Haiti bên bờ sụp đổ

Thứ Hai, 11/03/2024, 08:45

Sáng thứ Bảy, 2/3/2024, các băng nhóm chống chính phủ ở Haiti, lãnh đạo bởi Jimmy Chérizier, bí danh Barbecue - Thịt nướng - đã mở cuộc tấn công tổng lực vào sân bay quốc tế Toussaint Louverture và nhà tù trung ương ở thủ đô Port-Au-Prince, giải thoát cho hơn 3.800 tù nhân trong nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống Henry. Đại sứ quán Mỹ, Pháp, Canada, Tây Ban Nha…, tạm ngừng hoạt động. Nhiều quốc gia lên tiếng khuyến cáo công dân nước mình rời Haiti càng sớm càng tốt…

1. Những trận đấu súng giữa các băng nhóm và cảnh sát nổ ra lúc 9 giờ sáng tại những khu vực trọng yếu ở thủ đô Port-au-Prince, trong đó có cả sân vận động, bệnh viện, trường học. Tại sân bay quốc tế Toussaint Louverture, nhiều chuyến bay đã bị hủy bỏ, Hãng hàng không Sunrise Airway thông báo chấm dứt mọi hoạt động trong bối cảnh Thủ tướng Henry đang ở Nairobi, Kenya với nỗ lực đàm phán để Kenya đồng ý gửi 1.000 cảnh sát của quốc gia này đến Haiti, giúp ông giành lại quyền kiểm soát đất nước.

Theo trang tin Latin America Today, mặc dù chính phủ Haiti đã ban hành tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 ngày đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng nhưng trên đường phố, hàng nghìn dân chạy nạn vẫn lũ lượt kéo nhau đi tìm chỗ dung thân. Văn phòng Cao ủy tị nạn Liên hợp quốc về người tị nạn ở Haiti cho biết chỉ trong 3 ngày - từ 29/2 đến 2/3, họ đã ghi nhận 15.000 thường dân sống chen chúc trong những lều bạt ở các sân vận động xung quanh thủ đô Port-au-Prince. Latin America Today viết: “Những tay súng thuộc các băng nhóm xông vào từng lều để truy lùng binh lính, cảnh sát và viên chức chính phủ. 4 sĩ quan cảnh sát đã bị họ bắn ngay tại chỗ”.

Haiti bên bờ sụp đổ -0
Jimmy Chérizier (giữa) trên một đường phố ở thủ đô Port-au-Prince.

Với những tù nhân vừa được giải thoát, sự tàn bạo còn ghê gớm hơn. Nhiều kẻ tự trang bị bằng những vũ khí lấy được của cảnh sát nhưng đa số trên tay là những con dao hay đơn giản chỉ một cái ống sắt hoặc một cây gậy bóng chày. Đối tượng nhắm đến đầu tiên của họ là lực lượng bảo vệ nhà tù cùng những người có thù oán với họ trước đó. Ít nhất 9 người đã bị giết cùng hàng chục người khác bị đánh đập dã man.

Diego Da Rin, nhà phân tích chính trị Haiti thuộc Văn phòng Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế Mỹ Latin (International Crisis), cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một bước ngoặt ngay lúc này, khi các băng nhóm  đoàn kết lại để lật đổ chính phủ mặc dù cách đây không lâu, họ vẫn đánh nhau để tranh giành địa bàn. Sự đoàn kết ấy cho thấy các băng nhóm có thể kiểm soát  Haiti bất cứ khi nào chúng muốn…”.

Nhà tù trung tâm Port-au-Prince, nơi giam giữ hơn 5.000 người, phần lớn phạm tội hình sự đã trở nên trống rỗng một cách kỳ lạ. Không còn thấy bóng dáng một lính canh nào. Trên nền bê tông của khoảng sân rộng, nơi tù nhân thường phải tập họp để điểm danh, vương vãi những đôi dép nhựa, quần áo, ca uống nước, túi đựng tư trang, thi thể 3 cảnh sát với nhiều vết đạn nằm úp sấp ngay cổng ra vào. Còn trong một buồng giam, 2 người khác tay bị trói quặt sau lưng, đầu và xương vai vỡ nát do bị đánh bằng vật cứng.

Trên con đường chính dẫn vào nhà tù, những chiếc lốp xe chất thành đống, cháy ngùn ngụt, tỏa ra từng cuộn khói đen ngòm. Ở lại nhà tù trung tâm Port-au-Prince chỉ còn 18 người Colombia, là lính đánh thuê đã thực hiện vụ ám sát Tổng thống Haiti là ông Jovenel Moise hồi tháng 7/2021. Francisco Uribe đại diện cho 18 người này đã đưa một video khẩn cầu lên mạng Internet: “Xin hãy giúp chúng tôi, họ ép chúng tôi gia nhập lực lượng nổi dậy. Họ đang tàn sát nhiều người ngay trong phòng giam”. Đến tối thứ Bảy, lại có thêm 1.500 tù nhân ở nhà tù Croix, ngoại ô Port-au-Prince được các băng nhóm giải thoát.

