Nước Anh đối mặt với nhiều khó khăn

Thứ Tư, 08/02/2023, 08:30

Nước Anh đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc đình công của nhân viên lĩnh vực y tế, giáo dục trong khi kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Những cuộc đình công chưa từng có

Ngày 6/2, hàng chục nghìn y tá và nhân viên dịch vụ cứu thương Anh đồng loạt nghỉ làm do bất đồng về vấn đề tiền lương, đánh dấu cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử 75 năm của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS). Giám đốc Y tế NHS Stephen Powis cho biết kế hoạch tiếp theo là các y tá, nhân viên dịch vụ cứu thương và nhân viên vật lý trị liệu sẽ lần lượt đình công vào các ngày 7/2, 10/2 và 9/2. Động thái này có thể sẽ đánh dấu tuần tồi tệ nhất trong lịch sử NHS.

Nước Anh đối mặt với nhiều khó khăn -0
Các y tá và người ủng hộ họ tuần hành bên ngoài Bệnh viện St Thomas, London, Anh, hôm 6/2.                   Ảnh: AFP

"Chúng tôi không sống nổi với khoản lương hiện tại", y tá Vaughan nói. Trước đó, ngày 15/12/2022, khoảng 100.000 y tá ở Anh đồng loạt tiến hành cuộc đình công như "phương sách cuối cùng" trong cuộc chiến đòi tăng lương. Y tá ở các khoa hóa trị, lọc máu, chăm sóc tích cực, chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh sẽ tiếp tục làm việc, nhưng dịch vụ y tế ở các đơn vị khác sẽ bị cắt giảm trong thời gian này, Công đoàn Hiệp hội Y tá Hoàng gia (RCN) cho biết. Giới chức y tế Anh cảnh báo công tác chăm sóc bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng do cuộc đình công, đặc biệt khi các bệnh hô hấp theo mùa như cúm đang gây thêm áp lực lên hệ thống y tế. Nhiều người tại Vương quốc Anh đang phải vận lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, trong bối cảnh lạm phát leo thang vượt xa tốc độ tăng lương. RCN cho biết lạm phát triền miên từ năm 2010 khiến mức lương của các y tá nhiều kinh nghiệm giảm 20%.

Giới chức y tế và công đoàn cũng cho biết các y tá đang phải làm việc quá sức do thiếu nhân lực, nhiều người phải chạy ăn từng bữa, vật lộn để nuôi sống gia đình và đồng loạt rời Dịch vụ Y tế Quốc gia. RCN khuyến nghị chính phủ tăng lương thêm ít nhất 1.740 USD cho các y tá, ngoài mức tăng 3% năm ngoái. Pat Cullen, Tổng thư ký RCN, đã đề nghị tạm dừng đình công nếu Bộ trưởng Y tế Steve Barclay đồng ý đàm phán. Tuy nhiên, Chính phủ Anh tuyên bố không thể đáp ứng yêu cầu tăng lương của RCN. 

RCN đã viết thư cho ông Sunak, đề nghị ông "kết thúc nhanh chóng" cuộc đình công bằng cách đưa ra các đề xuất trả lương "phù hợp". Tuy nhiên, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Sunak hôm 6/2 cho biết ông không có kế hoạch tham gia vào các cuộc đàm phán về tiền lương. Thứ trưởng Maria Caulfield phụ trách vấn đề sức khỏe tâm thần và sức khỏe phụ nữ trong khi đó nói rằng chính phủ đã chuyển khoản tài trợ kỷ lục vào NHS mùa đông năm ngoái.

Không chỉ trong lĩnh vực y tế, trước đó nhân viên tại các trường đại học Anh tổ chức đình công nhằm phản đối chính sách tiền lương, lương hưu và điều kiện việc làm.

Theo Liên đoàn Các trường đại học và cao đẳng Anh (UCU), nguyên nhân chính gây ra cuộc đình công quy mô lớn là vấn đề tiền lương. Các công đoàn giáo dục phản ánh mức lương hiện nay của nhân viên các trường đại học, bao gồm giảng viên, không theo kịp lạm phát, dẫn đến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều nhân viên yêu cầu chính phủ và các bộ ngành liên quan giải quyết các vấn đề như khoảng cách giới trong giáo dục, khối lượng công việc, phân biệt chủng tộc, chính sách và chế độ đãi ngộ... Các cuộc đình công đã gây gián đoạn học tập tại hơn 150 trường đại học cùng hàng trăm trường phổ thông khác trên đất nước. Hiệp hội giảng dạy lớn nhất Vương quốc Anh, NEU, dự đoán 85% trường học sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công. Một số trường có thể mở cửa nhưng việc dạy và học bị hạn chế do thiếu giảng viên. Số khác sẽ phải đóng cửa đến khi cuộc đình công chấm dứt.

Tính đến nay, khoảng 500.000 lao động Anh, trong đó có nhiều người tới từ khu vực công, đã đình công từ mùa hè năm ngoái, gây áp lực lên Thủ tướng Rishi Sunak và làm gián đoạn các dịch vụ công cộng như đường sắt, giáo dục, y tế...

Kinh tế Anh tiếp tục gặp nhiều khó khăn

Tháng 12/2022, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này ước giảm 0,3% trong quý III/2022, cao hơn so với ước tính trước đó là 0,2%.
Nền kinh tế Anh trong quý III/2022 đã suy giảm sâu hơn ước tính trước đó trong bối cảnh các hộ gia đình tại nước này đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao.

Nhà kinh tế học Gabriella Dickens tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics cảnh báo, nền kinh tế Anh sẽ tiếp tục tụt hậu so với các quốc gia thành viên G7 khác, cho rằng Anh sẽ phải trải qua cuộc suy thoái sâu nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2023 do mức độ nghiêm trọng của những cơn gió ngược từ các chính sách tiền tệ và tài khóa.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, Anh là nền kinh tế phát triển duy nhất được dự báo có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023. 

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), nền kinh tế phải gánh chịu thiệt hại về số ngày làm việc do các cuộc đình công trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11/2022 nhiều hơn so với bất kỳ giai đoạn nào trong 30 năm trước đó. Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho biết, lạm phát lương thực ở Anh đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới 16,7% trong 4 tuần đầu tiên của năm 2023.

Theo phân tích của Bloomberg Economics, nền kinh tế Anh hiện thấp hơn khoảng 4% so với mức nếu nước này ở lại EU. Kinh tế Anh đã mất khoảng 100 tỷ bảng Anh (124 tỷ USD) mỗi năm sau khi chính thức rời khỏi EU năm 2020. Brexit đã làm giảm 20% lượng trao đổi thương mại giữa Anh và EU và dù đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine có gây ra những tác động tiêu cực thì cũng chỉ trong ngắn hạn, trong khi tác động của Brexit sẽ kéo dài.

Ngọc Trang (Tổng hợp) 
.
.