Israel hợp tác với Hamas chống IS: Liên minh bất đắc dĩ
- Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn: Cả hai cùng chiến thắng
- Xung đột vũ trang Hamas – Israel: Vì sao không thể có hòa bình?
- Cuộc chiến tình báo giữa Hamas và quân đội Israel
- Hamas xử tử 18 người làm chỉ điểm cho Israel
Liên minh này đã bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 4-2016. Theo thỏa thuận, Hamas đã triển khai lực lượng an ninh gồm 300 tay súng tuần tra, kiểm soát tại 3 địa điểm dọc bờ biển và 2 cửa khẩu biên giới trên bộ với Ai Cập. Mục đích của việc tuần tra là nhằm ngăn chặn các phần tử IS trên bán đảo Sinai xâm nhập vào Dải Gaza và từ đó gây ra các vụ tấn công khủng bố nhắm vào Israel có thể có trong tương lai. Trung tuần tháng 4, Chính phủ Israel cũng đã quyết định sẽ cho xây dựng tường rào dọc biên giới với Ai Cập trên bán đảo Sinai nhằm ngăn chặn nguy cơ các phần tử IS từ Sinai tràn vào Israel qua ngả này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trên báo chí rằng, theo đánh giá của tình báo Israel, khả năng có thể có đến hàng ngàn phần tử IS chực chờ xâm nhập vào Israel theo nhiều ngả đường, trong đó có tuyến biên giới giữa Dải Gaza với Ai Cập và biên giới Ai Cập – Israel. Đây là sự hợp tác lớn nhất giữa quân đội hai nước Ai Cập và Israel kể từ khi ký kết hiệp định hòa bình vào năm 1979.
Các tay súng Wilayat Sinai. |
Giới chức Ai Cập và Israel lâu nay vẫn nghi ngờ Hamas để cho các phần tử IS xâm nhập lậu vào Dải Gaza theo hệ thống địa đạo qua biên giới, và biến Gaza thành một trong những nơi trú ẩn lý tưởng cho chúng. Israel cũng cáo buộc Hamas có quan hệ qua lại với nhóm người buôn lậu Bedouin, trong số này có những phần tử theo IS. Tuy nhiên, Hamas đã bác bỏ cáo buộc này. Và việc chấp nhận liên minh với Ai Cập và Israel là cách để Hamas chứng minh cáo buộc của Israel và Ai Cập là không có cơ sở.
Vấn đề được giới chuyên gia đặt ra là liên minh ba bên này hoạt động có hiệu quả không, có ngăn chặn được hoặc chí ít kìm chế hoạt động của các phần tử IS trên bán đảo Sinai không?
Nhóm khủng bố chi nhánh IS trên bán đảo Sinai có tên gọi là Wilayat Sinai, có nghĩa là “tỉnh Sinai”. Nhóm này ra đời vào khoảng năm 2013, khi tướng quân đội Abdel Fattah el-Sisi lên nắm quyền Tổng thống và ban hành nhiều chính sách siết chặt kiểm soát đối với các tổ chức Hồi giáo ở Ai Cập.
Wilayat Sinai xuất thân từ tổ chức khủng bố nổi tiếng ở Ai Cập tên là Ansar Bait al-Maqdis, thủ lĩnh là Abu Osama al-Masri. Cách đây 18 tháng, khi Wilayat Sinai còn yếu đã bị Chính phủ Ai Cập giáng cho những đòn chí tử, tiêu diệt một loạt thủ lĩnh của chúng. Đến tháng 11-2014, Wilayat Sinai tuyên bố liên kết với IS, và Sinai trở thành một tỉnh mới trong đế chế toàn cầu của IS.
