Argentina với Anh: Sẽ lại “đảo chiến”?

Thứ Tư, 08/03/2023, 11:10

Ngày 2/3 vừa qua, chính quyền Argentina đã thông báo với Vương quốc Anh về việc chấm dứt hiệu lực của cái gọi là hòa ước Foradori - Dunkan liên quan tới quần đảo Malvinas đã được ký kết giữa hai nước năm 2016...

Tháng 8 tới tại Argentina sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ nhằm xác định những ứng cử viên chính thức tham gia cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 để tìm ra người đứng đầu chính phủ cho nhiệm kỳ 2023-2027. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến cho sự tranh chấp giữa Buenos Aires với London xung quanh quần đảo Malvinas (theo tiếng Tây Ban Nha) hay Falkland (theo tiếng Anh) bước sang một giai đoạn mới. Từ nhiều năm nay, quan điểm về chủ quyền đối với quần đảo nằm ở phía Nam Đại Tây Dương này đã luôn được các lực lượng chính trị ở Argentina sử dụng như một cách bộc lộ tinh thần ái quốc nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri.

Ngày 2/3 vừa qua, chính quyền Argentina đã thông báo với Vương quốc Anh về việc chấm dứt hiệu lực của cái gọi là hòa ước Foradori - Dunkan liên quan tới quần đảo Malvinas đã được ký kết giữa hai nước năm 2016...

Argentina với Anh: Sẽ lại “đảo chiến”? -0
Tổng thống Argentina Alberto Fernandez.

Ký giữa cơn say

Hòa ước Foradori - Dunkan năm 2016 đã được ký bởi Thứ trưởng Ngoại giao Argentina Carlos Foradori và người đồng cấp tới từ hòn đảo sương mù, Alan Duncan.  Ở thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Argentina đã ra một thông báo cho biết, hai vị thứ trưởng ngoại giao đã thống nhất lập ra một cơ chế cho việc đối thoại đôi bên và “xóa bỏ những trở ngại đang ngăn cản sự phát triển kinh tế trên quần đảo Malvinas”.

Nhưng, tới năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Argentina, Santiago Cafiero, đã chỉ thị cho các thuộc cấp tiến hành một cuộc điều tra về cái gọi là “cách hành xử không đúng đắn” của Thứ trưởng Foradori tại các cuộc thương lượng về quần đảo đang là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Vấn đề là ở chỗ, ông Foradori ở thời điểm đó đã... uống nhiều rượu tới mức chếnh choáng, khiến hôm sau không còn nhớ nổi những chi tiết của hòa ước đã ký. Cơn say đó đã khiến cho Buenos Aires về sau phải trả một giá đắt...

Nhìn chung, câu chuyện xung quanh những tranh chấp quần đảo Malvinas đã bắt đầu từ thế kỷ XIX. Theo một số nguồn tư liệu, khu vực giàu tài nguyên trong lòng đất giữa đại dương này đã được người Tây Ban tìm ra. Năm 1816, sau khi thoát khỏi ách đô hộ thực dân của Tây Ban Nha và trở thành một quốc gia độc lập, Argentina đã được thừa hưởng quyền sở hữu đối với quần đảo Malvinas. Nhưng, năm 1833, London đã dùng vũ lực để chiếm quần đảo này. Trong trận thư hùng tắm máu kéo dài 74 ngày đã hy sinh tới 649 lính Argentina, 255 lính Anh và 3 người phụ nữ là cư dân sinh sống trên đảo. Từ đó trở đi, cư dân chiếm tuyệt đại đa số ở đó chỉ là người Anh. Đối với người Argentina, đó là một nỗi hận mấy trăm năm khôn rửa.. Tuy nhiên, tự biết mình thế và lực yếu hơn nhiều so với “hòn đảo sương mù”, Buenos Aires đã nhiều lần tìm cách tiếp cận với London để thương lượng đòi lại chủ quyền đối với miền đất cũ. Tuy nhiên, tất cả đều đã chỉ là công dã tràng...

Argentina với Anh: Sẽ lại “đảo chiến”? -0
Cảnh sống yên bình trên đảo Malvinas.

