Châu Phi ngày càng hấp dẫn các cường quốc

Thứ Tư, 15/02/2023, 10:49

Không cần phải là một nhà quan sát quốc tế, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy chuyến công du tới một loạt nước châu Phi vừa khép lại (lần thứ 3 trong vòng 6 tháng) của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, một lần nữa, khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của “Lục địa Đen” trong chính sách đối ngoại của Moscow.

Song, nước Nga không phải cường quốc duy nhất trên thế giới thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với châu lục ấy. Từ lâu, tại đây đã bắt đầu diễn ra một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các trung tâm quyền lực lớn nhất hoàn cầu.

“Cửa thoát hiểm” cho châu Âu

Nhìn lại quá khứ gần, năm 2022, “Lục địa Đen” trở nên nhộn nhịp, với nhiều chuyến bay chở theo hàng loạt nguyên thủ quốc gia châu Âu. Lý do, không gì khác, là nhằm tìm kiếm những lối thoát cho cuộc khủng hoảng năng lượng đã và đang uy hiếp “Cựu lục địa”, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga tại miền Đông Ukraine bắt đầu.

Châu Phi ngày càng hấp dẫn các cường quốc -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết gắn bó tương lai với châu Phi.

Lần lượt, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz (tháng 5/2022), Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (tháng 9/2022), những người đến Senegal để theo đuổi, xây dựng và triển khai các thỏa thuận khí đốt với nước này. Các bộ trưởng của Ý cũng đã tháp tùng các giám đốc điều hành của Eni, một trong những công ty năng lượng lớn nhất thế giới, đến Algeria, Angola, Cộng hòa Congo cũng như Mozambique, nơi một kho khí tự nhiên do Eni vận hành dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp khí đốt cho châu Âu trong thời gian tới. Thời gian qua, Eni cũng đồng thời vạch kế hoạch xây dựng thêm một kho khí tự nhiên khác với Chính phủ Mozambique.

Theo số liệu từ cơ quan nghiên cứu kinh tế châu Âu Bruegel (được Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố vào tháng 12/2022), tổng chi phí năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu năm nay đã tăng thêm 1,06 nghìn tỷ USD. Đây là một hệ quả rõ ràng của cuộc đối đầu giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) xung quanh cuộc đối đầu quân sự ở Ukraine, trong đó phương Tây trút các lệnh trừng phạt mạnh tay lên Moscow và Nga cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt cung cấp cho châu Âu.

Nói như Thủ tướng Olaf Scholz trước Quốc hội Đức: Cuộc khủng hoảng năng lượng đòi hỏi châu Âu phải “hợp tác với các quốc gia có khả năng phát triển các mỏ khí đốt mới”, đồng thời duy trì các cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Với nhu cầu tiêu thụ khí đốt buộc phải cắt giảm và dòng chảy khí đốt Nga bị siết lại, EU nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng hóa thạch của Nga. Trước khi xung đột Nga[1]Ukraine nổ ra, Nga cung cấp 40% tổng nhập khẩu khí đốt của EU. Con số này đã giảm còn chưa đầy 9% vào tháng 9/2022, theo dữ liệu chính thức từ EU. Và hiển nhiên, châu Âu cần rất nhiều nguồn cung mới, để thay thế cho một nguồn cung khổng lồ truyền thống, thậm chí đã có thời được xem là không thể thay thế.

Châu Phi ngày càng hấp dẫn các cường quốc -0
Tổng thống Emmanuel Macron  đang có nhiều việc phải làm để củng cố vị thế nước Pháp tại “Lục địa Đen”.

Châu Phi, với các mỏ nhiên liệu tự nhiên mới chỉ bắt đầu được khai thác mạnh mẽ (như dầu mỏ hay khí đốt) lẫn cả tiềm năng khổng lồ về năng lượng tái tạo, rõ ràng, có đầy đủ lý do để trở thành một “điểm nóng” cạnh tranh ảnh hưởng thực thụ, trên bàn cờ địa chính trị thế giới.

