Lục địa Đen trước áp lực đơn cực

Thứ Năm, 09/09/2021, 16:15

Châu Phi, đặc biệt là các nước lớn ở châu lục này, không nằm ngoài những thay đổi địa chính trị quốc tế lớn xét trên khái niệm đa cực toàn cầu. Nếu ngày càng có nhiều quốc gia châu Phi khẳng định sức mạnh châu lục của mình thì họ càng thấy mình bị áp lực bởi những nước hoài cổ về thế giới đơn cực.

Xu hướng phát triển ở lục địa châu Phi đáng được quan tâm về nhiều mặt. Sau khi vượt qua những nỗ lực của phương Tây nhằm trừng phạt các quốc gia đã chọn con đường tự do phát triển và tự do chọn đối tác, rõ ràng nhiều quốc gia châu Phi lớn mạnh giờ đây, bao gồm cả những quốc gia cho đến gần đây dường như vẫn còn ở trong quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây, nhận thấy họ đang phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức nhắm vào mình.

Lục địa Đen trước áp lực đơn cực -0
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ethiopia Workneh Gebeyehu, năm 2018.

Trong số những ví dụ này, có thể dẫn chứng Nigeria hoặc Ethiopia. Nigeria là nền kinh tế lớn nhất lục địa châu Phi theo GDP, đứng thứ  25 thế giới, cũng là quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 219 triệu dân (thứ 7 thế giới). Kể từ khi tham vọng của Nigeria đối với khu vực và châu lục bắt đầu xuất hiện và ngày càng công khai hơn, quốc gia này đã phải chứng kiến sự trỗi dậy ngày càng nhiều thách thức nội bộ, đặc biệt là vấn đề an ninh. Nếu cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố Boko Haram đã diễn ra trong nhiều năm, các nguồn gây căng thẳng mới đang kích hoạt trở lại và điều này không thể thiếu sự đồng lõa khá rõ ràng từ các nhóm lợi ích phương Tây, đặc biệt liên quan đến nhóm ly khai tự xưng Nhân dân bản xứ Biafra (IPOB). Phong trào ly khai IPOB là một trong số những thách thức an ninh nghiêm trọng ở Nigeria, do có liên quan hoạt động nổi dậy của các nhóm Hồi giáo kéo dài 1 thập niên qua ở khu vực Đông Nam cùng một loạt vụ bắt cóc học sinh ở khu vực Tây Bắc và cướp biển ở vịnh Guinea.

Áp lực bổ sung từ IPOB đối với nhà nước Nigeria có liên quan đến một số khía cạnh. Trước hết, quốc gia này ngày càng gia tăng sức nặng trong các vấn đề khu vực và lục địa. Điều này được thể hiện qua những ứng phó của Nigeria với các nỗ lực gây bất ổn từ bên ngoài, dù là khủng bố hay ly khai. Lý do khác cần lưu ý là một quốc gia càng khẳng định vị thế của mình trên toàn châu Phi thì quốc gia đó càng có xu hướng tạo dựng quan hệ chiến lược với các quốc gia ủng hộ trật tự đa cực quốc tế.

Các mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng với Trung Quốc, bao gồm cả việc ủng hộ đồng nhân dân tệ của Trung Quốc làm tổn hại đến đô la Mỹ trong các giao dịch song phương, hoặc thỏa thuận quân sự-an ninh gần đây với Nga, là một vài ví dụ. Đặc biệt là Nigeria từ lâu đã được coi là một quốc gia nằm trong quỹ đạo của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Ethiopia là một ví dụ thú vị khác. Có dân số lớn thứ hai trên lục địa, cường quốc quân sự thứ 7 ở châu Phi, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Phi (AU), Ethiopia là quốc gia châu Phi duy nhất chưa từng bị đô hộ và là một trong những đồng minh chính của Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Kết hợp với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 10% mỗi năm trong vài năm qua, các yếu tố trên khẳng định tham vọng của Addis Ababa. Và bây giờ, sự nghiệp công nghiệp hóa nhanh chóng của đất nước này không thể thiếu sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ethiopia được coi là một quốc gia đã tiến rất gần đến Washington, trong nhiều lĩnh vực thì giai đoạn gần các mối quan hệ hợp tác chưa từng có với Bắc Kinh, cũng như việc tích cực đổi mới quan hệ với Moscow, dường như đã đặt đất nước này vào tầm ngắm của phương Tây. Những nỗ lực nhằm gây mất ổn định, không giống như những gì những kẻ chủ mưu hy vọng, dường như phản tác dụng khi đẩy giới lãnh đạo Ethiopia ngày càng dấn thân vào khuôn khổ của liên minh Trung Quốc-Nga và củng cố nền độc lập chủ quyền của lục địa châu Phi.

