Châu Âu, trên những bờ biển cháy
Ngày 30/9, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Italy thông báo: Họ đã giải cứu thành công 177 người, trong một chiếc phà bốc cháy trên biển, bao gồm 27 thành viên thủy thủ đoàn và 83 người di cư. Đó là 83 người vô cùng may mắn.
Trước họ, quanh những bờ biển nước Ý nói riêng và phía Nam của Liên minh châu Âu (EU) nói chung, đã có quá nhiều cái chết thương tâm, trên đường vượt biển tìm kiếm những cuộc đổi đời. Sau một thập kỷ, bóng đen của cuộc khủng hoảng di cư đã và đang trở lại, đè nặng và làm hằn lên những vết chia cắt, trong lòng cựu lục địa.
Italy oằn mình
83 người di cư may mắn được cứu thoát ấy đang trên đường từ đảo Lampedusa đến Porto Empedocle (cùng của Italy). Đảo Lampedusa nằm giữa Tunisia, Malta và đảo Sicily của Italy. Nhờ vị trí thuận tiện ấy, nó trở thành điểm đến “yêu thích” mà hầu như mọi dòng người vượt biển từ Bắc Phi đều lựa chọn, một thứ “đầu cầu tiền tiêu” bắt vào EU.
Trong tháng 9/2023, mỗi tuần, có hàng nghìn người di cư đi qua tuyến hải trình ấy, với mong muốn tột bậc được đặt chân lên châu Âu bằng mọi giá, để chạy trốn chiến tranh và xung đột, hoặc chạy trốn cảnh đói nghèo ở quê hương đã bỏ lại sau lưng vĩnh viễn. Chỉ từ ngày 11 đến 13/9, đã có khoảng 8.500 người di cư - nhiều hơn toàn bộ dân số đảo Lampedusa - đến đảo này trên 199 tàu.
Người đứng đầu chính quyền đảo Lampedusa, ông Filippo Mannino, nhấn mạnh mặc dù Lampedusa vẫn luôn sẵn lòng đón nhận người di cư, song hòn đảo này đã rơi vào tình trạng quá tải. Bởi, trung tâm tiếp nhận người di cư của hòn đảo chỉ có sức chứa khoảng 400 người. Những người di cư sau đó được chuyển đến thị trấn Porto Empedocle trên đảo Sicily.
Vô hình trung, đảo Lampedusa trở thành mô hình thu nhỏ, nhưng biểu đạt sắc nét cho tình cảnh của Italy - quốc gia EU tiền tiêu trên Địa Trung Hải. Từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 133.000 người di cư đã tìm đến các địa phương ven biển của Italy, gần gấp đôi số lượng người di cư ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Và điều thực sự đau đớn: Hơn 2.500 người di cư đã thiệt mạng trong khi tìm cách vượt biển từ Bắc Phi tới Italy (và Malta) trong năm 2023 này, theo những số liệu thống kê do Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 28/9, trong khi con số trong cùng thời gian của năm 2022 là 1.680 người.
Đương nhiên, một cách ngắn gọn, dưới mệnh lệnh của lòng nhân đạo, Italy phải lo “nơi ăn chốn ở”, khi tiếp nhận (và sàng lọc) toàn bộ khối người di cư lựa chọn đến với họ.
Tuy nhiên, trong động thái mới nhất ngày 27/9, Chính phủ Italy đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm tới, qua đó cho thấy những khó khăn ngày càng tăng mà họ đang phải gánh chịu (dù là tương đồng với cả bức tranh toàn cảnh của cộng đồng). Cụ thể, Chính phủ Italy ước tính tăng trưởng GDP năm nay ở mức 0,8%, thấp hơn mức dự báo 1% đưa ra trước đó. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 hạ từ mức 1,5% xuống còn 1,2%.
Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cũng tăng mức dự báo thâm hụt tài chính của Italy năm nay và năm tới, theo đó thâm hụt năm nay dự kiến ở mức 5,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức mục tiêu 4,5% đề ra trước đó. Thâm hụt năm 2024 được dự báo ở mức 4,3%, so với mức mục tiêu 3,7%.
Tình trạng này bắt nguồn từ các hệ lụy của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, cũng như việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ lãi suất ở mức cao. Và những dự báo u ám về triển vọng kinh tế kia đồng nghĩa với việc Chính phủ Italy sẽ phải cố gắng hỗ trợ các công dân của mình trong cơn khó khăn nhiều hơn. Mà cùng lúc, họ vẫn phải lo cho những người di cư vượt biển.
Câu chuyện mới mà cũ
Có một cuộc họp quan trọng đã diễn ra ngày 29/9, tại Malta, khi lãnh đạo 9 nước Địa Trung Hải và Nam Âu gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission/EC) - bà Ursula von der Leyen - để thảo luận về vấn đề người di cư.
Hội nghị cấp cao này diễn ra một ngày sau khi bộ trưởng nội vụ các nước thành viên EU đạt được bước tiến, trong việc đề ra các quy định mới liên quan đến cách khối này đối phó với làn sóng nhập cư trái phép. Mặc dù vậy, Italy đã đề nghị cần có thêm thời gian để xem xét văn bản này, trước khi tiến tới đạt được một thỏa thuận chung.
Khoảng 186.000 người di cư thông qua tuyến đường biển Nam châu Âu đã đặt chân đến Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Cyprus và Malta, tính từ đầu năm đến ngày 24/9. Số liệu này gợi lại những cảm giác nặng nề từ thập niên trước còn chưa kịp phai mờ, khi cũng có hàng đoàn người đánh cược với sinh mạng của mình như thế để tìm đến những bờ biển Nam Âu, sau khi “Mùa xuân Arab” quét qua cả một dải Bắc Phi - Trung Đông. Ngày ấy, EU cùng lúc hứng chịu cả bốn cuộc khủng hoảng: kinh tế, người nhập cư, cơ chế hoạt động (nhất là sau khi nước Anh chính thức xúc tiến tiến trình Brexit) và cân bằng chiến lược địa chính trị. Hiện tại, dường như câu chuyện cũng chẳng tươi sáng hơn là mấy.
Suốt những năm tháng ấy, các quốc gia “đầu sóng” - vẫn là Italy, Tây Ban Nha, Cyprus, Malta và Hy Lạp - “vật vã” kêu gọi các nước thành viên EU khác chia sẻ gánh nặng. Bây giờ, cả Thủ tướng Italy - bà Georgia Melani - lẫn Chủ tịch EC Ursula von der Leyen vẫn đang phải kêu gọi phối hợp hành động, để đối phó với những thách thức chung từ làn sóng người di cư đang trở nên mất kiểm soát.
Thủ tướng Meloni nhấn mạnh vấn đề này đang đe dọa tương lai mà EU hướng tới, một tương lai phụ thuộc vào năng lực toàn khối ứng phó với những thách thức lớn. Trong khi đó, Chủ tịch EC cho rằng làn sóng di cư bất hợp pháp là thách thức của toàn châu Âu, nên cần một cách ứng phó chung của toàn khối. Bà kêu gọi các thành viên khác của EU tiếp nhận người di cư để chia sẻ gánh nặng với Italy.
Trước đó, bởi áp lực nặng nề do lượng người di cư từ châu Phi ngày càng tăng, Italy đã phải tìm kiếm sự can thiệp của Liên hợp quốc. Và vừa ngày 2/10, tân Tổng giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) - bà Amy Pope, cựu cố vấn Nhà Trắng - khẳng định: “Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là chuyện số người thiệt mạng ở Địa Trung Hải bị coi là vấn đề bình thường, khi có người cho rằng đây chỉ là cái giá phải trả cho việc di cư trái phép của họ. Nếu chúng ta thực sự muốn ngăn chặn dòng người vượt Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền ọp ẹp để đối diện với nguy cơ mất mạng, chúng ta cần phải tiếp cận tình hình theo cách toàn diện hơn”.
