Ông Boris Johnson từ chức

Thứ Bảy, 09/07/2022, 10:10

Ngày 7-7, sau nhiều tháng vật vã với cuộc điều tra về các vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại số 10 Phố Downing, ông Boris Johnson đã tuyên bố từ chức Thủ tướng Anh. Một cuộc đua thay thế ông cũng bắt đầu.

Trong một bài phát biểu ở phố Downing hôm 7-7, ông Johnson không bày tỏ sự hối hận cũng không đưa ra bình luận gì về những sai lầm của mình. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ tiếp tục lên tiếng yêu cầu ông Johnson ra đi ngay lập tức, không đợi đến khi bầu lãnh đạo mới của đảng. Đây là tình huống từ chức gay gắt nhất lịch sử nước Anh trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI. Ông Johnson sẽ tiếp tục tạm quyền trong khi một thủ tướng khác được chọn. Phát biểu tại cuộc họp nội các lâm thời vừa tập hợp vội, ông Johnson cho rằng sẽ không  có bất cứ chính sách mới nào được đưa ra từ nay cho đến khi chuyển giao quyền lực cho chính phủ mới.

Ông Boris Johnson từ chức -0
Ông Boris Johnson.

Ngày 7-7 đầy kịch tính bắt đầu với việc có thêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Michelle Donelan từ chức, nối dài chuỗi từ chức của hàng loạt bộ trưởng nội các trong mấy ngày qua là động thái phản đối ông Johnson. Song song với đó là việc nhiều nghị sĩ “hàng ghế sau” cũng đồng loạt tuyên bố không tiếp tục ủng hộ ông Johnson.

Trước tình hình này, ông Johnson đã điện thoại cho ông Graham Brady - Chủ tịch Ủy ban 1922 ở Hạ viện thừa nhận việc mình đang mất đi sự ủng hộ của đảng trong nghị viện và thông báo việc mình sẽ từ chức Thủ tướng Anh. Như vậy là sau nhiều tháng gây tranh cãi ồn ào, cùng với nhiều tiếng nói kêu gọi ông từ chức, ông Johnson cuối cùng cũng tuyên bố ra đi. Nhưng, sự ra đi của ông không êm đẹp như nhiều người tiền nhiệm mà diễn ra khá gay gắt.

Tính thời điểm từ chức, ông Johnson tại nhiệm được tròn 3 năm. Nhiệm kỳ ngắn ngủi của ông được đánh dấu bởi những tranh cãi về các phát ngôn mang tính chất thiếu sự cân nhắc kỹ, thiếu tính chính xác và có phần giống với các phát ngôn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong 3 năm cầm quyền, ông cũng để lại dấu ấn bởi việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (ngày 1-2-2020) sau một cuộc trưng cầu dân ý gây chấn động, tiếp sau đó là loạt đàm phán căng thẳng với nhiều vấn đề gút mắc cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Nổi bật nhất trong nhiệm kỳ ngắn của ông Johnson chính là đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, trong đó nước Anh là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cả về số ca mắc, số ca tử vong và các tác động về kinh tế - xã hội khác do các biện pháp phòng, chống dịch khắt khe, sau đó mới được nới lỏng dần. Nhưng, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về mặt chính trị lại rơi vào chính bản thân Thủ tướng Johnson - người đã chủ trương chống dịch mạnh mẽ nhưng chính mình lại vi phạm những quy định chống dịch do mình ban hành.

Ông Boris Johnson từ chức -0
Ông Tom Tugendhat - ứng viên thay thế ông Johnson.

Loạt bê bối xung quanh vụ việc các cuộc tiệc tùng bên trong số 10 Phố Downing trong thời gian giãn cách xã hội đề chống dịch COVID-19 đã được báo chí phanh  phui và cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Kết quả các cuộc điều tra đã khiến nhiều quan chức trong phủ Thủ tướng Anh bị phạt tiền, kể cả Thủ tướng Johnson cũng bị phạt sau khi có kết luận ông có mặt tại 2 cuộc tiệc. Chính thái độ không thừa nhận sai phạm, không chịu nhận mình có tham gia trong các cuộc tiệc của ông Johnson càng làm cho các nhà điều tra siết mạnh hơn cuộc điều tra và cũng vì thế mà ông Johnson mất dần sự ủng hộ của các thành viên trong đảng Bảo thủ, đầu tiên là thành phần “nổi loạn” trong đảng luôn chống đối ông Johnson, luôn muốn ông rời ghế thủ tướng càng sớm càng tốt, sau đó là lần lượt những người từng ủng hộ ông, các thành viên nội các và nghị sĩ “băng ghế sau” trong Hạ viện. Sự mất uy tín của ông Johnson diễn ra nhanh chóng như núi lở kèm theo nhiều tiếng nói có uy tín kêu gọi ông từ chức trong những ngày đầu tháng 7 là yếu tố cuối cùng thúc đẩy ông Johnson ra đi.

Sự ra đi của ông Johnson để lại một khoảng trống quyền lực cần người xứng đáng lấp vào. Và, một cuộc đua tìm người thay thế ông cũng bắt đầu ngay sau khi ông tuyên bố từ chức. Nadhim Zahawi, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ 2 ngày trước khi tuyên bố từ chức, cũng là một trong những người đã công khai kêu gọi ông Johnson ra đi. Ông Zahawi có một chiến dịch tranh cử lãnh đạo được tổ chức tốt, được chuẩn bị bởi một đồng minh của chuyên gia bầu cử Lynton Crosby.

Ông đã đăng ký một số nghị sĩ ủng hộ mình, bao gồm một số lượng đáng kể những người đã từ chức chính phủ trong vài ngày qua, trong nỗ lực chứng minh rằng ông chỉ ở lại vì lợi ích quốc gia. Các ứng cử viên khác đã gọi điện cho các nghị sĩ trong suốt ngày 7-7 bao gồm Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính và Sajid Javid, Bộ trưởng Bộ Y tế, cả hai đều từ chức hôm 5-7. Nhưng, các nghị sĩ nói rằng một chiến dịch được tổ chức tốt khác thuộc về Tom Tugendhat - hiện được coi là ứng viên ưa thích nhất của những người nắm quyền kiểm soát trong đảng Bảo thủ. Ông Tugendhat đã tập hợp một ban chỉ đạo tranh cử gồm những người ủng hộ ông bao gồm cựu bộ trưởng nội các Damian Green và nghị sĩ “bức tường đỏ” Aaron Bell.

Ông Tugendhat xác nhận rằng ông sẽ chính thức ra tranh cử sau khi thảo luận với các đồng minh để xác định xem liệu ông có đủ số lượng nghị sĩ ủng hộ để thực hiện một thách thức hay không. Là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện, người chưa từng phục vụ trong chính phủ, ông Tugendhat cho biết sẽ đề nghị cho đảng một “khởi đầu trong sạch”. Viết trên tờ Daily Telegraph, ông nói: “Tôi đang tập hợp một liên minh rộng lớn gồm các đồng nghiệp sẽ mang lại năng lượng và ý tưởng mới cho chính phủ và cuối cùng là cầu nối cho sự chia rẽ Brexit đã thống trị lịch sử gần đây của chúng ta”.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.