Năm 1965, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi xóa bỏ tận gốc rễ chủ nghĩa thực dân trong khu vực, đồng thời cũng kêu gọi cả Anh và Argentina giải quyết tranh cãi thông qua các cuộc thương lượng. Tuy nhiên tháng 4/1982, Buenos Aires và London đã đụng độ về quân sự trong việc tranh chấp quyền làm chủ quần đảo. Thoạt tiên, có một nhóm công nhân người Argentina đã được đưa tới hòn đảo không người trong khu vực là Nam Georgia. Về danh nghĩa thì họ tới đây để tháo dỡ một trạm săn cá voi, nhưng thực tế thì họ đã cắm lá cờ Argentina lên đó. Những người lính Anh đồn trú ở đấy hiển nhiên là không hài lòng và đã tìm cách đuổi những “vị khách không mời” ra khỏi khu vực mà họ đang chiếm giữ. Thế là quân đội Argentina tràn tới. Để đáp lại, “bà đầm thép” Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh lúc đó, đã phái một lực lượng hải quân hùng hậu với 40 tàu để phong tỏa quần đảo. Thế là bùng nổ các trận hải chiến. Argentina bị đắm tuần dương hạm mang tên Tướng Belgrano. Anh cũng bị đắm tàu khu trục Sheffield, nhưng cuối cùng họ vẫn giành được chiến thắng sau 6 tuần giao tranh. Tuy vậy, từ đó đến nay, Argentina vẫn chưa bao giờ chối bỏ chủ quyền của mình đối với quần đảo Malvinas. London cũng chưa lúc nào tỏ ra muốn giải quyết các tranh chấp Falkland (Malvinas) bằng thương lượng...

Hòa ước Foradori-Dunkan năm 2016 đã đề cập tới việc phối hợp những hoạt động trong những vấn đề cụ thể nhằm phát triển kinh tế trên quần đảo Malvinas, như các chuyến bay đường không, hoạt động khoa học ở châu Nam Cực hay việc gìn giữ tài nguyên cá. Thế nhưng, theo công hàm mới đây nhất của Bộ Ngoại giao Argentina do Ngoại trưởng Santiago Cafiero ký tên gửi tới Ngoại trưởng Anh James Cleverly, “nước Anh đã liên tục gây ra những hành động đơn phương” trong khu vực xung quanh quần đảo Malvinas, như tiến hành các hoạt động quân sự... Ngoại trưởng Argentina đã kêu gọi phía Anh tái khởi động các cuộc đàm phán về chủ quyền của quần đảo, theo đúng tinh thần nghị quyết của Liên hợp quốc...

Chủ quyền không đổi

Theo một nhà ngoại giao Việt Nam công tác ở Buenos Aires, trong thâm tâm, suốt một thời gian dài, các đời nội các và người dân ở Argentina đều hiểu rằng, sử dụng vũ khí để chiến đấu với London nhằm giành lại quần đảo Malvinas là việc rất khó khả thi. Tuy nhiên, từ lâu Malvinas đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và niềm tự hào bị tổn thương của cả dân tộc. Tại Argentina, khẩu hiệu “Malvinas là của Argentina” được bay ra ở khắp nơi và được đưa vào hiến pháp năm 1994 của nước này. Lá cờ rách tươm của trận chiến bại tại Malvinas thường được trưng ra trong những dịp lễ long trọng và các cựu binh từ trận chiến bại đó luôn được vinh danh vào các dịp này.

Argentina với Anh: Sẽ lại “đảo chiến”? -0
Lính Anh đổ bộ lên đảo Malvinas năm 1982.

Nhà ngoại giao đó tâm sự với người viết bài này: “Mình đã rơm rớm nước mắt khi nhìn cảnh các cựu chiến binh Argentina cầm lá cờ rách sạm khói súng trong các dịp khai mạc sự kiện. Biết đó cũng chỉ là một sự trưng diễn thôi, nhưng vẫn thấy rất xúc động...”.

