SCO tuổi 20 và thông điệp từ Samarkand

Chủ Nhật, 18/09/2022, 10:13

Nhiệm kỳ chủ tịch của Uzbekistan trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) chứng kiến một thời kỳ nhiều biến động, đầy ắp các sự kiện và xu hướng khác nhau - thời kỳ của “rạn nứt lịch sử”, khi kỷ nguyên này kết thúc và kỷ nguyên khác bắt đầu - không thể đoán trước và chưa biết tương lai sẽ như thế nào. Samarkand, thành phố chủ nhà của hội nghị, được kỳ vọng sẽ mở ra một chương khác trong câu chuyện thành công của SCO.

Mô hình hợp tác khu vực thành công

Hợp tác quốc tế đáp ứng lợi ích của tất cả mọi người không thể thực hiện được nếu không có các thể chế đa phương. Mặc dù có những thiếu sót nhất định, các thể chế đa phương vẫn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt quan trọng đối với sự hợp tác giữa các quốc gia, ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Các tổ chức quốc tế và khu vực giúp các nước vượt qua những khác biệt và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, phát triển hợp tác chính trị và kinh tế, mở rộng thương mại, thúc đẩy giao lưu văn hóa và nhân đạo. Đây chính là những mục tiêu và nhiệm vụ mà SCO - một trong những thể chế đa phương non trẻ nhất - đang theo đuổi.

Trên thực tế, SCO là một cơ cấu liên quốc gia độc đáo, giúp gắn kết các quốc gia có các quy tắc văn hóa và văn minh khác nhau, các đường lối chính sách đối ngoại và mô hình phát triển quốc gia riêng biệt. Trong một giai đoạn lịch sử tương đối ngắn, SCO đã đi được một chặng đường dài, trở thành bộ phận cấu thành của trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu hiện đại.

Ngày nay, SCO là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới, quy tụ không gian địa lý rộng lớn và khoảng một nửa dân số toàn cầu. Chìa khóa tạo nên sức hấp dẫn quốc tế của SCO là tư cách phi khối, tính cởi mở, không chống lại các nước thứ ba hoặc các tổ chức quốc tế, bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của tất cả các bên tham gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, ngăn chặn các hành vi đối đầu, đối kháng chính trị và sự cạnh tranh không lành mạnh.

SCO tuổi 20 và thông điệp từ Samarkand -0
Biển hiệu Samarkand 2022 được lắp đặt trước Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan.

Bí quyết thành công của SCO là thúc đẩy hợp tác nhiều mặt nhằm đảm bảo an ninh khu vực. Đó là lý do tại sao số lượng các quốc gia sẵn sàng tham gia, hợp tác với SCO đang tăng lên hằng năm và điều này đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh chuyển đổi hệ thống quan hệ quốc tế và khu vực hiện đại.

Giá trị kinh tế của SCO được nâng cao nhờ khả năng tự cung tự cấp trong SCO, nơi có các nền kinh tế đang phát triển năng động với tiềm lực to lớn con người, trí tuệ, công nghệ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn mà phần lớn chưa được sử dụng. Hiện nay, tổng lượng GDP của các quốc gia thành viên SCO chiếm khoảng ¼ GDP toàn cầu. Đây là một đóng góp rất vững chắc cho sự phát triển bền vững toàn cầu của một tổ chức khu vực vừa tròn 20 tuổi.

Trong một thế giới với nhiều thách thức và cơ hội mới, SCO có triển vọng chuyển đổi và tăng trưởng tuyệt vời không chỉ thông qua việc bổ sung số lượng thành viên, mà cả việc mở ra các lĩnh vực chiến lược mới. Đó là giao thông và kết nối, năng lượng, lương thực và an ninh môi trường, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nền kinh tế xanh.

“Tinh thần Samarkand”

Tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch SCO, Uzbekistan đã dựa vào chiến lược thúc đẩy sự phát triển của tổ chức, mở ra những cơ hội hợp tác mới và sử dụng hiệu quả nguồn dự trữ chưa được khai thác mà mỗi quốc gia thành viên sở hữu. Khẩu hiệu của Uzbekistan là “SCO mạnh nếu mỗi chúng ta mạnh”, qua đó giúp tổ chức này mạnh hơn từ bên trong và hấp dẫn hơn đối với các đối tác quốc tế. Trên nền tảng có hơn 80 sự kiện lớn được tổ chức hằng năm, một chương trình nghị sự toàn diện cho SCO đã được hình thành - từ mở rộng hợp tác an ninh, tăng cường kết nối giao thông, kinh tế và xác định vị thế của tổ chức trên trường quốc tế, đến việc tìm kiếm những cách thức phát triển mới.

Sau 3 năm đại dịch khiến mối quan hệ thương mại, kinh tế và công nghiệp bị gián đoạn nghiêm trọng, các quốc gia trong SCO cần liên hệ trực tiếp với nhau. Di sản lịch sử huy hoàng của Samarkand sẽ góp phần tạo nên một chương khác trong câu chuyện thành công của SCO.

Trong nhiều thế kỷ, thành phố này là sợi dây kết nối các quốc gia từ châu Âu với Trung Quốc, kết nối Bắc và Nam, Đông và Tây thành một nút duy nhất. Những phẩm chất đáng quý và độc đáo của Samarkand, cộng với cơ sở hạ tầng hiện đại ngày nay và sự phát triển năng động, khiến thành phố này trở thành nơi thích hợp cho các cuộc thảo luận chung, nhằm tìm kiếm câu trả lời cần thiết cho các thách thức khu vực và toàn cầu.

Chiến lược mở rộng

Hội nghị thượng đỉnh Samarkand là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 6-2019 khi các nhà lãnh đạo SCO gặp nhau tại Bishkek, thủ đô Kyrgyzstan. Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nằm trong số các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị. Một trong những chương trình nghị sự chủ chốt của hội nghị là việc mở rộng số lượng thành viên.

Những người đứng đầu các quốc gia SCO sẽ thông qua bản ghi nhớ về các nghĩa vụ đối với Iran khi nước này tiếp nhận tư cách thành viên SCO. Saudi Arabia, Qatar và Ai Cập sẽ chính thức trở thành những đối tác đối thoại của SCO với việc ký kết các văn kiện liên quan và các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức về việc trao cho Bahrain, Maldives và những quốc gia khác tư cách đối tác đối thoại.

8 quốc gia hưởng tư cách thành viên đầy đủ của SCO gồm: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Pakistan và Ấn Độ; 4 nước - gồm Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ - giữ tư cách quan sát viên; 6 nước - gồm Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Sri Lanka - có tư cách đối tác đối thoại.

Trần Ánh
.
.