Châu Âu tăng tốc thoát năng lượng Nga
Ủy ban châu Âu (EC) trong tháng 5 đã trình bày bản RePowerEU - kế hoạch được kỳ vọng sẽ cho phép Liên minh châu Âu (EU) giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga trong dài hạn và giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Phát biểu hôm 18-5 tại Brussels về kế hoạch RePowerEU, Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ gây ra “sự gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng”.
Các nước EU đều bị ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau, do đó cần phải nhanh chóng giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Kế hoạch được EC trình bày mang tính chuyển biến quan trọng: Với một khối đã quen với nguồn cung cấp giá rẻ và đáng tin cậy từ Nga nhiều thập kỷ, việc ngừng nhập khẩu hoàn toàn sẽ kéo theo những thách thức to lớn.
Nỗ lực thoát phụ thuộc Nga
Từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát, cùng với Mỹ, các quốc gia châu Âu với chủ yếu là những thành viên EU đã tung loạt đòn trừng phạt nhằm vào Nga với sự đồng thuận cao. Thế nhưng, một trong những đòn trừng phạt có thể gây tổn hại nhiều nhất cho Moscow là lĩnh vực năng lượng lại rất khó để đạt được tiếng nói chung giữa các quốc gia EU.
Lý do là châu Âu hiện phụ thuộc nhiều vào Nga trong việc cung cấp năng lượng, đặc biệt là khí đốt và dầu mỏ. Thế nên, bất kỳ một đòn trừng phạt mà châu Âu nào nhằm lĩnh vực năng lượng của Nga đều có thể dẫn tới phần thua thiệt nhiều hơn về phía các quốc gia châu Âu.
Trước chiến sự ở Ukraine, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới với sản lượng khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 12% nguồn cung toàn cầu. Đáng nói hơn, khoảng 50% xuất khẩu dầu của Nga là sang các nước châu Âu. Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nhiên liệu của Nga với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% lượng dầu.
Thế nên, dù ủng hộ và tham gia tích cực cùng Mỹ nhằm trừng phạt Nga do cuộc xung đột quân sự với Ukraine, song châu Âu vẫn rất dè dặt trong việc theo bước Washington ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Đức - quốc gia nhập 55% lượng khí đốt và 34% dầu từ Nga hiểu rằng hậu quả của dừng đột ngột nguồn cung năng lượng từ Moscow thậm chí có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều so đại dịch COVID-19, có nguy cơ hủy diệt “cơ sở công nghiệp của sức mạnh kinh tế” của cường quốc kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Trước tình hình này, EC đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng - REPower EU (Tái cung cấp năng lượng cho EU) - nhằm hoàn toàn độc lập năng lượng với Nga từ năm 2027. Kế hoạch RePowerEU dựa trên 3 trụ cột là tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng và tăng cường năng lượng tái tạo.
EC đã mời các quốc gia thành viên đưa ra các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy đầu tư vào những lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả, chẳng hạn giảm thuế VAT đối với các hệ thống sưởi tiết kiệm năng lượng. RePowerEU cũng liệt kê các hành vi và thực hành mà người dân, doanh nghiệp có thể áp dụng để giảm mức tiêu thụ năng lượng như giảm sử dụng xe hoặc các thiết bị gia dụng như máy sưởi, điều hòa. Trích dẫn tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), EC cho rằng những biện pháp như vậy sẽ làm giảm 5% nhu cầu về khí đốt và dầu trong ngắn hạn.
Đối với việc đa dạng hóa nguồn cung, việc thay thế nhà cung cấp của Nga không thể được thực hiện trong một sớm một chiều. Mỹ đã tuyên bố rằng họ có khả năng tăng cung cấp khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU thêm 15 tỷ m3 và có thể cung cấp lên đến 50 tỷ m3 vào năm 2030. EU cũng đang kêu gọi Na Uy, Algeria, Canada, Azerbaijan, Ai Cập, Israel, các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm cả Qatar... cung cấp khí đốt.
Theo một nguồn tin châu Âu, mục tiêu của châu lục này không phải là thay thế sự phụ thuộc vào Nga bằng sự phụ thuộc vào những nước khác. Do đó, EC kêu gọi phát triển năng lượng tái tạo. Một mục tiêu khác là tăng gấp đôi sản lượng năng lượng từ các nguồn tái tạo, nâng tỷ trọng tiêu thụ của châu Âu từ 22% năm 2020 lên 45% vào năm 2030. Mục tiêu được đề xuất trước đó là 40%. Châu Âu cũng đề xuất tập trung vào hydro xanh, mà lượng tiêu thụ ở EU năm 2030 có thể đạt 20 triệu tấn. Một nửa khối lượng này sẽ được nhập khẩu.
Còn nhiều khó khăn
Theo ước tính của EC, EU sẽ phải trả một cái giá khá đắt cho kế hoạch tách độc lập với năng lượng của Nga, dự kiến sẽ tiêu tốn 210 tỷ euro đầu tư bổ sung từ năm 2022 đến năm 2027. Trong đó, hơn 110 tỷ euro sẽ dành cho việc triển khai năng lượng tái tạo và hệ thống hydro, trong khi 10 tỷ euro sẽ được sử dụng để đa dạng hóa nguồn cung LNG và hệ thống đường ống khí đốt.
Brussels đã đề xuất phần lớn số tiền nên đến từ các khoản vay chưa sử dụng của quỹ phục hồi COVID-19 . Quỹ này còn dư 225 tỷ euro và hiện có thể được khai thác để tài trợ cho việc thiết kế lại các mạng lưới năng lượng. Doanh thu từ hệ thống giao dịch khí thải có thể mang lại thêm 20 tỷ euro tiền tài trợ. EC cho rằng đây là các khoản đầu tư không nhỏ nhưng về dài hạn sẽ tiết kiệm cho các quốc gia thành viên khoảng 100 tỷ euro mỗi năm.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn trước mắt, việc lấp “chỗ trống” của Nga báo trước nhiều thử thách. Mỹ hiện hứa hẹn với châu Âu về việc tăng khối lượng xuất khẩu LNG song nguồn cung của Washington cũng không thể liên tục trong khi giá thành lại cao hơn nhiều. Qatar được châu Âu xem là một đối tác tiềm năng cung cấp LNG thay thế khí đốt Nga, song Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Saad Sherida al-Kaabi, không ngần ngại “dội gáo nước lạnh” rằng EU không nên quá kỳ vọng vào nước này để thay thế hoàn toàn nguồn cung ứng Nga, bởi “Nga đã bảo đảm từ 30 đến 40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu và không một nước nào có thể thay thế được ngần ấy khối lượng”.
Chưa kể, châu Âu sẽ phải trả cái giá đắt hơn rất nhiều nếu tìm nguồn cung khí đốt khác ngoài Nga. Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo, châu Âu có thể phải chi khoảng 1.000 tỷ USD cho năng lượng trong năm nay so với con số 500 tỷ USD vào năm 2019 nếu cắt nguồn cung khí đốt từ Nga. “Chia tay” với nguồn năng lượng Nga xem ra không dễ dàng với châu Âu, ít nhất là trong tương lai gần.