Nội chiến Sudan: Bước ngoặt nguy hiểm và cuộc khủng hoảng nhân đạo mới

Thứ Năm, 28/12/2023, 18:15

Việc lực lượng bán quân sự RSF chiếm được Wad Madani, một thành phố chiến lược ở vùng nông nghiệp của đất nước, đánh dấu một bước ngoặt nguy hiểm trong cuộc nội chiến đã tàn phá quốc gia Đông Bắc Phi này suốt 8 tháng qua.

Wad Madani thất thủ, quân đội chính phủ mất niềm tin

Việc nhóm bán quân sự có tên Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tiếp quản Wad Madani - một thành phố lớn trong vựa nông nghiệp của Sudan giữa tuần qua đã gây ra làn sóng chấn động khắp đất nước. Sự kiện này làm dấy lên hoài nghi về sức mạnh quân đội Sudan - đối thủ của RSF - và mở ra một giai đoạn mới đáng sợ hơn cho cuộc nội chiến kéo dài 8 tháng đã tàn phá một trong những quốc gia lớn nhất châu Phi.

sudan noi chien - anh 1.jpg -0
Lực lượng bán quân sự RSF đã chiếm được thành phố chiến lược Wad Madani ở Sudan. Ảnh: Politics

RSF chỉ mất 4 ngày để chiếm được thành phố Wad Madani, nơi trú ngụ của hàng chục ngàn người chạy trốn khỏi thủ đô Khartoum, cách đó khoảng 160km về phía tây bắc, khi chiến tranh bắt đầu vào tháng Tư. Sự sụp đổ của Wad Madani đã khiến người tị nạn phải chạy trốn trở lại và giáng một đòn nặng nề vào uy tín của một đội quân đã hứa bảo vệ họ.

Quân đội Sudan xác nhận trong một tuyên bố vào tối thứ Ba rằng họ đã rút khỏi thành phố Wad Madani và - trong một động thái hết sức bất thường - cho biết họ đã bắt đầu điều tra lý do tại sao thất bại này lại xảy ra.

Nội chiến Sudan: Bước ngoặt nguy hiểm và cuộc khủng hoảng nhân đạo mới -0
Các binh sĩ quân đội Sudan tuần tra tại thị trấn Gedaref, nơi đón hàng nghìn người di tản đến từ Wad Madani. Ảnh: AFP

Vốn có lợi thế trên không so với RSF, quân đội Sudan đã nhiều lần sử dụng máy bay để tấn công căn cứ của lực lượng bán quân sự này. Nhưng nhờ được trang bị tên lửa phòng không, RSF đã kháng cự một cách khá hiệu quả để từ đó, làm bàn đạp cho những thắng lợi dưới mặt đất. Hiện cục diện chiến trường đang nghiêng rõ về RSF khi lực lượng này hiện đã chiếm được phần lớn thủ đô Khartoum và các thành phố lân cận trên sông Nile, bên cạnh việc càn quét các thành phố ở vùng Darfur phía tây đất nước.

Nội chiến Sudan: Bước ngoặt nguy hiểm và cuộc khủng hoảng nhân đạo mới -0
Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 300.000 người đã chạy trốn khỏi Wad Madani sau khi RSF tiến vào thành phố này. Ảnh: AFP

Tại Rufaa, một thị trấn cách Wad Madani khoảng 50 km về phía bắc, quân đội Sudan đã thậm chí phải trưng dụng container hàng hóa làm chướng ngại vật để chặn lực lượng bán quân sự băng qua một cây cầu, một sự răn đe tuyệt vọng nhưng không ngăn được bước tiến của đối thủ.

Một số chuyên gia về châu Phi nói rằng một phần nguyên nhân dẫn đến những thất bại gần đây của quân đội Sudan bắt nguồn từ yếu tố lịch sử. Dưới thời cựu độc tài Omar Hassan al-Bashir, quân đội Sudan giao phần lớn nhiệm vụ chiến đấu trên bộ cho các dân quân bộ lạc như Janjaweed, nhóm chiến binh đã khủng bố vùng Darfur vào những năm 2000 và sau đó trở thành Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF).

