G20 ra được tuyên bố chung

Chủ Nhật, 20/11/2022, 21:46

Ngày 16-11, lãnh đạo các nền kinh tế G20 đã kết thúc Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Indonesia. Sau thất bại lần trước, Hội nghị lần này đã thành công, đưa ra tuyên bố chung, nhắc lại quan điểm được bày tỏ tại các cuộc họp khác trong khuôn khổ thượng đỉnh, bao gồm một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án cuộc chiến Ukraine.

Lên án cuộc chiến Ukraine

Cuộc họp của các bộ trưởng G20 hồi đầu năm nay đã kết thúc mà không có tuyên bố chung do Nga phản đối việc đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine. Tuần này, các nhà lãnh đạo đã thông qua một tuyên bố lên án hành động của Nga ở Ukraine “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất” và yêu cầu nước này rút quân vô điều kiện”. Mặc dù hầu hết các thành viên đều lên án cuộc chiến ở Ukraine, nhưng vẫn có những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt Nga.

Chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết: “Hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra những đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu - kìm hãm tăng trưởng, gia tăng lạm phát, phá vỡ chuỗi cung ứng, làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng cũng như gia tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính”.

G20 ra được tuyên bố chung -0
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia lần này được cho là có nhiều dấu hiệu khả quan.

Tuyên bố chung cũng tố cáo bất kỳ mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nào, một sự khiển trách ngầm đối với Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh khi Tổng thống Vladimir Putin vắng mặt, đã lên án tình trạng “chính trị hóa” cuộc họp G20 lần này.

Quan hệ Mỹ-Trung trở nên tốt đẹp hơn

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trước cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống. Mặc dù kết quả không rõ ràng, nhưng nhìn chung đây là một cuộc gặp tích cực sau khi quan hệ giữa các siêu cường giảm xuống gần mức thấp như lịch sử hồi đầu năm.

Cả hai bên cho biết trong khi cuộc họp kéo dài 3 giờ nêu rõ những khác biệt lớn, bao gồm vấn đề Đài Loan, các hạn chế thương mại và chuyển giao công nghệ, song cả hai bên nhất trí giữ thông tin liên lạc và tránh đối đầu.

G20 ra được tuyên bố chung -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia.

Tập trung vào nền kinh tế toàn cầu

Các đại biểu G20 đã nhất trí thận trọng tăng lãi suất trong giai đoạn này để tránh sự suy thoái kinh tế và cảnh báo về “sự biến động gia tăng” trong chuyển động tiền tệ.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng như các khoản chi tiêu lớn trong thời kỳ đại dịch được cho là nguyên nhân thúc đẩy lạm phát tăng cao, các nước G20 cho rằng các biện pháp mới để phục hồi ngân sách là “tạm thời và có mục tiêu”. Về nợ công, họ bày tỏ lo ngại về tình hình “xấu đi” ở một số quốc gia có thu nhập trung bình và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ gánh nặng cho tất cả các nước chủ nợ.

An ninh lương thực

Các nhà lãnh đạo G20 hứa sẽ có hành động phối hợp để giải quyết các thách thức về an ninh lương thực và hoan nghênh Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, nhưng các nhóm xã hội dân sự chỉ trích điều mà họ cho là thiếu các biện pháp cụ thể để giải quyết nạn đói. Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen ra đời vào tháng 7-2022 với mục đích ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, thông qua việc giúp Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ một số cảng trên Biển Đen bị tê liệt do “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga.

Bà Friederike Roder, Phó Chủ tịch Tổ chức Công dân toàn cầu, cho biết: “G20 chỉ đơn thuần là lặp lại các cam kết cũ từ những năm trước hoặc ghi nhận sự phát triển ở những nơi khác, thay vì tự mình nắm quyền lãnh đạo. 50 triệu người đang ở bờ vực của nạn đói, G20 không có thời gian để đưa ra lời kêu gọi hành động mà phải hành động ngay lập tức”.

Biến đổi khí hậu

Các nhà lãnh đạo G20 nhất trí tiếp tục nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C - khẳng định rằng họ vẫn đang bám sát mục tiêu nhiệt độ của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu Paris năm 2015. Điều này có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên hợp quốc ở Ai Cập, nơi một số nhà đàm phán lo ngại rằng G20 sẽ không ủng hộ mục tiêu 1,5°C, có khả năng cản trở thỏa thuận giữa 200 nước đang tham gia đàm phán tại COP27.

Bên lề thượng đỉnh, Mỹ, Nhật Bản và các đối tác cho biết sẽ huy động 20 tỷ USD tài chính công và tư nhân để giúp Indonesia đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than. Hai ông Biden và Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại hợp tác về biến đổi khí hậu.

Trung Quốc tỏ thiện chí với phương Tây

Bên lề cuộc gặp G20, ông Tập Cận Bình đã tổ chức các cuộc gặp song phương với nhiều đồng minh của Mỹ, thể hiện thiện chí sẵn sàng hàn gắn quan hệ với những quốc gia không thân thiện. Ngoài cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với Thủ tướng Australia, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Canada và Tổng thống Pháp. Ông Tập Cận Bình dự trù sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản tại hội nghị APEC ở Bangkok (Thái Lan) vào cuối tuần này.

Ngoài những lợi ích cốt lõi không lay chuyển, đặc biệt là “lằn ranh đỏ” trong vấn đề Đài Loan, Chủ tịch Trung Quốc đãcó những phát biểu ôn hòa hơn, thiện chí hơn trên nhiều vấn đề quốc tế. Trong cuộc họp với người đồng nhiệm Mỹ, ông Tập không chỉ trích “tâm lý Chiến tranh Lạnh” của các lãnh đạo Mỹ. Còn Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định không muốn có thêm “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Thiện chí, giảm căng thẳng với Washington được ông Tập thể hiện qua phát biểu: “Chúng ta (Trung Quốc và Mỹ) phải tìm ra con đường đúng đắn để quan hệ song phương tiến bộ và cất cánh”. Vậy mục đích của Bắc Kinh là gì? Ông Pierre-Antoine Donnet, nhà báo của trang Asialyst, nhận định: “Trung Quốc thực sự muốn mối quan hệ với Mỹ dịu đi vì nhiều lý do.

Trước tiên, về mặt kinh tế, tăng trưởng của Trung Quốc giảm mạnh, thậm chí có thể dưới ngưỡng 3% trong năm 2022. Đây là điều chưa từng xảy ra từ nhiều thập niên. Tiếp theo là về vấn đề Nga, một trong những điểm thay đổi đáng chú ý là ông Tập nhất trí với ông Biden rằng “một cuộc chiến hạt nhân sẽ không bao giờ được xảy ra”, điều đã được ông nhắc đến khi tiếp Thủ tướng Đức ở Bắc Kinh.

Phát biểu này nhắm đến Nga dù Trung Quốc vẫn tránh trực tiếp lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Trong bài phát biểu ngày 15-11 tại thượng đỉnh G20, ông Tập Cận Bình còn kêu gọi phương Tây dỡ bỏ trừng phạt Nga.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.