Ai đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu trên biển Oman?

Chủ Nhật, 08/08/2021, 14:30

Vụ việc chiếc tàu chở dầu mang cờ Panama bị tấn công bằng thiết bị bay không người lái cách đây một tuần đang ngày càng trở thành mấu chốt gây căng thẳng mới trong khu vực Trung Đông, với việc Israel một mực yêu cầu các đồng minh giúp “trả đũa” Iran do nghi ngờ Tehran đứng sau vụ tấn công.

Vụ tấn công tàu chở dầu xảy ra vào ngày 29-7 trong vùng biển quốc tế ngoài khơi Oman. Thời điểm đó tàu không có hàng, vụ việc không gây thiệt hại về vật chất nhưng làm chết 2 thủy thủ, gồm 1 người Anh và 1 người Romania. Chiếc tàu chở dầu mang tên Mercer Street, mang cờ Liberia, thuộc sở hữu của Nhật Bản và điều hành bởi công ty Zodiac Maritime của Israel. Đặc biệt, trong vụ tấn công này hung thủ sử dụng nhiều thiết bị bay không người lái cùng lúc phối hợp tấn công từ nhiều phía.

Vài ngày sau vụ tấn công tàu Mercer Street, chính quyền Oman thông báo chiếc tàu chở nhựa đường tên Asphalt Princess mang cờ Panama lại bị tấn công ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). 8 kẻ được cho là “hải tặc” đã lên tàu nhưng sau đó bỏ đi. Vụ việc được Cơ quan Quản lý hoạt động thương mại hàng hải Anh (UKMTO) cho là “có khả năng cướp biển”. Theo UKMTO, những vụ tấn công hàng hải tương tự như thế vẫn thường xảy ra trên các vùng biển quốc tế, không riêng vùng biển Oman nhưng vụ việc xảy ra vào thời điểm hiện tại khiến các đối thủ của Iran muốn quy kết trách nhiệm cho Iran nhằm tạo thêm sức thuyết phục cho các hành động chống Iran.

Ai đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu trên biển Oman? -0
 Tàu chở dầu Mercer Street trước khi bị tấn công.

Có 2 luồng ý kiến khác nhau xung quanh tính chất và hung thủ gây ra vụ tấn công tàu Mercer Street. Luồng ý kiến thứ nhất, các chuyên gia hàng hải đánh giá vụ tấn công mang tính chất một vụ cướp biển. Bọn cướp biển đã biết sử dụng công nghệ hiện đại để thực hiện hành động cướp. Đây là một trong những vụ cướp biển theo xu hướng mới, sử dụng thiết bị bay không người lái để tấn công.

Các vùng biển trong khu vực Trung Đông, như vùng biển Vùng Vịnh, Biển Đỏ và bờ biển phía Đông Địa Trung Hải là nơi xảy ra ước tính khoảng 150 cuộc tấn công trở lên trong 3 năm qua, trong đó có nhiều vụ vẫn chưa được các bên công nhận. Máy bay không người lái ngày càng được các bên sử dụng trong suốt năm nay. Trước đó, mìn được cài trên vỏ tàu và thỉnh thoảng có tên lửa nhỏ được cho là đã được triển khai trong các vụ tấn công khiến hàng chục tàu bị hư hại.

Mặc dù việc gián đoạn vận chuyển là phổ biến nhưng rất hiếm khi xảy ra trường hợp tử vong. Tuy nhiên, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được cho là đã được thực hiện trên một tàu chở dầu của Iran ngoài khơi bờ biển Syria vào đầu năm 2021 đã giết chết 3 người khi một tên lửa lao vào mũi tàu. Vào tháng 6, con tàu lớn nhất của hải quân Iran đã chìm gần Oman sau khi phòng máy của nó bốc cháy một cách bí ẩn.

Nhưng, đối với giới chính khách khu vực, việc vụ đã trở nên phức tạp hơn nhiều. Đặc biệt là Israel, quốc gia xác định là “kẻ thù truyền thống” của Iran, nhất quyết cho rằng Iran đứng sau vụ tấn công. Có lẽ, việc người Israel điều hành chiếc tàu Mercer Street là lý do duy nhất để Israel gây căng thẳng với Iran.

Ngày 4-8, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh Dominic Raab, trong đó ông đưa ra yêu cầu Anh, Mỹ và các đồng minh hiệp lực giúp Israel “trả đũa” Iran do vụ tấn công tàu hàng ngoài khơi Oman. Cùng ngày, trong một cuộc họp mặt với đại diện phái đoàn ngoại giao các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đưa ra thông điệp tương tự và nhấn mạnh rằng “Iran không chỉ là vấn đề của Israel mà còn là một “thách thức khu vực và toàn cầu”. Ông Gantz kêu gọi các quốc gia Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an iên Hiệp Quốc, đặc biệt là Anh, Mỹ và các đồng minh của Israel áp dụng các biện pháp “trả đũa” về ngoại giao, kinh tế và thậm chí cả quân sự nhằm ngăn chặn các vụ tấn công tương tự trong tương lai.

Lời kêu gọi của Israel ít nhất đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Anh. Chính phủ Anh đã có hành động cụ thể đầu tiên bằng việc triệu tập Đại sứ Iran tại London đến Văn phòng Bộ Ngoại giao để đưa ra lời cáo buộc “Iran gây ra vụ tấn công phi pháp bằng thiết bị bay không người lái làm chết một công dân Anh” và yêu cầu Iran “phải dừng các vụ tấn công tương tự”. Một nguồn tin từ số 10 Phố Downing cho biết, Anh hiện đang xem xét phản ứng ngoại giao và cách trả đũa nhưng bước đầu tiên là phải tạo được sự đồng thuận quốc tế, trong các tổ chức như iên Hiệp Quốc và G7, rằng Iran đứng sau vụ tấn công.

Ai đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu trên biển Oman? -0
 Ngoại trưởng Israel Yair Lapid yêu cầu các đồng minh hiệp lực giúp Israel “trả đũa”.

Giới chức Iran đã lên tiếng bác bỏ việc mình có liên quan các vụ việc nêu trên. Tehran cho rằng vụ việc là một nỗ lực của các nước phương Tây và Israel “nhằm chuẩn bị dư luận quốc tế cho hành động thù địch chống lại Iran”.

Ngay cả giới chức Mỹ dù ủng hộ Israel trong các cáo buộc chống Iran nhưng vụ việc này cũng chưa thể khẳng định ai đã đứng sau vụ tấn công. Điều này cho thấy Mỹ hiện đang ở vào thế khó khi đứng ra bênh vực Israel trong cuộc đối đầu mới với Iran. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện đang gặp trở ngại trong nỗ lực thực hiện lời hứa tái đàm phán Thỏa thuận hạt nhân với Iran kể từ khi ông Ebrahim Raisi lên làm Tổng thống Iran.

Cuộc chiến ngầm giữa Iran và Israel lâu nay vẫn tiếp diễn, với các vụ tấn công trả đũa qua lại giữa hai bên trên các tuyến đường thủy trong khu vực và trên bầu trời Syria, Iraq - nơi các máy bay phản lực của Israel thường xuyên ném bom các mục tiêu mà Israel tin là có liên quan đến Iran. Thường thì không bên nào tuyên bố chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công mà họ phát động. Các vụ việc ăn miếng trả miếng diễn ra một cách nhẹ nhàng và không bên nào cố đi quá đà để dẫn đến sự leo thang nguy hiểm. Phải chăng đây cũng là một vụ việc mới trong cuộc chiến ngầm đó?

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.