Nhà phân tích chính trị Alan Boswell, giám đốc khu vực Sừng châu Phi của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), cho biết do ít thực chiến nên khi phải đối đầu với RSF trong những cuộc giao tranh khốc liệt và dàn trải khắp cả nước, những điểm yếu của quân đội Sudan nhanh chóng bộc lộ.

“Đó là một đội quân rệu rã, nơi mà người ta thường được thăng chức vì chung hệ tư tưởng và chủ nghĩa gia đình trị”, ông Boswell nói. “Quân đội Sudan chưa bao giờ phải tham gia một cuộc chiến như thế này trước đây và đang cho thấy họ không có năng lực bảo vệ người dân”.

Nhà phân tích Kholood Khair thuộc Confluence Advisory - một tổ chức nghiên cứu chính trị tại Sudan - thì đánh giá, sự sụp đổ của Wad Madani cho thấy những sai lầm ở cấp cao nhất của quân đội nước này. Bà Khair nói: “Có điều gì đó không ổn nghiêm trọng trong giới lãnh đạo cấp cao của lực lượng vũ trang Sudan. Đó là điều mà ngay cả nhiều người trong số họ cũng không hiểu được”.

Bóng ma thất bại lan rộng

Tổn thất của quân đội Sudan, vì thế, đang đặt ra câu hỏi về tương lai của lãnh đạo lực lượng này, tướng Abdel Fattah al-Burhan, người hiện cũng là nguyên thủ quốc gia trên thực tế của Sudan. Và, điều này cũng được đối thủ của họ nhận ra, khi RSF dường như đang tìm cách kích động một cuộc lật đổ trong nội bộ quân đội Sudan.

Nội chiến Sudan: Bước ngoặt nguy hiểm và cuộc khủng hoảng nhân đạo mới -0
Tướng Abdel-Fattah Burhan (bên phải), chỉ huy quân đội Sudan và tướng Mohamed Hamdan Dagalo - chỉ huy RSF. Ảnh: Middle East Monitor

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X tuần trước, chỉ huy RSF, trung tướng Mohamed Hamdan Dagalo, cho biết lực lượng của ông này sẽ không “trở thành quân đội thay thế” - một bình luận mà nhiều nhà quan sát coi là một nỗ lực chia rẽ quân đội Sudan. Tuyên bố đó có thể xem như một thông điệp ngầm khuyến khích những tướng lĩnh dưới quyền tướng Al-Burhan làm binh biến để thay thế ông và sau đó, có thể tìm cách đàm phán phân chia quyền lực với RSF.

Nhà phân tích Boswell của ICG nhận định, khả năng tướng Al-Burhan giữ được vị trí phụ thuộc chủ yếu vào việc các tướng lĩnh Sudan có sẵn sàng thực hiện một sự thay đổi lãnh đạo ngay giữa chiến tranh hay không. Bởi điều này cũng có khả năng gây ra các bất ổn khác hoặc dẫn tới nguy cơ chia rẽ trong hàng ngũ của chính các tướng lĩnh làm đảo chính.

Theo ông Boswell, tướng Al-Burhan hiện vẫn là người đối thoại chính với những lực lượng nước ngoài ủng hộ quân đội Sudan, nên “các tướng lĩnh có thể cần phải đánh giá xem liệu việc loại bỏ ông ấy có thể làm tổn hại đến những mối liên hệ đó hay không”.

Ở bình diện rộng hơn, thất bại của quân đội Sudan cũng làm tăng nguy cơ các nước láng giềng có thể bị lôi kéo vào cuộc nội chiến này và các cường quốc bên ngoài sẽ gia tăng can thiệp. Một Sudan bất ổn sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho những nước láng giềng. Bà Kholood Khair, nhà phân tích của Confluence Advisory cho biết, một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn đang là “kịch bản ác mộng không chỉ đối với Sudan mà còn đối với thế giới”.

Thảm họa nhân đạo thêm trầm trọng

Chiến thắng mới giành được tại Wad Madani có thể mở đường RSF tiến hành các cuộc tấn công mới vào những thành phố lớn khác, bao gồm Gedaref và Kosti. Và, với người dân Sudan, viễn cảnh sống dưới sự cai trị bởi một lực lượng bán quân sự đã cướp phá phần lớn thủ đô và bị cáo buộc thực hiện tội ác chiến tranh ở khu vực Darfur phía tây đất nước, là điều đáng sợ.