Đơn cử, theo hãng tin Bloomberg, tại đảo Bonny thuộc Nigeria, có một nhà máy khổng lồ sản xuất đủ lượng khí hóa lỏng (LNG) để sưởi ấm cho một nửa nước Anh trong mùa đông. Đa số lượng khí đốt này được bán ra nước ngoài, với khách hàng chủ yếu là Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, 60% các địa điểm tốt nhất để sản xuất điện mặt trời nằm tại “Lục địa Đen”.

Châu Phi trên “sân khấu lớn”

Song, hiện tại, châu Phi không chỉ trở nên “quyến rũ” trong mắt các cường quốc vì tiềm năng tài nguyên - khoáng sản, mà còn vì đó là một thị trường với dân số hơn 1,1 tỷ người và đặc biệt là khoảng 1/3 trong số 54 quốc gia châu Phi có mức tăng trưởng GDP hằng năm xấp xỉ 6% trong những năm qua.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Denver (Mỹ), từ năm 2010 đến 2016, nhiều đại sứ quán và lãnh sự quán được mở ở châu Phi, đó là các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Anh, Nhật Bản...

Bên cạnh đó, nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài cũng tăng cường những chuyến thăm châu Phi. Giai đoạn 2008- 2018, các quan chức hàng đầu Trung Quốc đã tiến hành hàng chục chuyến thăm châu Phi. Kể từ khi trở thành Tổng thống Pháp năm 2017, ông Emmanuel Macron cũng nhiều lần công du đến đây. Tương tự, trong 5 năm đầu cầm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã thăm 8 nước châu Phi.

Châu Phi ngày càng hấp dẫn các cường quốc -0
Tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương chọn châu Phi cho chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới.

Những chuyến thăm châu Phi và các hội nghị cấp cao liên quan châu Phi kể trên là những nỗ lực nhằm tận dụng ảnh hưởng về chính trị, kinh tế, năng lượng, quân sự,... của lục địa này. Hiện 54 nước châu Phi chiếm hơn 1/4 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc và theo thông lệ, lục địa này có 3 trong số 15 ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Do đó, mỗi quốc gia tăng cường hợp tác ngoại giao với châu Phi cũng đều có mục đích riêng.

Cũng mới trung tuần tháng 1/2023, tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương chọn châu Phi là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên (kéo dài 7 ngày) của ông trên cương vị mới. Động thái này một lần nữa khẳng định chính sách của Trung Quốc hướng đến “Lục địa Đen” nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, thúc đẩy cam kết của Bắc Kinh tại khu vực.

Bay nửa vòng trái đất, ông Tần Cương đã được chào đón nồng nhiệt tại 5 điểm dừng chân gồm Ethiopia, Gabon, Angola, Benin, Ai Cập, trụ sở Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn các quốc gia Arab (AL). Trong hơn 20 năm trở lại đây, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, tham gia vào việc thúc đẩy kinh tế và phát triển châu lục nghèo nhất thế giới này.

Giới phân tích cho rằng chuyến công du của ông Tần Cương là một động thái nhằm gia tăng lợi thế của Trung Quốc trong việc cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Mỹ ở châu Phi. Bởi, chuyến đi diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi giữa tháng 12/2022, đưa ra cam kết “tất cả vì tương lai của châu Phi” cùng với khoản đầu tư 55 tỷ USD của Washington vào châu Phi trong 3 năm tới, với hơn 15 tỷ USD nhằm thực hiện các cam kết thương mại và đầu tư bổ sung trong lĩnh vực tư nhân.

Trên các số liệu, Trung Quốc đã vượt xa Mỹ, với vị thế đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của châu Phi với 254 tỷ USD trong năm 2021, gấp 4 lần thương mại Mỹ-châu Phi. Điều này có một phần lớn nguyên nhân đến từ việc chính quyền Washington dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển trọng tâm khỏi châu Phi, sang những khu vực khác như châu Á - Thái Bình Dương (và quan trọng hơn là thực hành đối ngoại mang màu sắc chủ nghĩa biệt lập). Nhưng, dù sao, châu Phi hiện tại cũng đã và đang đứng trước các cơ hội rộng mở.