Haiti bên bờ sụp đổ -0
Theo nhiều nhân chứng, thành viên băng nhóm 5 Giây này đã chặt đầu một cảnh sát.

2. Kể từ khi Tổng thống Haiti là ông Jovenel Moise bị ám sát vào tháng 7/2021, ông Ariel Henry trở thành thủ tướng lâm thời thì quốc gia này rơi vào tình trạng vô luật pháp hơn bao giờ hết. Theo Cao ủy tị nạn Liên hợp quốc ở Haiti, chỉ tính riêng năm 2023, khoảng 8.400 người là nạn nhân của bạo lực băng đảng và nạn đói đã lên đến mức thảm khốc chưa từng có. Lực lượng cảnh sát ở Port-au-Prince chỉ gồm 9.000 người nhưng cũng trong năm 2023, gần một nửa đã đào ngũ để tránh sự trả thù của băng nhóm, chủ yếu nhắm vào gia đình họ nhằm tạo ra sự sợ hãi.

Để ổn định tình hình và giành lại quyền kiểm soát đất nước, Tổng thống Henry đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia nước ngoài hỗ trợ Haiti bằng những biện pháp quân sự. Benin, quốc gia Tây Phi hồi tuần trước đã cam kết điều động 2.000 binh sĩ tới vùng biển Caribe còn với Kenya, một thỏa thuận đã được ký hết với 1.000 cảnh sát mặc dù ban đầu, thỏa thuận đã bị tòa án tối cao Kenya ngăn cản. Trang tin Latin America Today đặt câu hỏi: “Không chắc liệu Thủ tướng Henry sẽ trở lại Haiti ngay bây giờ hay sẽ điều khiển đất nước từ xa? Hồi tuần trước, ông Henry đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử tự do vào năm 2025 nhưng một số thành viên thuộc khối Caribe, Caricom nói rằng ông Henry - nhà lãnh đạo không được bầu chọn - là vật cản cho việc lập lại hòa bình”.

Về phía các băng nhóm, Jimmy Chérizier, kẻ cầm đầu đã lên tiếng nhận trách nhiệm về những cuộc tấn công. Theo ông ta, mục tiêu trước mắt là “bắt tư lệnh cảnh sát Haiti và các bộ trưởng chính phủ đồng thời ngăn chặn sự trở lại của Thủ tướng Henry”. Bên cạnh đó, Jimmy Chérizier cũng đe dọa “bất cứ quốc gia nào có ý định gửi quân đến Haiti nhằm ủng hộ chế độ Henry sẽ nhận được những hậu quả thảm khốc”.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Chérizier cho biết ông ta đã “khôi phục hiệp ước không tranh chấp “Viv Ansanm” giữa các băng nhóm với nhau và điều này đã “gạt bỏ sự khác biệt để chống lại các thế lực nước ngoài”. Chérizier nói: “Cách tốt nhất để chấm dứt bạo lực ở Haiti không phải là sự hiện diện của cảnh sát Kenya hay Benin, mà là Henry phải ngồi xuống cùng các thủ lĩnh băng nhóm…”. Và mặc dù ngoài Chérizier, vẫn chưa có một thủ lĩnh nào trong số hơn 20 băng nhóm tham gia cuộc tấn công, xác nhận những tuyên bố của Chérizier nhưng bạo lực hiện đang diễn ra là dấu hiệu cho thấy một liên minh đã và đang hình thành. Cứ mỗi ngày trôi qua, các băng nhóm lại củng cố thêm sức mạnh của mình, dẫn đến sự thống trị đất nước.

Với cộng đồng quốc tế, sự sụp đổ của Haiti được cho là sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Canada trong tuần này. Theo đó Washington sẽ tìm cách thuyết phục Ottawa khởi động một biện pháp can thiệp nhằm ổn định an ninh cho Haiti. Một quốc gia khác mà Mỹ cũng đang tìm cách tranh thủ là Brazil, đã từng đứng đầu phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Haiti từ 2004 đến 2017. Tuy nhiên lúc nói chuyện với tờ Guardian, ngoại trưởng mới được bổ nhiệm của Brazil là ông Mauro Vieira dường như loại trừ việc tham gia bằng biện pháp quân sự. Ông Vieira nói: “Tôi nghĩ chúng ta nên tìm kiếm những giải pháp khác. Tôi không rõ việc gửi quân hay hoạt động gìn giữ hòa bình có hiệu quả hay không? Các quốc gia cần có những bước đi cụ thể…”.