Tại Wad Madani, các nhóm dân sự cho biết binh sĩ RSF đã cướp vàng, tiền và ô tô của dân thường và ngăn một số người rời khỏi thành phố, dù nhóm bán quân sự này tuyên bố sẽ bảo vệ thường dân sau khi tiến vào tiếp quản thành phố.

Nội chiến Sudan: Bước ngoặt nguy hiểm và cuộc khủng hoảng nhân đạo mới -0
Cuộc nội chiến tại Sudan đã khiến gần 18 triệu người dân nước này, trong đó hàng triệu trẻ em, đối mặt với nạn đói. Ảnh: CNN

Theo Liên hợp quốc, khoảng 300.000 người đã chạy trốn khỏi Wad Madani trong những ngày gần đây. Nhiều người trong số họ, ốm yếu và đói khát, đã phải đi bộ hàng giờ tới các bang lân cận trong khi kéo lê vali đựng những đồ đạc ít ỏi mang theo.

Hiện phần lớn các cơ quan viện trợ quốc tế cũng tạm dừng hoạt động ở Wad Madani nói riêng và bang El Gezira nói chung. Liên hợp quốc phải điều động nhân viên của mình đến các khu vực có ít giao tranh hơn ở phía đông đất nước hoặc qua biên giới từ phía Nam Sudan. Các nhân viên cứu trợ, những người từng biến Wad Madani thành trung tâm cho những hoạt động của họ tại Sudan, cho biết họ lo ngại về nguy cơ cướp bóc các nguồn cung cấp và kho hàng nhân đạo còn đang nằm lại nơi đây.

Sofie Karlsson, người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc ở Sudan cho biết: “Người dân Sudan đã trải qua 8 tháng kinh hoàng và tình hình nhân đạo ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Khi lựa chọn duy nhất của bạn là đi bộ với tất cả những gì có thể mang theo, điều kiện sống và sự an toàn của bạn đã chạm đáy”.

Cuộc nội chiến tại Sudan bùng nổ từ tháng Tư, sau khi tướng Abdel-Fattah Burhan, chỉ huy quân đội Sudan và tướng Mohamed Hamdan Dagalo - chỉ huy RSF - không đạt được sự đồng thuận về phân chia quyền lực. Chiến sự cho đến nay đã giết chết ít nhất 10.000 người, mặc dù các nhân viên y tế nước này và các quan chức LHQ cho rằng đó là thống kê quá thấp so với thực tế. Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, gần 18 triệu người Sudan, tức khoảng 37% dân số nước này, đang phải đối mặt với nạn đói và khoảng 5 triệu người nữa có thể rơi vào tình cảnh tương tự khi RSF kiểm soát toàn bộ bang El Gezira.

Vào thời điểm bình thường, các vùng đồng bằng màu mỡ của bang El Gezira sản xuất khoảng 350.000 tấn lúa mì mỗi năm, gần bằng một nửa sản lượng ngũ cốc hàng năm của Sudan. Chiến tranh đã làm gián đoạn việc trồng trọt do giá hạt giống và phân bón tăng cao, và ở một số nơi, hệ thống tưới tiêu bị tàn phá. Liên hợp quốc ước tính sản lượng lúa mì của Sudan giảm 30% trong năm nay, trong khi Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo nền kinh tế Sudan nói chung sẽ suy giảm 18%.

Thời gian qua, các cơ quan cứu trợ quốc tế đã phải vật lộn để thu xếp nguồn lực giúp đỡ người dân Sudan. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tuần trước cho biết họ cần 840 triệu USD để duy trì và mở rộng các hoạt động cứu trợ đây vào năm tới. Nhưng với những diễn biến mới nhất, khi lực lượng RSF ngày càng thắng thế và chiếm giữ thêm nhiều vùng đất, cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ ở nước này có thể còn tồi tệ hơn nữa vào năm sau. Và, số tiền UNICEF huy động được có thể cũng chỉ như muối bỏ biển so với nhu cầu cứu trợ người dân Sudan.

Nguyễn Khánh
.
.