Ukraine phủ bóng thượng đỉnh NATO

Thứ Năm, 13/07/2023, 08:19

Hội nghị thượng đỉnh thường niên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra vào ngày 11 và 12/7 tại Vilnius, thủ đô của Litva. Trước thềm hội nghị này, nhiều vấn đề “nóng”, bao trùm đã được giới truyền thông đặt ra, được lãnh đạo các nước thành viên chuẩn bị để đưa ra bàn thảo. Trong đó, vấn đề Ukraine, bao gồm việc kết nạp thành viên và hỗ trợ (tiền, vũ khí) để Ukraine tiếp tục cuộc chiến với Nga, được xem là sẽ phủ bóng toàn bộ hội nghị.

Chia rẽ quanh việc kết nạp Ukraine

Thách thức lớn nhất đối với NATO tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius là làm thế nào để Ukraine dễ dàng gia nhập khối này. Một số người vẫn thừa nhận Ukraine sẽ thực hiện lời hứa đã đưa ra từ nhiều năm trước là giúp NATO ngăn chặn “mối đe dọa” từ Nga ở Đông Âu.

Đối với việc Ukraine gia nhập NATO, liên minh này từ năm 2008 đã “khuyến dụ” rằng Kiev cuối cùng sẽ trở thành thành viên khối. Kể từ đó, rất ít hành động đã được thực hiện hướng tới mục tiêu đó. Còn bây giờ, NATO chưa bao giờ thể hiện rõ ràng như hiện nay về ý định kết nạp Ukraine.

Ukraine phủ bóng thượng đỉnh NATO -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại London trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva.

Ở một phía, nhiều đồng minh châu Âu, dẫn đầu là Anh, quyết liệt ủng hộ việc kết nạp Ukraine. Giới chức diều hâu Mỹ, như cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Daniel Fried, hiện là thành viên Tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), cho rằng NATO phải kết nạp Ukraine càng sớm càng tốt, không nên chần chừ, cũng không nên “nửa vời”. Ông này nhấn mạnh: “Vùng xám sẽ là bật đèn xanh cho ông Putin”.

NATO dường như đang chịu một áp lực lớn từ phía Ukraine không chỉ trong việc cung cấp vũ khí để chiến đấu với Nga, mà kể cả việc kết nạp thành viên, bất chấp khối này có quy định, quy trình rõ ràng về việc này với những yêu cầu đặt ra rất nghiêm ngặt. Quy trình đó có tên gọi là Membership Action Plan (MAP). Chưa có quốc gia nào trở thành thành viên khối mà bỏ qua quy trình này. Nhưng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các đồng minh NATO cho rằng nên “bỏ qua quy trình”. Ông Zelensky thậm chí còn sốt ruột kêu gọi một tín hiệu thống nhất, rõ ràng từ NATO về việc Ukraine gia nhập liên minh.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với Guardian vào ngày 28/6 rằng Ukraine đã đáp ứng 3 điều kiện tiên quyết: Khả năng tương tác với các lực lượng NATO, một hệ thống mua sắm minh bạch và quyền kiểm soát dân sự đối với quân đội. Kyiv tin rằng việc là thành viên NATO, kèm theo đó là triển vọng phòng thủ của chiếc ô hạt nhân phương Tây, là sự đảm bảo thực tế lâu dài duy nhất cho an ninh của họ. “Đó sẽ là một thông điệp quan trọng để nói rằng NATO không sợ Nga”, ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn của đài ABC.

Nhưng, Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, trong một cuộc họp báo hôm 7/7 đã bác bỏ việc “kết nạp nhanh” cho Ukraine, nói rằng việc đó vẫn “đang được thảo luận tích cực”. Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN, Tổng thống Joe Biden đã loại trừ tư cách thành viên NATO đối với Ukraine giữa lúc đang có chiến tranh. Cũng như ông Biden, nhiều người lo ngại rằng việc gấp rút kết nạp Ukraine theo yêu cầu của ông Zelensky sẽ bị coi là một sự khiêu khích có thể dẫn đến một cuộc xung đột lan rộng, thậm chí là chiến tranh toàn diện giữa NATO và Nga. Tất cả các bên đồng ý rằng Ukraine không thể gia nhập khối NATO giữa cuộc chiến vì điều đó sẽ buộc các quốc gia NATO phải chiến đấu với Nga. Điều 5 của Hiến chương thành lập NATO nêu rõ mỗi thành viên đồng ý “rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên trong số họ ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả họ”. Điều đó yêu cầu các quốc gia thành viên phải tham gia bảo vệ nước thành viên đang bị tấn công.