Cũng cần nhắc lại hồi năm ngoái, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi thành lập một “lực lượng phản ứng nhanh” để giúp cảnh sát Haiti giải quyết vấn đề băng nhóm. Đến thứ Ba ngày 4/3/2024, Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc đề nghị thế giới xem xét thành lập “lực lượng hỗ trợ chuyên biệt có thời hạn”. Ông Patrick Boisvert, Bộ trưởng Tài chính Haiti, người chịu trách nhiệm điều hành đất nước trong thời gian Thủ tướng Henry đang ở nước ngoài cho biết nếu lực lượng nêu trên được Liên hợp quốc hậu thuẫn hình thành, cảnh sát Haiti “sẽ sử dụng tất cả mọi biện pháp cần thiết để vô hiệu hóa các băng nhóm, bắt lại các tù nhân nguy hiểm đã trốn thoát, lập lại trật tự trên toàn lãnh thổ…”.

Haiti bên bờ sụp đổ -0
Người dân Port-au-Prince tìm đường lánh nạn.

3. Và trong khi mọi giải pháp vẫn đang lùng nhùng thì các băng nhóm phiến loạn vẫn ào ạt xông tới. Tính đến chiều ngày 5/3, họ đã kiểm soát 80% thủ đô Port-au-Prince. Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thừa nhận “tình hình an ninh ở thủ đô Port-au-Prince đang xấu đi nhanh chóng” trong lúc Thủ tướng Henry hiện đang ở Nairobi, Kenya không đưa ra bất kỳ một tuyên bố nào.

Ông Renata Segura, Phó giám đốc khu vực Mỹ Latinh và Caribe thuộc Văn phòng nghiên cứu khủng hoảng quốc tế cho biết “với khả năng nắm quyền lực vốn đã rất mỏng manh, sự im lặng của Henry đã nói lên nhiều điều”. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà lãnh đạo xã hội dân sự ở Haiti đều bày tỏ sự lo ngại xung quanh triển vọng can thiệp quân sự từ nước ngoài vì thực thế đã chứng minh rằng những can thiệp như vậy mang lại “nhiều vấn đề hơn là giải pháp cho đất nước”.

Cũng trong ngày 5/3, nhiều đường phố ở thủ đô Port-au-Prince vẫn rền vang tiếng súng, khói lửa bốc lên nghi ngút ở mọi nơi. Ông  Frantz Elbé, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Haiti nói với Đài phát thanh Caraibes rằng nhiều sĩ quan dưới quyền ông chẳng còn biết phải phản ứng như thế nào. Ông nói: “Tin tức tình báo của chúng tôi cho thấy có 23 băng nhóm đang hoạt động ở Port-au-Prince. Họ được trang bị nhiều vũ khí nặng như đại liên 12.7mm, súng phóng lựu RPG và một trong những băng nhóm thiện chiến nhất được biết đến với cái tên “5 giây” do Johnson André, bí danh Izo chỉ huy”.

Trước khi diễn ra cuộc tấn công vào thủ đô Port-au-Prince, nhóm “5 giây” là kẻ thù không đội trời chung với nhóm G9 Family and Allies do “Barbecure - Thịt nướng” lãnh đạo nhưng sự thù địch đã nhanh chóng thay thế bằng một liên minh. Trong một video đăng trên trang TikTok, Izo tay cầm chiếc chày vồ to tướng, quật thẳng vào đầu một tù binh cảnh sát, hành động mà ông Ulrika Richardson, điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Haiti nói rằng “tận cùng của sự tàn ác”. 

Ông Marta Hurtado người phát ngôn của Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc cho biết văn phòng đã thống kê được 531 vụ giết người, bị thương 300 người và 277 vụ bắt cóc trong tháng 2. Riêng mấy ngày đầu tháng 3, đã xảy ra ít nhất 208 vụ giết người và 101 vụ bắt cóc. Ông Hurtado nói: “Hầu hết nạn nhân đều bị giết bởi những tay súng bắn tỉa, thành viên của các băng nhóm. Họ bắn ngẫu nhiên, bắn không chủ đích vào những người mà họ nhìn thấy trong nhà hoặc trên đường phố. Mục đích của họ là để tạo ra sự sợ hãi, triệt tiêu mọi phản kháng khi họ nắm quyền hành…”.

Theo các nhà quan sát địa chính trị, sự tồn tại của chính phủ Thủ tướng Henry có thể chỉ còn tính được từng ngày nếu không có sự can thiệp “ngay lập tức” của các lực lượng an ninh đa quốc gia. Tuy nhiên, một số nước phương Tây trong đó có Mỹ sẵn sàng hỗ trợ tài chính và hậu cần cho Haiti nhưng từ chối gửi quân tham gia cho dù nó mang tên “Đội quân gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc”. Trong một cuộc họp báo, Barbecue - Thịt nướng, người đang cầm đầu các băng nhóm tấn công vào thành lũy cuối cùng của Chính phủ Haihi đã nói một cách tự tin: “Không còn cảnh sát hay nhà nước. Cánh cửa cuối cùng của Henry đã đóng lại”…

Vũ Cao (Theo Latin America Today)
.
.