Nam Phi: Đình công vì phí sinh hoạt quá cao

Thứ Ba, 30/08/2022, 12:58

Hàng chục nghìn công nhân Nam Phi đã tuần hành trên khắp các thành phố và thị trấn của đất nước vào ngày 24-8 để phản đối mức lương thấp và điều kiện kinh tế xã hội đang xuống cấp.

Các công đoàn cho biết chi phí sinh hoạt ở Nam Phi đang ở mức rất cao, nguồn cung điện phập phù và đắt đỏ, trong khi việc cung cấp dịch vụ của chính quyền địa phương và quốc gia rất thất thường.

Cuộc biểu tình lần này do 8 công đoàn của Nam Phi tổ chức, kêu gọi sự can thiệp của chính phủ để giải quyết tình trạng thất nghiệp, nghèo đói gia tăng và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cao. Những người biểu tình đã tuần hành về phía các tòa nhà chính phủ ở thủ đô hành pháp và trao một bản ghi nhớ cho chính quyền. Vấn đề quan ngại chung giữa các nghiệp đoàn này là chi phí sinh hoạt cao và cách thức mà tầng lớp lao động đang đấu tranh để tồn tại trong những điều kiện kinh tế này.

anh 1.jpg -0
Công nhân Nam Phi xuống đường để phản đối điều kiện kinh tế xã hội đang xuống cấp

Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế?

Lạm phát đã tăng vọt trên toàn thế giới, được thúc đẩy bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau khi các hạn chế COVID-19 được nới lỏng, cũng như giá năng lượng và lương thực tăng cao do cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Đối với người dân Nam Phi, điều này đã dẫn đến việc tăng chi phí cho các nhu yếu phẩm bao gồm thực phẩm, điện, nhiên liệu và thuốc men.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, khoảng 30,3 triệu công dân Nam Phi đang sống trong cảnh nghèo đói, trong khi 13,8 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực ngày càng trầm trọng hơn do giá lương thực tăng cao do cuộc chiến Ukraine. Mọi người đang gặp khó khăn để tồn tại vì điều kiện kinh tế không được cải thiện kể từ sau đại dịch.

Phó Giám đốc Đại hội các Công đoàn Nam Phi, Mike Shingange, cho biết: “Đó là một cuộc đấu tranh xã hội. Nếu không hành động, tương lai của chúng ta sẽ bị diệt vong, tương lai của những người trẻ của chúng ta sẽ bị diệt vong. Chúng ta phải chiến đấu ngay bây giờ”.

Các nghiệp đoàn đang cáo buộc chính phủ đặt lợi nhuận cho giới thượng lưu và lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích của những người dân Nam Phi bình thường.

Lạm phát phi mã

Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm vào tháng 7-2022, chủ yếu được thúc đẩy bởi giá thực phẩm, giao thông và điện gia tăng. Theo cơ quan thống kê quốc gia StatsSA, giá tiêu dùng tăng 7,8% trong tháng 7-2022 sau khi đạt 7,4% vào tháng 6-2022. Các mặt hàng thực phẩm chủ chốt đã tăng 10% chỉ trong năm 2021.

Giá bánh mì và ngũ cốc tăng 13,7% trong tháng 7-2022 so với 11,2% trong tháng 6-2022. Điều đó có nghĩa là một ổ bánh mì trắng hiện có giá 17,84 rands (1,05 USD) so với 15,57 rands (0,91 USD) một năm trước. Giá nhiên liệu tăng 56,2% so với năm ngoái.

Chi phí sinh hoạt tăng cao đang gây ảnh hưởng đến người dân trong khi tỷ lệ thất nghiệp dao động ở mức gần 34%. Trong khi đó, giá nhiên liệu đã tăng 56,2% so với một năm trước.

Paule France Ndessomin, Thư ký khu vực Châu Phi cận Sahara của Liên minh Công nghiệp Toàn cầu (IndustriALL), cho biết: “Người lao động Nam Phi đang cảm thấy bị siết chặt bởi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, nhưng mức lương vẫn chưa theo kịp. Do đó, các công đoàn đang kêu gọi tăng lương trên mức lạm phát như đã thấy trong các cuộc đàm phán tiền lương gần đây ở hầu hết các lĩnh vực công nghiệp. Chúng tôi ủng hộ cuộc đình công này và việc tiếp tục đối thoại xã hội để tạo việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi”.

Trang web của IndustriALL đăng tải ý kiến của một thợ mỏ từ Liên minh Công nhân Mỏ Quốc gia, một người tham gia tuần hành ở Pretoria, cho biết: “Phong trào công đoàn đang thực hiện quyền biểu tình và kêu gọi chính phủ giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội. Chúng tôi muốn cuộc đình công này tạo ra tác động để các yêu cầu của người lao động được giải quyết và thực hiện hành động nhằm cải thiện sinh kế cho người lao động và gia đình của họ. Chúng tôi đang đình công để bảo vệ quyền lợi của mình đối với mức lương đủ sống vì chúng tôi không có đủ tiền để trả cho các chi phí hàng ngày của mình. Tỷ lệ thất nghiệp cao, và tiền lương của chúng tôi không đủ để trang trải các khoản cơ bản. Thông qua cuộc đình công này, chúng tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ nhận được thông điệp và hành động trước những bất bình của chúng tôi”.

Phản ứng của chính phủ

Cho đến nay, chính phủ vẫn chưa phản ứng với cuộc đình công. Tờ “Al Jazeera” cho biết đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đang ở trong “một tình huống khó khăn” vì họ là một phần của liên minh ba bên cùng với Đại hội các Công đoàn Nam Phi (COSATU) và Đảng Cộng sản Nam Phi. Phóng viên Fahmida Miller của “Al Jazeera” nói: “Chính phủ phụ thuộc lớn vào lá phiếu và sự ủng hộ của các đảng phái khác nhau. Họ biết rằng họ không thể đủ khả năng để phớt lờ những nghiệp đoàn như thế này. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn có rất nhiều quyền thương lượng, vì vậy ANC sẽ rất khó để bỏ qua những cuộc biểu tình như thế này”.

Trước đó, Bộ Công vụ và Hành chính đã cảnh báo sẽ áp dụng nguyên tắc “Không làm việc, không trả lương” đối với các công chức tham gia cuộc đình công do các công đoàn Nam Phi kêu gọi.

Cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki đã chỉ trích nhà lãnh đạo đương nhiệm Cyril Ramaphosa. Ông chỉ trích Tổng thống Ramaphosa không chuẩn bị kế hoạch quốc gia nào để giải quyết những thách thức về nghèo đói, thất nghiệp và bất bình đẳng. Ông cáo buộc Ramaphosa đã không thực hiện lời hứa của mình trong việc kiềm chế tham nhũng của chính phủ ở Nam Phi, và cho rằng những vấn đề này sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự bởi một sự kiện duy nhất có thể "châm ngòi cho phiên bản Mùa xuân Ảrập ở chính Nam Phi”.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.