Ukraine phủ bóng thượng đỉnh NATO -0
Bất chấp áp lực từ ông Zelensky, Tổng thống Mỹ Biden vẫn chưa đồng ý việc kết nạp “rút gọn quy trình” đối với Ukraine.

NATO có thể quyết định nâng cao mối quan hệ với Ukraine. Mỹ cho rằng Ủy ban NATO-Ukraine thành lập năm 1997 nên được nâng cấp thành hội đồng NATO-Ukraine. Sự thay đổi này có thể mang lại cho Ukraine thêm một số đòn bẩy trong bộ máy hành chính của NATO và trao cho Kyiv một ghế trong bàn tham vấn. Ông Biden nói: “Chúng ta phải vạch ra một con đường hợp lý để Ukraine có thể đủ điều kiện gia nhập NATO. “Đó là một quá trình cần có thời gian để đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn”.

Mỹ và Đức nhấn mạnh rằng nên tập trung vào việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, thay vì kết nạp Ukraine để khiêu khích Nga. Về mặt chính trị cũng vậy, có một sự thừa nhận chắc chắn rằng Ukraine nên được phép trở thành thành viên vào một thời điểm nào đó. Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết sẽ có “một sự tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO”.

Juliette Smith, Đại sứ Mỹ tại NATO, cho biết việc nâng cấp lên hình thức hội đồng sẽ thay đổi động lực cơ bản, vì Ukraine sẽ họp với tư cách là một trong 32 thành viên, trái ngược với hình thức 31+1. Điều này sẽ thay đổi các hạng mục trong chương trình nghị sự.

Những bất đồng, chia rẽ

Không chỉ là vấn đề Ukraine, trước thềm hội nghị thượng đỉnh, NATO còn phải đối mặt một số thử thách cần phải vượt qua. Đầu tiên là việc tìm tiếng nói chung trong việc kết nạp Thụy Điển là thành viên thứ 32 của khối. Chi tiêu quân sự của các quốc gia thành viên tụt hậu so với các mục tiêu lâu dài. Việc không thể thỏa hiệp ai sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo của NATO đã buộc phải kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thư ký hiện tại thêm 1 năm.

Trong chừng mực nào đó, cuộc chiến ở Ukraine đã tiếp thêm sinh lực cho NATO, tổ chức được thành lập vào những năm đầu Chiến tranh Lạnh nhằm chống lại Moscow. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell (bang Kentucky, Mỹ) cho rằng chính cuộc chiến NgaUkraine đã giúp củng cố khối NATO. Các thành viên NATO đã thức tỉnh khi cuộc chiến bùng nổ và nhanh chóng trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết. Tất cả thành viên khối đều thống nhất tăng chi tiêu quân sự và cùng đổ khí tài quân sự vào Ukraine để giúp nước này phản công. Đặc biệt là nước Đức đã chuyển sang chính sách quốc phòng mạnh mẽ hơn.

Một thành công không kém phần quan trọng là việc Phần Lan chấm dứt lịch sử không liên kết để trở thành thành viên thứ 31 của NATO.

Tuy nhiên, sự phấn khích ở các thủ đô phương Tây dường như không trọn vẹn khi những mục tiêu ngắn hạn đã không đạt được. Nếu như việc kết nạp Phần Lan suôn sẻ như không có gì cản trở thì việc kết nạp Thụy Điển khó bội phần. Cho đến nay, con đường tiến vào NATO của Stockholm dường như bị bịt kín bởi sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Sự phản đối quan trọng nhất đến từ Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia Hồi giáo duy nhất trong khối NATO. Lý do được Ankara đưa ra rất cụ thể và thuyết phục, không thể phản bác được. Đó là vì Thụy Điển dung túng các tổ chức, cá nhân bị Ankara xem là khủng bố, chống lại nhà nước Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa hết, Thụy Điển cũng là một trong số ít quốc gia thường xuyên có những hành động báng bổ đối với đạo Hồi, chẳng hạn như việc xâm phạm quyển kinh thánh của Hồi giáo - Kinh Koran.

