Ai sẽ cứu giúp người Palestine?
Thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza và các vùng lãnh thổ Palestine ngày càng trở nên gay gắt và vấn đề đang đặt ra là ai sẽ trợ giúp những người Palestine bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến giữa Israel và Hamas khi ngay cả cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc (UNRWA) cũng đang bị Israel cấm cửa?
Thảm họa nhân đạo của người Palestine và những cuộc không kích chết chóc của Israel ở Dải Gaza là câu chuyện được đưa lên báo chí quốc tế hằng ngày. Điều đó chứng tỏ nó thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên, nói không thôi thì chưa đủ. Cần hành động. Người dân Palestine và cả dân thường Israel vẫn đang ngày đêm phải chịu đựng những điều kiện sống và an ninh, an toàn tồi tệ nhất chưa từng có.
Mới đây nhất là cuộc tập kích của Israel vào Beit Lahia, Bắc Gaza, ngày 29/10 làm chết ít nhất 93 người Palestine. Trước đó, một cuộc tấn công của Israel vào khu al-Hawaja của thị trấn Jabaliya làm chết hơn 150 người. Đài Al-Jazeera cho biết các cuộc tấn công trên bộ và trên không của Israel liên tục trong 9 ngày đã giết chết ít nhất 800 người tại đây.
Hơn một năm diễn ra cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hamas, đã có hơn 41.000 dân thường Palestine ở Gaza thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Phần lớn những người còn sống sót ở miền Bắc Gaza đã phải bỏ nhà cửa chạy xuống miền Nam, nơi được xem là “an toàn” hơn để lánh nạn. Nhưng, đường chạy nạn của họ cũng lắm trắc trở khi máy bay Israel vẫn thường xuyên truy kích, ném bom và bắn tên lửa vào những nơi người tị nạn trú ẩn như bệnh viện, trường học.
Ước tính có khoảng 400.000 người bám trụ ở Bắc Gaza và họ cho biết tình hình ở đây là tồi tệ nhất trong cuộc chiến cho đến nay: Israel đã tấn công các bệnh viện, nơi trú ẩn và thực phẩm, nước sạch đang cạn kiệt vì lệnh phong tỏa các chuyến hàng viện trợ và các cuộc bao vây tập trung vào Jabaliya, Beit Lahia và Beit Hanoun. Một số người cho biết nước sạch đã cạn kiệt hơn một tuần trước và họ phải uống một lượng nhỏ nước thải mỗi ngày để tồn tại. Sau những cuộc không kích của Israel, một số khu vực ở Bắc Gaza đã trở nên hoang phế; các nhân viên cứu trợ nhân đạo của UNRWA mô tả những nơi này hiện nay không thể sinh sống được nữa.
Dư luận cho rằng, Israel đang cố tình gây ra tình trạng tồi tệ ở Bắc Gaza nhằm xua đuổi người Palestine chạy xuống miền Nam. Cuộc di dân này vốn đã được nói đến từ đầu cuộc chiến, nay đang ngày càng hiện rõ hơn, với việc những tổ chức của người định cư Do Thái ở miền Bắc Israel đang vận động cho một ngày nào đó sẽ “tái định cư” ở Bắc Gaza.
Israel thậm chí còn đi xa hơn với việc quốc hội nước này ngày 28/10 đã bỏ phiếu thông qua luật cấm các hoạt động của UNRWA tại Israel. Đồng thời, thông qua dự luật thứ hai cắt đứt quan hệ ngoại giao với cơ quan này.
Trong cuộc xung đột hiện tại ở Gaza, hầu như toàn bộ dân số Gaza đều phụ thuộc vào UNRWA về các nhu cầu cơ bản, bao gồm thực phẩm, nước và đồ dùng vệ sinh. Theo luật mới của Israel, UNRWA sẽ không thể vận hành bất kỳ tổ chức nào, cung cấp bất kỳ dịch vụ nào hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào, dù trực tiếp hay gián tiếp.
Động thái này bị nhiều chính phủ, bao gồm Anh cũng như các nhóm viện trợ quốc tế phản đối mạnh mẽ. Họ nói rằng Israel không chỉ không đưa ra gợi ý nào về việc có thể thay thế UNRWA mà còn liên tục không đưa ra kế hoạch hậu chiến cho Gaza khi cuộc xung đột Israel - Hamas kết thúc.
Việc Israel thường xuyên tấn công các đoàn xe cứu trợ nhân đạo đã gây khó khăn rất lớn cho công tác cứu trợ nhân đạo tại Gaza. Và, hậu quả của việc này là đã khiến cho tình cảnh của người Palestine càng trở nên thê thảm hơn. Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, nạn đói và dịch bệnh đã xuất hiện tại nhiều khu vực trú ẩn của người tị nạn ở Gaza, đặc biệt là ở miền Bắc và Trung Gaza. Ngày càng có nhiều trẻ em Gaza bị suy dinh dưỡng nặng vì thiếu ăn do chiến tranh.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller phát biểu với các phóng viên báo chí tại Washington hôm 28/10 cho biết chính quyền Tổng thống Biden "rất quan ngại" về luật mới của Israel. “Không có ai có thể thay thế họ ngay lúc này trong bối cảnh khủng hoảng”, ông Miller nói.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết UNRWA sẽ không thể thực hiện công việc do Đại hội đồng Liên hợp quốc giao phó nếu Israel thực thi các luật vừa thông qua và kêu gọi Israel hành động nhất quán với các nghĩa vụ của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời nói rằng: “Luật pháp quốc gia không thể thay đổi các nghĩa vụ đó”.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit lên án “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất” đối với lệnh cấm của Israel, gọi đây là phán quyết “tước đoạt tương lai của hàng triệu người Palestine”. Ông Ahmed Aboul-Gheit kêu gọi các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phản đối “quyết định nguy hiểm” của Israel, đồng thời cảnh báo về sự sụp đổ hoàn toàn của công tác nhân đạo tại Dải Gaza nếu không có UNRWA.
Ngày 29/10, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng Israel đã không giải quyết được “cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc” ở Gaza. Bà Linda Thomas-Greenfield nói với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: “Lời nói của Israel phải đi đôi với hành động trên thực địa. Ngay bây giờ, điều đó không xảy ra. Điều này phải thay đổi ngay lập tức”.
Hôm 13/10, Mỹ đã yêu cầu Israel phải thực hiện các bước giải quyết thảm họa nhân đạo ở Gaza trong vòng 30 ngày hoặc phải đối mặt với hậu quả bao gồm cả việc có khả năng ngừng chuyển giao vũ khí của Mỹ. Bà Thomas-Greenfield cho biết: “Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng Israel phải cho phép thực phẩm, thuốc men và các nguồn cung cấp khác vào toàn bộ Gaza - đặc biệt là phía Bắc, khi mùa đông đến - và bảo vệ những người lao động phân phối chúng”.
Những phát biểu của bà Thomas-Greenfield được đưa ra khi Na Uy cho biết nước này cũng sẽ yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) làm rõ về các nghĩa vụ viện trợ của Israel sau khi Knesset thông qua luật cấm mọi sự hợp tác với UNRWA.