Chiến sự Ukraine bao trùm G7
Bắt đầu từ ngày 13/6 tại Puglia, Italy, các lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) họp bàn những vấn đề toàn cầu nằm trong mối bận tâm của nhóm, trong đó nổi cộm nhất vẫn là cuộc chiến Nga-Ukraine, rồi vấn đề cuộc chiến tàn khốc ở Gaza, biến đổi khí hậu và mối đe dọa khôn lường từ trí tuệ nhân tạo (AI)…
Ưu tiên nhất vẫn là vấn đề Ukraine
Kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, chủ đề bao trùm hội nghị G7 luôn là Ukraine - trước hết là các nước G7 tìm tiếng nói chung trong việc ủng hộ Ukraine, làm thế nào để giúp Ukraine phục hồi lại nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến, làm thế nào để có được nguồn tài trợ cho Ukraine, và sau cùng là hiệp đồng đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga.
Tại hội nghị lần này, Ukraine vẫn là đề tài bao trùm. Có hai quyết định gây tranh cãi liên quan đến Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Vấn đề đầu tiên tập trung vào việc liệu lợi nhuận hàng năm thu được từ tài sản nhà nước của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng bởi G7 vào năm 2022 trị giá khoảng 281 tỉ USD có thể được huy động để trả lãi cho khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine hay không? Kế hoạch này do Mỹ đề xuất. Vấn đề thứ hai liên quan đến việc cố gắng trừng phạt Trung Quốc đến mức nào vì “đã hỗ trợ nền kinh tế Nga”.
Pháp và Anh đã ủng hộ kế hoạch của Mỹ, nhưng EU - nơi lưu trữ phần lớn tài sản của Nga - cho biết kế hoạch của Mỹ phụ thuộc vào việc khối đồng ý gia hạn việc duy trì lợi nhuận sáu tháng một lần, một quyết định đòi hỏi sự nhất trí giữa các bên. Với 27 quốc gia thành viên, điều này không thể đảm bảo đối với EU. EU đưa ra một kế hoạch thay thế, nhưng sự thành công còn phải chờ xem.
Một số người ủng hộ kế hoạch của Mỹ vẫn muốn giao toàn bộ tài sản của Nga cho Ukraine để bồi thường thiệt hại chiến tranh, nhưng kế hoạch này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ chính trị cần thiết. Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron thừa nhận rằng việc chiếm giữ hoàn toàn là điều không thể.
Mỹ lại đưa ra trước hội nghị sáng kiến quan trọng - đó là mở rộng quy mô lớn các thực thể, bao gồm cả các ngân hàng, sẽ phải chịu lệnh trừng phạt nếu bị coi là tạo điều kiện cho bất kỳ thực thể nào của Nga đang bị trừng phạt. Chế độ trừng phạt thứ cấp này, đã được Mỹ triển khai ở Iran và áp dụng vào tháng 12 cho các thực thể giúp đỡ quân đội Nga, sẽ có nghĩa là nhiều công dân và ngân hàng không phải của Mỹ sẽ có thể bị trừng phạt, đặc biệt nếu họ giao dịch bằng USD. Theo một ước tính, số lượng các thực thể bị cấm giao dịch sẽ tăng từ khoảng 1.000 lên 4.000.
Sự thay đổi này được Mỹ thiết kế để tạo ra tác động tiêu cực đến mạng lưới các quốc gia ở Balkan, Trung Đông và Trung Á, vốn đóng vai trò làm cầu nối cho hàng xuất khẩu của phương Tây được bán sang Nga.
Ukraine ký kết các thỏa thuận an ninh song phương
G7 từng là nơi tập trung các nhà lãnh đạo phương Tây trong các cuộc trò chuyện thân mật, nhưng các nước chủ nhà có thể mời các vị khách bên ngoài tham gia một số phiên họp. Lần này cũng vậy, Italy đã mở rộng cửa và sẽ chào đón Đức Giáo hoàng Francis; Tổng thống Argentina Javier Milei; Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva.
Dù với thân phận “khách bên ngoài” như các quốc gia nêu trên, nhưng Ukraine lại được đối xử đặc biệt hơn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy được mời tham dự theo diện “đặc cách”, và sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Mục đích là để cho thấy phương Tây vẫn quyết tâm đối đầu với “kho vũ khí” của Nga, nhưng không bận tâm đến các vấn đề của chính mình.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, hai ông Biden và Zelenskiy sẽ ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm, khi các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục bên lề về cách phương Tây có thể cung cấp khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine. Ngay ngày đầu tiên của Hội nghị G7, Ukraine đã ký kết thỏa thuận an ninh song phương 10 năm với Nhật Bản.
Trước đây, Kiev đã ký 15 thỏa thuận an ninh song phương với các quốc gia khác kể từ khi nổ ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào năm 2022, bao gồm cả với Anh, Pháp, Đức và Ý. Thỏa thuận Mỹ-Ukraine không cần sự cho phép của Quốc hội và có thể bị chính quyền Trump trong tương lai hủy bỏ. Ông Biden đã từng nói rằng những đảm bảo dành cho Ukraine sẽ tương đương với những đảm bảo dành cho Israel, bao gồm hỗ trợ tài chính và quân sự cũng như khả năng sản xuất vũ khí chung. Các thỏa thuận song phương ở Ukraine được coi là một điểm dừng trên con đường gia nhập NATO. Ông Zelenskiy nói: “Việc ký kết thỏa thuận với Mỹ sẽ là thỏa ước chưa từng có, vì nó phải dành cho các nhà lãnh đạo ủng hộ Ukraine”.
Cũng như các hiệp định song phương khác, thỏa thuận với Mỹ sẽ không yêu cầu Mỹ phải đứng ra bảo vệ Ukraine nếu bị tấn công. Nhưng nó có thể giúp Ukraine dễ dàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Nga hơn, vì Kiev sẽ có một số đảm bảo về sự giúp đỡ mà họ sẽ nhận được trong trường hợp bị Nga tấn công thêm. Ukraine đã có kinh nghiệm cay đắng về những thỏa thuận như vậy. Các bên ký kết Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó kêu gọi tôn trọng độc lập và chủ quyền của các nước, đã không đứng ra bảo vệ Ukraine khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Các thỏa thuận an ninh song phương nêu rõ rằng trong trường hợp Nga tấn công Ukraine trong tương lai, các bên sẽ tham vấn trong vòng 24 giờ để xác định các biện pháp chống lại và ngăn chặn hành động gây hấn. Tuy nhiên, thỏa thuận lại không xác định rõ ràng “một cuộc tấn công trong tương lai” là như thế nào.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Bằng việc ký kết thỏa thuận này, chúng tôi cũng sẽ gửi cho Nga một tín hiệu về quyết tâm của chúng tôi”. Rõ ràng phương Tây đang muốn gửi thông điệp cứng rắn đến Nga thông qua việc ký kết các thỏa thuận an ninh song phương đề có cơ sở can thiệp quân sự vào cuộc chiến Ukraine.