Giữa Paris, Moscow, Washington và Bắc Kinh

Chỉ vài ngày sau người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đến châu Phi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yallen cũng đến châu Phi. Chuyến thăm này là sự khởi đầu của các cam kết, hành động sau hội nghị thượng đỉnh hồi cuối năm 2022 vừa qua.

Trong bối cảnh ấy, không có gì bất ngờ khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov lại một lần nữa bay tới “Lục địa Đen”. Mục đích của Nga, với những hoạt động ngoại giao nhằm tranh thủ và chinh phục các nước châu Phi, hiển nhiên là nhằm thể hiện Nga không bị cô lập về chính trị trên thế giới, Nga vẫn có đối tác và đồng minh, vẫn có thị trường và khách hàng xuất nhập khẩu. Nói cách khác, Moscow không “hề hấn gì” trước những chính sách bao vây, cấm vận và trừng phạt từ phương Tây.

Châu Phi ngày càng hấp dẫn các cường quốc -0
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tại Nam Phi.

Có lẽ cũng nên nhắc lại, tháng 3 năm ngoái, có 25 trong tổng số 55 quốc gia Châu Phi đã bỏ phiếu trắng tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khi biểu quyết thông qua nghị quyết lên án việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nguyên nhân căn bản của điều này là việc nhiều quốc gia châu Phi đã có mối quan hệ hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh gắn bó và tin cậy với Nga từ rất nhiều năm nay.

Ở chuyến công du mới nhất của ông Sergei Lavrov, Mali là một điểm đến đặc biệt. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của nhà ngoại giao Nga đến Mali nhằm tạo một động lực mới cho hợp tác kinh tế và an ninh giữa hai nước. Cho dù, từ tháng 8/2020, phía Nga hỗ trợ Mali máy bay và trực thăng tấn công, cử hàng trăm binh sĩ đến hướng dẫn binh sĩ Mali, giúp củng cố quốc phòng và chủ quyền của quốc gia Tây Phi này.

Vấn đề là, trước đây, Mali nói riêng cũng như khu vực Sahel cùng vùng Sừng châu Phi nói chung nằm trong khu vực ảnh hưởng truyền thống của một đại cường khác: nước Pháp. Sau quá trình phi thực dân hóa châu Phi, Pháp rất coi trọng chiến lược quân sự trong các chính sách mới đối với châu Phi. Họ đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự với hơn 40 quốc gia châu Phi. Pháp cũng đã thực hiện hơn 60 cuộc can thiệp quân sự ở châu Phi kể từ năm 1960. Sự hiện diện quân sự của Pháp ở châu Phi lên tới khoảng 8.700 nhân viên vào năm 2019, một nửa trong số đó là các đơn vị quốc phòng và lực lượng đặc biệt.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, khi các đơn vị lính Pháp buộc phải triệt thoái hoàn toàn khỏi Mali (sau 10 năm hiện diện), với nhiều nguyên nhân, vị thế của Paris ở đây (và rộng hơn là trên toàn châu Phi) đang có nguy cơ suy giảm.

Từ cuối tháng 7/2022, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Pháp - ngọn cờ lãnh đạo EU về mặt chính trị và quân sự - với Nga đã trở thành “cuộc cạnh tranh căng thẳng nhất để giành ảnh hưởng ở châu Phi kể từ sau Chiến tranh Lạnh” (hãng tin AP).

Và trong năm 2023 này, cuộc cạnh tranh ấy sẽ còn mở rộng, cũng như trở nên gay gắt hơn, với sự góp mặt của cả Washington, Bắc Kinh, Moscow, Paris hay thậm chí Berlin, London và cả New Dehli hay Tokyo..., trong tiến trình tái xây dựng và định hình một trật tự thế giới mới.

Mây Linh
.
.