Phía sau những lời hứa hẹn

Thứ Năm, 14/10/2021, 09:39

Các cuộc thảo luận với Taliban diễn ra trong ngày 9 và 10 vừa qua được Đánh giá là “đã diễn ra một cách thẳng thắn, chuyên nghiệp”. Song, Washington vẫn nhấn mạnh: Nước Mỹ sẽ đánh giá lực lượng hiện đang nắm quyền kiểm soát Afghanistan này dựa trên những hành động, chứ không chỉ là lời nói. Bởi vậy, mọi tiến trình thương thảo hướng đến bình thường hóa quan hệ vẫn ở điểm khởi đầu.

Cho một lần đầu tiên

Trước thềm cuộc đàm phán tại Doha - cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các đại diện của nước Mỹ với Taliban, kể từ khi phong trào Hồi giáo này tiến vào Kabul và giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8, Sonia Ghezali - một phóng viên thời sự quốc tế cộng tác với các hãng thông tấn phương Tây tại khu vực - nhận định: “Theo những phát biểu gần đây của một số quan chức nhà nước, đối với Mỹ, cuộc đàm phán lần này có 4 mục tiêu. Đầu tiên, Mỹ muốn thúc đẩy Taliban thành lập một chính phủ mở rộng cho nhiều phe phái, điều vẫn chưa hiện hữu với chính phủ lâm thời của Taliban hiện nay.

Một điểm khác mà phái đoàn Mỹ muốn nhấn mạnh: Đó là việc tôn trọng các quyền của người Afghanistan, đặc biệt là quyền của trẻ em gái và phụ nữ. Phụ nữ Afghanistan vẫn chưa được phép làm việc tại các văn phòng chung, kể cả trong bộ máy chính phủ. Sau đó, Washington hy vọng thuyết phục Taliban mở đường cho các tổ chức nhân đạo tại những vùng đang gặp khó khăn, trong bối cảnh Afghanistan đối diện với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Sau cùng, Washington cũng muốn được bảo đảm là những công dân Mỹ và những người Afghanistan nào đã giúp đỡ quân đội Mỹ sẽ có thể rời đất nước một cách an toàn”.

Phía sau những lời hứa hẹn -0
Cộng đồng quốc tế cần những hành động chứ không chỉ là những lời hứa hẹn.

Còn về phía Taliban, họ theo đuổi những mục tiêu nào? Sonia phân tích: “Taliban muốn tái khẳng định quyền lực và kêu gọi Mỹ không nên gây bất ổn cho chính phủ của họ, theo như lời Bộ trưởng Ngoại giao của Taliban. Tháng 9 vừa qua, Taliban đe dọa Mỹ sẽ gánh lấy hậu quả nếu vẫn tiếp tục điều máy bay do thám không người lái bay trên không phận Afghanistan. Đối với phe Taliban, một trong những thách thức lớn hiện nay là việc gỡ phong tỏa viện trợ nước ngoài, khi đang chìm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Chương trình Lương thực Thế giới (FAO) cho biết: Trong ngắn hạn, hơn 14 triệu người dân Afghanistan có nguy cơ bị đói”.

Nghĩa là, trước khi những cuộc thảo luận diễn ra tại Doha, cả hai phía đều đề ra những mục tiêu nhằm bảo vệ lợi ích thiết thực của chính mình, dựa trên bối cảnh thực tế. Một cách ngắn gọn, bối cảnh hiện tại bao gồm rất nhiều khó khăn mà Taliban phải đối mặt, trong khi Washington rõ ràng là muốn tận dụng những khó khăn ấy, biến chúng thành lợi thế trên bàn đàm phán cũng như các hành động thực tế tiếp nối.

Phía sau những lời hứa hẹn -0
Hội đàm Doha - một dấu mốc lịch sử.

Cuộc chiến không tiếng súng

Hiện tại, rõ ràng là có những những thách thức to lớn đang đặt ra đối với Taliban, sau khi giành lại quyền lực - những vấn đề mà có lẽ họ cũng chưa hình dung được hết, cũng như chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Đó là những vấn đề ở lĩnh vực quản trị quốc gia, hoàn toàn khác so với những thách thức mà Taliban đã vượt qua trong suốt 20 năm không rời tay súng.

Ví dụ, ngoài nạn đói mà FAO đề cập, Afghanistan còn có nguy cơ lâm vào một cuộc khủng hoảng khác, liên quan mật thiết đến đời sống xã hội: Khủng hoảng năng lượng. Đầu tháng 10 này, cùng với tình trạng khan hiếm tiền mặt và khủng hoảng tiền tệ quốc gia, đất nước Nam Trung Á ấy còn có thể bị thiếu điện, do không có khả năng thanh toán các hóa đơn.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời cựu Giám đốc điều hành Công ty Điện lực nhà nước - ông Daud Noorzai cho rằng nguy cơ thiếu điện có thể ập tới ngay trước mùa đông khắc nghiệt, để trở thành một kiểu “thảm họa nhân đạo”. “Hậu quả sẽ xảy ra trên toàn quốc. Nhưng, hậu quả lớn nhất là nếu Kabul xảy ra mất điện, nó sẽ đưa Afghanistan trở lại thời kỳ đen tối” - ông Noorzai, người đã từ chức 2 tuần sau khi Taliban tiến vào Kabul nhưng vẫn nắm được nhiều thông tin quan trọng, cảnh báo.

Phía sau những lời hứa hẹn -0
Không thể không nhắc đến nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo.

