Châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng kỷ lục

Thứ Tư, 10/05/2023, 16:41

Trong năm qua, nhiều nước châu Âu đã gia tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phải chăng, thời kỳ của “cổ tức hòa bình”, khi các quốc gia dồn nguồn lực cho phát triển kinh tế thay vì đầu tư vào quân sự, đã khép lại?

Cuộc chạy đua mới

Theo báo cáo mà Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố cuối tháng 4, chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2022 đã tăng 3,7%, đạt tới mức kỷ lục 2,24 nghìn tỷ USD. Trong đó, khu vực Trung và Tây Âu có mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Cụ thể, chi tiêu quân sự của các quốc gia Trung và Tây Âu đạt 345 tỷ USD trong năm 2022, vượt qua mức chi tiêu của năm 1989, tức là ngay trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với dữ liệu so sánh đã quy đổi tỷ giá tương đương.

Châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng kỷ lục -0
Trụ sở NATO tại Brussels (Bỉ). Ảnh: China Daily

Phần Lan, nước mới đây trở thành thành viên thứ 31 của NATO, dẫn đầu với mức tăng 36%, tiếp theo là Lithua[1]nia (tăng 27%); Thụy Điển, nước đang tìm kiếm tư cách thành viên NATO cũng tăng 12% và đứng ngay dưới họ là Ba Lan (tăng 11%). Trong khi đó, Đan Mạch, một thành viên sáng lập của NATO, đã cam kết tăng chi tiêu quân sự từ khoảng 1,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 2% vào năm 2030.

"Sự gia tăng trong chi tiêu quốc phòng toàn cầu những năm gần đây cho thấy các quốc gia đang nỗ lực củng cố sức mạnh nhằm đối phó với môi trường an ninh ngày càng khó lường”, Nan Tian - nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Sản xuất vũ khí và Chi tiêu quân sự của SIPRI - cho biết.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thì đánh giá về việc chi phí quốc phòng tăng cao trên thế giới rằng: “Cổ tức hòa bình đã không còn nữa”. Khái niệm “cổ tức hòa bình” mà bà Georgieva đề cập đến vốn là một khẩu hiệu chính trị phổ biến sau kết thúc Chiến tranh Lạnh, được dùng để mô tả lợi ích kinh tế của việc giảm chi tiêu quốc phòng và ngừng chạy đua vũ trang.

Trong 3 thập kỷ kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã, hàng nghìn tỷ USD dành cho quân sự dần được chuyển sang các chương trình an sinh xã hội. Chẳng hạn Đan Mạch từ năm 1994 đến năm 2022 đã tăng gấp đôi số tiền dành cho chăm sóc sức khỏe. Trong cùng thời gian, Anh tăng hơn 90% chi tiêu cho những chương trình tương tự, Ba Lan thì tăng gấp đôi kinh phí cho các hoạt động văn hóa và nghệ thuật. Sự thay đổi trong chi tiêu của các chính phủ thời kỳ này có lẽ nổi bật nhất ở Đức, nơi ngân sách quốc phòng sụt giảm mạnh sau khi Đông và Tây Đức cũ thống nhất vào năm 1990.

Châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng kỷ lục -0
Người dân Pháp xuống đường phản đối dự luật cải cách tuổi nghỉ hưu. Ảnh: DaiLy Sabah

Hubertus Bardt, Giám đốc điều hành của Viện Kinh tế Đức từng tổng kết ngắn gọn về chính sách thời kỳ đó rằng “quốc phòng luôn là khu vực cần tiết kiệm”. Vì thế, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã liên tục dành ít tiền hơn cho quân đội tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP so với các cường quốc khác như Pháp hoặc Anh.

Hệ quả của bối cảnh địa chính trị mới...

