Khi NATO bận “xoay” như chong chóng
Hội nghị Ngoại trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lần thứ 3 trong năm được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua đã cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về những định hướng của tổ chức này.
Quá nhiều vấn đề
Hội nghị Ngoại trưởng NATO là hoạt động thường niên của ngoại trưởng các nước để bàn về định hướng hoạt động của khối. Các hội nghị bất thường (hội nghị không chính thức) thỉnh thoảng được tổ chức để bàn về các vấn đề phát sinh. Một trong những hội nghị bất thường được nhớ đến trong những năm qua là tháng 8/2021 khi Mỹ đột ngột rút quân khỏi Afghanistan gây ra một cuộc hỗn loạn khiến cho hội nghị được triệu tập ngay trong đêm 20/8/2021.
Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, cuộc họp của Ngoại trưởng các nước cũng chỉ được tiến hành 1 tháng rưỡi sau đó. Điều đó cho thấy, những cuộc gặp ngoại trưởng NATO không phải là sự kiện dễ dàng được bố trí. Thế nhưng, trong 3 ngày 28-30/11 vừa qua, Hội nghị Ngoại trưởng NATO lần thứ 3 trong năm nay đã được diễn ra tại Brussels (Bỉ). Điều đó cho thấy: các ngoại trưởng NATO thực sự đang có rất nhiều việc phải bàn.
Thông báo tổng kết hội nghị vừa qua đã nêu rõ những nội dung chính trong cuộc gặp lần này. Đầu tiên là tình hình Ukraine, cuộc xung đột ngay rìa biên giới phía đông của khối. Đây đã là cuộc gặp thứ 5 của ngoại trưởng các nước kể từ khi xung đột nổ ra. Điều đặc biệt là lần này, người đồng cấp Ukraine là ông Dmytro Kuleba cũng đến dự và tham gia vào một cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine. Những cam kết ủng hộ và duy trì viện trợ cho Ukraine vẫn là chủ đạo bởi đây là “nghĩa vụ của chúng tôi”, trích lời phát biểu của ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO.
Tuy nhiên, chỉ một cuộc gặp của Hội đồng NATO - Ukraine là không đủ để kéo các ngoại trưởng NATO phải họp tới 3 ngày (dài hơn thường lệ), bởi thực tế các ngoại trưởng NATO còn có nhiều nội dung khác cần bàn thảo. Nội dung lớn thứ hai của hội nghị là bàn cách ứng phó với căng thẳng ở Tây Balkan, nơi có một cuộc xung đột âm ỉ kéo dài từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, diễn biến mới từ cuối tháng 9/2023 vừa qua khi Serbia triển khai vũ khí hạng nặng tại biên giới với Kosovo đã gây ra nhiều lo ngại. Đây là một trong những đợt tăng cường quân sự lớn nhất kể từ khi kết thúc cuộc chiến Serbia-Kosovo hơn 20 năm trước và tiềm ẩn nguy cơ của một cuộc chiến mới ngay giữa châu Âu.
Tình hình xung đột ở Dải Gaza cũng trở thành nội dung lớn của cuộc gặp này khi các nước EU và Mỹ là những nhà bảo trợ cho tiến trình hòa bình ở đây. Những cuộc tấn công bằng rocket vào các căn cứ của Mỹ ở Syria suốt từ tháng 10 tới nay chính là một nguy cơ mà NATO cần phải xem xét kỹ lưỡng. Cuối cùng, NATO thực sự cần hội nghị này để thúc đẩy tiến trình kết nạp thành viên mới là Thụy Điển như kế hoạch từ đầu năm.
Với nhiều mối lo mới
Ba ngày hội nghị là khá dài nhưng chưa chắc đã giải quyết được hết những vấn đề của NATO. Ở hai sự kiện mới phát sinh trong thời gian gần đây là căng thẳng ở Tây Balkan và xung đột Israel - Hamas, NATO thực sự là một bên can dự. Nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine còn nằm ở rìa biên giới của NATO thì cuộc xung đột tại Tây Balkan sẽ nằm ngay giữa các nước NATO với ít nhất 7 quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp do có đường biên giới chung với Serbia và Kosovo là Hungary, Romania, Bulgaria, Croatia, Montenegro, Albania và Bắc Macedonia. Nếu xung đột nổ ra, NATO sẽ phải có biện pháp ứng phó hay thậm chí là chuẩn bị can dự trực tiếp theo đúng hiệp ước phòng thủ chung của khối. Cuộc xung đột ở Trung Đông lại rất tiềm tàng nguy cơ lan rộng. Mỹ, nước dẫn dắt hoạt động của NATO đang có một số căn cứ quân sự và lực lượng lớn thường trực tại đây. Bất cứ một hành động tấn công nào nhằm vào quân đội Mỹ sẽ kéo NATO vào cuộc chiến ở khu vực nhạy cảm này và các nước NATO không thể làm ngơ. Cho đến thời điểm này, những quả đạn rocket bắn vào căn cứ Mỹ vẫn được cho là “bị vạ lây”, nhưng nguy cơ leo thang là rất lớn nếu không có biện pháp kiềm chế. Thêm vào đó, xung đột tại Trung Đông còn rất dễ kích nổ làn sóng di cư, khủng bố ảnh hưởng đến an ninh của khối. Đây là vấn đề nóng nhất mà các nhà lãnh đạo NATO quan tâm vào thời điểm hiện tại.
Hai vấn đề trên tuy nguy hiểm nhưng lại dễ nhận được sự đồng thuận trong khối do lo ngại chung rõ ràng. Trong khi đó kế hoạch mở rộng NATO thì lại đang bế tắc khi không nhận được sự đồng thuận từ các thành viên. Suốt hơn 1 năm kể từ khi Thụy Điển chính thức xin gia nhập NATO, quốc gia này gặp không ít rào cản.
