"Con đường Tơ lụa y tế" của Trung Quốc ở Trung Đông
Sự ra đời của "Con đường Tơ lụa Y tế" (HSR) và "Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số" (DSR) vào năm 2015 theo khuôn khổ "Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) cho thấy Trung Quốc đang mở rộng hoạt động ngoại giao từ cơ sở hạ tầng và xây dựng sang lĩnh vực y tế và công nghệ.
Các lĩnh vực hợp tác đa dạng đang làm tăng đòn bẩy của Trung Quốc và kéo dài thời hạn của khuôn khổ BRI sau đại dịch COVID-19.
HSR tiếp nối lịch sử hỗ trợ y tế của Trung Quốc ở nhiều khu vực. Hợp tác y tế châu Phi-Trung Quốc đã bắt đầu từ năm 1963, khi Trung Quốc là nước đầu tiên cử một nhóm chuyên gia y tế đến Algeria. Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến một giai đoạn hợp tác y tế mới với việc Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, đồng thời gửi thiết bị y tế, công nhân và dược phẩm ra nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích cho cả nước nhận tài trợ và nước tài trợ. Động thái này có thể cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các khu vực nghèo và sẽ tạo ra những cơ hội mới để Trung Quốc tăng cường đầu tư y tế trong dài hạn.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Toàn cầu năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự cần thiết phải hợp tác và đoàn kết toàn cầu để chống lại đại dịch COVID-19. Khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước của Trung Quốc đã mang lại cho nước này uy tín khi đóng vai trò tích cực trong việc sản xuất và phân phối vaccine ở châu Phi và Trung Đông.
Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để theo dõi bệnh tật, đặc biệt là công nghệ 5G, đã cho phép nhân viên y tế và bệnh nhân kết nối từ xa. Trung Quốc đang áp dụng kinh nghiệm trong nước về tiếp cận dịch vụ y tế tại nông thôn và vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ các nước nghèo. Ở khu vực Tiểu Sahara, Trung Đông và Mỹ Latin, BRI đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng tiếp cận vaccine và nguồn cung y tế sớm hơn các nước phương Tây. Các nước Trung Đông, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain, là những quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc phê duyệt vaccine Sinopharm, thể hiện sự tin tưởng và tín nhiệm của các quốc gia Trung Đông vào nền y học hiện đại của Trung Quốc.
Ai Cập là quốc gia châu Phi đầu tiên sản xuất vaccine Sinovac của Trung Quốc. Theo thỏa thuận với công ty dược phẩm Trung Quốc, một nhà máy ở Cairo sẽ sản xuất hơn 200 triệu liều mỗi năm và nhà máy thứ hai sẽ sản xuất 3 triệu liều mỗi ngày. Điều này sẽ đưa Ai Cập trở thành nhà sản xuất vaccine lớn nhất châu Phi và Trung Đông.
Năm 2021, Trung Quốc cho biết đã cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho 120 quốc gia và tổ chức quốc tế, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, trong đó có 180 triệu liều vaccine cho châu Phi. Ai Cập, Algeria và Maroc là những nước được cung cấp nhiều nhất.
Đối với các nước Trung Đông đang tìm cách chuyển đổi nền kinh tế, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ngày càng trở thành một ưu tiên cải cách do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống y tế. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang là mối quan tâm chính. Tập trung vào việc tích hợp công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng y tế sẽ là yếu tố quan trọng cho cuộc cải cách này.
Trong những thập kỷ gần đây, Ai Cập, Jordan và Tunisia đã trở thành trung tâm khu vực nhờ y tế tư nhân có chất lượng dịch vụ cao. Tuy nhiên, bất chấp việc nhiều quốc gia trên khắp Trung Đông và Bắc Phi tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế, chi tiêu cho y tế tính theo tỷ trọng GDP của các nước này vẫn rất thấp. Tỷ lệ GDP dành cho y tế của Tunisia và Saudi Arabia nhiều hơn so với phần còn lại của khu vực, nhưng chi tiêu cho y tế của UAE và Qatar đang tăng nhanh nhất.
Theo tầm nhìn phát triển mới của các nước vùng Vịnh, ngành y tế sẽ ngày càng phụ thuộc vào dược phẩm và hàng nhập khẩu, trong khi thị trường chăm sóc sức khỏe sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng đầu tư cho lĩnh vực này. Trung Quốc là một đối tác đầu tư thương mại và y tế quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn này. Tầm nhìn Abu Dhabi 2030 coi công nghiệp dược phẩm là lĩnh vực phát triển chính do triển vọng tăng trưởng trong tương lai, tiềm năng xuất khẩu và tác động kinh tế trung và dài hạn.
Vào thời điểm quan trọng của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã chủ động hỗ trợ y tế và vaccine cho các nước đang phát triển. Động thái này càng làm gia tăng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong bối cảnh Mỹ và EU không gia tăng can dự, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội để giành được nhiều ảnh hưởng hơn ở Trung Đông và châu Phi, những nơi đang gặp khó khăn với tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Khi đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ ba và các biến thể phụ mới lây lan nhanh chóng, Trung Quốc sẽ không thể một mình giành chiến thắng trong cuộc đua triển khai vaccine và đáp ứng mọi nhu cầu tiêm chủng của các vùng nghèo. Khả năng phục hồi toàn cầu sau cuộc khủng hoảng y tế này đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các cường quốc.