EU với những thay đổi chiến lược về năng lượng

Thứ Hai, 24/10/2022, 16:34

Thực ra, từ trong suốt hơn 10 năm trở lại đây, các đợt lục đục giữa Nga và Ukraine từng không ít lần khiến châu Âu phải đối mặt với tình trạng có thể bị cắt đứt nguồn cung về năng lượng. Sau khi cuộc khủng hoảng leo thang tháng 2/2022, EU áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga khiến quan hệ Nga-EU giảm xuống mức đóng băng và nguồn cung năng lượng của Nga cho châu Âu cũng vì thế mà sụt giảm nghiêm trọng, khiến lục địa già không thể chần chừ được nữa.

Xung quanh châu Âu có những khu vực sản xuất năng lượng quan trọng nhất trên thế giới như Biển Bắc, Đông Địa Trung Hải, Nga, Trung Đông và Bắc Mỹ nên cần phải giành được năng lượng từ khu vực nào luôn là vấn đề nan giải mà châu Âu phải đối diện khi rơi vào tình cảnh khan hiếm năng lượng. Cùng với sự chuyển đổi của khu vực cung ứng năng lượng, sự kết nối giữa các cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu, vốn có hiệu quả không cao, chắc chắn sẽ tăng tốc, đặc biệt là ở khu vực Tây Âu. Cơ sở hạ tầng bị phân tán và khó quản lý tập trung luôn là trở ngại lớn để châu Âu đạt được một thị trường năng lượng thống nhất.

EU với những thay đổi  chiến lược về năng lượng -0
Bán đảo Iberia, nằm ở góc Tây Nam châu Âu, được coi là trạm tiếp nhận LNG có vị trí địa lý thuận lợi.

Năm 2014, sau khi đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker đã đưa ra kế hoạch “Liên minh năng lượng” đầy tham vọng, cam kết cải thiện đáng kể mức độ kết nối năng lượng của châu Âu. Tuy nhiên, do chi phí quá cao, ông cũng chỉ có thể tập trung giải quyết trước vấn đề “đảo năng lượng” của một số nước Đông Âu. Do đang áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nên châu Âu đang phải chuyển sự phát triển các nguồn năng lượng sang hướng Tây và hướng Nam, cơ sở hạ tầng tương ứng chắc chắn sẽ hình thành theo sau.

Bán đảo Iberia, nằm ở góc Tây Nam châu Âu, được coi là trạm tiếp nhận LNG có vị trí địa lý thuận lợi khi có thể tiếp nhận LNG từ Bắc Phi, Trung Đông và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, từ lâu nay điều kiện cơ sở hạ tầng đã hạn chế khả năng vận chuyển khí đốt tự nhiên của bán đảo Iberia sang lục địa châu Âu. Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, kế hoạch xây dựng một đường ống dân khí đốt tự nhiên kết nối Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp đã xuất hiện trở lại trong cuộc thảo luận của các nhà hoạch định chính sách châu Âu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ sự ủng hộ đối với việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở châu Âu đi qua Pháp, có thể kết nối Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Trung Âu. Tháng 4/2022, Anh công bố Chiến lược an ninh năng lượng, cho biết nước này sẽ tăng cường các cơ sở liên kết điện và khí đốt tự nhiên với EU để có thể thích ứng với việc vận chuyển năng lượng ngày càng hiệu quả hơn.

Cải thiện sự kết nối giữa các mạng lưới năng lượng có thể làm gia tăng đáng kể khả năng chống chịu của hệ thống năng lượng châu Âu khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu lục địa châu Âu có thể hiện thực hóa sự kết nối giữa các đường ống dẫn khí đốt thì tác động của việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu đối với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia sẽ được giảm bớt một cách có hiệu quả, đặc biệt những quốc gia Đông Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga. Đồng thời, do địa vị của các nước Nam Âu trong thương mại khí đốt sẽ được cải thiện trong tương lai, nên vấn đề phát triển kinh tế không đồng đều trong EU cũng có thể được giảm bớt ở một mức độ nhất định thông qua thương mại năng lượng.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột Ukraine leo thang, EU và các nước thành viên đã bắt đầu sửa đổi các chính sách biến đổi khí hậu cấp tiến được thực hiện trước khi cuộc khủng hoảng năng lượng bùng nổ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Pháp sẽ khôi phục việc phát triển điện hạt nhân dân sự và xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân mới để tăng cường sản xuất điện. Chỉ hơn 1 tháng sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, Chính phủ Anh công bố Chiến lược an ninh năng lượng, đề xuất phải đảm bảo sự độc lập về năng lượng, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khí đốt tự nhiên với tư cách là năng lượng hóa thạch trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Đầu tháng 7/2022, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu để quyết định đưa năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên vào danh sách phát triển kinh tế bền vững của EU, xác định điện hạt nhân và khí tự nhiên là năng lượng xanh trong các quy tắc đầu tư. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa châu Âu và châu Á về nguồn LNG đã trở nên ngày càng gay gắt, đặc biệt là cùng với việc giá cả ở châu Âu bắt đầu tăng mạnh so với châu Á, một số doanh nghiệp rất có thể sẵn sàng bồi thường thiệt hại cho những hợp đồng bán LNG cho châu Á để chuyển sang bán cho thị trường châu Âu.

Nghị viện châu Âu cũng đã biểu quyết thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trong tương lai có thể điều chỉnh thành quy tắc về năng lượng và thương mại quốc tế, đặc biệt là cơ chế này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các ngành phát thải nhiều carbon ở châu Á. Do đó, một số nhà phân tích cũng cho rằng một số chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu của EU có thể giúp cho khối này giành được vị trí có lợi trong cuộc cạnh tranh với châu Á về năng lượng.

Một cuộc cách mạng tiêu thụ năng lượng coi trọng hiệu quả và tiết kiệm cũng đang âm thầm nổi lên tại các nước trong khối EU và cả châu Âu. Kế hoạch REPowerEU được công bố. EU chính thức thực hiện thỏa thuận cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên tự nguyện. Theo thỏa thuận này, các nước thành viên EU sẽ giảm 15% nhu cầu khí đốt trên cơ sở mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/2022 đến 31/3/2023. Cuộc cách mạng về tiêu thụ năng lượng về cơ bản sẽ định hình lại mối quan hệ cung cầu năng lượng ở châu Âu.

Đan Thanh (Tổng hợp)
.
.