AUKUS hay chiến lược phổ biến vũ khí có điều kiện

Thứ Hai, 29/11/2021, 09:11

Thỏa thuận AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ về việc cung cấp các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Hải quân Australia đã gây ra tranh luận rộng rãi về mức độ ảnh hưởng của thỏa thuận đối với các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ và các mối quan hệ đồng minh của nước này.

Mặc dù sự chú ý chủ yếu tập trung vào lý do đằng sau quyết định của Australia và ý nghĩa của AUKUS đối với quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu nhưng việc Washington sẵn sàng chia sẻ công nghệ hạt nhân có độ nhạy cảm cao là một phần quan trọng không kém và cho đến nay vẫn chưa có sự nhìn nhận đúng mức. Điều này báo hiệu một sự thay đổi lâu dài trong chiến lược, được tóm lược bởi việc Mỹ ngày càng sẵn sàng giúp các đồng minh chủ chốt “tiến nhanh hơn” và khiến các đối thủ cạnh tranh chiến lược “tiến chậm hơn” trong thời đại cạnh tranh của các cường quốc.

Chiến lược này bao gồm việc cho phép và hỗ trợ “phổ biến có điều kiện” vũ khí và công nghệ liên quan - vừa là một phương thức giúp các đồng minh tự vệ, vừa giúp tăng cường khả năng răn đe của khối đồng minh. Nói cách khác, Mỹ đã chuyển từ chính sách không phổ biến vũ khí dưới bất kỳ điều kiện nào thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh sang chính sách phổ biến có kiểm soát hoặc có điều kiện các công nghệ tiên tiến, có thể giúp cải thiện quan hệ song phương giữa Mỹ và các đồng minh, đồng thời đạt được mục tiêu an ninh và răn đe rộng hơn.

AUKUS hay chiến lược phổ biến vũ khí có điều kiện -0
Trong kỷ nguyên mới, việc giúp đỡ các đồng mình chủ chốt để tăng cường an ninh và giảm khoảng cách về khả năng răn đe đang ngày càng trở nên quan trọng.

Sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Kennedy đã tìm cách ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, kể cả với các đồng minh châu Âu và châu Á. Mỹ đã sử dụng cả các biện pháp khuyến khích lẫn gây nản lòng, trong đó có việc cung cấp hoặc cải thiện các bảo đảm răn đe hạt nhân cho đồng minh của mình, để ngăn chặn việc phổ biến rộng rãi vũ khí hạt nhân. Ngay cả khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các thời Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách này, đồng thời đảm nhận phần lớn trách nhiệm bảo vệ các đồng minh NATO và các đồng minh khác.

Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama trước một số chuyển biến thực tế. Mỹ bắt đầu triển khai các khí tài quân sự có năng lực hơn ở cả châu Âu và châu Á, với niềm tin rằng kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh giữa các cường quốc và sự sa sút tương đối của Mỹ đòi hỏi các đồng minh phải có khả năng tự vệ tốt hơn như một phần của mô hình răn đe và chiến đấu mới. Người kế nhiệm ông Obama, cựu Tổng thống Donald Trump cũng thúc đẩy quá trình này. Theo đó, Washington rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, chẳng hạn như Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung và nhiều hoạt động hỗ trợ các đồng minh khác như Hàn Quốc, Nhật Bản trong việc nghiên cứu thiết bị, khí tài quân sự mới.

Và bây giờ, với AUKUS, có vẻ như Washington bắt đầu “chơi bài ngửa”: Thay thế chính sách hạn chế hoàn toàn phổ biến vũ khí và công nghệ tiên tiến bằng biện pháp phổ biến có điều kiện đối với các đồng minh và đối tác then chốt, cho phép họ đóng góp tốt hơn vào hoạt động phòng vệ. Thậm chí, AUKUS còn là một chỉ báo cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục và làm sâu sắc hơn chính sách này. Đối với một đồng minh khác là Hàn Quốc, Washington tiếp tục theo đuổi việc loại bỏ hoàn toàn tất cả các giới hạn còn lại đối với hoạt động sản xuất tên lửa của Seoul, chấm dứt Hướng dẫn về tên lửa sửa đổi (mà thực chất chính là việc giới hạn nghiêm ngặt các hoạt động phát triển tên lửa của Hàn Quốc do chính Mỹ đề ra trước đây). Cùng trong tuần công bố AUKUS, Hàn Quốc đã thử nghiệm loại tên lửa hành trình và đạn đạo mang đầu đạn hạng nặng với tầm bắn hơn 1.000 km và trở thành quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo từ tầu ngầm, qua đó chính thức tham gia vào nhóm nhỏ các nước có năng lực này, hiện bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp và CHDCND Triều Tiên.

Washington ý thức được rằng họ không thể là nhà cung cấp năng lực quốc phòng duy nhất cho các đồng minh của mình, đặc biệt trước những thay đổi lớn trong hệ thống quốc tế, vốn tiếp tục đặt ra những hạn chế về cơ cấu và chức năng của các cơ chế kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân truyền thống. Mỹ sẽ vẫn hỗ trợ các quá trình kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí toàn cầu hiện có và đã nói rõ rằng AUKUS vẫn là một ngoại lệ trong việc phổ biến công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, các yêu cầu về răn đe hiện đại và ổn định khủng hoảng đang thay đổi và việc giúp các đồng minh trang bị vũ khí tốt hơn là một trong những yêu cầu như vậy.

Vẫn có những ý kiến trái chiều được đưa ra và về phần mình, Mỹ vẫn khẳng định rằng việc thay đổi chính sách, tuy diễn ra chậm nhưng dứt khoát, từ bỏ lập trường truyền thống là không phổ biến vũ khí và công nghệ tiên tiến như một công cụ để kiểm soát thế giới và hướng tới phổ biến vũ khí có điều kiện và có kiểm soát cho các đồng minh. Trên thực tế, điều này cũng không làm giảm vai trò quan trọng của việc kiểm soát vũ khí trong thế giới ngày nay. Nhưng, có một điều, nó báo hiệu rằng trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới này, việc giúp đỡ các đồng mình chủ chốt trang bị cho mình và các hệ thống quan trọng để tăng cường an ninh và giảm khoảng cách về khả năng răn đe đang ngày càng trở nên quan trọng.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.