Xúc tiến thành lập một “OPEC rừng nhiệt đới”
Bắt nguồn từ cuộc bầu cử đưa ông Lula Da Silva trở lại làm Tổng thống Brazil, 3 quốc gia gồm Brazil, Indonesia và Cộng hòa dân chủ Congo (DRC), chiếm một nửa diện tích rừng nhiệt đới của thế giới, cam kết sẽ nỗ lực bảo tồn mạnh mẽ hơn đối với diện tích rừng nhiệt đới còn lại trên thế giới.
Để làm được điều đó, Brazil, Indonesia và DRC đang đàm phán để thành lập một liên minh chiến lược để phối hợp trong việc bảo tồn rừng nhiệt đới, một tổ chức được ví như “OPEC rừng nhiệt đới”.
Bảo tồn rừng nhiệt đới Amazon đang trở thành nhu cầu cấp bách không chỉ của Brazil mà của toàn thế giới, bởi đó là công việc bảo vệ “lá phổi của Trái đất”. Sau 4 năm dưới các chính sách điều hành của Tổng thống Jair Bolsonaro, rừng Amazon của Brazil đã bị tàn phá nghiêm trọng đến mức các nhà khoa học gọi sự tàn phá đã “đến ngưỡng” nguy hiểm của thảm họa.
Nạn phá rừng ở Amazon, có xu hướng tăng lên trong những năm qua, đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2022. Bolsonaro đã loại bỏ các biện pháp bảo vệ hợp pháp đối với một số loại lãnh thổ bản địa, bao gồm cả những lãnh thổ đang được nghiên cứu và chờ công nhận, nâng cao sự giám sát của quốc tế và ngừng tài trợ cho các sáng kiến toàn cầu.
Việc người dân Brazil bầu ông Lula Da Silva làm tổng thống có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nỗ lực bảo vệ “lá phổi” Amazon. Carlos Nobre, một nhà khoa học hệ thống Trái đất người Brazil và là đồng Chủ tịch Hội đồng Khoa học Amazon (SPA), cho biết sự kiện thắng cử của ông Lula Da Silva là một cơ hội quan trọng để bảo tồn rừng nhiệt đới. Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đắc cử, ông Lula Da Silva đã cam kết đấu tranh không để nạn phá rừng tiếp diễn ở Amazon. Ông cho biết các chính phủ trước đây do ông lãnh đạo đã có thể giảm nạn phá rừng ở Amazon tới 80%. Vì vậy, chính quyền mới của ông sắp tới sẽ tiếp tục giám sát để chống lại các hoạt động khai khẩn và các hoạt động bất hợp pháp trong khu vực như khai thác mỏ, khai thác gỗ hoặc sản xuất nông nghiệp không phù hợp. Đồng thời, ông Lula Da Silva cho biết sẵn sàng hợp tác với quốc tế để bảo vệ rừng bằng cách thúc đẩy các khoản đầu tư và nghiên cứu khoa học với điều kiện đặt dưới sự lãnh đạo của Brazil.
Trong khi đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc (Cop27) tại Ai Cập, Colombia đề xuất thành lập một “Khối Amazon lớn”. Bộ trưởng Môi trường và Phát triển bền vững Colombia Susana Muhammad cho biết: “Chúng tôi sẽ kêu gọi tất cả các bộ trưởng môi trường và các nhà lãnh đạo của các nước Amazon trong vùng tổ chức một cuộc họp trong khuôn khổ COP để thành lập khối Amazon này, có ảnh hưởng toàn cầu. Không chỉ hợp tác giữa chúng tôi, mà chúng tôi phải đoàn kết như một khối Amazon để nó thực sự trở thành công việc của thế giới để tiết kiệm nguồn tài nguyên to lớn này”.
Cũng từ động lực thôi thúc sau khi ông Lula Da Silva thắng cử, Bộ trưởng Môi trường Na Uy Espen Barth cho biết Na Uy mong muốn thảo luận với chính phủ sắp tới của Brazil về các bước cần thiết để mở lại Quỹ Amazon, một sáng kiến bảo tồn quốc tế được thành lập cùng với CHLB Đức vào năm 2008. Quỹ này sau đó đã bị tạm dừng hoạt động cách đây 2 năm để phản đối các chính sách của ông Jair Bolsonaro, vốn đã làm gia tăng nạn phá rừng Amazon. Quỹ Amazon do Ngân hàng phát triển BNDES của Brazil quản lý, được thành lập để quyên góp dành cho các khoản đầu tư không hoàn lại vào việc ngăn chặn, giám sát và chống phá rừng. Việc khôi phục hoạt động quỹ này sẽ là một bước đi quan trọng góp phần hỗ trợ, cùng với ông Lula Da Silva thúc đẩy các nỗ lực chống phá rừng.
Các quốc gia có rừng nhiệt đới đưa ra các đề xuất chung về thị trường carbon và tài chính, một điểm gắn bó lâu năm tại các cuộc đàm phán về khí hậu và đa dạng sinh học của Liên hợp quốc, như một phần của nỗ lực khuyến khích các quốc gia phát triển tài trợ cho việc bảo tồn của họ, đây là chìa khóa để giảm sự nóng lên toàn cầu khoảng 1,5 độ C.
Brazil, Indonesia và DRC là nơi có 52% diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh còn lại của thế giới, là những khu vực quan trọng để tránh thảm họa khí hậu. Rừng nhiệt đới nguyên sinh tại 3 quốc gia này bao gồm lưu vực sông Amazon, vùng trũng Congo và các khu rừng ở Borneo và Sumatra, vốn đang bị đe dọa bởi khai thác gỗ thương mại và khai thác bất hợp pháp. Dữ liệu từ tổ chức Global Forest Watch cho thấy Brazil, DRC và Indonesia nằm trong số 5 quốc gia mất rừng nguyên sinh hàng đầu vào năm 2021, với 11,1 triệu ha cây che phủ bị mất ở vùng nhiệt đới vào năm ngoái. Đó là lý do để các quốc gia này ký một thỏa thuận tại COP26 ở Glasgow để ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng vào năm 2030.
Cũng tại COP26 ở Glasgow năm ngoái, 3 sáng kiến lớn để bảo vệ rừng trên thế giới đã được đưa ra: Cam kết của hơn 140 nhà lãnh đạo thế giới nhằm ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng, thành lập một nhóm làm việc gồm các nhà sản xuất và tiêu thụ hàng hóa liên quan đến nạn phá rừng và một cam kết của các nhà sản xuất hàng hóa lớn như đậu nành, dầu cọ, ca cao và gia súc để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của họ với mục tiêu giảm sự nóng lên toàn cầu.
Ông Lula Da Silva cho biết, liên minh chiến lược không chỉ dừng lại ở 3 quốc gia cam kết thỏa thuận ban đầu, mà còn có thể mở rộng ra nhiều nước trên thế giới, nơi có diện tích rừng nhiệt đới hay những cánh rừng nguyên sinh khác cần bảo vệ, trước mắt một quốc gia có thể tham gia liên minh như Peru, Colombia,...