Thụy Điển với chiến lược quân sự mới

Thứ Hai, 17/07/2023, 10:25

Trong lúc câu chuyện Thụy Điển và NATO đang được sự chú ý của giới quan sát viên thì bài viết của học giả K.M. Seethi trên trang Eurasiareview cho biết Thụy Điển đang chuẩn bị cải tổ chiến lược quốc phòng của mình trước loạt biến cố mang tính châu lục và toàn cầu vừa qua.

Báo cáo gần đây do Ủy ban Quốc phòng Thụy Điển đệ trình về chính sách an ninh của nước này nhấn mạnh rằng thế giới đang đứng trước thời điểm quan trọng, trật tự thế giới đang phải đối mặt với những thách thức an ninh trước mắt và tiềm tàng.

Báo cáo nêu rõ, Thụy Điển cần phải ưu tiên phát triển lâu dài khả năng phòng thủ toàn diện của mình. Điều này bao gồm khả năng bảo vệ lãnh thổ trước xâm lược vũ trang, phù hợp với khuôn khổ phòng thủ tập thể của NATO. Ủy ban cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể leo thang và có khả năng liên quan đến các cuộc tấn công vào các quốc gia khác hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

 Thay đổi về nhận thức an ninh

Năm 2022, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói rằng nước này đang ở trong “tình thế an ninh nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II khi một cường quốc châu Âu tiến hành chiến tranh chống lại một quốc gia láng giềng. Trọng tâm của chính phủ là bảo vệ các giá trị dân chủ và lợi ích của Thụy Điển”. Trong phần mô tả nhiệm vụ, chính phủ mới thiết lập chính sách gồm 4 phần: 1) Thụy Điển sẽ gia nhập NATO và thực hiện thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan. 2) Chính sách đối ngoại phải bảo vệ lợi ích của Thụy Điển và thúc đẩy các giá trị dân chủ. 3) Lực lượng vũ trang sẽ được tăng cường đầu tư với ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc gia (GNP) vào năm 2026 và 4) Hỗ trợ cho Ukraine sẽ được tăng lên.

Thụy Điển với chiến lược quân sự mới -0
Binh lính Thụy Điển triển khai tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế tại Afghanistan.

Tobias Billstrom, tân Ngoại trưởng Thụy Điển tuyên bố chấm dứt chính sách đối ngoại nữ quyền của Thụy Điển, nói rằng chính sách đối ngoại của đất nước nên ưu tiên các lợi ích và giá trị của Thụy Điển, đồng thời cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của chính phủ.

Thụy Điển, giống như nhiều quốc gia phương Tây, đã giảm bớt khả năng phòng thủ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng lại tăng chi tiêu quân sự trong nhiều năm trở lại đây. Nước này đặt mục tiêu đáp ứng yêu cầu của NATO là phân bổ 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2026. Các cuộc thảo luận bắt đầu nhằm xây dựng kế hoạch quốc phòng dài hạn, bao gồm phân bổ ngân sách, với báo cáo cuối cùng dự kiến vào tháng 4 năm sau. Việc gia nhập NATO sẽ đánh dấu sự rời bỏ vị thế trung lập chính thức lâu nay của Thụy Điển, mặc dù nước này đã tham gia các cuộc tập trận huấn luyện với các lực lượng NATO.

Vào tháng 3/2023, các nhà lập pháp của Thụy Điển đã tán thành tư cách thành viên của quốc gia này trong NATO, phê duyệt luật cần thiết và chính thức mở đường cho Thụy Điển tham gia nhóm an ninh quân sự Bắc Âu này. Đường lối chính sách quốc phòng của Thụy Điển độc đáo, tương tự như Phần Lan. Không giống như các thành viên khác của NATO, cả Thụy Điển và Phần Lan có truyền thống theo đuổi chính sách trung lập trong các vấn đề an ninh và đối ngoại. Tuy nhiên, cả hai đang dần tăng cường hợp tác với phương Tây về chính sách quốc phòng. Nhận thấy bối cảnh an ninh biến động, Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy đã ký một thỏa thuận cho thấy hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa họ. Thỏa thuận này phản ánh lợi ích chung của họ và nhu cầu tăng cường hợp tác trước những thách thức an ninh khu vực đang gia tăng.

Chiến lược Bắc Cực

Chiến lược Bắc Cực của Thụy Điển, một quốc gia trong vùng High North, lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2011 đã hạ thấp các khía cạnh quân sự của chính trị quốc phòng và an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, chiến lược mới nhất cho biết “biến đổi khí hậu nghiêm trọng trong thập kỷ qua và thực tế địa chiến lược mới trong khu vực đồng nghĩa với những thách thức lớn hơn và hoàn cảnh thay đổi đối với chính sách Bắc Cực của Thụy Điển”.

Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Bắc Cực, Thụy Điển cũng đồng thời thừa nhận khả năng xảy ra xung đột quân sự ở High North, phù hợp với quan điểm của các quốc gia Bắc Cực khác. Thụy Điển dự định giải quyết vấn đề này thông qua các nỗ lực ngoại giao, đồng thời tăng cường khả năng quân sự ở miền Bắc nước này. Cơ sở lý luận đằng sau cách tiếp cận này bao gồm căng thẳng quốc tế gia tăng, các hoạt động quân sự gia tăng trong khu vực, khả năng xảy ra chạy đua vũ trang, tình trạng bất ổn toàn cầu và nguy cơ các sự cố leo thang thành xung đột quân sự. Quyết định ưu tiên những lo ngại này của Thụy Điển nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Định hướng chính sách an ninh cập nhật trong chiến lược Bắc Cực của Thụy Điển bị ảnh hưởng bởi các khuyến nghị do Ủy ban Quốc phòng Thụy Điển đưa ra. Trong năm vừa qua, diễn đàn hợp tác này đã nhấn mạnh rằng chính sách an ninh của Thụy Điển cần vượt ra ngoài khu vực phía Nam của đất nước, bao gồm các khu vực ở High North, bao gồm biển Barents và biển Na Uy.

Lãnh thổ Bắc Cực của Thụy Điển chủ yếu bao gồm 2 quận cực Bắc là Vasterbotten và Norrbotten. Mặc dù khu vực này chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích đất nước Thụy Điển, nhưng đây chỉ là nơi sinh sống của hơn nửa triệu dân, khiến mật độ dân cư của khu vực này thấp hơn đáng kể so với các khu vực phía Nam của đất nước. Dân số thưa thớt hơn ở lãnh thổ Bắc Cực làm nổi bật các đặc điểm địa lý và nhân khẩu học độc đáo của khu vực phía Bắc này.

Nghiên cứu gần đây của Lực lượng vũ trang Thụy Điển về vai trò chiến lược đang thay đổi của Thụy Điển phản ánh sự chú trọng ngày càng tăng đối với các cân nhắc về địa chính trị trong giới tinh hoa và những người ra quyết định của đất nước. Tướng Micael Bydén, Tư lệnh Tối cao của Thụy Điển, đã đề xuất thành lập một đơn vị quân đội mới tại thành phố Kiruna ở Bắc Cực. Lý do đằng sau đề xuất của tướng Bydén là thực tế địa chính trị đã thay đổi trong khu vực và quyết định theo đuổi tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.