Khủng hoảng nợ - cơn nhức nhối chưa có liệu trình

Thứ Tư, 19/07/2023, 08:20

Ngày 17/7, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bắt đầu nhóm họp tại thành phố Gandhinagar thuộc bang Guajarat (Ấn Độ), nhằm thảo luận về các thỏa thuận tái cơ cấu nợ cũng như các thỏa thuận thuế quốc tế công bằng hơn, với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ, bên cạnh nhiều vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu hay kiểm soát tiền điện tử.

Tuy nhiên, ngay từ trước thềm hội nghị kéo dài 2 ngày này, giới quạn sát quốc tế đã nhận định: Sự đồng thuận sẽ là điều không dễ đạt được, trong chính nội bộ G20.

Guồng quay đang mất dần tốc độ

Dẫn lời một quan chức hàng đầu của nước chủ tịch luân phiên G20, hãng thông tấn quốc tế AFP cảnh báo: Một số nền kinh tế đang gặp khó khăn sau tác động kép của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Một cách ngắn gọn, trên thực tế, hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp đang cận kề hoặc đã rơi vào cảnh nợ chồng chất.

Khủng hoảng nợ - cơn nhức nhối chưa có liệu trình -0
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman - người chủ trì hội nghị.

Ở một góc nhìn rộng hơn, theo Thời báo Phố Wall (Wall Street Journal/WSJ), đà thịnh vượng ngắn ngủi của kinh tế toàn cầu cũng sắp kết thúc, với nhiều dấu hiệu như: Hoạt động sản xuất đang suy yếu trên toàn thế giới, do chi phí tăng vọt; và châu Âu trượt vào một cuộc suy thoái nhẹ đầu năm nay. Sự phục hồi rất được mong đợi của Trung Quốc sau các đợt phong tỏa do COVID-19, thực tế, đang diễn ra chậm chạp. Trong khi đó, nhiều thị trường mới nổi tiếp tục vật lộn với gánh nặng nợ nần chồng chất và lãi suất cao.

Câu hỏi đang đặt ra đối với những nhà điều hành kinh tế hàng đầu thế giới là liệu họ có thể tiếp tục tránh được những hậu quả xấu nhất, từ chính sách tiền tệ hạn chế đến sự suy giảm thương mại toàn cầu hay không?

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: "Mặc dù trong thời gian tới, các khả năng đều chưa thực sự rõ ràng, thì dự báo trung hạn của kinh tế toàn cầu vẫn sẽ ảm đạm".

Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của tương lai không mấy lạc quan ấy, là chuyện nhiều quan chức kinh tế các nước vẫn lo ngại về hành động tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Khủng hoảng nợ - cơn nhức nhối chưa có liệu trình -0
Bà Janet Yellen trong cuộc họp báo trước thềm hội nghị.

"Kinh nghiệm của tôi tại các cuộc họp G20 là khi FED báo cáo về kinh tế và chính sách tiền tệ của Mỹ thì cả căn phòng trở nên im lặng và căng thẳng", Nathan Sheets, Kinh tế trưởng toàn cầu tại Citi, cựu chuyên gia kinh tế của FED và Bộ Tài chính Mỹ, hé lộ.

FED đang dự định tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới vào tháng 7 này. Tuy nhiên, cơ quan này có thể tăng thêm bao nhiêu lần nữa sau đó và lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong bao lâu, mới là vấn đề khiến cả guồng máy kinh tế toàn cầu (vẫn còn đang) phụ thuộc vào đồng USD thấp thỏm. Nguyên nhân là FED đang đối diện với lạm phát cơ bản ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, hậu quả của chuỗi sụp đổ các ngân hàng (điển hình như Silicon Valley Bank và Signature Bank) cũng đã thắt chặt các điều kiện tín dụng ở Mỹ, có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Một số nhà kinh tế được WSJ thăm dò đã rút lại dự báo suy thoái ở Mỹ trong tương lai gần. Tuy nhiên, hầu hết vẫn cho rằng Mỹ sẽ suy thoái trong vòng 12 tháng tới.

Khủng hoảng nợ - cơn nhức nhối chưa có liệu trình -0
Rất nhiều kỳ vọng đặt vào hội nghị các Bộ trưởng tài chính G20 lần này.

Yếu tố Trung Quốc

Theo thông tin từ nước chủ nhà Ấn Độ, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman, các lĩnh vực thảo luận trong chương trình nghị sự hội nghị G20 lần này sẽ bao gồm sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu và "cơ sở hạ tầng và tài chính bền vững".

Vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự 2 ngày là nỗ lực giải quyết nợ của các quốc gia nghèo nhất thế giới vốn đang phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu, vào thời điểm cần nhiều ngân sách tài chính hơn bao giờ hết để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, AFP cho biết: Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước cho vay chính của một số quốc gia có thu nhập thấp ở châu Á và châu Phi - đến nay chưa đồng thuận với G20 trong vấn đề trên.

Cho dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen đã đề cập đến việc triển khai nỗ lực đối phó với tình trạng nợ nần chồng chất của các nước nghèo nhất thế giới, cũng như khơi dậy không khí lạc quan khi nói tới nhiều tiến bộ đã đạt được trong việc tái cơ cấu nợ cho Zambia (mà bà đã thảo luận với phía Trung Quốc trong chuyên công du Bắc Kinh cách đây ít ngày) thì hiện thực vẫn không thể phủ nhận là Trung Quốc không có nhiều lý do để tỏ ra mặn mà với ý tưởng giảm nặng gánh nợ nần cho các nước nghèo.