Dù có sự ủng hộ của hầu hết các nước thành viên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối phê duyệt Thụy Điển do quốc gia Bắc Âu này chưa đáp ứng được các yêu cầu họ đưa ra, chủ yếu liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng dân quân mà Ankara cho là "khủng bố". Ankara cũng cáo buộc chính phủ Thụy Điển đồng lõa với những cuộc biểu tình cực hữu, nơi người dân đốt các cuốn kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm trong những năm qua. Gần đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ muốn Thụy Điển hành động sau khi cáo buộc các nghị sĩ nước này chiếu cờ PKK lên tòa nhà quốc hội ở Stockholm để phản đối Tổng thống Erdogan tái đắc cử hồi cuối tháng 5. Nhiều chuyên gia cho rằng một nguyên nhân khác khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngăn Thụy Điển gia nhập NATO là nhằm tránh gây mất lòng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Không lâu trước khi tái đắc cử, Tổng thống Erdogan đã nói rằng ông và người đứng đầu Điện Kremlin có "mối quan hệ đặc biệt".
Theo giới chuyên gia, nhiệm vụ thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ là một thách thức đối với Tổng thư ký Stoltenberg và quá trình kết nạp càng kéo dài, hệ quả của nó sẽ càng lớn. Giáo sư Jacob Westberg tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển nhấn mạnh "các quốc gia không phải thành viên không thể tham gia đầy đủ vào kế hoạch phòng thủ của NATO". Việc trì hoãn đồng nghĩa NATO sẽ không thể tận dụng những khí tài quân sự của Thụy Điển cũng như không thể triển khai lực lượng ở đất nước này. Điều này gây bất lợi cho cả NATO và Thụy Điển, dù hai bên đã có quá trình hợp tác lâu dài về quốc phòng. Trong khi đó, kế hoạch kết nạp đầy đủ Thụy Điển và Phần Lan là mục tiêu lớn nhất của khối trong năm 2023. Tại hội nghị bất thường tháng 6/2023 vừa qua, các ngoại trưởng NATO đã rất cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý nhưng cho đến thời điểm này, câu trả lời từ phía giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa rõ ràng và việc không thể hoàn thành kế hoạch đã phơi bày những rạn nứt của khối.
Khi vấn đề của Ukraine chỉ còn là “thứ yếu”
Trong một chương trình nghị sự dày đặc như vậy, thật khó để các ngoại trưởng NATO dồn hết tâm sức vào vấn đề Ukraine như trong suốt gần 2 năm qua bất chấp những thất bại của quân đội Ukraine đang khiến họ đau đầu. Ngay cả phiên họp hội đồng NATO - Ukraine cũng bị phản đối bởi một số thành viên. Ngoại trưởng Hungary, ông Peter Szijjarto nói rằng: “Lời mời Ngoại trưởng Ukraine vi phạm nguyên tắc đoàn kết trong liên minh, song chúng tôi vẫn tham dự Hội nghị như một dấu hiệu mang tính xây dựng”. Hungary cũng là quốc gia bác bỏ khả năng cho phép Ukraine gia nhập NATO như mong muốn của nước này.
Ở khía cạnh khác, dù vẫn thể hiện những thiện chí ngoại giao với giới lãnh đạo ở Kiev thì sự hỗ trợ của NATO dành cho Ukraine đang giảm dần. Gói hỗ trợ mới nhất của Mỹ phê duyệt tháng 11/2023 đã chuyển phần lớn cho Israel, đồng minh quan trọng của họ ở Trung Đông chứ không phải Ukraine. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan mới đây đã thừa nhận “cơ hội hỗ trợ Ukraine đang dần đóng lại” đối với chính quyền Mỹ. Một thống kê từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức cho thấy, 6 nước lớn hàng đầu châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan không đưa ra bất cứ cam kết viện trợ quân sự mới nào cho Ukraine trong tháng 7 và 8 vừa qua. Trong khi đó, cam kết mới nhất của chính phủ Đức trong năm tới dành cho Ukraine chỉ là 8 tỷ USD so với 24 tỷ USD họ đã làm trong 1 năm rưỡi trước đó. Cho đến thời điểm này đã có hai nước trong NATO từ chối tiếp tục hỗ trợ Ukraine là Hungary và mới nhất là Slovakia, nước cũng vừa ra mắt chính phủ mới vào tháng 10.
Xu hướng giảm viện trợ cho Ukraine từ các thành viên NATO rất khó đảo ngược khi cuộc xung đột kéo dài khiến những khó khăn trong nước làm giảm sự ủng hộ cho vấn đề Ukraine. Theo khảo sát của Eurobarometer vào tháng 9/2023, chỉ 24% công dân EU được hỏi bày tỏ “đồng ý" với việc viện trợ quân sự cho Ukraine, giảm so với 33% được ghi nhận hồi tháng 4/2022. Mốc thời gian này diễn ra trùng với cuộc phản công thất bại của quân đội Ukraine trên chiến trường. Điều này sẽ tạo sức ép lên các chính quyền phải tìm cách “rút lui”. Thời gian gần đây những ý kiến về việc “đàm phán với Nga” đang trở nên dày đặc hơn trên các mặt báo. Khi Ukraine không còn là “ưu tiên duy nhất” hoặc “ưu tiên hàng đầu” trong chương trình của NATO nữa thì việc tìm cách làm “kết thúc” là dễ hiểu. Nền kinh tế của Ukraine đã kiệt quệ sau gần 2 năm xung đột, chỉ cần các nước NATO ngắt “mạch máu” thì đất nước này có lẽ cũng buộc phải tìm cách thỏa hiệp. Đây là kịch bản mà thế giới có thể hy vọng trong thời gian tới.