Tháng 10 tới tại Argentina sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Đó có lẽ cũng là một nguyên nhân khiến cho chủ đề quần đảo Malvinas lại được nhắc tới nhiều trong các bài phát biểu của các chính trị gia. Mới đây, trước quốc hội, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã tái khẳng định rằng, quần đảo Malvinas là lãnh thổ của Argentina. Theo cơ quan truyền thông của Argentina Télam, ông Fernandez đã nhấn mạnh: “Để tưởng nhớ tới tất cả những người anh hùng của chúng ta, chúng ta sẽ nhắc lại thêm một lần nữa: Malvinas đã, đang và sẽ vẫn là của Argentina”. Trước đó, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Argentina tuyên bố rằng, ông “muốn tái khẳng định chủ quyền hợp pháp và không thể ai tước bỏ được của Argentina” đối với quần đảo Malvinas, cũng như hòn đảo Nam Georgia, quần đảo Nam Sandwich và vùng lãnh hải xung quanh đó. Quyết định như thế của chính phủ đương nhiệm tại Argentina thực chất là tín hiệu cảnh báo sự chấm dứt thời kỳ hòa hoãn giữa Buenos Aires với London. Đó cũng là lời hứa cho chiến dịch tranh cử của ông Fernandez và đất nước Argentina đã bắt tay vào chuẩn bị cho một tương lai như thế.

Tháng 8/2022, Ngoại trưởng Argentina đặc trách các công việc liên quan tới quần đảo Malvinas, Guillermo Carmona, đã thực hiện một loạt chuyến đi tới các quốc gia láng giềng Nam Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với một chiến dịch quân sự trong tương lai. Ông Carmona nói: “Chúng tôi đang cố gắng củng cố lại vị thế quốc tế của chúng tôi và tận dụng bối cảnh toàn cầu hiện tại”. Theo ông, “thế giới hiếm khi nói về sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia” nhiều như sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2/2022. Và, “điều đó cho thấy rõ những tiêu chí kép của một số quốc gia phương Tây như Vương quốc Anh, họ sử dụng một loại tiêu chí này tại châu Âu và một loại tiêu chí khác ở Nam Mỹ”.

Theo ông Carmona, London đã vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Argentina ngay từ năm 1833, khi họ giành lấy quyền sở hữu quần đảo Malvinas. Bộ trưởng Gormona nhấn mạnh rằng, tại Ủy ban Liên hợp quốc về phi thực dân hóa, Buenos Aires đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhóm 77 (tổ chức liên quốc gia lớn nhất của các nước đang phát triển hoạt động trong khuôn khổ của Liên hợp quốc) và một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Trung Quốc. Thêm vào đó, cũng trong khuôn khổ của Ủy ban Liên hợp quốc về phi thực dân hóa, một quốc gia khác là Nam Phi đã bày tỏ quan điểm có lợi cho Argentina về việc cần phải quay trở lại với những cuộc đàm phán. Cũng theo lời ông Gormon, mới đây, Brazil đã từ chối tiếp nhiên liệu cho những máy bay của không quân Anh trên đường tới quần đảo Malvinas vì không chấp nhận lý lẽ từ phía London cho rằng đó là những chuyến bay nhân đạo...

Những tiêu chí kép

Hiện nay, London vẫn nhìn nhận vấn đề quần đảo Falkland (Malvinas) theo cách đại đa số cư dân trên quần đảo này đã thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2013. Khi ấy, họ đã bỏ phiếu cho việc ở lại trong thành phần các vùng lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh: Trong số 1.517 người chỉ có 3 người chống lại quan điểm này (tỉ lệ ủng hộ là 99,8%). Giữ cho mình quyền sở hữu quần đảo Falkland (Malvinas), London cho tới ngày hôm nay vẫn khai thác những nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt dồi dào trong lòng đất của quần đảo và đảm bảo được sự tham gia của mình vào công cuộc chinh phục châu Nam Cực.

Argentina với Anh: Sẽ lại “đảo chiến”? -0
Tàu khu trục Anh Sheffield bốc cháy.

Những thay đổi trong thực tế tình hình quốc tế hiện nay, theo cách nhìn của Argentina để nước này dựa vào mà hành xử, đang minh chứng duy nhất một điều: thế giới hiện vẫn phải sống theo quy tắc “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Và, những người mạnh hơn thì luôn có thể giành lấy cho mình cái gọi là lẽ phải trong các cuộc xung đột.

Theo các nhà quan sát, hơn bao giờ hết, Argentina đang có cơ hội thực tế để khởi động lại các nỗ lực đấu tranh với London nhằm giành lại chủ quyền đối với quần đảo Malvinas. Tất nhiên, việc này sẽ không dễ dàng, nhưng các lực lượng chính trị chủ đạo ở Argentina sẽ không phải mất quá nhiều khi thêm một lần thể hiện tinh thần đấu tranh vì sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình trong vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Malvinas. Thành sự có thể tại thiên, nhưng mưu sự luôn là phải con người.

Hồng Thanh Quang
.
.