Khúc mắc và ưu tiên tại hội nghị của SCO

Thứ Hai, 10/07/2023, 08:18

Ngày 4/7, Ấn Độ đã chủ trì khai mạc hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Tham dự hội nghị có lãnh đạo của các quốc gia thành viên SCO như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin… và lãnh đạo một số quốc gia quan sát viên như Iran, Belarus, Mông Cổ và Turkmenistan với tư cách là khách mời của nước chủ nhà Ấn Độ.

Ngoài ra, người đứng đầu của ban thư ký và ủy ban Chống khủng bố của khu vực (RATS) SCO cũng tham dự hội nghị.

Chủ đề của Hội nghị lần này là SECURE (An ninh, Phát triển kinh tế, Kết nối, Thống nhất, Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Bảo vệ môi trường). Hội nghị đã thông qua 4 văn kiện bao gồm “Tuyên bố New Delhi”, 2 tuyên bố chung về chống chủ nghĩa cực đoan và chuyển đổi kỹ thuật số. Theo đó, một trong những nội dung trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo khi kết thúc hội nghị là SCO phản đối việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực thông qua “tập thể hóa, ý thức hệ và tư duy đối đầu”. Ngoài ra, Ấn Độ đã đưa ra 5 trụ cột hợp tác mới trong SCO: Khởi nghiệp và Đổi mới; Y học cổ truyền; Trao quyền cho thanh niên; Kỹ thuật số; Chia sẻ di sản Phật giáo.

Hội nghị thượng đỉnh SCO được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Một số ý kiến xung quanh việc Ấn Độ tổ chức Hội nghị theo hình thức trực tuyến sẽ làm giảm tầm quan trọng của SCO. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh SCO không thay đổi dù là một cuộc họp trực tuyến hay trực tiếp, cũng như cam kết và sự nghiêm túc của Ấn Độ đối với SCO.

Khúc mắc và ưu tiên tại hội nghị của SCO -0
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh SCO dưới hình thức trực tuyến.

Một số chuyên gia cho rằng ưu tiên chính của Ấn Độ tại hội nghị lần này là cân bằng mối quan hệ với cả phương Tây và phương Đông. Derek Grossman, một nhà phân tích về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại RAND Corporation, cho biết: “Ấn Độ nổi tiếng với kiểu chính sách đối ngoại này, họ cố gắng xoay xở và đối phó với tất cả các bên cùng một lúc”. Tanvi Madan, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings cho rằng Trung Quốc và Nga đang cố gắng biến SCO thành một nhóm chống phương Tây và điều này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ông Tanvi Madan cũng cho rằng về lâu dài SCO có thể trở thành thách thức đối với Mỹ và các đồng minh.

Tại hội nghị, lãnh đạo các quốc gia cũng bày tỏ quan điểm về một số vấn đề. Theo đó, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã kêu gọi các nước thành viên SCO tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời đề xuất tổ chức một hội nghị năng lượng và phát triển một chiến lược năng lượng chung cho tổ chức trong năm tới. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho rằng nước này có vị trí là cầu nối tự nhiên kết nối giữa châu Âu và Trung Á với Trung Quốc, Nam Á và Trung Đông, đồng thời lưu ý SCO cần đầu tư xây dựng các hành lang giao thông chung hiệu quả và chuỗi cung ứng tin cậy nhằm tạo ra “đường dẫn thuận lợi” cho giao thương khu vực.

Cũng trong hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước thành viên SCO tăng cường đoàn kết, tin cậy lẫn nhau, tập trung vào hợp tác thực chất và đẩy nhanh phục hồi kinh tế, tăng cường liên lạc và hợp tác chiến lược, tôn trọng lợi ích và các mối quan tâm cốt lõi của nhau. Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với các bên để thực hiện các sáng kiến an ninh toàn cầu. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình cũng cam kết Trung Quốc sẽ “kiên trì đi đúng hướng toàn cầu hóa kinh tế, phản đối chủ nghĩa bảo hộ, các biện pháp trừng phạt đơn phương và mở rộng các khái niệm an ninh quốc gia”.

Thủ tướng Ấn Độ Naren[1]dra Modi cũng nhấn mạnh các nước thành viên SCO sẽ chung tay trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên hợp tác với nhau về vấn đề Afghanistan cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo cho Kabul. Bên cạnh đó, ông Modi cũng hoan nghênh việc Iran gia nhập SCO và việc Belarus ký bản ghi nhớ về ý định trở thành thành viên của SCO. Theo đó, ông Modi cho rằng việc Iran và Belarus gia nhập SCO sẽ giúp mở rộng ảnh hưởng của SCO sang cả châu Âu và châu Á. Tổng Thư ký SCO Trương Minh khẳng định việc Iran gia nhập SCO với tư cách thành viên chính thức sẽ mang lại những ý tưởng thiết thực mới và mở ra triển vọng lớn, đồng thời nhấn mạnh: “Việc mở rộng SCO là tiến trình tự nhiên và không phải một nỗ lực có chủ đích”.

Tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh SCO theo đuổi việc hình thành trật tự thế giới công bằng, đa cực dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc về hợp tác, tôn trọng lẫn nhau của các quốc gia có chủ quyền với vai trò trung tâm và điều phối của Liên hợp quốc. Ông Putin cho rằng ưu tiên của SCO tiếp tục là hoạt động chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, cực đoan tôn giáo, ngăn chặn buôn bán ma túy, các hoạt động buôn lậu và tội phạm khác. Tổng thống Putin cũng khẳng định SCO đang đóng vai trò ngày càng tăng trong các vấn đề quốc tế, góp phần thực chất vào duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm phát triển kinh tế của các nước thành viên và củng cố quan hệ quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Putin tuyên bố Nga sẽ chống lại các lệnh trừng phạt và những hành động khiêu khích của phương Tây. Theo đó, ông Putin cho biết Nga có kế hoạch tăng cường quan hệ với SCO và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang thanh toán bằng nội tệ trong ngoại thương. Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng cảnh báo khả năng xảy ra xung đột và nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang gia tăng.

Ngân Hoàng
.
.