Đại biểu các nước tụ về Hà Nội bàn thảo về Ấn Độ Dương
Tối 27-8, tại Hà Nội, phiên khai mạc Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba đã diễn ra với chủ đề “Hướng tới xây dựng cấu trúc an ninh khu vực” do Quỹ Ấn Độ (India Foundation) phối hợp với Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức.
Diễn ra trong hai ngày 27 và 28 tháng 8, hội thảo có sự tham dự của gần 300 đại biểu, bao gồm các đoàn cấp Thủ tướng, Bộ trưởng và các quan chức cấp cao từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; 60 đại biểu từ gần 30 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; gần 100 quan chức, học giả Việt Nam và 70 phóng viên thuộc nhiều hãng tin trong và ngoài nước.
Hội thảo bao gồm các phiên trao đổi giữa cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao các nước và thảo luận kênh học giả, nhằm hướng tới việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển cũng như tính kết nối của khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á – Thái Bình Dương thông qua thảo luận các vấn đề kinh tế, thương mại, an ninh trong cấu trúc khu vực đang định hình, từ đó đề xuất các nội dung hợp tác giữa các nước liên quan về xây dựng lòng tin, tôn trọng các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, quản trị biển và xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: “Hai đại dương được gắn kết không chỉ về mặt địa lý, mà còn qua sự tương tác thường xuyên với nhau trên nhiều lĩnh vực. Ngày nay, mối quan hệ giữa hai đại dương này đang ngày càng lớn mạnh”.
Các diễn giả tham gia phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo. Ảnh: VOV |
Tiếp nối ý kiến này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dân số Nepal Upendra Yadav cho rằng dù hội tụ những nền kinh tế phát triển nhanh bậc nhất, nhưng Ấn Độ Dương lại là một trong những khu vực phức tạp nhất thế giới với những thách thức đa dạng, bao gồm tội phạm xuyên quốc gia, an ninh, an toàn hàng hải, phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đánh giá khu vực vẫn còn nhiều tiềm năng có thể khai thác, trong đó thương mại trên biển vẫn là một ưu thế vượt trội đối với các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra Ấn Độ Dương cũng có vị trí quan trọng trên tuyến đường hàng hải quốc tế.
Các đại biểu đều chia sẻ ý kiến về tầm quan trọng của việc xây dựng một cấu trúc khu vực mang tính bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, với vai trò trung tâm của ASEAN, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, tạo điều kiện xây dựng lòng tin và thúc đẩy các bên cùng có lợi.
Kết thúc phiên khai mạc, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương là định mệnh của thế kỷ 21, đồng thời, đây chính là thời điểm quan trọng của khu vực để hướng đến biển và đây cũng là cơ hội để Châu Á thúc đẩy mô hình của mình. Ông cho rằng trật tự hàng hải khu vực cần mang tính bao trùm với nền tảng là chủ nghĩa đa phương cùng với sự tham gia của tất cả các nước trong khu vực.
Được biết, trước phiên khai mạc, ba phiên thảo luận khoa học cũng đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia và học giả uy tín. Tại phiên về cấu trúc an ninh khu vực, các đại biểu chia sẻ nhiều ý tưởng đa dạng song đều thống nhất rằng luật pháp quốc tế, tính mở và bao trùm là nền tảng cho việc hợp tác giữa các quốc gia và xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực bền vững, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Tại phiên về cấu trúc quản trị, nhiều ý kiến cho rằng khu vực đang đối mặt với hàng loạt thách thức lẫn cơ hội đến từ các thay đổi đáng kể trên mọi lĩnh vực, trong đó nổi bật là cạnh tranh Mỹ – Trung đang ngày một rõ rệt. Đồng thời, nhiều đại biểu đánh giá việc xây dựng một cấu trúc quản trị tại khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á – Thái Bình Dương là tương đối khó khăn nhưng sẽ mang lại nhiều cơ hội và thuận lợi cho phát triển bền vững, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.
Tại phiên về thương mại và ổn định khu vực, các đại biểu nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương có vai trò quan trọng về mặt kinh tế, đóng góp tới 68% tổng thương mại toàn cầu. Để duy trì phát triển thương mại và bền vững tại khu vực, các đại biểu đề xuất các quốc gia cần duy trì ổn định an ninh để phát triển kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế bền vững và tăng cường hợp tác khu vực.
Việc đối tác Ấn Độ chọn mời Việt Nam tham gia tổ chức hội thảo không chỉ thể hiện ưu tiên của Ấn Độ trong quan hệ với Việt Nam mà còn phản ánh năng lực kết nối của Việt Nam trong khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, việc tổ chức hội thảo lần này sẽ góp phần cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ; tăng cường hình ảnh Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, có trách nhiệm trong việc xây dựng cấu trúc khu vực và có lợi cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.