Như ông hé lộ, hiện tại, một nửa lượng điện năng tiêu thụ của Afghanistan được nhập khẩu từ Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan, trong khi Iran cũng cung cấp điện cho các vùng phía Tây của đất nước này. Các nhà máy thủy điện bị ảnh hưởng do hạn hán, cùng với việc điện từ mạng lưới quốc gia chưa được bao phủ đầy đủ ở các khu vực là 2 trong nhiều nguyên nhân khiến thủ đô Kabul phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ các nước Trung Á khác. Và bây giờ, các nhà cung cấp quốc tế đòi hỏi chính quyền mới phải thanh toán các hóa đơn thì mới tiếp tục được sử dụng điện.

Vấn đề là, nền kinh tế của Afghanistan xem như đã bị tổn thương trầm trọng bởi những hệ lụy của chiến sự cũng như quá trình “thay triều đổi đại” trong hỗn loạn đã và đang diễn ra. Ngân khố của quốc gia này, có thể nói, đã gần như trống rỗng, với những khoản dự trữ đã bị đóng băng tại các ngân hàng nước ngoài.

Để chữa lành những vết thương và vực dậy nền kinh tế, nhằm tránh những chấn động tiêu cực trong xã hội, Afghanistan tất nhiên cần nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, cần những nhà đầu tư, cần những nguồn vốn và các dự án hợp tác tái thiết.

Phía sau những lời hứa hẹn -0
Afghanistan dưới thời Taliban đối diện rất nhiều khó khăn.

Song, để có được tất cả những điều đó, đầu tiên, lực lượng đang kiểm soát Afghanistan là Taliban lại phải giành được sự công nhận chính thức từ cộng đồng quốc tế, càng rộng rãi càng tốt. Và sự thừa nhận của Mỹ - quốc gia dẫn dắt phương Tây, cũng là cường quốc kinh tế số 1 thế giới, cũng là đất nước còn vương vấn rất nhiều mối dây liên hệ phức tạp với Afghanistan - là vô cùng quan trọng.

Thế nhưng, kể cả với cuộc hội đàm chính thức mang tính dấu mốc ở Doha, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn khẳng định: Mỹ và các nước phương Tây chưa vội vã công nhận tính hợp pháp của chính quyền Taliban. Rõ ràng, Taliban sẽ phải đáp ứng được không ít điều kiện. Những điều kiện ngặt nghèo.

Những “lễ vật cầu hòa”

Một điểm đáng lưu ý: Cuộc đàm phán tại Doha được khởi động 1 ngày sau cuộc tấn công tự sát đẫm máu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech, nhắm vào một đền thờ ở Kunduz, làm thiệt mạng gần 60 người. Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận hôm 9-10, Taliban vẫn tỏ ra “mập mờ” về việc hợp tác với Washington trong việc ngăn chặn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đang có dấu hiệu hoành hành trở lại tại đất nước này.

Mặc dù vậy, trước đó, theo AP, phía Taliban vẫn bảo đảm với Washington, các nước phương Tây cũng như các quốc gia láng giềng Trung Á rằng họ sẽ không cho phép các lực lượng cực đoan như IS sử dụng lãnh thổ của mình để triển khai các hành động quá khích chống lại những nước khác. Đây có thể xem là món “lễ vật cầu hòa” đầu tiên và quan trọng nhất mà Taliban đặt xuống trước cộng đồng quốc tế. Và có lẽ, sự “thiện chiến” cũng như quyền kiểm soát thực tế mà Taliban đã áp đặt thành công lên Afghanistan bằng phương thức vũ trang là một trong những nguyên nhân khiến Thủ tướng nước láng giềng Pakistan - ông Imran Khan cho rằng chuyện Taliban cần phải được công nhận là lực lượng hợp pháp lãnh đạo Afghanistan chỉ còn là “chuyện sớm muộn”.

Ngày 11-10, sau khi cuộc đàm phán khép lại, quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi kêu gọi: “Cộng đồng quốc tế cần bắt đầu hợp tác với chúng tôi. Với điều này, chúng ta có thể ngăn chặn các sự bất an, đồng thời chúng tôi có thể tham gia tích cực với thế giới”.

Tuy nhiên, thực tế là không chỉ nước Mỹ, cho đến hiện tại, hầu như vẫn chưa có quốc gia nào đủ tin tưởng để chìa tay ra trước. Chưa nước nào chính thức công nhận vị thế của Taliban - như những chủ nhân đích thực và hợp pháp của Afghanistan. Đến cả nước Nga - vốn đối lập với Mỹ ở khá nhiều vấn đề địa chính trị quan trọng - cũng thể hiện thông điệp rằng “cách hành xử của chính quyền Taliban” mới là điều kiện tiên quyết để họ được công nhận.

Phía sau những lời hứa hẹn -0
Vụ đánh bom đẫm máu diễn ra chỉ một ngày trước hội đàm Doha.

Và như Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đánh giá: Taliban đã không giữ lời hứa về việc đảm bảo quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, cũng như sẽ không có cách nào để giải quyết khó khăn kinh tế nếu phụ nữ bị cấm làm việc. Những khuôn khổ khắc nghiệt của luật Hồi giáo Saria đang quay trở lại Afghanistan sau 20 năm sẽ bị cộng đồng quốc tế “săm soi” và phán xét, để trở thành những rào cản hội nhập.

Nếu không giải quyết được khúc mắc này bằng những biện pháp thực tế, cho dù có ngăn chặn hữu hiệu IS hay các nhóm cực đoan khác, cũng sẽ rất khó để Taliban bắt đầu xây dựng được một hình ảnh giàu thiện cảm trong mắt thế giới.

Thế giới cần những cam kết chắc chắn và những sự cụ thể hóa các cam kết ấy trong thực tế, chứ không chỉ những lời hứa hẹn. Cho dù, không quốc gia nào muốn để mặc Afghanistan dưới bóng ma của các cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra.

Mây Linh
.
.