Nhưng, thời đại “cổ tức hòa bình” mà ưu tiên quốc phòng nhường chỗ cho thương mại và tăng trưởng kinh tế dường như đã kết thúc khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm ngoái. Bối cảnh địa chính trị biến động và những thách thức an ninh mới đã buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải đưa những điều chỉnh về ngân sách. Trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, chi tiêu quốc phòng của các thành viên châu Âu của NATO dự kiến sẽ đạt gần 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2026, tức là tăng 14% trong 5 năm, theo nghiên cứu của hãng tư vấn toàn cầu McKinsey & Company. Bây giờ, chi tiêu được ước tính sẽ tăng từ 53 đến 65%. Điều đó có nghĩa là hàng trăm tỷ USD lẽ ra có thể được đầu tư vào sửa chữa cầu cảng, phát triển đường cao tốc, chăm sóc trẻ em, nghiên cứu ung thư, tái định cư người tị nạn hoặc hỗ trợ các dàn nhạc công cộng... dự kiến sẽ được chuyển đến quân đội.

Theo Wall Street Journal, Ba Lan mới đây đã cam kết dành 4% GDP cho quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Đức thì yêu cầu thêm 11 tỷ USD vào năm tới, tức là tăng 20% chi tiêu cho quân sự. Tổng thống Emmanuel Macron cũng hứa sẽ tăng chi tiêu quân sự của Pháp lên hơn một phần ba cho đến năm 2030.

Tại Đan Mạch, các nhà lập pháp nước này hồi tháng 3 đã bỏ phiếu đồng ý loại bỏ một kỳ nghỉ lễ mùa xuân có tên Store Bededag (Ngày cầu nguyện vĩ đại) khỏi lịch quốc gia và có kế hoạch sử dụng tiền tiết kiệm từ việc này, khoảng 430 triệu USD, để tăng chi tiêu quân sự.

Châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng kỷ lục -0
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 được nhiều nước châu Âu đặt mua nhằm tăng cường năng lực quốc phòng. Ảnh: DeFence New

Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố kế hoạch nâng cấp và mở rộng hoạt động sản xuất vũ khí, trong đó chi 500 triệu euro cho các nhà chế tạo. Thierry Breton, Ủy viên Thương mại của EU cho biết, bên cạnh việc tìm cách tăng cường sản xuất vũ khí cho quân đội các nước châu Âu thuộc NATO, kế hoạch này có thể giúp các nước NATO đáp ứng thời hạn cung cấp 1 triệu viên đạn pháo cho Ukraine trong năm 2023.

Một số nhà phân tích lập luận rằng việc cắt giảm ngân sách quân sự của nhiều nước châu Âu đã sâu đến mức làm tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu cơ bản. Vì thế, những điều chỉnh là cần thiết. Và, các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng cũng có sự ủng hộ của công chúng một số nước đối với việc tăng chi tiêu quân sự, được minh chứng rõ ràng qua việc Phần Lan và Thụy Điển thay đổi chính sách quốc phòng khi xin gia nhập NATO.

Và gánh nặng mới...

Nhưng, ở hầu hết các nước khác, chuyện không dễ dàng như thế. Câu hỏi hóc búa là làm thế nào để chi trả cho sự thay đổi quan trọng trong các ưu tiên quốc gia vẫn là gánh nặng với nhiều nhà lãnh đạo.

Ví dụ, ở Pháp, chi tiêu của chính phủ - khoảng 1,4 nghìn tỷ euro - là mức cao nhất ở châu Âu nếu tính theo tỷ lệ phần trăm GDP. Trong số đó, gần một nửa được chi cho mạng lưới an sinh xã hội hào phóng của nước này, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, lương hưu. Và, dù nợ công cũng tăng cao sau đại dịch, Tổng thống Macron đã tuyên bố sẽ không tăng mức thuế vốn đã là một trong những mức cao nhất ở châu Âu, vì sợ làm các nhà đầu tư sợ hãi. Trong bối cảnh đó, việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ tạo ra áp lực cực lớn, nhất là khi Pháp còn đang đau đầu với những cuộc biểu tình phản đối cải cách tuổi nghỉ hưu vốn kéo dài từ đầu năm đến giờ.

Châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng kỷ lục -0
Báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình Quốc Tế Stockholm (Sipri) cho thấy chi tiêu quốc phòng của thế giới năm qua đã tăng mạnh. Ảnh: Sipri

Tại Anh, cùng thời điểm tháng 3 khi chính phủ công bố ngân sách bao gồm khoản chi tiêu quốc phòng trị giá 6,25 tỷ USD, hàng chục nghìn giáo viên, bác sĩ và công nhân vận tải đã tổ chức đình công đòi tăng lương và điều kiện làm việc. Đó chỉ là một trong hàng loạt cuộc xuống đường của những người lao động để phản đối tình trạng thiếu kinh phí, lạm phát cao và việc các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giao thông và giáo dục bị giảm sút sau đại dịch.