Nhưng ví dụ về Ethiopia cũng thú vị ở một khía cạnh khác. Trong khi truyền thông phương Tây thường cố gắng miêu tả cả Trung Quốc và Nga là những người ủng hộ cái gọi là chế độ “độc tài” thì những sự kiện gần đây ngày càng phá vỡ khuôn sáo không mấy liên quan đến thực tế này. Moscow đã tự khẳng định mình là một đồng minh đáng tin cậy và chân thành của một ban lãnh đạo được bầu cử dân chủ tại Cộng hòa Trung Phi, dàn lãnh đạo này nhận được thừa nhận rộng rãi trên toàn cầu. Trường hợp của Ethiopia cũng tương tự vì ngoài việc được hưởng sự nổi tiếng trong nội bộ không thể phủ nhận, người đứng đầu đất nước Abiy Ahmed có thể tự hào là người chiến thắng giải Nobel Hòa bình 2019.

Lục địa Đen trước áp lực đơn cực -0
Phong trào ly khai Biafra tại Nigeria.

Rõ ràng vào thời điểm đó, phương Tây coi Ethiopia là một đối tác quan trọng vì lợi ích của mình, vì vậy các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây đã không tiếc lời ca ngợi Thủ tướng Ahmed. Mọi thứ bây giờ dường như bị đảo lộn khi chính ông Ahmed đang trở thành mục tiêu bị giới truyền thông-chính trị phương Tây công kích. Sự đảo lộn này không thể không làm xã hội dân sự Ethiopia đứng lên chống lại chính phủ mà càng khiến Addis Ababa không chỉ tăng cường tương tác với Trung Quốc, mà còn một lần nữa dựa vào liên minh quân sự-an ninh với Nga.

Cục diện mới này đặc biệt thú vị bởi vì nó ngăn chặn lời chào tốt đẹp của phương Tây với các chính phủ ở nhiều nơi trên thế giới về việc trở thành đồng minh của họ. Hơn thế nữa, cách tiếp cận lá trái lá phải của phương Tây, bao gồm cả Washington, đang ngày càng kích hoạt tinh thần độc lập chủ quyền ở các dân tộc khác nhau trên thế giới, bao gồm cả châu Phi. Cuối cùng, và trước những bất ổn mà phương Tây duy trì như một công cụ chính trong chính sách nhằm vào các quốc gia có chủ quyền, sự phản kháng của các nước này được hình thành xung quanh 2 thành phần: huy động quần chúng bên trong và kêu gọi sự ủng hộ bên ngoài, từ các cường quốc không ủng hộ chủ nghĩa đơn cực phương Tây.

Trong bối cảnh những thất bại lặp đi lặp lại trong việc hạ bệ các chính phủ có chủ quyền ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, xu hướng chính trị của phương Tây hiện đang nhằm vào một số quốc gia nhỏ, không thể được coi là cường quốc khu vực hoặc lục địa. Bởi vì sự mất dần ảnh hưởng trên quy mô quốc tế, thất bại trong việc áp dụng các phương pháp gây mất ổn định thông thường, cách làm trên của phương Tây là nhằm tìm kiếm các đối tác hoàn toàn phục tùng, tránh nguy cơ họ rời quỹ đạo địa chính trị phương Tây chứ không chỉ phụ thuộc nửa vời như trước đây.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.