang phát đi thông điệp về thương mại tự do và công bằng; các bên tham gia trở nên mạnh và giàu có hơn khi cùng nhau hợp tác. Theo ông Juncker, thỏa thuận này cho thấy thương mại không chỉ là thuế quan và rào cản, mà nó là giá trị.

Ông khẳng định "không có sự bảo hộ trong chủ nghĩa bảo hộ". Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã mô tả thỏa thuận FTA mới được ký cho thấy những ưu điểm của thương mại tự do vượt trội chủ nghĩa bảo hộ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: European Interest.

Thương mại tự do, lợi cả đôi đường

Hiện cả EU và Nhật Bản đều tham gia tích cực vào các liên minh thương mại lớn nhất hiện nay, do vậy, việc ra đời của hiệp định quan trọng giữa hai nền kinh tế thuộc nhóm hàng đầu thế giới này sẽ có tác động tích cực tới thương mại quốc tế. Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và EU đạt khoảng 125 tỷ euro (148,69 tỷ USD)/năm.

Với EU, sau khi gỡ bỏ các rào cản thương mại, theo ước tính sơ bộ, lượng hàng xuất khẩu của các nước EU sang Nhật Bản với thị trường hơn 126 triệu dân và GDP 5.405 tỷ USD sẽ tăng thêm 30%. Ngược lại, lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường EU sẽ tăng 23,5%, mang lại nhiều cơ hội và việc làm hơn.

Nhận xét về ý nghĩa của FTA giữa EU và Nhật Bản, ông Sugawara Junichi, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Mizuho cho rằng việc Nhật Bản được tiếp cận nhiều hơn vào thị trường EU, với gần 500 triệu dân và tổng GDP toàn khối lên tới 16.000 tỷ USD và sự liên kết kinh tế khổng lồ EU - Nhật Bản sẽ tiếp thêm động lực cho kinh tế của xứ sở hoa anh đào.

Mặt khác, theo ông Junichi, sau khi Mỹ rút khỏi TPP, việc ký kết FTA với EU là bước đi mới trong chiến lược thương mại của Nhật Bản, điều này được hi vọng sẽ giúp thúc đẩy đối thoại kinh tế Nhật - Mỹ, và đóng vai trò thúc đẩy các cuộc thảo luận giữa 11 nước thành viên còn lại tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Còn theo đài NHK, FTA còn giúp Nhật Bản và EU xích lại gần nhau khi trở thành đối tác chiến lược cùng giải quết một loạt vấn đề song phương, đa phương như vấn đế an ninh, tội phạm mạng và biến đổi khí hậu...

Trật tự thế giới cần dựa trên quy tắc

Sự xích lại của hai đồng minh lâu năm của Mỹ nhanh hơn dự kiến cũng một phần do chính sách ngày càng lạnh nhạt của Mỹ với cả EU và Nhật Bản. Nhiều dấu hiệu cho thấy EU đang cố thoát khỏi cái bóng của Mỹ khi hố sâu ngăn cách đang gia tăng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhất là sau khi Tổng thống D.Trump rút khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu, hay thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Điều này thể hiện rõ khi các lãnh đạo chủ chốt của EU đã có mặt ở Trung Đông, Nhật Bản và cả Trung Quốc trong thời gian qua để tìm kiếm sự hợp tác.

Không mấy ngạc nhiên khi EU hướng đến những đối tác ở nơi khác. Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Donald Tusk phát biểu rằng đây là một hành động có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, vào thời điểm một số người hoài nghi về trật tự này. Ông nói thêm rằng hai bên đang gửi một thông điệp rõ ràng là EU và Nhật Bản đứng cùng nhau chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Hiệp định giữa EU với Nhật Bản có thể coi là lời khẳng định quyết tâm của hai bên trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, chống lại chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ hiện đang được xem như “đại diện điển hình”. Quan trọng hơn, thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất mà hai bên đạt được cũng là một thông điệp mạnh mẽ về một trật tự thương mại đa phương quốc tế dựa trên các quy tắc.

Cả Nhật Bản và EU đều là những đồng minh và đối tác chủ chốt của Mỹ, cùng chịu ảnh hưởng của những chính sách thuế mới mà Washington thực thi. Việc Nhật Bản - EU “sát cánh” đã khẳng định, dù không có sự hợp tác của Mỹ, tự do thương mại và mở cửa thị trường tiếp tục là xu thế chủ đạo của đa số nền kinh tế trên thế giới.

Đặc biệt, tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều thỏa thuận tự do thương mại đã được hoàn tất hoặc đang trong quá trình đàm phán, tự do thương mại sẽ tiếp tục là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển của mỗi nền kinh tế thành viên cũng như của khu vực.

Hoa Huyền
.
.