Điều này xuất phát từ một nguyên nhân dễ hiểu: Chính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang phải cố gắng vượt qua các vấn đề của riêng mình.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố GDP Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này cao hơn so với quý I/2023 (4,5%), nhưng thấp hơn dự báo của giới phân tích, theo khảo sát của WSJ (7%).

Xuất khẩu của Trung Quốc tháng trước đã giảm mạnh so với cùng kỳ 2022, song chỉ số lạm phát vẫn không đổi - dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu làm tăng nguy cơ giảm phát. Trong khi hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, Trung Quốc lại chọn cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế.

Trong cuộc họp báo hôm 16/7, trước thềm các cuộc họp G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá: "Trung Quốc là nhà nhập khẩu rất lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, khi tăng trưởng của nước này chậm lại, nó sẽ tác động đến tăng trưởng ở nhiều quốc gia. Và, chúng ta đang thấy điều đó".

Mặc dù vậy, theo bà, “vẫn là quá sớm” để chính quyền đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét dỡ bỏ thuế quan đối với hơn 350 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Điều này, rõ ràng, khó có thể khiến mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên “ấm nồng” hơn, đủ để có thể khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thực hiện nghĩa vụ "hợp tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm", nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, như chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh.

Khủng hoảng nợ - cơn nhức nhối chưa có liệu trình -0
Gánh nặng nợ nần phủ bóng lên hội nghị.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia phân tích: Nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách chuyển bớt hoạt động khỏi Trung Quốc, trong khi Mỹ và các đồng minh đưa ra các ưu đãi mới để chấn hưng ngành sản xuất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc - nguồn vốn quan trọng cho tăng trưởng - đã sụt giảm trong quý I.

Điều đó cũng có nghĩa là việc định hướng lại chuỗi cung ứng toàn cầu đã bắt đầu, sẽ diễn ra trong nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng ở Trung Quốc và tăng giá cho người tiêu dùng toàn cầu trong dài hạn.

Rút cục, vấn đề giảm nhẹ gánh nợ nần cho các nước nghèo sẽ hoàn toàn có thể chỉ là những lời kêu gọi mang tính hình thức, khi chính “chủ nợ” lại đang phải mang quá nhiều “tâm tư”.

Nước chảy chỗ trũng

Và đương nhiên, trong những cơn biến động thời cuộc, cuối cùng, phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn luôn là những cộng đồng nghèo, dễ bị tổn thương nhất.

Lãi suất tăng ở Mỹ năm ngoái đã thu hút vốn vào các tài sản bằng USD, đẩy giá trị của USD lên đáng kể. Điều đó tạo ra thách thức cho nhiều quốc gia có thu nhập thấp đã vay và phải trả nợ bằng USD, cũng như tốn kém hơn khi nhập khẩu thực phẩm và năng lượng. IMF cho biết: Hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp và khoảng một phần tư quốc gia có thu nhập trung bình đang lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ cao về nợ nần.

Xung đột Ukraine cũng khiến các nước nghèo bất lợi vì làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng, đồng thời đẩy lạm phát trên toàn thế giới lên cao. Tùy thuộc vào diễn biến của cuộc chiến, những áp lực đó lúc nào cũng có thể xuất hiện trở lại.

Vấn đề là, chưa ai biết phải làm như thế nào để kết thúc cuộc xung đột quân sự ấy, đồng nghĩa với việc tình cảnh của các nước nghèo vẫn luôn ở trong tình trạng bấp bênh. Thậm chí, không chỉ họ, đến cả cơ cấu kinh tế - xã hội của Liên minh châu Âu (EU) cũng vẫn còn có khả năng bị chấn động. Và, vấn đề ít được nhắc đến một cách rõ ràng còn là: Có không ít quốc gia hoặc nền kinh tế đang hưởng lợi (từ cả buôn bán năng lượng hay thực phẩm, đến công nghiệp quốc phòng) từ diễn biến của chiến dịch quân sự đặc biệt này.

Khủng hoảng nợ - cơn nhức nhối chưa có liệu trình -0
Sự đồng thuận giữa các thành viên là một thách thức lớn.

Trong bối cảnh ấy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vẫn nhận xét rằng thỏa thuận giãn nợ của Zambia "đã mất quá nhiều thời gian để đàm phán", đồng thời bày tỏ hy vọng các biện pháp xử lý nợ cho Ghana và Sri Lanka có thể được "hoàn tất nhanh chóng". Bà đề xuất G20 “nên áp dụng các nguyên tắc chung đã nhất trí trong trường hợp của Zambia cho các trường hợp khác”.

Tháng 6 vừa qua, Zambia đã đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ 6,3 tỷ USD với các chính phủ nước ngoài trong đó có Trung Quốc, được xem là bước đột phá đối với các nước dễ bị tổn thương trong khủng hoảng và hiển nhiên có thể xem là một hình mẫu.

Tuy vậy, chúng ta cũng cần phải thực tế. Một vài trường hợp đơn lẻ như Zambia là một chuyện, còn đối với các “chủ nợ”, dưới áp lực của lợi ích riêng, việc giãn hoặc xóa nợ cho một loạt nước nghèo lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Trong khủng hoảng kinh tế những năm 2008-2012, một nước thành viên EU như Hy Lạp cũng đã phải chấp nhận những điều kiện vô cùng ngặt nghèo, mới có thể được chấp nhận gia hạn nhằm xử lý khối nợ công khổng lồ của họ.

Mây Linh
.
.