Nước Mỹ bên bờ vực vỡ nợ

Thứ Hai, 29/05/2023, 16:47

Nếu Quốc hội và Nhà Trắng không đạt được thỏa thuận về trần nợ công trước ngày 1/6, Mỹ sẽ vỡ nợ kỹ thuật. Giới chuyên gia cảnh báo điều này sẽ dẫn tới những hệ lụy thảm khốc đối với nền kinh tế Mỹ và “hiệu ứng domino” đối với kinh tế toàn cầu. Vậy có lối thoát nào cho nước Mỹ và giúp nền kinh tế thế giới tránh được những rủi ro hay không?

Còn chưa đầy hai tuần nữa là đến ngày 1/6, thời hạn mà Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo rằng chính phủ liên bang có thể không trả được tất cả các khoản nợ của mình. Trên NBC ngày 21/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã tái khẳng định điều này khi nói rằng ngày 1/6 vẫn là một “thời hạn khó khăn”, đồng thời nói thêm rằng “khả năng cầm cự được đến ngày 15/6, trong khi có thể thanh toán tất cả các khoản nợ của chúng ta, là khá thấp”.

Theo tờ “Economist”, trước đây Mỹ từng phải đối mặt với những thời hạn như vậy, khiến các nhà quan sát tin rằng họ sẽ một lần nữa nâng trần nợ công vào phút cuối. Tuy nhiên, các chính trị gia hiện khó tính hơn so với những lần bế tắc trước đây và không ai có thể nói chắc được điều gì. Hai bên vẫn còn chia rẽ sâu sắc về cách thu hẹp thâm hụt ngân sách liên bang, trong đó các nghị sỹ Dân chủ cho rằng những người có thu nhập cao và giới doanh nghiệp nên nộp nhiều tiền thuế hơn, còn các nghị sỹ Cộng hòa lại muốn cắt giảm chi tiêu.

Nước Mỹ bên bờ vực vỡ nợ -0
Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen cho rằng việc không tăng trần nợ công sẽ buộc chính phủ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn.

Trong khi đó, hiện tại, Mỹ đang có các luật chi tiêu mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, vào tháng 12/2021, Quốc hội đã cho thông qua dự luật với một câu duy nhất, cho phép tăng trần nợ công lên một con số mà sẽ sớm không còn đủ để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của Mỹ. Tuy nhiên, một năm sau, vào tháng 12/2022, Quốc hội đã ban hành một luật chi tiêu rất chi tiết - Đạo luật phân bổ ngân sách hợp nhất năm 2023. Luật công này, dài 1.653 trang, quy định các khoản ngân sách hằng năm của Quốc hội cho hầu hết các cơ quan và chương trình liên bang, cũng như yêu cầu các khoản thanh toán từ Bộ Tài chính cho các chương trình phúc lợi (ngoại trừ những chương trình được phân bổ vĩnh viễn). Vậy Tổng thống Biden phải hành động ra sao để hoàn thành nhiệm vụ “chăm lo để luật pháp được thực thi một cách trung thực”, được quy định trong Điều II, Mục 3 của Hiến pháp Mỹ.

Charles S. Konigsberg, J.D. - một chuyên gia về luật tài chính, từng là cố vấn của Ủy ban Tài chính Thượng viện chịu trách nhiệm soạn thảo luật trần nợ công - cho rằng có hai quy tắc xây dựng luật định cần tuân thủ. Đầu tiên, khi hai luật xung đột, luật mới hơn sẽ thắng thế, đây là “quy tắc về thời gian gần nhất”. Thứ hai, khi hai luật xung đột, luật cụ thể sẽ thắng thế so với luật chung chung, đây là “quy tắc chung-cụ thể”.