Những bất đồng này đồng hành với những xung đột ngắn hạn về những hạn chế mà Mỹ tiếp tục áp đặt đối với việc giao vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là sự chậm trễ cung cấp máy bay chiến đấu F-16. Một số đồng minh, dẫn đầu là Anh, xem việc trì hoãn này của Mỹ đã khiến cuộc phản công của Ukraine gặp khó khăn. Bất đồng lớn nhất hiện nay là về quyết định của Mỹ về việc cung cấp bom, đạn chùm để lấp đầy khoảng trống đạn dược. Nước Anh, với tư cách là một bên ký kết công ước về bom, đạn chùm, không chấp thuận quyết định của Mỹ và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cố gắng ngăn chặn việc cung cấp bom, đạn chùm tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ hôm 10/7.

Ukraine phủ bóng thượng đỉnh NATO -0
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lần thứ tư kéo dài nhiệm kỳ vì chưa tìm được người thay thế.

Vấn đề Thụy Điển

Một vấn đề cũng gây chú ý ở Vilnius là việc gia nhập NATO của Thụy Điển đang gặp trở ngại lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Thụy Điển đã quá khoan dung đối với các cuộc biểu tình chống Hồi giáo và dung túng các nhóm chiến binh người Kurd tiến hành một cuộc nổi dậy kéo dài ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thụy Điển gần đây đã thay đổi luật chống khủng bố và dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng, mới đây nhất, một người đàn ông di cư gốc Trung Đông đã đốt Kinh Koran bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm, châm ngòi cho làn sóng giận dữ lan khắp các quốc gia Hồi giáo và ông Erdogan báo hiệu rằng điều này sẽ gây ra một trở ngại khác.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng đang gặp bế tắc trong việc mua bán máy bay chiến đấu F-16. Ông Erdogan muốn các máy bay được nâng cấp, nhưng ông Biden nói rằng tư cách thành viên NATO của Thụy Điển phải được giải quyết trước. Mỹ ra điều kiện rằng sẽ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ “với điều kiện tư cách thành viên của Thụy Điển được giải quyết”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius, ông Biden đã có một cuộc điện đàm kéo dài với ông Erdogan trên chuyên cơ Không lực 1 trên đường tới London (hôm 10/7). Trong cuộc trò chuyện, ông Biden “đã truyền đạt mong muốn chào đón Thụy Điển gia nhập NATO càng sớm càng tốt”.

Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đang trì hoãn việc đất nước của ông chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển. Đáp lại, Thượng nghị sĩ Idaho Jim Risch, thành viên đảng Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, chặn thương vụ bán vũ khí trị giá 735 triệu USD cho Hungary. Ông Risch nói: “Chúng tôi không muốn các thành viên không quan tâm đến việc làm mọi thứ có thể để củng cố liên minh hơn là theo đuổi lợi ích cá nhân của họ. Nhưng, ông bác bỏ ý kiến cho rằng những bất đồng này là dấu hiệu của sự yếu kém trong NATO. Ông nói: “Đây là những việc luôn phát sinh trong một liên minh. Thực tế là chúng tôi đã có thể ứng phó để chứng tỏ rằng đây là liên minh quân sự thành công nhất và mạnh nhất trong lịch sử thế giới”.

Một vấn đề khó khăn khác, thay vì tìm kiếm sự đồng thuận về một nhà lãnh đạo mới của NATO, các thành viên đã đồng ý kéo dài thêm 1 năm nhiệm kỳ của ông Jens Stoltenberg, người đã đảm nhận công việc này từ năm 2014. Đây là lần thứ tư nhiệm kỳ của ông được kéo dài. Hầu hết các thành viên muốn một phụ nữ trở thành tổng thư ký tiếp theo và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen được coi là người được yêu thích. Nhưng, Ba Lan nhất quyết chọn một ứng cử viên từ các quốc gia Baltic vì đã có 2 tổng thư ký Bắc Âu liên tiếp. (ông Stoltenberg trước đây là Thủ tướng Na Uy và tiền nhiệm của ông, ông Rasmussen là Thủ tướng Đan Mạch). Những người khác nghi ngờ về việc chấp nhận một ứng cử viên từ Baltics, vì các quốc gia này có xu hướng khiêu khích hơn trong cách tiếp cận với Nga.

An châu (Tổng hợp)
.
.