Romania, quốc gia đang tăng nợ công những năm qua, đã cam kết tăng chi tiêu quân sự trong năm nay thêm 0,5% GDP. Và, nước này cũng đã đồng ý mua một số lượng không được tiết lộ máy bay chiến đấu F-35, có giá niêm yết khoảng 80 triệu USD/chiếc. Mặc dù sự gia tăng chi tiêu kể trên sẽ giúp Romania đạt được mục tiêu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng mà NATO hướng đến, nhưng nó sẽ làm giảm nỗ lực đáp ứng các giới hạn nợ do EU đặt ra cho họ.

Ở Đan Mạch, hàng nghìn người cũng đã xuống đường tại thủ đô Copenhagen để phản đối kế hoạch hủy ngày nghỉ lễ Store Bededag. Các lãnh đạo công đoàn tại nước này nói rằng việc bỏ ngày lễ tôn giáo thiêng liêng có từ thế kỷ 17 khỏi lịch quốc gia là mối đe dọa đối với mô hình phúc lợi của Đan Mạch. Lizette Risgaard, người đứng đầu Liên đoàn Lao động FH, có 1,3 triệu thành viên, tuyên bố: “Các chính trị gia nên đứng ngoài thị trường lao động. Nếu không, họ sẽ vi phạm các thỏa thuận với chúng tôi”.

Một cuộc thăm dò gần đây của tổ chức nghiên cứu thị trường Epinion cho thấy một số lượng lớn người Đan Mạch phản đối việc hủy bỏ ngày lễ Store Bededag để tiết kiệm tiền cho quốc phòng. Chỉ 17% ủng hộ kế hoạch này, trong khi 75% phản đối.

Theo báo New York Times, nhu cầu chi tiêu quốc phòng tăng đột ngột (và có thể sẽ còn kéo dài ngay cả khi kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine) của các nước châu Âu đến rất không hợp thời điểm, bởi các khoản chi khổng lồ để chăm sóc dân số đang già đi nhanh chóng và tránh biến đổi khí hậu cũng đang cấp thiết. Chỉ riêng mục tiêu đầy tham vọng của EU là trung hòa carbon vào năm 2050 ước tính đã tiêu tốn từ 175 tỷ đến 250 tỷ USD/năm trong 27 năm tới.

Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế Đại học Harvard, đánh giá: “Áp lực chi tiêu đối với châu Âu sẽ rất lớn và điều đó thậm chí còn chưa tính đến quá trình chuyển đổi xanh. Toàn bộ mạng lưới an sinh xã hội châu Âu rất dễ bị tổn thương trước những nhu cầu lớn này”. Giáo sư Rogoff cũng tin rằng hầu hết người châu Âu vẫn chưa hiểu được tác động lâu dài của việc “cổ tức hòa bình” phai nhạt sẽ lớn như thế nào. Ông nói, đây là một thực tế mới, “và các chính phủ châu Âu sẽ cần tìm cách cân bằng lại mọi thứ”. Họ sẽ phải quyết định chi tiêu nhiều hơn cho xe tăng hay bệnh viện, súng đạn hay giáo viên, tên lửa hay đường bộ? Và, làm thế nào để chi trả những thứ đó: Tăng thuế hoặc vay nhiều hơn? Hay cả hai?

Dù theo cách nào thì những đánh đổi về ngân sách hoặc tăng thuế đều sẽ ảnh hưởng ngay tới cuộc sống hằng ngày của người dân. Phần lớn các hộ gia đình châu Âu năm qua đã phải chật vật xoay xở vì giá năng lượng tăng vọt và lạm phát. Với họ, những thách thức quốc phòng của đất nước thì còn xa. Song, những khó khăn kinh tế thì rất gần và có tác động ngay lập tức đến mỗi nhà.

Quang Anh
.
.