Song, cách toàn diện hơn ấy là cách nào?
Những giải pháp tạm thời
Giải pháp mà Italy, cũng như các nước “tuyến đầu” hướng đến, là một cơ chế chia sẻ trách nhiệm chung đối với việc tiếp nhận người tị nạn, áp dụng cho toàn thể các thành viên EU. Đây cũng là hướng đi mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thống nhất với Thủ tướng Italy Melani vào ngày 26/9, sau cuộc thảo luận trực tiếp về “sự cần thiết phải tìm ra giải pháp của Liên minh châu Âu cho vấn đề di cư”, cũng như các vấn đề kinh tế. Theo Điện Elysee, khả năng để hải quân các nước tham gia các sứ mệnh kéo dài trên Địa Trung Hải cũng rất đáng xem xét.
Tuy nhiên, vào ngày 29/9, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này sẽ giữ nguyên quyền phủ quyết đối với “hiệp ước di cư” ấy, nếu nó trở thành hiện thực. Điều này cũng dễ hiểu. Ba Lan, cũng như không ít quốc gia khác, cũng đang cực kỳ khó khăn trong việc lo cho đời sống công dân của mình, dưới áp lực đa chiều từ cuộc xung đột Ukraine.
Một ngày sau, 30/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: Số lượng người tị nạn hướng tới Đức hiện tại là quá lớn. Hơn 70% tổng số người nhập cư đến Đức chưa được đăng ký trước đó, mặc dù hầu như họ đều đã đến một quốc gia khác trong EU trước khi đến Đức (lý do là bởi sự giàu có của nước Đức). Và ông nhấn mạnh: Điều này sẽ không thể tiếp tục kéo dài.
Thủ tướng Scholz khẳng định: Đức ủng hộ việc bảo vệ biên giới bên ngoài của EU. Trong liên minh, Đức đang tiếp tục phối hợp với Áo để triển khai các biện pháp an ninh biên giới bổ sung. Đức cũng đã thống nhất với Thụy Sĩ và Czech về các biện pháp kiểm soát biên giới chung và tăng cường kiểm soát biên giới với Ba Lan. Ở một diễn biến khác, ngày 24/9, Thụy Sĩ từ chối tiếp nhận người di cư từ nước Ý.
Từ bối cảnh khác biệt về cách tiếp cận này, chúng ta có thể hiểu vì sao vào ngày 28/9, Quy định về khủng hoảng người di cư mà EU đề xuất đã không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, khi có 4 quốc gia phản đối (Áo, Czech, Hungary và Ba Lan) - trong khi 3 quốc gia khác được coi là bỏ phiếu trắng - Đức, Hà Lan và Slovakia, bất kể tất cả đều thống nhất là chỉ có thể giải quyết vấn đề trên tinh thần đoàn kết.
Mặc dù vậy, dường như những câu hỏi mang tính gốc rễ từ 10 năm trước vẫn cứ bị bỏ lửng: Đâu là nguyên nhân thực thụ thôi thúc những đoàn người di cư quyết tâm vượt đại dương?
Nếu ở quê hương của họ không có xung đột hay chiến tranh, nếu tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng được cải thiện và đẩy lùi, nếu những cơ hội phát triển được kiến tạo trên những vùng đất cằn cỗi ấy nhờ sự hỗ trợ từ các nước phát triển…, thì họ có nhất thiết phải liều mình bỏ lại tất cả sau lưng như thế? Để dấn thân vào mịt mờ và trở thành gánh nặng cho châu Âu, giữa sự hoang tàn của “Mùa xuân Arab” ngày trước với những vùng lửa cháy ở Tây Phi hiện tại, hay là sự công phẫn của châu Phi nói chung về những tác động kinh hoàng của tiến trình biến đổi khí hậu (mà tất cả, đều ít nhiều có những tác động từ phương Tây)…