Ngày nay, Wilayat Sinai có lực lượng nòng cốt gồm hàng trăm tay súng. Khác với IS ở Iraq và Syria, Wilayat Sinai không dung nạp chiến binh người nước ngoài. Bọn này cũng không nắm giữ lãnh thổ hay tổ chức các đợt tấn công quy mô lớn, chủ yếu là các ổ nhóm nhỏ đánh lẻ, tấn công rồi bỏ chạy. Vũ khí chúng thường sử dụng là các loại tên lửa vác vai, tên lửa chống tăng được mua bán lậu qua biên giới Libya kể từ sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ.
Chính phủ Ai Cập gần đây đã tuyên bố “thắng lợi” trong cuộc chiến chống khủng bố trên bán đảo Sinai, đồng thời đưa ra những báo cáo về những tên khủng bố bị bắt hoặc giết chết. Tuy nhiên, báo chí quốc tế cho rằng các báo cáo đó có độ tin cậy không cao, vì không ai có thể kiểm chứng được chúng. Điều người ta biết rõ nhất đó là các cơ quan tình báo Ai Cập luôn rất vất vả để xâm nhập vào các khu vực trú ẩn của Wilayat Sinai.
Giới báo chí Ai Cập thừa nhận rằng, Wilayat Sinai có những nhà chiến lược tài giỏi thật sự, và chúng biết cách vạch kế hoạch tấn công khủng bố một cách hiệu quả. Phương thức hoạt động của nhóm này rất cơ động, không tập trung quân số ở một chỗ mà phân tán nhỏ ra ở nhiều nơi trên khắp Sinai, gây khó khăn cho Chính phủ Ai Cập trong việc xác định địa bàn trú ẩn của chúng.
Chính vì thế, các đồng minh phương Tây của Ai Cập đang bắt đầu lo lắng cho khả năng khống chế các hoạt động của Wilayat Sinai và việc mở rộng địa bàn của IS sang Bắc Phi. Tướng Joseph F. Dunford Jr, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Mỹ đã hai lần đến Ai Cập trong 2 tháng qua để thảo luận với Cairo về tình hình trên bán đảo Sinai.
Kể từ sau vụ khủng bố máy bay Metrojet của Nga làm chết 224 người hồi tháng 10-2015, Wilayat Sinai ngày càng tỏ ra táo bạo trong hành động. Chúng liên tục gây ra những vụ tấn công nhắm vào các vị trí tiền đồn của quân đội và cảnh sát, cài bom nổ chậm ven đường để gây thương vong. Tháng 4-2016, nhóm khủng bố này còn khoe khoang thành tích gây ra các vụ tấn công.
Lực lượng an ninh của Hamas tuần tra dọc biên giới trên bộ giữa Ai Cập và Gaza tại cửa khẩu Rafah. |
Tình hình này khiến cho Mỹ và Israel lo lắng IS trên bán đảo Sinai có thể đe dọa sự an toàn của lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia ở Sinai (triển khai để giám sát thực thi hiệp định hòa bình năm 1979 giữa Ai Cập và Israel). Một số quốc gia thành viên gìn giữ hòa bình có thể trở thành mục tiêu tấn công vì đã tham gia ném bom IS ở Iraq và Syria. Năm ngoái, 4 binh sĩ Mỹ trong lực lượng gìn giữ hòa bình đã bị thương trong một nổ bom ven đường.
Gần đây, Wilayat Sinai còn lên mạng xã hội Twitter tuyên bố đã phá hủy một chiếc xe tăng M60 của Mỹ ở gần sân bay Gora, nơi đặt căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình. Ngày 29-4, nhóm này tuyên bố đã cắt đứt một tuyến đường tiếp viện đến sân bay Gora, và đụng độ đã xảy ra khi các tay súng Wilayat Sinai tấn công đoàn xe chở lương thực và vũ khí của quân đội Ai Cập tiếp tế cho căn cứ.
Tuy nhiên, các chuyên gia về IS cho rằng ít có khả năng IS trên bán đảo Sinai tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình, vì nhiều vị trưởng lão trong các bộ tộc thường xuyên phối hợp làm việc với lực lượng này.