 Dựa trên cả hai nguyên tắc, theo luật, Tổng thống Biden phải ưu tiên cho các khoản phân bổ cụ thể được ban hành vào tháng 12/2022 so với đạo luật chung về việc nâng mức trần nợ công được ban hành một năm trước đó. Trách nhiệm theo Hiến pháp của tổng thống trong việc thực thi các luật phân bổ ngân sách hiện hành được hỗ trợ thêm bởi Đạo luật Kiểm soát tịch thu năm 1974, khiến cho tổng thống không được phép giữ lại các khoản chi tiêu đã được Quốc hội ban hành, trừ khi Quốc hội ban hành các bãi bỏ cụ thể đối với thẩm quyền ngân sách. Không có quy chế hay tuyên bố nào về ý định lập pháp cho thấy Quốc hội có ý định hủy bỏ bất kỳ điều khoản nào của luật phân bổ ngân sách tháng 12/2022.

Còn việc chi tiêu cho các chương trình được phân bổ vĩnh viễn như An sinh xã hội và Medicare, trong đó các khoản phân bổ đã được ban hành trước khi mức trần nợ công được đưa ra thì sao? Ở đây cũng vậy, tổng thống được yêu cầu thực thi một cách trung thực các luật đã được ban hành mà có tính cụ thể cao hơn nhiều so với luật trần nợ công chung chung hơn. An sinh xã hội và Medicare được ban hành trong Đạo luật An sinh xã hội với các đảm bảo pháp lý cụ thể rằng Bộ Tài chính sẽ thanh toán các khoản trợ cấp cụ thể cho những người thụ hưởng đủ điều kiện và cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế thay mặt cho những người thụ hưởng. Nghĩa vụ theo luật định của tổng thống trong việc thanh toán những khoản trợ cấp cụ thể này sẽ quan trọng hơn ngôn ngữ chung của luật trần nợ công.

Các khoản thanh toán lãi cho chứng khoán kho bạc (Các khoản nợ chịu lãi của chính phủ Mỹ được Bộ Tài chính phát hành như một phương tiện vay để đáp ứng chi tiêu của chính phủ không được trang trải bằng khoản thu từ thuế) cũng được phân bổ vĩnh viễn. Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc huy động tiền mặt cần thiết để trả lãi được quy định rõ ràng trong Tu chính án thứ 14 như sau: “Tính hợp lệ của khoản nợ công của Mỹ… không được phép bị nghi ngờ”.

Tất nhiên, kết quả tốt nhất sẽ là Đạo luật Ngân sách trong hai năm được lưỡng đảng ủng hộ, tương tự như các luật được ban hành 4 lần trong thập kỷ qua (vào năm 2013, 2015, 2018 và 2019). Tuy nhiên, nếu không thể đạt được thỏa thuận do bế tắc chính trị, trách nhiệm theo Hiến pháp của tổng thống là rõ ràng: tổng thống phải “thực hiện trung thực” các khoản phân bổ được ban hành vào năm 2022 và các khoản thanh toán phúc lợi được đảm bảo cụ thể trong Đạo luật An sinh xã hội và các đạo luật phúc lợi tương tự.

Nếu Quốc hội Mỹ muốn đặt điều kiện cho các đạo luật chi tiêu này dựa trên việc tăng trần nợ công, họ có thể làm như vậy bằng cách chỉ cần thêm một điều khoản rằng “chi tiêu theo luật này sẽ tùy thuộc vào khả năng huy động ngân sách theo giới hạn nợ công đã được quy định”. Nhưng không có từ ngữ nào trong bất kỳ đạo luật nào trong số các đạo luật phân bổ ngân sách hoặc đạo luật về phúc lợi đề cập đến điều kiện đó, trong khi Đạo luật Kiểm soát tịch thu bắt buộc điều ngược lại: tổng thống phải thực thi luật chi tiêu đã được Quốc hội ban hành trừ khi Quốc hội hủy bỏ nó - điều mà Quốc hội Mỹ đã không làm.

 Những ồn ào hỗn độn lặp đi lặp lại về trần nợ công mà người dân Mỹ và các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang phải hứng chịu cần phải dừng lại. Đã đến lúc Tổng thống và Bộ Tư pháp phải làm rõ rằng Tổng thống có nghĩa vụ theo Hiến pháp và theo luật định để thực thi các luật về chi tiêu và phúc lợi của Quốc hội Mỹ.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.